PHỎNG VẤN NHẠC SĨ

TRANG THANH TRÚC & BẢO TRÂM

 

Thực hiện: Trường Đinh
Nguyệt San Văn Hóa Dân Tộc Hồn Quê

 

Hồn Quê (HQ): Xin Bảo Trâm và Thanh Trúc cho biết chút ít về thân thế của hai bạn và từ khoảng thời gian nào hai bạn bắt đầu sáng tác nhạc ? Vài nét về tình bạn giữa Thanh Trúc và Bảo Trâm trong thời gian cùng lớn lên nơi đất Pháp.

Bảo Trâm (BT) : Sinh ngày 23/10/1965 tại Phú Nhuận, quê mẹ ở Hà Đông. Không anh chị em, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sang Pháp năm 11 tuổi. Theo học về Kinh Tế & Xã Hội Hành Chánh (Administration Économique et Sociale) và Ngoại Thương (Commerce International), chuyên môn về thị trường Đông Nam Á. Từng là học trò của thầy Lê Mộng Nguyên, tác giả của bài "Trăng Mờ Bên Suối", cựu giáo sư Chính trị học và Luật Hành Chánh tại đại học Paris VIII.

· Học Nhạc :

Trâm theo học đàn piano với cha Tiến Dũng tại nhà thờ Huyện Sĩ ở VN năm 9 tuổi. Nhưng khi sang Pháp đành bỏ dở dang vì không đủ điều kiện. Vả lại ông ngoại bắt phải lo học chữ trước, chuyện âm nhạc chỉ là vô bổ. Nên thú thật với anh, học đàn chỉ vỏn vẹn 2 năm, xem như rỗng tuếch. Bù lại, thú tiêu khiển của Trâm là trau dồi ca hát: cổ nhạc lẫn tân nhạc, đó là niềm vui giản dị thường nhật dạo ấy của Trâm.

· Hoạt Động :

Vào những năm Trâm mới sang, Paris rất ít người Việt, buồn lắm ! Bạn Việt Nam không có. May nhờ theo bà ngoại đi chùa Linh Sơn, Trâm xin gia nhập Gia Đình Phật tử, dạo ấy chỉ có khoảng trên dưới 20 người. Vào đó, Trâm phụ các anh chị lo những buổi văn nghệ nhỏ. Cũng nơi đó, Trâm đã quen và kết thân với Trang Thanh Trúc (TTT). Vài năm sau, nhân một buổi ghé chơi Tổng Hội Sinh Viên VN tại Paris với TTT, được các anh chị khuyến khích tham dự văn nghệ, dạo ấy, tổ chức tại rạp Maubert (Paris 5è), cho dù Trâm lúc ấy chỉ mới 14 tuổi, chưa là sinh viên. Ở đây, Trâm lại không có dịp hát tân nhạc mà lại "chuyên trị" các điệu cổ nhạc như Vọng Cổ, Nam Ai lớp mái và được sự hướng dẫn của anh Chí Tâm. Ngoài ra, Trâm và TTT cũng lo phụ trách trang Mực Tím của nguyệt san Nhân Bản của Tổng Hội.

Cho đến khi thi tú tài xong thì Trâm ngưng hoạt động luôn cho đến 1993. Năm đó, Trâm tham dự một buổi Nhạc Sáng Tác đầu tiên do Thư Viện Diên Hồng tổ chức, hầu giới thiệu những sáng tác mới tại Paris. Và từ đó, bắt đầu có phong trào nhạc sáng tác. Mỗi năm, Thư Viện Diên Hồng tổ chức một lần, với sự tham dự của "nhiều nhạc sĩ" trẻ, tạm gọi là như vậy, của Paris, như Trúc, như Trâm và rất nhiều bạn khác.

· Sáng Tác :

Thú thật với anh, Trâm rất... ngượng khi đề cập đến chuyện này. 15 năm rồi, trong tay Trâm chỉ vỏn vẹn đúng 15 bài hát.

Trâm bắt đầu... "sáng tác" năm 20 tuổi. Bản nhạc đầu tiên có tựa đề là Quỳnh Tư. Mang âm hưởng nhạc cổ điển. Lời bài hát nó như thế này:

 
"...Ta chết em ơi, trong một nắng vàng
Lãy linh hồn giải thoát một trần gian
Lãy hoàng hôn xoa dịu tiếng dương cầm
Hồn ta man mác một Quỳnh Tư..."



Bảo Trâm

Trang Thanh Trúc (TTT) : Cầm tinh con Rồng (tuổi Song-Ngư). Sanh tại Nam Vang. Lớn lên ở Đà Lạt. Sang Pháp 1978. Bắt đầu sáng tác nhạc vào tuổi 15. Tình bạn giữa Trúc và Trâm có "chung" hai chữ : TR. Giữa một con Rồng và một con Rắn. Trúc coi Trâm như một người em, và một người bạn. Trâm sáng tác nhạc bằng tiếng hát. Trúc sáng tác nhạc bằng cung điệu ghi trong đầu. Trâm ghét những gì Trúc thích. Và ngược lại.




Trang Thanh Trúc

 

HQ: Hình như Bảo Trâm và Thanh Trúc chỉ chuyên sáng tác về nhạc Việt ? Và gần như chỉ chuyên về nhạc tình ? Xin Bảo Trâm và Thanh Trúc cho biết, có phải nét nhạc của hai bạn ít nhiều đã chịu ảnh hưởng của trường phái lãng mạn ở Pháp?

TTT: Trúc không sanh ở Việt Nam. Nhưng rất... mê tiếng Việt. Và hiện tại, chỉ mong, mình làm được những gì bằng thứ tiếng Quê Nhà mà thôi ! Chưa nghĩ đến một ngày nào đó, sẽ viết nhạc với lời Pháp, Anh. (Không tự tin trong vấn đề này, thì đúng hơn). Thiết nghĩ rằng, nhạc Việt, lời Việt... có dùng cả đời học hỏi, chưa chắc Trúc sẽ thu nhập được những kiến thức cần có!

Nhạc Tình bao gồm nhiều thể loại. Ngoài tình yêu cá nhân, còn có tình yêu gia đình, tình yêu quê hương... Trúc xin thưa rằng: Trúc không dám dùng chữ "chuyên" ở một sáng tác nào cả. Cảm nhận và chấp nhận là ở sự thưởng thức của người nghe. Với cùng một bản nhạc, có người xếp vào "thể loại" tình yêu. Có người cho rằng bài ấy là... tình người!

Nước Pháp, vào thập niên 60 - 70 - 80 đã có những bài nhạc tình dẫn đầu thế giới về... lãng mạn ! Nhưng "Trúc chịu ảnh hưởng" trường phái lãng mạng của Pháp hay không, là câu trả lời... của người thưởng thức nhạc của Trúc hơn là Trúc , anh Trường ạ !

Trúc vốn yêu chuộng sự giản dị, chân thật. Thích những điều be bé, dễ thương. Trúc vẫn còn ôm ấp những kỷ niệm nhỏ, nhưng... quá lớn, mặc dù đã ngủ vùi trong quá khứ, hạnh phúc lẫn... khổ đau.

Lãng mạn một chút không thiệt hại ai. Có thể, tạo nên một cõi thơ mộng, rất riêng. Điều quan trọng, đối với Trúc, là phải biết... lãng mạn một cách... vừa không trật tự mà... ngăn nắp!

HQ: Được biết năm 1999 Bảo Trâm và Thanh Trúc có ra mắt dĩa nhạc CD Hẹn Anh 15 Năm. Xin Thanh Trúc cho biết vài nét về tác phẩm nầy?

TTT: CD HẸN ANH 15 NĂM - Bảo Trâm thực hiện và phát hành.

1- PARIS VỀ ĐÊM : (Bảo Trâm) Bảo Trâm
2- HẸN ANH 15 NĂM : (Bảo Trâm) Bảo Trâm
3- EM VỀ ĐAN TIẾC NUỐI : (thơ Hạ Huyền, nhạc Trang Thanh Trúc) Bảo Trâm
4- GIỌT THỜI GIAN SAY : (Trang Thanh Trúc) Bảo Trâm
5- TRỜI THÁNG GIÊNG MƯA BAY : (Trang Thanh Trúc) Bảo Trâm
6- NƠI NHÀ GA BẮC : (Bảo Trâm) Bảo Trâm
7- BAHIA, TA YÊU NHAU : (Bảo Trâm) Bảo Trâm
8- HỒI SINH : (Bảo Trâm) Bảo Trâm
9- KHUYÊN EM : (thơ Việt Dương Nhân, nhạc Trang Thanh Trúc) Bảo Trâm, Bá Lộc
10- VỀ DƯỚI CÂY PHONG : (Bảo Trâm) Bảo Trâm
11- MƯA ÁO TRẮNG : (Trang Thanh Trúc) Long Hồ
12- MẤY NHÁNH NGẬM NGÙI : (Thơ Y Chi, nhạc Trang Thanh Trúc) Don Hồ
 
Hoà âm :
Philippe Arnouf-Sinclair (Paris)
Harry Nguyễn, Bùi Xuân Huy (Montréal)
Duy Hạnh (US)
Peter Trần (US)
Remixage :
Jean-Guy Montpetit - Créason (Montréal)




Hình bìa CD Hẹn Anh 15 Năm


Mời nghe
Mấy Nhánh Ngậm Ngùi
Thơ: Y Chi
Nhạc: Trang Thanh Trúc
Trình bày: Don Hồ

HQ: Xin Bảo Trâm cho biết một vài lý do qua việc ghi dấu một tác phẩm CD nhạc với tựa đề "Hẹn Anh 15 Năm" như một lời nguyện hứa hẹn cho tình yêu tương lai?

BT: Trâm xin gửi lại anh và đọc giả HQ bài Tùy Bút Trâm viết trên Net sau khi CD vừa xong. Và cũng là lời mở đầu cho buổi ra mắt CD này ở Paris, thế vào sự vắng mặt của Trâm trong ngày ấy:

Thế rồi cũng xong. Xong những bài hát. Xong những giòng nhạc. Xong một đam mê.

Trâm bắt đầu thâu CD này tại Paris, khi lá vàng bay trong gió mùa thu muộn. Và chấm dứt công việc này tại Montréal, khi nắng mùa xuân ấm áp trở về. Một chút gì đó Paris và Montréal, một chút gì đó buồn vui, một chút gì Á Âu. Lẫn lộn.

Trang Thanh Trúc, bạn thân của Trâm và cũng là tác giả của Gọi Người Xa Vời, bài hát mà theo Trâm nhận xét, rất được yêu chuộng tại Canada, do Don Ho trình bày cách đây hơn một năm, cho trình làng trong CD này 6 sáng tác mới. Hình ảnh trong nhạc của Trúc là hình ảnh trời tháng giêng mưa bay, hình ảnh của một chiều bối rối qua nơi đây, người xưa có hay? Là hình ảnh của những cơn mưa áo trắng sau giờ tan học... Mùa thu ơi, về ngang đây, mùa áo trắng tung bay. Em, giòng sông ký ức... viết tên em, muộn rồi! Tất cả đều ghi lại những tình cảm rất quê nhà, rất... "tuổi ngọc" và đầy tiếc nuối cái tuổi ngậm ô mai đã không còn nữa. Để hôm nay ngồi nhìn lại, bẻ nhánh ngậm ngùi, rồi cuộc đời lười biếng nói, rồi lặng lẽ uống giọt thời gian say.

Riêng Trâm, lớn lên bên con kinh Saint Martin, trong một khu lao động nghèo nàn ở Paris. Hình ảnh Paris của Trâm là một Paris với những người thợ thuyền mồ hôi thấm áo. Một Paris về đêm với cô gái giang hồ cô đơn trên vỉa hè, với quán rượu buồn hiu, với người hành khất tấm chăn sao ấm được, đã chết rồi đêm ấy. Một Paris với cuộc tình hờ, với khách sạn buồn nhìn sang nhà ga Bắc. Rồi ga Bắc bỗng xanh xao vì người viễn khách sắp đi rồi. Nhưng Paris dù sao đi nữa cũng vẫn là xứ người ta, vì hình như chiều về em hay nhớ. Quê cũ hình như xa lắm rồi. Đại lộ bơ vơ em tìm kiếm... bên kia cao ốc một quê hương!...

Nhưng tất cả không là tuyệt vọng. Theo cá nhân Trâm, Nghệ Thuật có quyền buồn nhưng không có quyền tuyệt vọng. Nghệ thuật phải là cứu cánh cho tuyệt vọng. Thế cho nên... em về đây bên người, hôn vầng trán hoàng hôn. Pha cho anh tách trà và đọc vài câu thơ. Câu thơ 15 năm, nay đã không còn vần. Nhưng hồn thơ em, vẫn 15 năm!... Niềm cô đơn đó sẽ không còn là cuộc sống. Em ôm vai người, mình đi hết cuộc đời nhau.

Hẹn anh 15 năm. Cuộc tình lỗi hẹn hay cuộc tình chưa đến? Mọi câu trả lời đều vô nghĩa nếu không có tình người hôm nao trao gửi. Xin cảm ơn tất cả các bạn tại Paris, Montréal và Cali đã giúp đỡ cho CD được ra đời hôm nay. Trâm và Trúc vô cùng tri ân.

Hẹn anh 15 năm. 15 năm nhé ! Nhân danh Tình Yêu. Nhân danh Hy vọng và những mất mát cuộc đời.

Nhân danh những gì thắt chặt... Chúng ta.

BẢO TRÂM (Montréal, tháng 5/99)

(nhạc & lời Bảo Trâm)

Paris về đêm trên con kinh buồn tênh Có ai đứng trên bờ, bao ăn năn một đời Con kinh buồn không nói. Paris về khuya, con phà đã đi xa Người bên bờ tuyệt vọng, sáng mai không còn nữa.

Paris về đêm trong quán rượu buồn hiu Bao đôi mắt quầng thâm, bao ly rượu dở dang Bao câu chuyện chờ sáng. Paris về khuya, những giọt lệ trong tim Những đau thương ngậm ngùi, thay bằng lời trách móc.

Đ.K: Paris anh ơi, đêm nay vũ khúc cho tình nhân. Đến cùng em! Ôm nhau đi anh, đêm nay vũ khúc cho tình nhân. Đến rồi đi. Đêm khuya sắp qua rồi. Quên đi anh ơi, ưu phiền.

Paris về đêm, trên đại lộ buồn hiu Có cô gái giang hồ, cô đơn trên vỉa hè Cô nghĩ gì đêm đó? Paris về khuya, chiếc áo nàng mong manh Trong gió lạnh mùa thu. Đêm nay sao vắng khách!

Paris về đêm, có một người hành khất, Bơ vơ không nhà, co ro trên vỉa hè Anh mơ gì đêm đó? Paris về khuya, không áo lạnh mùa đông Tấm chăn sao ấm được, anh chết rồi đêm ấy.

HQ: Trong CD "Hẹn Anh 15 Năm" gồm các bài nhạc với lời do chính tác giả sáng tác và cũng có các bản nhạc được phổ từ thơ của các thi sĩ. Xin Thanh Trúc cho biết thể loại nào đã đem đến nhiều cảm hứng và tương đối dễ dàng hơn trên phương diện sáng tạo âm điệu.

TTT: Đối với Trúc, một bài thơ hay, ngoài vần, ngoài điêu, cần phải có chiều sâu. Thơ buồn, không cần có nước mắt. Cũng như một bài thơ vui, không nhất thiết phải có những tiếng reo cười.

Trúc có 3 cách làm việc như sau :

1/ Phổ Thơ vì tìm gặp được bài thơ... hay

2/ Phổ Thơ chỉ vì... cảm mến tác giả...

3/ Phổ Thơ vì trường hợp thứ 1 và thứ 2 cộng lại!

Phổ thơ, với Trúc, chỉ là một cách ghi chép lại nhạc tính trong thơ. Một bài Thơ hay, vốn đã có sẳn Nhạc rồi. Người phổ chỉ việc tìm cách, ghi chép làm sao cho bài Thơ hài hòa mà thôi. Vì mỗi chữ trong Thơ đã là một nốt nhạc rồi.

Thơ là người. Nhạc cũng là người. Đem một bài thơ vào nhạc cần phải... "nương tựa" nhau. Có thế, con Thuyền Nhạc mới hân hoan vượt sóng ra khơi.

Không tự cao nhưng Trúc rất tự tin, và rất... "tự khó khăn" với mình khi phổ một bài thơ. Vì thiết nghĩ rằng, đó tim óc người khác, mình cần phải cẩn trọng hơn khi phải cắt xén cho vừa khuôn nhạc.

 

Mời nghe
Giọt Thời Gian Say
Nhạc: Trang Thanh Trúc
Trình bày: Bảo Trâm

 

HQ: Được biết Bảo Trâm và Thanh Trúc cũng đã có trình làng tác phẩm Mây Khúc. Xin Bảo Trâm và Thanh Trúc cho biết vài nét về tác phẩm nầy? Và những tâm tư gởi trao qua hai chữ Mây Khúc đã được lựa chọn làm tựa đề cho toàn tác phẩm.

TTT: Mây Khúc - Bảo Trâm thực hiện và phát hành vào năm 1997.

1. Tô Đông Pha (Bảo Trâm)
2. Trên Những Phím Mây (Trang Thanh Trúc)
3. Bên Kia Những Áng Mây (Bảo Trâm)
4. Mây Trắng Tạ Từ (Bảo Trâm)

Hoà âm :

Philippe Arnouf-Sinclair (Paris)

BT: CD MÂY KHÚC ra đời năm 1997. Sở dĩ đặt tên là Mây Khúc vì bài nào cũng có... chữ Mây, trong lời hoặc trong tựa! CD này gồm 4 bài: Tô Đông Pha, Trên Những Phím Mây (1 sáng tác của TTT), Bên Kia Những Áng Mây và 1 bài cổ nhạc: Mây Trắng Tạ Từ. CD này vừa bán hết xong, anh Vương Huyền là khách hàng cuối cùng! (Cười)

Trâm đã cho MÂY KHÚC một trang nhà trên Net, nhạc bằng dạng Real Audio. Các bạn có thể vào địa chỉ này :

http://www.freespeech.org/baotram




Ngày Ra Mắt CD Mây Khúc

 

HQ: Trong cuộc thi sáng tác nhạc ở Âu Châu năm 2000 do Hội Y Sĩ Việt Nam tại Pháp tổ chức thì bản nhạc "Tháng 9 và Một Người" của Thanh Trúc đã được lãnh giải thưởng hạng nhất và được ban giám khảo (ca sĩ Bạch yến, nhạc sĩ Lê Thành Đông, Gs Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên và Nhạc sĩ Trần Quang Hải) ghi nhận là tác phẩm có giá trị khá cao về nhạc lẫn lời. Xin Thanh Trúc cho biết vài nét về tác phẩm "Tháng 9 và Một Người" và về tiêu chuẩn dự thí trong cuộc thi sáng tác nhạc Âu Châu đã được tổ chức vừa qua. Cũng xin Thanh Trúc cho biết về giải thưởng âm nhạc mà Thanh Trúc đã được trao tặng trong ngày 4/3/2000 tại thành phố Alfortville.

TTT:

Lời nhạc Tháng 9 và 1 Người:
 
Tháng Chín và Một Người
Tháng chín trở lại mưa nắng buồn mong manh
Thắp chút mặt trời trên cát mềm long lanh
Em vẫn chưa về không thấy buồn nơi anh
Chút ánh mắt trồi ngơ ngác tựa như anh
Yêu em anh trở lại những con đường
Nhắc trí nhớ từng hạt mưa tan vỡ
Áo, màu áo em vàng
Hơn chiếu nắng công viên
Và mắt em dịu dàng hơn sương mù buổi sáng
Như anh đã nhiều lần đến ngôi trường
Đón ánh mắt và dòng sông quên lãng
Có những tiếng chim buồn
Trên một nhánh cây khô
Và lẻ loi chờ mùa thu quay về
Tháng chín trở lại rơi rớt một cơn mưa
Mai mốt em về hong tóc mềm hương xưa
Đếm nốt buổi chiều trên những tờ thư quen
Anh hát một mình bên những giọt cà-phê đêm...

 

Nhạc và lời, Trúc sáng tác vào tháng 9 năm 1999. Vào tháng hai 98, trên trang nhà nhỏ, Trúc có nhận được một điện thư đến từ Việt Nam, trong đó có nhắc về bài "Gọi Người Xa Vời" của Trúc, tiếng dương cầm thánh thót trong căn phòng vắng, ngôi trường Võ Trường Toản, con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, mùa thu và công viên lá vàng... Đến cuối tháng 12 năm 98, thì không biết vì lý do gì Trúc lại mất liên lạc với người bạn công-viên-lá-vàng đó. Cho mãi đến khi sáng tác xong bài "Tháng 9 và Một Người", thì mùa thu ở hai nơi lại gặp nhau qua... điện thư. Nghĩa là phải chín tháng sau! Không ngờ sự tưởng tượng của Trúc gửi đi, cũng tựa như những nỗi niềm, dòng sông quá khứ của người bạn xa xôi nào đó mang theo vậy: "Anh vẫn luôn tìm kiếm và nuôi hy vọng sự trở về của cô bé Trưng Vương 15 tuổi ngày nào. Mặc dù, thời gian đã là 23 năm rồi..."

Tiêu chuẩn dự thi sáng tác âm nhạc, do Hôi Y Sĩ Việt Nam tại Pháp tổ chức vào năm 2000.

1/ Tác giả không được quá 40 tuổi, đang sống tại Âu Châu
2/ Sáng tác mới, chưa ai hát.
3/ Thể loại : Bài dự thi có thể chịu ảnh hưởng nhạc ngũ cung hay hoàn toàn Tây Phương.
4/ Sáng tác lời : Ý tứ chân thật, lành mạnh.
5/ Bản nhạc có thể do hai người soạn. Một người soạn nhạc, một người viết lời.
6/ Nộp bài trước 15/12/99 (gởi sáu bản cho ban giám khảo qua bưu điện).

 

Ban tuyển chọn :

1/ Ca sĩ Bạch Yến
2/ Nhạc sĩ Lê Thành Đông
3/ Nhạc sĩ Trần Quang Hải (Chánh chủ khảo)
4/ Nhạc sĩ Trịnh Hưng
5/ Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên
6/ Nhạc sĩ Duy Thiện

Giải thưởng Âm Nhạc : Tiền.

Xin mời nghe: Tháng Chín và Một Người (mp3 RealPlayer)

HQ: Trong tương lai, nếu có những cuộc thi sáng tác nhạc ở các lục địa khác như Mỹ Châu, Úc Châu... thì Thanh Trúc cũng sẽ gởi nhạc bản đi dự thi? Còn Bảo Trâm cũng sẽ cùng tham dự cuộc thi?

BT: Không, thưa anh. Chuyện này nằm ngoài nguyên tắc và những dự tính tương lai của Trâm.

TTT: Thi Nhạc Sáng Tác là một... niềm vui. Không muốn nói là một... giờ ra chơi! Vì không phải ôn bài. Không phải thức khuya, sợ hãi. Mà chỉ cần... "tập trung" tinh thần để sáng tác. Tuy nhiên điều quan trọng hơn hết là phải biết "nuôi tâm hồn" mình cho thật... ổn định ! Đây chỉ nói về kinh nghiệm của Trúc, rất riêng tư. Thi Nhạc Sáng Tác, hay thi gì thì cũng vậy. Hãy cố gắng... làm tận sức những gì mình có thể.

HQ: Còn phương cách sáng tác của Thanh Trúc trước và sau khi sơ bộ hoàn thành một tác phẩm cóù theo một quy định sách vở nào chăng? Và khi sáng tác một nhạc khúc thì Thanh Trúc thích sử dụng loại nhạc cụ gì và cũng xin Trúc cho biết mỗi loại nhạc cụ có những lợi điểm/hạn mức như thế nào với riêng Trúc trong việc sáng tác một bản nhạc?

TTT:

Cảm hứng & Phương cách :

1/ Chờ khi trời chuyển mưa!
2/ Hoặc trời mưa!
3/ Bình thản thì... nhạc càng buồn. Cái buồn ở đây, luôn tìm ra cách để... thoát thân. Giúp cho sự sáng tác dễ dàng hơn.
4/ Buồn quá, thì chỉ biết... đi ngủ, không cách chi sáng tác vào lúc này. Vì nhạc nếu có đến, sẽ thành... u ám mất rồi !
5/ Đăt tựa bài trước khi... viết nhạc!

Quy định :

Hoàn toàn không có. Vì Trúc không được học một phút, một giờ nào trong lớp đào tạo sáng tác. Cũng không màng coi sách vỡ trong công việc này. Trúc chỉ thích sáng tác bằng cảm xúc. Không thích theo một quy luật, hay một..." lời bàn" nào cả.

Nhạc khí xử dụng trong việc sáng tác : Dương Cầm.

HQ: Trong bài phỏng vấn Trang Thanh Trúc do Dim Thy bên Tập San văn hóa và xã hội Ngày Mới thực hiện ngày 16/5/1999, Thanh Trúc có nhận rằng: Trúc là người sáng tác nhạc nhưng không biết hát. Vậy xin Thanh Trúc có thể cho biết những khó khăn như thế nào trong khi sáng tác và cách thức làm thế nào để duyệt kiểm lại âm điệu và lời ca sau khi đã sơ bộ hoàn thành một tác phẩm?

TTT: Đúng vậy. Trúc có một cái không may, là không thể nào, dùng tiếng hát của mình để diễ n đạt được những cảm xúc trong nhạc mình.

Nhưng ngược lại, cũng (có lẽ !) nhờ ở cái không may ấy, cho nên, những nốt nhạc của Trúc không bị gò bó chăng? Vì... có hát được đâu mà hiểu thế nào là nỗi "khốn khổ" của người trình bày! Nhạc Trúc sáng tác, những nốt lên xuống bất tận, thoải mái vô cùng! Người trình bày... (có lẽ) cũng "nhờ" thế mà giọng hát càng lúc, càng "điêu luyện" hơn chăng ?!

Nếu quả thật như vậy, thì thôi, cũng mang ơn "cái không biết hát" của mình lắm !




Trang Thanh Trúc (qua nét vẽ của Họa sĩ Vũ Đình Lâm)

 

HQ: Xin Bảo Trâm và Thanh Trúc cho biết một vài nhận định, cảm hứng và những khó khăn.... trong việc sáng tác một nhạc phẩm mang tính cổ điển hay một nhạc bản chuyển ngữ.

TTT: Trúc chưa từng sáng tác một nhạc phẩm mang tính cổ điển. Chuyển ngữ thì có chút kinh nghiệm... vui với Don Hồ, trong CD Giấc Mơ Ngày Mai. Don Hồ dịch sát nghĩa 4 bài nhạc ngoại quốc, và Trúc "chỉ việc"... viết lại làm sao cho có ý, có thơ, hài hoà với nhạc... mà không sai ý nghĩa bài nhạc "nguyên thủy"... lắm ! Kinh nghiệm vui và đầy... học hỏi. Dịch lời ngoại quốc sang lời Việt (cho một bài hát) khó chứ không dễ dàng đâu. Khó hơn là tự mình viết lời riêng cho mình nữa. Đây cũng chỉ là ý riêng của Trúc thôi nhé.

 

Mời nghe
Mưa Áo Trắng
Nhạc: Trang Thanh Trúc
Trình bày: Long Hồ

 

HQ: Được biết Bảo Trâm và Thanh Trúc có trang nhà riêng trên mạng lưới, vậy hai bạn có thể cho biết địa chỉ URL để các độc giả của Hồn Quê có dịp ghé thăm gia trang của hai bạn và để được xem những tùy bút về tuổi ấu thơ, những kỷ niệm học trò, những tạp ghi từ ký ức, những lá thư tình đẹp lãng mạn và các bản thể thật lạ của kiểu loại tranh họa digital.

BT: Trang Nhà của Trâm nó có cái địa chỉ dễ nhớ lắm: http://www.baotram.net. Tiện đây, cũng xin đính chính rằng địa chỉ BaoTram.com không thuộc quyền sở hữu của Trâm từ một năm nay. Trâm không là tác giả của hình thức lẫn nội dung của trang này.

Trâm bắt đầu xây nhà trên Net từ năm 1997. Đổi biết bao nhiêu là địa chỉ, từ những free homepages thuở sơ khai cho đến BaoTram.com, sau đó bị người ta "giựt", để bây giờ trở thành BaoTram.net. Cũng nhờ Trang Nhà này, Trâm mới có cơ hội và phương tiện để phổ biến 2 CD Mây Khúc và Hẹn Anh 15 năm. Trang nhà, như anh vừa nêu trên, gồm có những mục như Tùy Bút, Thư Tình, Digital Art, Photo gallery, Nostalgia Magazine…

TTT: Địa chỉ trang nhà của Trúc

http://www.trangthanhtruc.com

 

HQ: Bảo Trâm và Thanh Trúc có những tâm tình nhắn gởi gì không cho các độc giả của Hồn Quê và cho tất cả những người yêu say âm nhạc trong và ngoài nước nói chung?

BT: Những lời nhắn gửi của Trâm rất giản dị và cụ thể: Trâm cám ơn các bạn đã, đang và sẽ ủng hộ, giúp đỡ Trâm trong việc bảo tồn văn hóa, trải đường cho nghệ thuật hải ngoại. Đường còn dài, khó khăn còn nhiều, xin hãy cho nhau bàn tay nắm, đừng mất thì giờ chia rẽ nhau.

Những dự định sắp tới của Trâm:

* 1 concert vào tháng 9 tại Maison de la Culture Côte des Neiges - Montreal, nhằm trình bày những ca khúc sáng tác của mình, cổ nhạc cũng như tân nhạc với chủ đề Câu Chuyện Kẻ Xa Nhà (Histoire d'une exilée). Ngày giờ Trâm sẽ thông báo sau. Để nhận thiệp mời, xin thư về Trâm ở địa chỉ baotram@baotram.net.

* Trâm đang xúc tiến việc ra CD thứ 3, dự định ra mắt vào đầu năm 2002. CD này sẽ thâu tại Canada nhưng nhạc thì vẫn hoài chung thủy với mối tình Âu Á ngày xưa... ; sẽ có mặt một người bạn gái thứ hai của Trâm, tên Nguyễn Hà Ý Nhi. Giòng nhạc trẻ trung, đặc biệt và một chút gì Bắc Mỹ.

Xin chân thành cảm ơn và tri ân. Tất cả.

TTT: Đối với cá nhân Trúc, nhiều câu hỏi của anh Trường thật là... rộng lớn. Thiết nghĩ rằng Trúc cũng chỉ là một người sáng tác nhạc bình thường. Còn quá nhiều điều cần phải học hỏi từ những người đi trước.

HQ: Hồn Quê chân thành cảm ơn Bảo Trâm và Trang Thanh Trúc đã dành rất nhiều thời gian cho buổi phỏng vấn nầy. Rất mong một ngày gần đây, làng nhạc Việt sẽ được đón nhận thêm những sáng tác mới của hai bạn như một đóng góp điểm tô lần nữa, thật khiêm nhường, cho nền văn học thi ca Việt nơi xứ người.

 

Trường Đinh thực hiện