San Jose: Ðêm nhạc chủ đề tác giả, tác phẩm
Ngô Thụy Miên & Từ Công Phụng thành công rực rỡ...


SAN JOSE, California - Tháng Bảy, San Jose có gì lạ không em? Có chứ, đâu phải chỉ riêng một tháng Bảy, San Jose mới có những điều lạ mà hầu như ròng rã suốt 52 tuần lễ từ tháng này qua tháng nọ, tuần này sang tuần khác thành phố nhỏ bé đó đều có những chương trình ca nhạc từ bé đến lớn, từ những show chỉ có một hai ca sĩ đến dăm ba ca sĩ hay tới những đêm nhạc hội vĩ đại với hầu như cưu mang đầy đủ tên tuổi lớn của giới ca nghệ sĩ Việt Nam tại hải ngoại.

Ðó là những show nhạc mà chúng tôi gọi là nhà tổ chức đánh "gom bi" để dọn lên một bữa tiệc thật thịnh soạn với những món sơn hào, hải vị mà bảo đảm người xem sẽ "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi", và đó cũng là hình ảnh của đêm nhạc chủ đề tác giả, tác phẩm - tình ca Ngô Thụy Miên & Từ Công Phụng đã được trung tâm Kim Lợi tổ chức vào chiều ngày Thứ Bảy 2 tháng Bảy cuối tuần, tại một trong những đại hí viện lớn tầm cỡ có sức chứa trên hai ngàn khán giả Flint Center, nằm trong khuôn viên của trường Ðại Học De Anza.

Ðêm nhạc chủ đề tình ca Ngô Thụy Miên - Từ Công Phụng quả là một chương trình lớn với sự hội tụ của 10 khuôn mặt ca nghệ sĩ từ gạo cội, tên tuổi đến những ca sĩ trẻ đang "hot" nhất trong làng ca nhạc hải ngoại nhất là tại Hoa Kỳ như nữ danh ca Thái Thanh, Lệ Thu, Ý Lan, Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Quang Tuấn..., và bên cạnh là một dàn nhạc orchestra rất hùng hậu của hơn hai mươi nhạc công có văn bằng, đẳng cấp chuyên môn về âm nhạc dưới sự hướng dẫn của nhạc trưởng Thomas Ngô cùng với sự hiện diện của chính hai tác giả, hai người nghệ sĩ tài hoa Ngô Thụy Miên - Từ Công Phụng đến từ các tiểu bang Washington, Oregon.

Buổi chiều Thứ Bảy - đúng 6 giờ 30 trên những con đường dẫn đến khuôn viên trường Ðại Học De Anza hơn hai ngàn khán giả từ khắp mọi nơi, có những người đến từ Âu châu, hay các tiểu bang xa xôi, hoặc họ đi bằng xe đò, máy bay, tự mình lái xe... Nói chung bằng mọi phương tiện những người khách đến từ phương xa đã tìm mọi cố gắng để cùng với khách địa phương đến tham dự chương trình nhạc thính phòng hoành tráng mà hình như thỉnh thoảng mới được tổ chức, vì là buổi chiều cuối tuần nghỉ lễ Ðộc Lập của nước Mỹ nên hầu như trên khuôn mặt của tất cả những khán giả đến tham dự chương trình nhạc hội chiều hôm ấy đều rất thư giãn, vui vẻ, thoải mái.

Cũng đúng 6 giờ 30, người viết có mặt phía đằng sau hậu trường, lúc đó cả dàn nhạc hình như vẫn còn đang tập dượt một lần cuối với các ca sĩ, lúc ấy phía trước sân của cửa ra vào chính khán giả bắt đầu "get line" để chuẩn bị đi vào bên trong rạp, quả thật đó là một bầu không khí vừa căng thẳng, nhộn nhịp của cả người sắp trình diễn đến người sắp được thưởng thức, cuối cùng đúng 7 giờ thay vì 6 giờ 30 như đã ấn định những ngọn đèn tỏa sáng cuối cùng đã làm mờ lại để chương trình bắt đầu, MC Thanh Tùng duyên dáng trong bộ âu phục trắng toát từ trên xuống dưới, nghe tên đã lâu nhưng phải đến hôm nay mới có dịp gặp gỡ anh, với một giọng nói của người miền Nam đặc sệt, anh bắt đầu giải thích lý do tại sao chương trình phải bắt đầu trễ bởi một vài trục trặc kỹ thuật ngoài ý muốn nên ca sĩ và dàn nhạc phải kéo giờ tập dài thêm một chút, nhưng cũng ngay sau đó chương trình đã được bắt đầu, các nhạc công của dàn nhạc từ từ bước vào vị trí của họ, ở giờ phút này người xem thấy hình như có điều gì đó thiếu sót, thiếu sót vì đáng lẽ hai chiếc màn nhung từ hai bên cánh gà phải được kéo vào để che khuất sự chuẩn bị của các nhạc sĩ hay thậm chí các anh chị giúp đỡ trong công tác chuẩn bị sân khấu; đến về sau này khi có dịp tiếp cận với ban tổ chức lúc đó người viết mới được ban tổ chức giải thích lý do tại sao đôi cánh màn không thể kéo ra trước giờ trình diễn? Chẳng qua vì ban tổ chức phải cần dùng màn ảnh để chạy slide show quảng cáo cho các thân chủ quảng cáo như đã cam kết đúng trong hợp đồng bảo trợ cũng như để giới thiệu chương trình nhạc hội sắp được tổ chức vào tháng 10 tới.

Quay trở lại chương trình, nhạc phẩm đầu tiên là một liên khúc duyên dáng, liên khúc hát về mùa Thu của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên bao gồm 3 nhạc phẩm Mùa Thu Cho Em, Mùa Thu Xa Em, và Thu Khóc Trên Ngàn đã được nhạc trưởng Thomas Ngô hòa âm phối khí theo nhịp điệu Bossanova đã nâng ba tiếng hát Lệ Thu, Quang Tuấn, Thu Hà mở đầu cho một đêm nhạc đầy giá trị nghệ thuật...

Quang Tuấn, người nam ca sĩ mà theo như MC Thanh Tùng cho biết anh hầu như có mặt tại San Jose mỗi tháng, thế nhưng khán giả vẫn không bị "chai" cảm xúc khi nghe anh hát. Với chất giọng Tenor rất trữ tình, sở trường của Quang Tuấn là hát những tình khúc buồn và chậm. Khi anh lên những note cao rất tròn và sang, ngược lại khi anh xuống những note thấp rất đầy và đẹp. Theo lời nhận xét của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên khi ông nói về Quang Tuấn "Anh hát nhạc của tôi rất tới khi trình bày nhạc phẩm Miên Khúc".

Sau đó người nữ ca sĩ mà MC Thanh Tùng gọi chị bằng danh từ nghe đúng hoàn toàn theo giọng Nam bộ "giọng ca vàng ròng" Lệ Thu, chị tiếp tục với hai nhạc phẩm Bản Tình Cuối và Mắt Lệ Cho Người, phải nói hai nhạc phẩm chị trình bày đều được xem như xuất sắc nhưng ở nhạc phẩm Bản Tình Cuối có lẽ chị được khán giả yêu thích hơn với ba lần vỗ tay cắt ngang giữa lúc chị vẫn còn trình bày bài nhạc, một phần đặc biệt khác cũng xảy ra ngay trong phần trình diễn của chị Lệ Thu đó là sự hội ngộ bất ngờ ngoài ý chương trình dự liệu giữa người ca sĩ ấy và hai tác giả Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng - những mẫu tâm tình, trao đổi ngắn gọn giữa họ mang lại cho khán giả sự thích thú cũng như mọi người có cảm giác gần hơn với người ca sĩ, nhạc sĩ. Tiếp sau theo chương trình là phần trình diễn của các ca sĩ Tuấn Ngọc, Khánh Hà..., và nhạc sĩ Từ Công Phụng.





Ở phần trình diễn của ca sĩ Tuấn Ngọc, đó cũng là một màn trình diễn khá đặc sắc bởi sự góp mặt chung giữa các cô người mẫu duyên dáng trong những chiếc áo dài tha thướt, thật là hấp dẫn bên cạnh những nét đẹp rất sexy của các cô model, chàng Tuấn Ngọc không biết có ngẩn ngơ, cuốn hút hay không trước các người đẹp ấy bên cạnh chàng? Ðiều đó không ai biết được nhưng khán giả chỉ biết một điều tiếng hát anh vẫn rất trầm ấm, tình tứ...

Khánh Hà, hình như đã lâu lắm rồi người viết mới được nghe chị hát live lại, giọng hát chị vẫn thế vẫn nét đặc sắc rất riêng của một Khánh Hà không thể có người thứ hai thay thế được, đêm nay trong phần biểu diễn của chị đặc biệt lần đầu tiên người ta thấy nam ca sĩ Tuấn Ngọc ngồi đệm đàn guitar cho KH hát, nói chung phần đệm guitar của anh thì cũng như bao phần đệm khác nhưng có thể sự trình diễn ấy giữa hai ca sĩ như một sự thêm bớt màu sắc cho món ăn được đẹp mắt hơn, hấp dẫn hơn.

Từ Công Phụng (TCP), tiếng hát của ông vẫn thế, cho dù thời gian qua đi và cho dù trên mái tóc ông, tuổi đời của ông có được trang điểm thêm một chút những hạt sương trắng nhưng giọng hát ấy vẫn trầm ấm, thoải mái, đêm nay cũng vẫn nhạc phẩm "Mãi Mãi Bên Em" một lần nữa người nhạc sĩ lại gửi đến khán giả bài nhạc ấy qua tiếng hát nồng nàn, ấm áp của ông, nhắc đến nhạc phẩm Mãi Mãi Bên Em, người viết bỗng nhớ đến một mẩu chuyện vui, có thật đã xảy ra cách đây vài năm trước, đó là lần trong một chương trình nhạc live của trung tâm Thúy Nga tại Orange County, người viết được chứng kiến nhạc sĩ TCP hát nhạc phẩm đó và trong đêm ấy khán giả đã rất xúc động khi thấy ông vừa biểu diễn vừa nước mắt ông chảy dài... Mãi về sau khi có dịp tiếp xúc riêng với Từ Công Phụng, khi người viết hỏi có phải bài nhạc Mãi Mãi Bên Em nhắc lại một kỷ niệm gì hay mang lại cho ông điều gì đó đến nỗi khi ông trình diễn nước mắt đã lưng tròng? Thì lúc ấy nhạc sĩ TCP mới cười và cho biết là vì hôm đó ông đeo contact lens mới nên mắt bị cộm và nước mắt cứ chảy ra chứ chẳng phải ông xúc cảm gì cả!!!

Phần hai của chương trình quả thật là một cao trào mới mẻ, bộc phát hẳn, mở đầu là phần trình diễn của nữ ca sĩ Ý Lan, chị vẫn thế - vẫn đẹp kiêu sa, vẫn ăn nói duyên dáng, khéo léo và vẫn là một trong những tiếng hát hàng đầu tại hải ngoại, sau phần trình diễn của ca sĩ Ý Lan là phần trình diễn của danh ca Thái Thanh, phải nói đó là một trong vài tiết mục sôi động nhất, ăn khách nhất bởi bà đã mang lại cho tất cả mọi người một sự bất ngờ, bất ngờ chứ vì không ai có thể tin vào mắt mình, tai mình một người ca sĩ tuổi đã khá cao nhưng giọng hát của bà vẫn thế, vẫn cao vút lồng lộng, vẫn thênh thang, thoải mái như chứng tỏ làn hơi dày, dư thừa của bà, trong một dịp tiếp xúc riêng với nhạc trưởng Thomas Ngô, theo lời tâm tình của anh, "Lần đầu tiên được làm việc chung với nữ danh ca Thái Thanh, cô ấy làm việc rất professional, đặc biệt khi cô ấy hát thì vô cùng passionated (xúc cảm mạnh mẽ) với âm nhạc, bài Blue Danube Waltz (Dòng Sông Xanh) của Johann Strauss với tempo (tốc độ 176) rất nhanh ở thể điệu valse nhịp 3/4 và gần 250 nhịp là một tác phẩm rất khó hát và thể hiện bởi vì đòi hỏi kỹ thuật rất cao ở những đoạn Staccato (note ngắn) ở tầm cử rất rộng, tuy thế cô vẫn hát vô cùng thoải mái, một cách dễ dàng" và có lẽ vì thế nên tên tuổi của bà bao giờ cũng phải đi kèm theo một chuỗi danh từ dài: Tiếng hát vượt thời gian không gian, cũng cần phải nói thêm trong suốt chừng ấy ca sĩ, với 24 tiết mục, hầu như cứ mỗi người ca sĩ được hát hai nhạc phẩm nhưng chỉ riêng phần của nữ danh ca Thái Thanh là trình diễn một lúc 4 bài nhạc: Ơn Em, Tuổi 13, Ngày Xưa Hoàng Thị và Dòng Sông Xanh.

Nói chung cả bốn bài là bốn màu sắc khác nhau, bốn lối trình diễn đặc biệt thu hút khán giả, cả rạp đã như náo động hẳn lên, người ta đứng dậy cứ vỗ tay từng chập, từng chập và người ca sĩ trên sân khấu xúc động, nhưng càng xúc động bà lại càng hát hay hơn, hàng trăm đóa hoa tươi thắm đã mang lên trao tận tay bà như thay cho những danh dự, hạnh phúc gửi đến người ca sĩ với tuổi đời đi hát dày hơn 50 năm với sân khấu, ánh đèn, lúc ấy ngay đằng sau cánh màn nhung là sự hiện diện của hai nhạc sĩ TCP và Ngô Thụy Miên (NTM), cả hai ông mỉm cười thỏa mãn, nhạc sĩ NTM thốt lên câu nói "thành công rồi!" còn nhạc sĩ TCP thì không nói nhưng cũng vỗ tay không ngừng theo khán giả, nhạc sĩ Thành Hammer thì hình như mặc dù ông đã mất ngủ cả hơn một tuần rồi thế nhưng đêm nay ông vui lắm, hể hả với những công trình mà ông và staff của ông đã chăm lo, từ A đến Z...




Không biết đây có phải là hướng đi mới của trung tâm Kim Lợi hay không? Bởi lẽ đầu tư và dàn dựng những chương trình nhạc chủ đề như thế này là vô cùng tốn kém, người viết được nghe lời tâm tình, chia sẻ từ anh Thành Hammer cho biết bên cạnh những show đại nhạc hội, nhạc trẻ, cải lương... Trung tâm Kim Lợi vẫn muốn duy trì nền nghệ thuật âm nhạc, văn hóa Việt Nam thể hiện cụ thể đó là những chương trình như Tình Khúc Vượt Thời Gian đã mang đến cho giới thưởng ngoạn sự thích thú vô cùng cả về mặt phẩm lẩn lượng của nghệ thuật và trung tâm Kim Lợi đã không quản ngại tốn kém về mặt chi phí.

Bằng Kiều, Thu Phương, cả hai cô cậu đều là những ca sĩ "mầm non" so với những chương trình nhạc thính phòng bề thế như vậy nhưng cho dù là mầm non cả hai tiếng hát ấy đều như làm sống dậy không khí của hơn hai ngàn con người hiện diện nơi đây, Bằng Kiều có lối nói chuyện duyên dáng, lối tâm tình như tiếp cận với khán giả dễ hơn, và Thu Phương cũng thế, người con gái Bắc có cách ăn nói khéo léo, cuốn hút người nghe, hình như ở mỗi người ca sĩ trong nước đều được trang bị cho chính họ một cách biểu diễn lạ, một sự biểu diễn mang thật nhiều tính sáng tạo và dĩ nhiên ngay cả giọng hát cũng thế uyển chuyển hơn, đậm đà hơn, tuy nhiên với cách biểu diễn ấy, tâm tình đó hay ngay cả với technique hát đã có những khán giả không hài lòng, vì cho rằng những ca sĩ trẻ đến từ trong nước không thích hợp với những chương trình nhạc thính phòng như đêm nay, thế nhưng qua lời nhận xét của hai tác giả Ngô Thụy Miên và Từ Công Phụng, cả hai ca sĩ đã trình diễn và thể hiện của các nhạc phẩm ấy rất tới.

Một điểm son khác đó là mặc dù các ca sĩ trẻ đã không sống trong miền Nam trước năm 1975, không hiểu hoàn cảnh ra đời của các tác phẩm ấy như thế nào nhưng có lẽ âm nhạc vốn dĩ vẫn là ngôn ngữ quốc tế, âm nhạc giúp con người xích lại gần nhau hơn, hiểu nhau hơn.

Chính vì vậy mà tác phẩm Bây Giờ Tháng Mấy của nhạc sĩ họ Từ được trình bày song ca rất đặc sắc qua hai tiếng hát Bằng Kiều & Thu Phương. Quả thật họ hát bè rất quyện vào nhau nhất là ở những đoạn điệp khúc và lối trình diễn thật tươi vui, sống động, có lẽ nhờ vào sự hòa âm mới lạ của nhạc trưởng Thomas Ngô, anh đã đổi từ nhịp 3/4 với thể điệu Boston của tác phẩm nguyên bản thành nhịp 4/4 Bossanova để làm cho người thưởng thức có cảm giác nhẹ nhàng, tươi mát, quyến rũ hơn.

Phần kết của chương trình đã được ban tổ chức có nhã ý để Trần Thu Hà, một ca sĩ trẻ với chất giọng Soprano rất trữ tình, trong sáng, cô bé đã thể hiện thành công cả hai bài Paris Có Gì Lạ Không Em của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên và Kiếp Dã Tràng của nhạc sĩ Từ Công Phụng.

Một lời cuối của bài viết ngắn này đó là khi nhìn chung sự thành công của toàn chương trình, có lẽ chúng ta cũng không quên sự dàn dựng hòa âm, phối khí thật công phu, nghệ thuật cao của nhạc trưởng Thomas Ngô và nhạc sĩ trẻ Nhật Trung, bên cạnh đó dĩ nhiên công lao của hai mươi anh chị em nhạc sĩ trong dàn nhạc của nhạc trưởng Thomas Ngô tưởng cũng nên nhắc đến bởi lẽ họ giống như những người lính âm thầm đã bỏ rất nhiều thời gian, công sức để chuẩn bị và tập dợt cho chương trình được thành công mỹ mãn, tài năng đó, trái tim ấy được ghi nhận từ tấm lòng vị nghệ thuật của họ.

Ðã gần nửa đêm, bên ngoài trời cũng trở lạnh, tuy rằng đang giữa mùa Hè nhưng sao gió lạnh đêm nay làm người ta chợt nghĩ đến mùa Thu, đưa nhau ra về mà cả người làm khán giả lẫn kẻ làm ca sĩ, nghệ sĩ đều như có những quyến luyến, bịn rịn nhau, tuy rằng ở thành phố này chuyện ca nghệ sĩ không còn là điều gì lạ lẫm nhưng trong đêm nay người ta tìm thấy tình người, và cũng chính tình người làm ấm hẳn căn phòng rộng lớn, làm mấy chục người nghệ sĩ, ca sĩ cảm thấy tiếng ca của họ, lời nhạc của họ có ý nghĩa và sau cùng hết là những công lao của ban tổ chức đã được đền bù thỏa đáng.



[source: Trương Xuân Mẫn - photos]

Dẫu sao "Cuộc đời có bao lâu mà hững hờ..." hay "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng" thế thôi....

Nguyễn Ðức Tuấn
trích từ Người Việt (Nam Cali)
Tháng Bảy, 2004