Tiến Sĩ Trần Quang Hải

Cuộc Đời và Âm Nhạc

 

Vương Huyền thực hiện

 

tqh1993a.jpg (17819 bytes)

tqh1983.jpg

tqh1993b.jpg

 

 

Hồn Quê (HQ): Xin anh cho biết sơ qua về tiểu sử của anh.

Trần Quang Hải (TQH):  Tôi sinh ngày 13 tháng 5, năm 1944 tại làng Linh Đông Xã, huyện Thủ Đức, tỉnh Gia Định, miền Nam Việt Nam. Lúc còn học sinh, học tại trường trung học Trương Vĩnh Ký và học nhạc tại trường quốc gia âm nhạc Saigon từ năm 1955 tới 1961. Sang Pháp năm 1961, học khoa nhạc học tại trường đại học Sorbonne, và trung tâm nghiên cứu nhạc Đông Phương (Centre of Studies for Oriental Music) ở Paris. Trong thời gian đó, tôi lại học môn dân tộc nhạc học (ethnomusicology) tại trường cao học khoa học xã hội (School of Studies for Social Sciences). Đậu tiến sĩ dân tộc nhạc học vào năm 1973. Làm việc tại Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học (National Center for Scientific Research) từ năm 1968 tới ngày nay (32 năm) với chức vụ nghiên cứu gia về dân tộc nhạc học (ethnomusicologist) chuyên về nhạc Việt Nam và nhạc Á châu, đặc biệt về giọng hát. Về phương diện nghiên cứu, tôi đã tham dự khoảng 80 hội nghị quốc tế, hội viên của 20 hội nghiên cứu quốc tế, viết cho nhiều tự điển âm nhạc của Pháp, Anh, Nhựt, Hòa Lan, 4 quyển sách về nhạc thế giới, và 300 bài viết nghiên cứu khoa học cho nhiều sách báo ngoại quốc. Ngoài ra tôi được mời dạy trên 100 trường đại học của 50 quốc gia trên thế giới. Về phương diện trình diễn nhạc Việt Nam, tôi đã trình diễn gần 3.000 buổi và cho trên 100 đại hội liên hoan nhạc cổ truyền quốc tế của 60 quốc gia từ năm 1966 tới nay. Về số dĩa hát, tôi đã có 15 dĩa nhựa 33 vòng, 8 CD, và 4 phim video, và tham gia vào 10 CD của những cơ quan nghiên cứu ngoại quốc. Về sinh hoạt cộng đồng Việt Nam, tôi đã trình diễn tại nhiều quốc gia có cộng đồng Việt Nam như Pháp, Anh, Đức, Thụy Sĩ, Bỉ, Hòa Lan, Na Uy, Đan Mạch, Nga, Gia nã đại, Hoa kỳ, Úc châu, Tân gia ba. Tôi viết cho khoảng 30 tờ báo Việt Nam, hội viên của Trung tâm văn bút Âu châu, cố vấn của Hưng Ca đoàn.

HQ:  Sau khi anh đậu bằng tiến sĩ, lý do nào khiến anh quyết định ở lại Pháp?

TQH:  Lúc đó ở Việt Nam không có chính phủ nào chú trọng tới nghiên cứu âm nhạc vì lẽ dễ hiểu là xứ Việt Nam đang có chiến tranh. Đất nước cần bác sĩ, nha, dược sĩ , kỹ sư  hơn là giáo sư   dân tộc nhạc học, một ngành có thể nói là quá mới đối với Việt Nam, và đối với cả Á châu vào thời đó. Tôi lại tìm được việc làm ở Pháp đúng với môn tôi học tại Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học (National Center for Scientific Research). Nhờ vào làm việc tại đây mà sau hơn 30 năm nghiên cứu, việc làm của tôi ngày nay được nhiều người biết tới (có trên 50 websites trên thế giới có để trang nhà của tôi trong mục LINKS).

HQ: Xin anh cho biết ý kiến về việc xử dụng những khám phá của nhạc Tây phương trong việc bảo tồn hoặc phát triển nhạc dân tộc, có cần không? có nên không?

TQH:  Sử dụng kỹ thuật Tây phương trong việc bảo tồn nhạc dân tộc VN thì không cần và cũng không nên. Ngược lại thì rất cần và rất nên trong việc phát triển nhạc dân tộc. Nhờ có những khám phá Tây phương, đem áp dụng cái mới lạ của nhạc Tây phương vào nhạc dân tộc để thay đổi màu sắc, thay đổi việc sáng tạo nhưng cần nhứt là đừng làm mất bản chất căn bản thuần túy dân tộc. Vấn đề quan trọng là có sự có mặt của VN trong địa hạt âm nhạc đó, dù rằng nhạc viết ra không có gì là Việt Nam và có thể không "nhận" ra là của người Việt. Mỗi một thể nhạc có một cách "hành văn âm nhạc", có một cấu trúc, có một văn phạm, có một ngôn ngữ. Khi mình chấp nhận một thể nhạc nào, hay theo một thể nhạc nào, mình phải vào "khuôn khổ" của thể nhạc đó, như thế mới "lột " được tinh thần nhạc. Chẳng hạn tôi muốn viết theo điệu nhạc Jazz, thì tôi phải dùng một số hợp âm căn bản của Jazz, chứ không thể dùng hợp âm nhạc pop hay nhạc cổ điển.

HQ: Thế nhạc dân tộc VN có những đóng góp hay ảnh hưởng gì cho nhạc thế giới (như nhạc Gamelan của Indonesia đã ảnh hưởng Debussy chẳng hạn)? Làm sao để phát triển ảnh hưởng đó?

TQH: Vấn đề phát triển ảnh hưởng nhạc Việt trong nhạc thế giới không phải tự dưng mà có thể làm được. Nhạc sĩ Claude Debussy không những khám phá nhạc Nam Dương qua tiếng đàn của dàn nhạc Gamelan, ông lại còn khám phá dòng nhạc ngũ cung trong hát kinh hí của Trung quốc (Peking Opera) trong dịp Hội chợ triển lãm hoàn vũ (World Fair) năm 1900 tại Paris. Nhạc Gamelan của Nam Dương đã tràn lan sang Âu Mỹ từ hơn nửa thế kỷ. Không phải chỉ có Gamelan của đảo Java (Javanese Gamelan), mà còn có dàn nhạc Gong của đảo Bali (Balinese Gong, dàn nhạc cồng chiêng của Bali vì ở Bali họ không gọi dàn nhạc của họ là Gamelan vì chữ Gamelan là tiếng Java), hay nhạc các đảo khác như Sumatra, Lombok, Sulawesi, Sumbawa, Kalimantan cũng được mang sang Tây phương trình diễn.  Rất đông người Tây phương đã theo học nhạc Nam Dương ở Nam Dương, và luôn cả một số lớn trường đại học lớn trên thế giới đều có dàn nhạc Gamelan hay/và Gong để cho sinh viên thực tập (performing groups) như Monash University (Melbourne, Úc), Academy of Music (Basel, Thụy Sĩ), Berlin Volkerkunde Museum (Berlin, Đức), Museum of Music (Paris, Pháp), Musee de l'Homme (Paris, Pháp ), Tropen Museum (Amsterdam, Hòa Lan), SOAS (London, Anh quốc), Durham University (Durham, Anh quốc), Queen's University (Belfast , Bắc Ái nhĩlan của vương quốc Anh), University of Montreal (Montreal , Canada), UCLA (Los Angeles, California, Hoa Kỳ), UCSD (San Diego, California, Hoa Kỳ), Ann Arbor College (Michigan, Hoa Kỳ), Cap Town University (Cap Town, Nam Phi), Osaka University of Arts (Osaka, Nhựt Bổn), vv.  Một số đông các nhà soạn nhạc Tây phương tìm nguồn hứng qua nhạc Nam Dương. Nhạc Nhựt Bổn cũng tạo ảnh hưởng vì trong nhạc Nhựt có những khía cạnh thu hút người Tây phương như nhạc trong hát tuồng Nôh (cử chỉ thật chậm của diễn viên, những quãng rất nhỏ trong tiếng sáo no-kan, hay trong giọng hát của diễn viên, hay những âm thanh và tiết tấu của các loại trống taiko, o-tsuzumi, ko-tsuzumi. Người Tây phương rất bị nhạc cung đình Gagaku thu hút qua cách cấu trúc, âm thanh của sanh hầu SHO, hay tiếng kèn HICHIRIKI, và nhứt là đa âm (polyphony) khá chõi tai trong nhạc GAGAKU, rất thích hợp với cấu trúc đa âm trong nhạc đương đại Tây phương. Nhạc Việt chưa có gì có thể thu hút Tây phương vì tới sau các nhạc Á châu khác. Nhạc Việt lại không có những đoàn nhạc dân tộc đặc biệt có thể thu hút khán giả Tây phương. Trình độ diễn xuất của nhạc sĩ trong các đoàn dân nhạc chưa đạt tới mức thượng thừa, cho nên có nhiều đoàn hát đi ra hải ngoại hay tại các đại nhạc hội liên hoan (music festivals) nhưng không gây sự chú ý đặc biệt của các soạn nhạc gia Tây phương. Vấ n đề tạo ảnh hưởng phải cần có thời gian, và hoàn cảnh thuận tiện và cần nhứt là phải có nhạc sĩ ca sĩ ngoại hạng để tạo sự thán phục trong giới Tây phương. Ngoài ra phải tạo nhiều địa điểm dạy nhạc dân tộc Việt Nam ở các trường đại học ngoại quốc, giúp các sinh viên ngoại quốc có điều kiện học hỏi nhạc Việt. Hiện nay chỉ có một số ít người ngoại quốc học nhạc Việt, tính ra khoảng 20 sinh viên tiến sĩ các xứ Đức, Anh, Hoa Kỳ, Nhựt. Điều kiện hiện tại chưa cho phép nhạc Việt bành trướng ảnh hưởng ở thế giới Tây phương.

HQ:   Theo anh thì làm sao để các nhạc sĩ tân nhạc đem những cái đặc sắc của nhạc dân tộc vào nhạc của mình mà vẫn hấp dẫn được thính giả đương thời? Họ phải học hỏi những gì?

TQH:  Điều thứ nhứt là nhạc sĩ sáng tác phải có trình độ sáng tác theo trường phái Tây phương, tức là phải có học trong trường âm nhạc, lớp sáng tác. Điều thứ hai là nhạc sĩ sáng tác phải am tường nhạc dân tộc chứ không phải chỉ biết có 5 nốt nhạc (ngũ cung) hay một vài điệu thức. Trong nhạc Việt, phải biết phân biệt nét đặc thù trong ba bài hát ru, ru em và ầu ơ ví dầu. Trong ba bài ru con đó đã cho chúng ta thấy nét nhạc đặc trưng của từng miền (Bắc, Trung, Nam). Ngoài ra phải biết đặc tính của các loại dân ca Việt Nam: hò, lý, hát đối. Rồi các loại tuồng, hát chèo, hát cải lương, các loại hát ca trù, ca Huế, đàn tài tử ,vv. Ngoài ra phải có một nhận xét xác thực về nhạc sắc tộc (53 sắc tộc giàu hơn nhạc dân tộc Kinh). Muốn sáng tác để đi vào thế giới tây phương, là phải nắm vững cả hai trường phái Đông Tây.  Điều thứ ba là phải học nhẫn nại, kiên nhẫn để có đủ thời gian chờ đợi một ngày thành công (ngày đó có thể tới mà cũng có thể không bao giờ tới !!!)

HQ:    Anh nghĩ gì về nhạc VN hải ngoại và trong nước, những năm gần đây và triển vọng?

TQH:  Nhạc mới hay tân nhạc VN ở hải ngoại trong vòng 10 năm chót (từ 1990 trở đi) đã bị bế tắc vì nguồn hứng và đề tài có lẽ bị "khô cạn ". Các nhạc sĩ sáng tác thế hệ trước như Phạm Duy, Hoàng Thi Thơ, Lam Phương, Thu Hồ, Phạm Đình Chương, Hoàng Trọng, Nhật Bằng, Vũ Thành An, Trầm Tử Thiêng, Cung Tiến, Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương, Xuân Lôi, Xuân Tiên, Trịnh Hưng, Thông Đạt, Trần Quãng Nam, Lê Trọng Nguyễn, Phạm Mạnh Cương, vv.  có người đã từ trần, có người bịnh nặng, có người không tha thiết sáng tác. Nguồn hứng không còn nữa. Giới nhạc sĩ trẻ sáng tác như Đức Huy, Trịnh Nam Sơn, Việt Dzũng, Nguyệt Ánh, Nguyễn Hữu Nghĩa, Hưng Ca đoàn, Phan văn Hưng, Châu Đình An, Võ Tá Hân , Phạm Anh Dũng, Nguyên Bích, vv. sáng tác hoặc chuyên nghiệp, tài tử, với chủ đề đấu tranh, tình tự yêu đương. Nhưng số bài nổi tiếng không có bao nhiêu, và sự phổ biến chỉ giới hạn trong cộng đồng VN hải ngoại, không đủ điều kiện đề bành trướng rộng rãi như trước 75 ở Saigon. Số ca sĩ hát sáng tác mới không có bao nhiêu người . Các ca sĩ trẻ thuộc thế hệ sinh ra, lớn lên ở hải ngoại (Linda Trang Đài, Trizzy Phương Trinh, Shayla, Don Hồ, Hoàng Nam, Dalena, Như Mai, Ngọc Huệ , và rất đông nam nữ ca sĩ trẻ đã có tiểu sử đăng trong các tuyển tập nghệ sĩ do Trường Kỳ biên soạn từ mấy năm qua ở Canada), cộng thêm các ca sĩ trẻ từ Việt Nam sang theo cha mẹ theo diện HO (Như Quỳnh, Mạnh Đình, vv.) đa số trình bày các nhạc phẩm quen biết trước 75. Rất ít nhạc phẩm được trình bày. Các trung tâm băng nhạc (Thúy Nga, Asia, Làng Văn, vv.) phần nhiều thu các bài nổi tiếng thời trước 75 vì theo sự yêu cầu của quần chúng hơn là với mục đích phổ biến những nhạc phẩm mới. Từ vài năm nay nhạc quốc nội tràn sang các nơi có người Việt sinh sống và với sự trở về thăm quê nhà của Việt kiều hải ngoại đã làm yếu đi tân nhạc Việt Nam ở ngoài xứ Việt Nam. Trong dịp này Việt Nam lại mở cửa theo chính sách "đổi mới" (perestroika), các ca sĩ có thể hát những bản tình tự dân tộc, tình đôi lứa. Các bản tiền chiến lần lần được cho phép hát lại. Trong xứ Việt Nam có hai chiều hướng về nhạc: nhạc nhẹ chú trọng về giải trí hay nói một cách khác là tân nhạc, và nhạc nặng tức là loại nhạc giao hưởng, nhạc trình diễn trong khung cảnh của viện quốc gia âm nhạc. Loại nhạc nhẹ dính liền với nhạc thời trang, nhạc trẻ khơi nguồn từ các nguồn nhạc dân gian, nhạc ngoại quốc kích động. Nó được phát hiện theo hai khuynh hướng:

1. Khuynh hướng dùng ngôn ngữ âm nhạc cổ điển Âu châu do nhạc sĩ Thanh Tùng đề xướng qua đề tài tình yêu. Có râ't nhiều nhạc sĩ trẻ đi theo khuynh hướng này với những tìm tòi và sáng tạo khác nhau như Nguyễn Đình Bảng, Từ Huy, Phú Quang, Duy Thái, Nguyễn Ngọc Thiện, Dương Thụ.

2. Khuynh hướng thứ nhì chuyên về âm nhạc dân tộc cổ truyền. Ban nhạc nhẹ của nhà hát Tuổi Trẻ do Đỗ Hồng Quân phụ trách đã đưa các nhạc khí dân tộc, cũng như cách phối âm phối khí, trình diễn, sáng tác theo chiều hướng nhạc dân gian. Các nhạc sĩ Nguyễn Cường, Trần Tiến, Phó Đức Phương, Trương Ngọc Ninh sáng tác theo chiều hướng này.

Nhóm "Những Người Bạn" gồm 8 nhạc sĩ: Trịnh Công Sơn, Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập, Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Thanh Tùng, Nguyễn Văn Hiên và Vũ Hoàng được chào đời tại Saigon vào ngày 8 tháng 3, năm 1992 sau khi Trịnh Công Sơn sang Pháp gặp nhóm nghệ sĩ phố (artistes de rue/ artists on the road). Tên "Những Người Bạn" do Trịnh Công Sơn đề nghị với mục đích là sáng tác và trình bày sáng tác mới cho bạn và công chúng nghe. Mỗi tháng, nhóm đều có họp và mỗi người phải giới thiệu ít nhất là một sáng tác mới của mình và nghe lời phê bình của anh em. Nhóm "Những Người Bạn " sẵn sàng đi giới thiệu những tác phẩm mới và làm thành băng nhạc, video với sự phụ giúp của những ca sĩ nổi tiếng như Lệ Thu (sang định cư tại Pháp từ vài năm nay), Lê Tuấn, Ngọc Sơn, Thế Sơn (định cư bên Mỹ), Thu Hà, Yến Linh. Trong buổi đầu tiên của nhóm này, Trịnh Công Sơn đã trình bày nhạc phẩm mới nhứt tên là "Con Mắt Còn Lại " (ý thơ Bùi Giáng). Thanh Tùng viết một ca khúc "Lối Cũ Ta Về" trong hoài niệm về người vợ đã mất. Trần Long Ẩn viết tặng mẹ. Hiện tượng này xảy ra vì các ca khúc mới sau 1975 không còn người nghe. Dân chúng ưa nhạc "sến", nhạc "vàng" hay nhạc trước 75. Các ca khúc trữ tình trước 75 xua đuổi các loại nhạc đấu tranh, và luôn cả nhạc mới sau 75.

Từ năm 1990 trở đi, phong trào tổ chức hát vinh danh các nhạc sĩ lão thành như Nguyễn Văn Thương, Lê Thương, Hoàng Giác, Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Phan Huỳnh Điểu, Đoàn Chuẩn, Trần Hoàn, Nguyễn Văn Tý hay các nhạc sĩ trẻ hơn như Trịnh Công Sơn được tổ chức tại Hà nội và Saigon và những ca khúc tiền chiến được hát trở lại. Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã chuyển hướng sáng tác qua nhạc trẻ em (nhạc đồng dao) được nhiều thành công qua hàng trăm ca khúc mới. Một số nhạc sĩ trẻ như Phú Quang, Bảo Phúc, Trần Tiến viết nhiều bài nhạc mới rất được ưa chuộng. Đề tài mới hướng về tình yêu.

Nhiều nhạc sĩ trẻ tiếp nối các nhạc sĩ đàn anh tạo một thế hệ mới trong địa hạt sáng tác. Có thể kể Nguyễn Hiệp (1947), Thế Hải (1947), Văn Thành Nho (1949), Nguyễn Phú Quang (1949), Trần Quang Lộc (1949), Vũ Ngọc Giao (1951), Linh Giang, Trần Thiết Hùng (1951), Quang Minh (1953), Quang Lộc (1954), Châu Đăng Khoa (1955), Vũ Hoàng (1956), Võ Công Ánh (1957), Nguyễn Hải (1958), Trương Ngọc Ánh (1959), vv. Các ca sĩ trẻ nổi tiếng hiện nay càng ngày càng nhiều như Lê Dung, Ánh Tuyết, Thanh Lam, Hồng Nhung, Hồng Hạnh, Bảo Yến, Khắc Dũng, Thanh Long, Mỹ Linh, Phương Thanh, Lam Trường, Tam Ca Áo Trắng, vv. Nhạc trẻ, nhạc ngoại quốc thịnh hành trở lại với nhiều tụ điểm hát ngoài trời rộng lớn tại Hà nội và Saigon.

HQ:   Anh đến với âm nhạc dân tộc Việt Nam như thế nào, mặc dầu anh được đào tạo trong các trường Âu Mỹ?

TQH:  Âm nhạc dân tộc Việt Nam đối với tôi không có gì xa lạ vì tôi là nhạc sĩ đời thứ năm dòng họ Trần. Điều đó cũng là một hiếm hoi của xứ Việt Nam.  Ông sơ tôi là Trần Quang Thọ (1830-1890) là nhạc sĩ cung đình Huế, làm tới chức án sát, có tháp tùng đi với cụ Phan Thanh Giản sang Pháp trong phái đoàn Việt Nam để thương thuyết với Pháp về ba tỉnh miền Nam nhưng thất bại, phải treo ấn từ quan, vào trong Nam. Ông cố tôi là Trần Quang Diệm (1853-1925) là một nhạc sĩ đàn tỳ bà rất nổi tiếng ở trong Nam thời đó, có chế ra cách ghi chép nhạc nhưng tài liệu mất hết vì chiến tranh. Ông nội tôi là Trần Quang Triều (1897-1931), biệt hiệu là Bảy Triều, giỏi về đàn kìm, chế ra dây Tố Lan để đàn các bài oán rất được các nhạc sĩ trong cải lương và cổ nhạc miền Nam biết tới. Ba tôi là Trần Văn Khê (1921) là người Việt đầu tiên đỗ tiến sĩ nhạc học tại trường đại học Sorbonne ở Paris vào năm 1958, và chú tôi là Trần Văn Trạch (1924-1994), được mệnh danh là Quái kiệt. Hai người có hai chỗ đứng khác biệt trong vườn nhạc Việt Nam. Tôi là đời thứ năm, không được may mắn hấp thụ giáo dục âm nhạc cổ truyền lúc nhỏ vì Ba tôi sang Pháp năm 1949 lúc tôi mới có 5 tuổi, phải đợi tới khi tôi gặp lại Ba tôi bên Pháp mới có dịp tiếp xúc nhạc cổ truyền. Sau 10 năm theo học hỏi với Ba tôi, tôi hấp thụ nhạc Việt qua đàn tranh, và lý thuyết nhạc cổ truyền. Nhờ đó tôi có dịp phổ biến nhạc Việt khắp nơi ở hải ngoại cho tới ngày hôm nay.

HQ:    Ngoài tên Trần Quang Hải, anh còn dùng tên nào khác nữa không?

TQH:   Khi viết bài về âm nhạc hay nghiên cứu thì tôi chỉ ký tên Trần Quang Hải. Còn khi viết về sinh hoạt cộng đồng thì có khi tôi dùng tên khác như Trần thị Minh Tâm (tên con gái tôi).

HQ:  Anh có đưa thơ vào nhạc của anh bao giờ chưa?

TQH:   Tôi có phổ nhạc cho nhiều bài thơ của Hà Huyền Chi, Cung Vũ, Lê Khắc Thanh Hoài, Võ Mỹ Ngọc, Nguyễn Chí Thiện. Trên dưới 300 bài thơ đã được tôi phổ nhạc.

HQ:  Anh biết dùng bao nhiêu nhạc khí?  Nhạc khí nào anh điêu luyện nhất? Nhạc khí nào anh thường dùng nhất?

TQH:  Tôi biết đàn 15 nhạc khí khác nhau. Lúc 5 tuổi, tôi học đàn măng cầm (mandoline) ở Vĩnh Long, rồi học banjo. Lúc 6 tuổi tôi học violon với một ông thầy ở Vĩnh Long. Tới 8 tuổi tôi học đàn piano với cha Lựu cũng ở Vĩnh Long. Sau đó lên Saigon, tôi học nhạc ở trường quốc gia âm nhạc vào năm 1955 với thầy Phạm Gia Nhiêu về môn vĩ cầm (violin). Năm sau tôi học với thầy Đỗ Thế Phiệt. Tốt nghiệp ở trường quốc gia âm nhạc Saigon. Tôi sang Pháp bỏ tất cả nhạc Tây phương, quay trở về nhạc Việt Nam, học đàn tranh, đàn cò, tự học đàn độc huyền, sinh tiền. Tôi tự chế một số kỹ thuật đánh muỗng, tự học đàn guitar, sáo tây. Từ năm 1966 trở đi, tôi có học một năm đàn vina của Ấn độ, đàn tampura Ấn độ, trống zarb Ba Tư, đàn cò Tàu, đàn gamelan của Nam dương. Năm 1967 tôi gặp nhạc sĩ John Wright chỉ tôi đàn môi. Từ đó tôi tự học và chế biến kỹ thuật đánh đàn môi, và tự áp dụng vào các loại đàn môi của Việt Nam, Nam dương, Âu châu, Tây bá lợi Á. Nhưng tôi đàn tranh thường nhứt và đã thu 15 dĩa nhựa 33 vòng cùng với 4 dĩa CD đàn tranh.

HQ:   Trong các loại đàn tranh ở Viễn Đông thì đàn tranh của VN mình có những đặc điểm nào? cái hay và thiếu sót của nó?

TQH:  Đàn tranh Việt Nam giỏi về thủ pháp bàn tay trái (nhấn , vuốt, rung) phong phú hơn các đàn tranh của Trung quốc, Nhựt, Đại Hàn, Mông Cổ. Điểm thiếu sót (hay đúng là điểm kém về kỹ thuật) của đàn tranh VN là thủ pháp bàn tay mặt. Do đó, trong kỹ thuật đương đại, các nhạc sĩ đàn tranh đã sử dụng nhiều về bàn tay mặt (như Hải Phượng, Thanh Thủy, vv). Đối với tôi, cái hay của đàn tranh là chú trọng nhiều về cách nhấn của bàn tay trái làm cho câu nhạc trở nên não ruột, buồn thảm. Cái đó là ưu điểm của đàn tranh. Ngoài ra trong nhạc Việt, phần "rao" hay "dạo" là đặc điểm của nhạc Việt. Chỉ có nhạc Việt mới có "rao" giáo đầu để tạo một bầu không khí cho người nghe "nhập tâm" vào điệu thức của bài nhạc. Nói tóm lại, không phải mình không có kỹ thuật này kỹ thuật nọ là mình thua thiên hạ. Thành ra tôi nghĩ rằng kỹ thuật đàn tranh không phải là đàn rùm beng lên mới gọi là hay, hoặc phải đàn cho thật mau, đàn khảy hai, ba, bốn, năm dây cùng một lúc mới gọi là hay. Cái hay của nhạc Việt là đàn chậm rãi, nhấn cho ngọt, làm cho người nghe cảm thấy "nhức xương". Đó là đặc điểm đàn tranh cần phải duy trì, bảo vệ.

[Xin mời nghe đàn tranh: Hồn Việt Nam (mp3 - 2 MB)]

[Xin mời nghe đàn tranh: Hồn Việt Nam (Real Audio - 0.5 MB)]

HQ:  Anh cũng rất thiện nghệ về đàn muỗng. Anh cho biết anh học ở đâu và phải học bao lâu?

TQH:  Nghệ thuật đánh muỗng do tôi phát triển ở hải ngoại từ gần 40 năm nay. Lúc nhỏ, khi tôi được 5 tuổi, một buổi tối ở tại một làng nhỏ gần tỉnh Vĩnh Long, tôi có gặp mấy người lính kháng chiến quây quần bên ánh lửa hồng và hát những ca khúc hùng tráng. Tôi thấy có một anh trẻ gõ nhịp với hai cái muỗng. Tò mò, tôi lại gần quan sát, và rất thích thú. Sau đó, tôi mới hỏi anh đó học đánh muỗng ở đâu. Anh ấy nói học ở Liên Xô (lúc đó tôi không biết đó là xứ nào, chỉ biết là xa lắm). Tôi mới nhờ anh ấy chỉ tôi cách cầm muỗng và gõ như thế nào. Đó là vào năm 1949. Sau đó lên Saigon học, tôi có thấy trên sân khấu phụ diễn tân nhạc có một nữ ca sĩ nhỏ tuổi vừa hát vừa nhịp muỗng. Lúc đó vào năm 1955. Khi sang Pháp, tôi khám phá ra kỹ thuật gõ muỗng không phải chỉ có ở Việt Nam mà có ở Ái nhĩ Lan, Anh Quốc, Âu châu, Mỹ, Canada, Liên Xô, Thỗ nhĩ kỳ. Ngay ở Á châu, Phi luật Tân, Nam dương cũng có dùng muỗng để gõ nhịp. Năm 1965, tôi gặp một nhạc sĩ Mỹ tên là Roger Mason, đánh muỗng rất hay. Anh ấy trở thành bạn của tôi khi chúng tôi thường trình diễn chung tại American Center ở Paris và tại một vài địa điểm chơi dân nhạc (folk music centers). Mỗi lần gặp nhau anh ấy và tôi thi đua "đấu " muỗng với nhau. Mỗi người phải "sáng tác " kỹ thuật mới để hạ "đối phương ". Thường là tôi thắng, nhưng cũng có khi thua. Với các lần gặp gỡ đó, tôi đã tự tạo một trường phái gõ muỗng đặc biệt. Năm 1967, tôi có tham dự một đại nhạc hội dân nhạc tại Cambridge (Anh quốc) (Cambridge Folk Music Festival). Trong dịp này có một cuộc thi gõ muỗng. 30 nhạc sĩ thuộc 20 quốc gia tham dự. Tôi tham dự với tư cách nhạc sĩ Việt Nam. Tôi được vào chung kết, và sau cùng thắng giải được "tôn " là "Vua Muỗng " (King of Spoons). Từ đó tới nay, tôi đã gặp rất nhiều người gõ muỗng giỏi trên thế giới nhưng chưa ai hơn tôi. Tôi đã sáng tại hơn 10 kỹ thuật mới, và đặc biệt là tôi biến cặp muỗng thành đàn synthetizer có thể gõ bất cứ bài nhạc nào cũng được. Tôi trở thành nhạc sĩ chơi muỗng duy nhứt trên thế giới độc tấu muỗng trên sân khấu.

[Xin mời nghe đàn muỗng (mp3 - 1.5 MB)]

[Xin mời nghe đàn muỗng (Real Audio - 0.4 MB)]

HQ:   Khi anh đi trình diễn thì khán giả đa số là người Việt hay là ngoại quốc?   Họ thường yêu cầu anh biểu diễn nhạc khí nào?

TQH: Khán giả của tôi thường là người ngoại quốc. Có thể nói là 95 phần trăm. Thị trường tôi làm việc là người ngoại quốc. Mỗi năm tôi diễn cho người Việt khoảng 10 buổi hay ít hơn vì tôi nghĩ là có nhiều nhạc sĩ Việt diễn cho cộng đồng. Việc của tôi là giúp cho ngoại quốc khám phá nhạc Việt và việc nghiên cứu hát đồng song thanh của tôi. Nhạc khí họ yêu cầu tôi là muỗng và đàn môi thường nhứt. Đó là hai nhạc khí mà tôi đã sáng tạo nhiều kỹ thuật mới. Năm 1967, khi tôi diễn tại đại hội dân nhạc (Folk Music Festival) ở tỉnh Cambridge ở Anh quốc, tôi được bầu là Vua muỗng (King of Spoons). Từ đó tới nay tôi chưa gặp người gõ muỗng hay hơn tôi nên tôi tiếp tục giữ ngôi vị này. Năm 1998 tôi tham dự đại hội đàn môi thế giới (World Jew's Harp Festival) ở tỉnh Moll (Áo quốc), tôi được bầu là người chơi đàn môi hay nhất đại hội (The Best Jew's Harp Player of the Festival ). Đàn tranh là nhạc khí chánh của tôi cho nên khi tôi trình diễn một buổi đàn tranh thì khán giả đòi thêm đàn tranh là việc dĩ nhiên.

HQ:   Xin anh cho biết thêm xuất xứ cũng như quá trình tiến triển của hát đồng song thanh và đàn môi.

TQH: Hát đồng song thanh là kỹ thuật hát hai giọng cùng một lúc của người Mông cổ và Tuva ở Tây Bá Lợi Á. Những người chăn ngựa ngồi trên núi một mình nghe tiếng gió thổi xuyên qua lá, và tiếng nước suối chảy róc rách trên núi mới bắt chước để hát giải sầu. Từ dó mới phát xuất hát đồng song thanh gọi là Khoomei (giọng hầu). Từ khi tôi khám phá kỹ thuật hát đồng song thanh vào năm 1969, tôi tự tập và tạo một trường phái Âu châu cũng gần 30 năm. Hiện nay có hơn 20 người (đa số là học trò của tôi ) hát giỏi và dạy môn này khắp thế giới.

[Xin mời nghe hát đồng song thanh: La Mélodie Des Harmoniques (mp3 - 1.3 MB)]

[Xin mời nghe hát đồng song thanh: La Mélodie Des Harmoniques (Real Audio - 0.35 MB)]

Đàn môi là nhạc khí có tại Á châu, Âu châu và thái bình dương. Xứ Việt Nam có trên 10 loại đàn môi khác nhau (đàn môi tre, sắt, thép, đồng thau, vv.) nhưng rất ít người Việt để ý tới vì cho rằng người Việt không có khiếu đối với đàn môi của các sắc tộc (53 sắc tộc). Tôi khám phá đàn môi khi sang Pháp. Vào năm 1967, trong một buổi trình bày về đàn môi tại Phòng thí nghiệm âm thanh học (Laboratoire d'Acoustique musicale ), đại học Paris 6, tôi gặp một anh nhạc sĩ người Anh tên là John Wright, đáng đàn môi rất hay.

Đàn môi hình dáng ra sao? Đàn môi gồm có một cái khung cố định. Bên trong có một cái lưỡi gà di động khi khảy một đầu bằng ngón tay trỏ hay ngón tay cái (tùy theo truyền thống). Để hai thanh thép của cái khung ấn vào hai hàm răng, dùng cái miệng làm một nơi vang âm và tạo cao độ theo sự biến đổi của bên trong miệng. Âm thanh và giai điệu phát xuất từ những bồi âm thay đổi tùy theo miệng lớn hay nhỏ.

Tôi hỏi anh ta cách đàn như thế nào. Qua năm phút chỉ dạy, tôi hiểu được cách đàn căn bản. Từ đó, tôi tự luyện tập và nghe rất nhiều nhạc đàn môi trên thế giới. Sau đó tôi tổng hợp các kỹ thuật đàn môi của Á châu, Âu châu, và vùngThái Bình Dương. Sau hơn 30 năm nghiên cứu, thể nghiệm và trình diễn, tôi đã đưa tiếng đàn môi vào nhạc phim ở Pháp, nhạc điện thanh (electro-acoustical music), dân nhạc (folk music), nhạc thế giới (world music), nhạc free jazz. Tôi là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên hoàn thành một CD toàn là nhạc đàn môi, do chính tôi sáng tác (17 bài), trình diễn với nhiều loại đàn môi và hợp chung với hát đồng song thanh. (CD "Guimbardes du Monde /Jew's Harps of the World by Trân Quang Hai", do hãng Playasound phát hành, số mục lục PS 69009, Paris, 1997).

[Xin mời nghe đàn môi: Le Saut Des Crapauds (mp3 - 1 MB)]

[Xin mời nghe đàn môi: Le Saut Des Crapauds (mp3 - 0.25 MB)]

HQ:   Xin Anh cho biết thêm về cuốn phim Le Chant des Harmoniques (The Song of Harmonics). Anh đạt bốn giải thưởng trên phương diện gì?

TQH:   Cuốn phim 'Le Chant des Harmoniques' (the Song of Harmonics) về kỹ thuật hát đồng song thanh do tôi phát triển được quay vào năm 1988 do TS Hugo Zemp, một điện ảnh gia chuyên về dân tộc nhạc học quay và đạo diễn. Cuốn phim này nhấn mạnh về hai khía cạnh: phân tách giọng qua quang tuyến X (một chuyện rất nguy hiểm cho tánh mạng), và phân tách giọng qua âm thanh học (acousctics). Tôi dùng quang tuyến X để xem thấy bên trong của miệng trong lúc hát ra sao. Đây là một phương pháp nghiên cứu rất nguy hiểm tới tánh mạng. Vì lẽ gì ? Tôi đã cho quang tuyến X chiếu ngang qua gò má trong vòng 10 phút (600 giây) trong vòng 10 tiếng đồng hồ làm việc. Phải biết là khi rọi kiếng phổi chỉ có 1/10 giây thôi. Như vậy tôi có số tương đương với 6000 lần rọi kiếng trong một ngày. Bác sĩ đã "cảnh cáo" tôi là tôi đã nhận chất phóng xạ tương đương với chất phóng xạ của những người sống tại Chernobyl (Ukraine). Tôi đã ký giấy chấp nhận sự nguy hiểm này vì nhận 10 phút quang tuyến X có thể gây ra bịnh ung thư dây thanh quảng (vocal folds). Nhờ đó mà cuốn phim thu hút giới nghiên cứu và giới học về giọng.

Trong cuốn phim có ba phần: một phần phân tách khoa học (scientific analyses), một phần phương pháp sư phạm (pedagogical method), một phần kỹ thuật hát đồng song thanh (overtone singing technique). Cuốn phim này quay theo loại phim 16 ly, mất 1 năm làm việc, phí tổn lên tới 1 triệu quan (tương đương với 200,000 US dollars thời 1990). Sau khi thực hiện xong vào tháng 6 , 1989, cuốn phim được chiếu lần đầu tiên tại hội nghị Quốc tế ICTM (International Council for Traditional Music) tại Schladming, Áo quốc trước 700 nhà dân tộc nhạc học của 120 quốc gia. Kết quả rất thành công. Cả hội trường đứng dậy hoan nghinh (standing ovation) vì họ biết rằng không có ai dám cho quang tuyến X vào người như tôi, và kết quả thật rõ ràng, làm sáng tỏ nhiều nghi vấn trong việc nghiên cứu các bồi âm trong cách hát đồng song thanh. Cuốn phim đã đoạt giải nhứt (Grand Prize về Phim nghiên cứu khoa học và Giải thưởng phim dân tộc nhạc học hay nhứt (Prize of Best Ethnomusicological Film) của đại hội quốc tế phim nghiên cứu tại Parnu, xứ Estonia, 1990. Cùng năm 1990, phim này tham dự một đại hội phim nghiên cứu tại Palaiseau, Pháp, và đoạt giải thưởng Phim nghiên cứu khoa học hay nhứt (Best Film of Scientific Research), Palaiseau, 1990. Năm 1991, phim này lại đoạt giải Phim hay nhứt của đại hội phim khoa học (Grand Prize of the Festival of Scientific Film) tại Montreal, Canada. Đó là thành tích của cuốn phim này. Ngoài ra phim được chiếu trên 70 đài truyền hình trên thế giới, có thể nói cả tỷ người đã được xem cuốn phim này. Phim này đã được trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học chuyển sang phim video nói tiếng Pháp, và nói tiếng Anh. Từ 10 năm nay, phim này đã bán được 50.000 cuốn cho các trường đại học, các trường trung tiểu học, các trung tâm nghiên cứu giọng và những người theo học với tôi (trên 7.000 người đã học với tôi kỹ thuật hát đồng song thanh).

[Xin mời nghe Free Jazz Voice (mp3 - 6 MB)]

[Xin mời nghe Free Jazz Voice (Real Audio - 1.6 MB)]

HQ:  Anh có nhiều học trò giờ đã nổi tiếng. Xin anh cho biết tên một số người và những tài năng riêng của họ.

TQH:  Học trò của tôi rải rác trên thế giới : Tại Canada, anh Bernard Dubreuil, giáo sư khoa sư phạm tại Montreal, học với tôi năm 1987 tại Paris, hiện mở một trung tâm hát đồng song thanh. Tại Hoa Kỳ, anh Steve Sklar, nhạc sĩ rock ở Minneapolis, Minnesota, học với tôi năm 1996, sử dụng hát đồng song thanh trong nhạc hard rock. Tại Hòa Lan, anh Mark Van Tongeren, đậu cao học dân tộc nhạc học tại Jaap Kunst Centrum, Amsterdam, viết một luận án về Hát đồng song thanh của xứ Tuva học với tôi và phỏng vấn tôi về việc nghiên cứu hát đồng song thanh cho một quyển sách trong tương lai. Tại Đức, một sinh viên tên làKristof Kruge viết một luận án tiến sĩ về hát đồng song thanh và nhờ tôi làm cố vấn cho luận án của anh vào năm 1999. Tại Ý Đại Lợi, anh Stefano Stefani, một nhà dạy về âm nhạc điều trị học (music therapist), đã học hát đồng song thanh với tôi để áp dụng cách hát này trong việc trị bịnh thần kinh. Anh học với tôi năm 2000 đã được hai khóa. Tại Pháp có Thomas Clements, một người Mỹ cư ngụ Tại Pháp, học thiền, hát Tây phương, học Yoga, đã học 4 giờ hát đồng song thanh với tôi trong vòng hai năm, đã thành công trong việc sử dụng bồi âm, thực hiện hai CD về nhạc Rock và Jazz với bồi âm. Anh ta mở lớp dạy hát đồng song thanh ở Pháp, Tây Ban Nha, Hung Gia Lợi, và Ấn độ. Tại Tây Ban Nha, có cô Fatima Miranda, nữ ca sĩ nhạc đương đại, sống ở Madrid, học hát với tôi và đã áp dụng hát đồng song thanh vào nhạc đương đại trong 2 CD phát hành tại Madrid năm 1996. Tại Nhựt Bổn, anh Leo Tadagawa đàn môi rất hay, đã học hát đồng song thanh với tôi năm 1995 và áp dụng vào trong kỹ thuật đàn môi. Tại Úc châu, cô Josephine Truman, nhạc sĩ thổi ống didjeridu, có học với tôi hát đồng song thanh năm 1993 tại Paris, đã pha trộn bồi âm của giọng hát với bồi âm trong cách thổi ống didjeridu. Cô hiện sống tại Sydney, Úc châu.

HQ:   Anh nghĩ gì về âm nhạc trên internet? Tương lai của nó đối với âm nhạc nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung?

TQH:   Âm nhạc trên internet là một điều rất hay, có lợi cho việc khám phá nhạc một cách dễ dàng, thoải mái. Bất cứ loại nhạc nào nếu muốn đều có thể nghe, thu lại, mà không tốn nhiều tiền. Cho tới nay tôi chỉ thấy nhạc trẻ được phát triển nhiều hơn là nhạc cổ truyền dân tộc thế giới. Chắc có lẽ số người thích loại nhạc này còn quá ít chăng? Trong tương lai, tôi chưa biết âm nhạc sẽ được bành trướng ra sao. Nhưng hiện nay, trong giờ phút tôi viết những dòng chữ này, internet trở thành một phương tiện rất ích lợi cho việc trao đổi âm nhạc. Một thí dụ cụ thể nhứt là nhóm Nhạc Việt do anh Phạm Quang Tuấn ở Úc Châu tung ra để cho các bạn yêu nhạc "nghiệp dư" có dịp quen biết nhau qua âm nhạc (sáng tác, trình diễn, viết nhạc với các chương trình nhạc dùng cho máy vi tính, thu thanh, nhạc lý). Internet đã kéo các bạn từ bốn phương trời ngồi gần lại với nhau trong tình thân hữu, tình đồng hương. Qua internet, tôi biết được nhiều dĩa hát, sách vở liên hệ tới âm nhạc để có thể mua, làm cho ngành thương mại bành trướng thêm. Với internet, báo chí có thể đi nhanh tới từng nhà, không cần phải tốn tiền gởi, mà lại có đủ phương tiện để tạo cho một tờ "báo điện tử" có thể kẹp thêm âm thanh, hình ảnh làm cho tờ báo trở nên đa diện. Tuy nhiên, cũng nên không thể quên rằng internet đã tạo sự lạm phát "xài " các dĩa CD mới phát hành một cách "miễn phí". Do đó, trong tương lai phải có một số biện pháp để ngăn chận sự "lạm phát " này chứ không thôi có thể đưa đến chỗ tắt nghẽn, giết chết những nhà sản xuất nhạc, cũng như các nghệ sĩ sống về nhạc, hay các người viết nhạc.

HQ:  Hoàn cảnh cơ duyên nào đã đưa anh đến với chị Bạch Yến?

TQH:  Tôi gặp Bạch Yến lần đầu tại Paris vào đầu năm 1962. Lúc đó tôi chỉ là một sinh viên nghèo mới sang Pháp để học về ngành nghiên cứu nhạc học tại đại học đường Sorbonne. Bạch Yến lúc đó đã là một nữ danh ca nổi tiếng ở Việt Nam qua bài Đêm Đông của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương và những bản nhạc ngoại quốc loại rock and roll (Tutti Frutti, Rock Around the Clock) hay loại nhạc mambo (như bài Mambo Italiano) hay các bản do Brenda Lee, Dalida (Bambino). Lúc đó chỉ quen biết thôi. Rồi Bạch Yến trở về Saigon sau 2 năm sống ở Pháp thực hiện 3 dĩa 45 vòng nhạc Twist với hãng dĩa Polydor. Sau đó Bạch Yến được Ed Sullivan mời sang hát trong chương trình Truyền hình Ed Sullivan Show vào năm 1965. Thay vì ở hai tuần bên Mỹ, Bạch Yến đã lưu lại tại Mỹ từ đó luôn cho tới năm 1978. Suốt thời gian ở Mỹ, Bạch Yến đã hát chung với Bing Crosby, Bob Hope, Liberace, vv. và đi khắp 46 tiểu bang Mỹ và nhiều quốc gia ở Trung và Nam Mỹ. Năm 1978, Bạch Yến sang Pháp, ghé Paris. Trong một chương trình đại nhạc hội , tình cờ tôi gặp Bạch Yến. Hai bên mừng rỡ sau 16 năm không gặp nhau. Rồi chúng tôi đi ăn cơm chung, kể cho nhau nghe những sinh hoạt nghệ thuật. Sau cùng chúng tôi đi tới hôn nhân vào ngày 17 tháng 6, năm 1978.   Bài "Tân Hôn Dạ Khúc" tôi viết năm 1978 là quà cưới của tôi tặng cho Bạch Yến thay thế hột xoàn, vì tôi nghĩ rằng hột xoàn có thể bán đi, hay bị mất, còn bản nhạc thì ở mãi mà lại còn có thể truyền lại cho đời sau. Tôi lại nghĩ xứ mình ít có bài hát đặc biệt cho đám cưới. Sau này Elvis Phương, Thiên Nga, Bạch Yến thường hay hát cho những dịp đám cưới. Sau 22 năm, bản nhạc vẫn còn sống mạnh (có thu vào băng nhạc, và dĩa CD).

[Xin mời nghe bản Tân Hôn Dạ Khúc - Bạch Yến trình bày (mp3 - 1.6 MB)]

[Xin mời nghe bản Tân Hôn Dạ Khúc - Bạch Yến trình bày (Real Audio - 0.4 MB)]

HQ:   Chị Bạch Yến đang nổi danh với những bản nhạc ngoại quốc như thế, vậy tại sao và làm cách nào mà anh lại thuyết phục chị trở về với nhạc dân tộc Việt Nam?

TQH:  Việc đưa Bạch Yến trở về nguồn là do Bạch Yến muốn là chánh. Tôi chỉ có đưa cho Bạch Yến những tài liệu dân nhạc Việt Nam để nghe và thấm nhuần. Khi Bạch Yến có ý định trở về nhạc dân tộc, Bạch Yến không nghe nhạc ngoại quốc và chỉ nghe nhạc Việt Nam thôi để cho lỗ tai không bị chi phối bởi nhạc khác. Cách ngân nga giữa hai loại nhạc Pop tây phương và dân nhạc Việt Nam hoàn toàn khác biệt. Do đó, phải mất nhiều thì giờ để cho dòng nhạc Việt thấm sâu vào trong huyết quản. Tôi cho Bạch Yến nghe nhiều nhạc dân ca. Bạch Yến đi nghe tôi thuyết trình, hoạt náo dân nhạc tại các trường học. Dần dần Bạch Yến khám phá cái hay đẹp trong nhạc dân tộc. Và tôi cảm hóa Bạch Yến trở về nguồn sau một năm sống chung. Tôi nói với Bạch Yến rằng vợ chồng đi hát chung có đôi có cặp để cùng chia sẻ những giây phút vui buồn. Từ đó chúng tôi đi lưu diễn khắp các quốc gia trên thế giới. Tính cho tới ngày đã hơn 1500 buổi trình diễn, thực hiện 3 dĩa 33 vòng, 3 CD chung với nhau và tham dự gần 100 đại nhạc hội quốc tế (traditional music festivals) tại 50 quốc gia.

HQ:   Trong bài "Năm Đời Nhạc Sĩ Họ Trần" anh rất hãnh diện cho biết những tài năng công trình đóng góp lớn lao của dòng tộc họ Trần đối với truyền thống nhạc Việt, kể từ đời thứ nhất, ông Trần Quang Thọ, đến đời thứ năm là anh, Trần Quang Hải. Tuy nhiên, khi anh nhắc đến đời thứ sáu thì anh lại tỏ vẻ quan tâm không biết có còn ai tiếp nối công trình này, mặc dầu con gái của anh cũng đã theo học ngành âm nhạc như anh.  Xin anh cho biết thêm cảm nghĩ này.

TQH:  Trong gia đình nhạc sĩ họ Trần, chiều hướng phát huy càng ngày càng rộng. Ông sơ tôi, Trần Quang Thọ là nhạc sĩ trong triều nhà Nguyễn, chỉ được biết trong thành phố Huế. Ông cố tôi, Trần Quang Diệm, nổi tiếng về đàn tỳ bà ở vùng ông cư ngụ tại miền Nam. Ông nội tôi, Trần Quang Triều, tự Bảy Triều, nổi tiếng về đàn kìm, và sáng chế dây Tố Lan (cách lên hai dây đàn kìm thành một quãng 7 thứ chứ không phải là quãng 5 như mọi người thường lên dây để đàn cổ nhạc) dùng trong cổ nhạc miền Nam, và nổi tiếng khắp miền Nam. Ông thân tôi, Trần Văn Khê, nổi tiếng về nghiên cứu âm nhạc, đậu tiến sĩ âm nhạc tại đại học đường Sorbonne, Paris vào năm 1958, được cả xứ Việt Nam biết, và ở hải ngoại trong giới nghiên cứu âm nhạc thế giới. Tôi là nhạc sĩ đời thứ năm được may mắn kết hợp nhiều truyền thống âm nhạc mà tôi nghĩ ít có ai có diễm phúc đó. Tôi học nhạc Tây phương tại trường quốc gia âm nhạc Saigon về vĩ cầm. Tôi đã biết đàn piano, guitar, mandoline, banjo, sáo tây khi còn ở Saigon. Khi sang Pháp, tôi học nhạc học (musicology), dân tộc nhạc học (ethnomusicology), nhạc điện thanh (electro-acoustical music) với ông Pierre Schaeffer, sáng lập viên của nhạc điện thanh Pháp, nhạc Ba Tư, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bổn, Đại Hàn, Cao Miên, Nam Dương, Việt Nam tại trường Trung tâm nghiên cứu nhạc Đông Phương (Center of Studies for Oriental Music) tại Paris trong vòng 8 năm vừa lý thuyết và thực tập. Tôi lại là một trong những thành viên của phong trào tái thiết nhạc dân gian ở Pháp (Folk Music), tham gia vào việc tổ chức đại nhạc hội dân nhạc (Folk Music Festivals) ở Âu châu từ năm 1970 tới 1975. Tôi lại có dịp thể nghiệm sáng tác nhạc điện thanh, nhạc Jazz (free Jazz), nhạc tùy hứng (improvized music), nhạc tùy hứng tập thể (improvized collective music), nhạc thế giới (world music). Sự tham gia trực tiếp trong các đợt sóng âm nhạc đương đại thế giới giúp cho tôi có một cái nhìn khác biệt so với đại đa số nhạc sĩ, soạn nhạc gia của Việt Nam. Lĩnh vực nghiên cứu của tôi không bị giới hạn trong nhạc Việt hay Á châu mà bành trướng khắp thế giới. Thế giới thuộc nhiều địa hạt biết tới tôi. Không những tôi hành nghề nhạc sĩ mà còn là một người nghiên cứu dân tộc nhạc học. Tôi làm việc cho Trung Tâm Quốc gia nghiên cứu khoa học (National Center for Scientific Research) của Pháp, đậu tiến sĩ âm nhạc vào năm 1973, chuyên về nghiên cứu nhạc Á châu, và các kỹ thuật giọng hát trên thế giới, đặc biệt là hát đồng song thanh (chant diphonique/ overtone singing). Sau hơn 30 năm nghiên cứu về kỹ thuật hát này (từ 1969), tôi trở thành chuyên gia duy nhứt trên thế giới về hát đồng song thanh. Tôi có trên 7.000 học trò theo học với tôi về hát đồng song thanh tại 60 quốc gia trên thế giới. Tôi có sáng tác một số ca khúc tân nhạc (khoảng 400 bài) và hàng trăm bài nhạc cho đàn tranh, đàn bầu, đàn môi, muỗng, vv. được cầu chứng tại SACEM (Societe des auteurs, compositeurs et editeurs de la musique / Hội tác quyền Pháp) mà tôi là hội viên từ năm 1980.

Con gái tôi là Trần Thị Minh Tâm (sinh năm 1973 tại Pháp), học piano 12 năm tại trường âm nhạc ở nơi tôi cư ngụ (Limeil Brevannes), học nghiên cứu nhạc học (musicology) tại Đại học đường Sorbonne, Paris, đậu cao học nhạc học nhưng không tiếp tục cho tới tiến sĩ vì con gái tôi thích tổ chức đại nhạc hội (festivals). Sau khi ra trường, Minh Tâm tìm được việc làm ở Thụy Sĩ và sau bốn năm làm việc, bây giờ giữ chức vụ quan trọng của Classical Music Verbier Festival, một trong ba festivals lớn nhứt của Thụy Sĩ (ngân quỹ dành cho đại nhạc hội hàng năm là 50 triệu Mỹ kim ). Minh Tâm là người tổ chức lớp nhạc hè (Summer Academy of Music) dành cho những nhạc sinh giỏi trong các trường nhạc nổi tiếng thế giới vì lớp nhạc này do các giáo sư nổi tiếng nhứt thế giới tới dạy (như ông Rostropovitch, Isaac Stern, vv.)  Con gái tôi lúc nhỏ bị 'mặc cảm' về nhạc khi có ông nội và cha là người giỏi nhạc. Đời thứ sáu đã chuyển hướng sang ngành nhạc khác mặc dù cũng trong ngành nhạc nói chung.

HQ:  Cùng với mối quan tâm trên, anh cũng đang cố tâm tìm người để "truyền nghề" lại, việc đó tiến hành ra sao rồi thưa anh? Anh dự tính sẽ dùng cách nào để trao lại những kiến thức của anh, bằng sách vở, thâu âm, hay quay video?

TQH: Việc truyền nghề lại cho một người trẻ rất khó khăn vì phải hội đủ một số điều kiện mà tôi đòi hỏi. Tại sao khó và tại sao phải theo đòi hỏi của tôi? Chuyện dễ hiểu là tôi chọn người và bảo đảm việc học, ăn ở, tức là tôi nuôi người đó từ nhỏ cho tới lớn, học thành tài rồi tôi trả lại cho gia đình người đó. Điều kiện tôi đưa ra cho tới nay chưa tìm được người đúng như ý, cho nên tôi vẫn tiếp tục tìm. Về sách vở tôi có viết một vài cuốn căn bản như quyển 'Musiques du Mondé (Nhạc thế giới) vào năm 1993, được dịch ra tiếng Anh năm 1994, dịch ra tiếng Đức năm 1996 và dịch ra tiếng Tây Ban Nha năm 1998. Sách dày 360 trang, có 3 CD, được dùng làm sách giáo khoa ở Pháp. Đã bán được trên 50.000 quyển. Ngoài ra có một số sách khác, dĩa 33 vòng, dĩa CD (15 dĩa nhựa, 8 CD), tổng cộng đã hơn 1 triệu dĩa bán. Về phim video, tôi có làm tặng cho bộ giáo dục xứ Úc một cuốn phim về nhạc VN quay năm 1986 tại tỉnh Perth (Úc châu). Phim này được dùng tại các trường tiểu học trên toàn xứ Úc từ mười mấy năm qua. Tôi đã cộng tác với 40 đài truyền hình của nhiều quốc gia để làm những chương trình giáo dục âm nhạc (rất tiếc là không có chiếu trong cộng đồng VN). Tôi có làm một cuốn phim 16 ly 'Le Chant des Harmoniques' (The Song of Harmonics) thực hiện năm 1989, 38 phút , về hát đồng song thanh, đã đoạt 4 giải quốc tế tại Estonia, France, Canada trong hai năm 1990, 1991.

HQ: Nhìn lại quãng đời đi qua, xin anh chia sẻ những khó khăn cũng như thành công của anh. Thành công nào anh mãn nguyện nhất?

TQH:   Suốt trong thời gian tôi sống ở hải ngoại, tôi đã gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu của sự nghiệp âm nhạc. 15 năm sống đương đầu với thiên hạ, tìm một lối đi cho việc phát triển âm nhạc. Làm sao cho thiên hạ biết tới nhạc Việt, nhạc Á châu. Sau khi thực hiện dĩa hát La Cithare Vietnamienne par Tran Quang Hai đầu tiên vào năm 1971 tại Paris, dần dần giới Pháp biết tới tôi. Sau đó, cả Âu châu, rồi khi tôi tạo một chỗ đứng vững chắc, cả thế giới trong âm nhạc biết tới tôi qua số concerts và đại nhạc hộ i tham dự từ 35 năm qua. Sự thành công lớn nhứt của tôi là việc khám phá kỹ thuật hát đồng song thanh vào năm 1969. Chính nhờ bộ môn này mà ngày nay nhiều giới nghiên cứu biết tới tôi: âm nhạc, y khoa, âm thanh học, soạn nhạc, âm nhạc điều trị học (music therapy), tâm lý điều trị học (psycho therapy), khoa đở đẻ. Tôi đã khắc phục kỹ thuật hát đồng song thanh (được mời làm chánh chủ khảo - president of the Jury - của cuộc thi hát đồng song thanh tại thủ đô Kyzyl, xứ Tuva năm 1995), và sáng tạo thêm một số kỹ thuật thể nghiệm mà trên thế giới này chỉ có một mình tôi có thể hát được thôi.

HQ: Anh có ước nguyện gì mà anh chưa đạt được? Anh có hối tiếc việc gì không?

TQH:   Ước nguyện của tôi là làm sao về Việt Nam, trao lại cho dân tộc Việt Nam những gì tôi đã học hỏi được ở hải ngoại. Nhưng tiếc thay, trong hoàn cảnh hiện tại chưa cho phép tôi thực hiện được. Đó là việc tôi tiếc nhứt. Nhưng hy vọng rồi sẽ có ngày giấc mơ trở thành sự thật.

HQ:   Anh muốn để lại gì cho đời và anh muốn người đời nghĩ gì về anh?

TQH:  Tôi đã để lại cho đời qua những sách vở, bài nghiên cứu (250 bài viết ), dĩa hát (25 dĩa), phim ảnh (7 cuốn phim tài liệu), và sáng tác (trên 400 bản nhạc), và rất đông học trò (trên 7000 người cho tới năm 2000) và hàng tỷ người đã biết tôi là nhạc sĩ đàn tranh, đàn môi, đánh muỗng, hát đồng song thanh qua hơn 300 buổi phát thanh (radio), truyền hình (television) của 50 quốc gia. Đó là gia tài âm nhạc tôi để lại cho đời. Tôi chỉ mong muốn người đời nhớ tới một nhạc sĩ Việt Nam, trong một giai đoạn lịch sử nào đó, đã lưu lạc ở hải ngoại và đã hiến dâng cả cuộc đời cho âm nhạc, cho nghiên cứu âm nhạc nói chung, và cho văn hóa nghệ thuật âm nhạc Việt Nam nói riêng.

HQ:  Anh có lời nhắn nhủ nào đến các bạn trẻ đang tập tễnh bước vào con đường sáng tác nhạc?  Họ có nên chọn ngành ca nhạc làm nghề chính không hay chỉ làm "nghề tay trái"?  Họ phải làm thế nào để phổ biến những tác phẩm của họ?

TQH:  Vấn đề sáng tác nhạc không phải là chuyện dễ, nhưng không phải là chuyện không thể làm được để có thể sống với nghề nhạc. Muốn được như vậy, điều kiện tiên khởi là phải theo học lớp sáng tác và cần nhứt là phải có trình độ âm nhạc cao để có thể viết nhạc hoàn chỉnh. Nếu sống ở hải ngoại thì nên hòa mình vào thế giới tây phương vì thị trường rộng, chứ nếu sáng tác nhạc Việt cho người Việt thì khó sống lắm. Tôi mong và kỳ vọng nơi thế hệ trẻ có người tiếp nối chúng tôi để mang lại cho nhạc Việt một chỗ đứng ngang hàng với các nhạc sĩ trên thế giới. Ngày hôm nay số nhạc sĩ Việt ở hải ngoại có chỗ đứng trong giới Tây phương không có bao nhiêu người. Ở Pháp, về phía nhạc cổ điển Tây phương đương đại có thể kể nhà soạn nhạc Nguyễn Thiện Đạo (sinh năm 1940), tốt nghiệp lớp sáng tác của nhạc sư Olivier Maessien, là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên có tên trong tự điển Larousse của Pháp. Ông viết nhạc rất mới, đi trước sự cảm nhận của người Việt Nam, đã nhận được nhiều giải thưởng quốc tế về nhạc. Nhà soạn nhạc Tôn thất Tiết tốt nghiệp trường cao đẳng âm nhạc Paris, đã soạn nhạc cho hai cuốn phim của nhà đạo diễn Trần Anh Hùng (phim Mùi Đu Đủ Xanh, và phim Xích Lô) được nhiều giải thưởng quốc tế. Cả hai chuyên về nhạc đương đại Tây phương. Tôi chuyên về sáng tác nhạc điện thanh, nhạc thế giới và nhạc dân tộc. Nhạc sĩ Nguyên Lê chuyên về nhạc Free Jazz, nổi tiếng bên Âu Châu, có phát hành 5 CD về nhạc Jazz với những ban nhạc Jazz. Anh có làm hai CD với nữ ca sĩ Hương Thanh (em gái của nữ ca sĩ Hương Lan) dùng dân ca Việt Nam với nhạc Jazz. Bên Hoa kỳ có nhà soạn nhạc Phan Quang Phục (sinh năm 1962) đậu tiến sĩ âm nhạc của University of Michigan, hiện dạy về sáng tác nhạc điện tử với chức Associate Professor tại trường đại học Indiana University, Hoa Kỳ. Phan Quang Phục sáng tác theo nhạc đương đại nhưng dễ nghe. Hiện nay Phan Quang Phục được xem là một trong 6 nhà soạn nhạc trẻ tuổi nổi tiếng nhứt xứ Mỹ. Anh lại được giải thưởng Grand Prix de Rome (một giải thưởng rất lớn trong ngành soạn nhạc ). Ở Úc châu có ba nhạc sĩ Việt Nam chuyên về sáng tác nhạc đương đại. Nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn, chuyên về đàn guitar, có soạn hòa âm mới cho các dân ca, lại viết nhạc cho những comedies musicales / musicals Úc, đang soạn luận án tiến sĩ tại University of Sydney. Nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Cường, tốt nghiệp nhạc tại Wellington (Tân Tây Lan), chiếm giải thưởng hạng nhì trong một cuộc thi quốc tế qua nhạc phẩm 'Phụng Vũ' trước khi sang cư ngụ tại Sydney. Lê Tuấn Hùng, đậu tiến sĩ dân tộc nhạc học tại trường đại học Monash University ở Melbourne, có thực hiện vài CD với những sáng tác mới vừa nhạc khí Việt Nam và nhạc khí Nam Dương, Tây phương. Hướng đi về nhạc tuy mới nhưng rất dễ nghe theo chiều hướng New Music, và World Music của trào lưu nhạc đương đại.

Để kết luận tôi rất mong mỏi các em trẻ sinh ra và lớn lên ở các quốc gia Tây phương, có đủ điều kiện để phát triển âm nhạc, nếu chọn con đường âm nhạc thì phải nghĩ rằng sống với âm nhạc là phải hy sinh rất nhiều, phải chấp nhận những khó khăn vật chất lúc ban đầu trước khi được người ta biết tới. Nhạc cũng như hội họa, điêu khắc, làm thơ, viết văn, những gì dính liền với nghệ thuật, mỹ thuật là phải trải qua nhiều khó khăn. Có trở ngại mà vượt qua được thì mình mới thành công, mới có một chỗ đứng vững chắc. Như Nguyễn Bá Học đã viết 'Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi, mà chỉ khó vì lòng người ngại núi e sông'. Đó là lời nhắn nhủ của tôi cho thế hể trẻ Việt Nam.

HQ: Xin thành thật cảm ơn anh.

 

Vương Huyền thực hiện


Dĩa hát của Trần Quang Hải:
  1. Cithare Vietnamienne (le Dan Tranh) par Tran Quang Hai. Le Chant du Monde LDX 74454, Paris, 1971, collection Special Instrumental.
  2. Le Chant de la Rivière des Parfums. Productions et Editions Sonores PES 528 003, Paris, 1973.
  3. Vietnam: Nouvelle Musique Traditionnelle. OCORA 558 012, Paris, 1976.
  4. Musique du Vietnam: Tradition du Sud. Anthologie de la musique des Peuples AMP 72903, Paris, 1976.
  5. Musique Traditionnelle du Vietnam. Aide à l'Enfance du Vietnam AEV 01, Paris, 1976.
  6. Musica del Vietnam. Albatros Records VPA 8396, Milan, 1978.
  7. Vietnam: Tran Quang Hai et Bach Yen. Playasound PS 33514, Paris, 1979, collection: Musiques de l'Asie traditionnelle, vol.10.
  8. Cithare et Chants Populaires du Vietnam/ Tran Quang Hai et Bach Yen. Aide à l'Enfance du Vietnam AEV 02, Paris, 1979.
  9. Music of Vietnam. Lyrichord LLST 7337, New York, 1980.
  10. Vietnam/ Tran Quang Hai et Bach Yen. Studio SM 3311.97, Paris, 1983. Grand Prix du Disque de l'Académie Charles Cros 1983
  11. Vietnamese Dan Tranh Music/ Tran Quang Hai. Lyrichord LLST 7375 ,New York, 1983.
  12. Shaman/Tran Quang Hai et Misha Lobko. Didjeridou Records DJD O1, Paris, 1983.
  13. MUSAICA: chansons d'enfants des émigrés. DEVA RIC 1-2, Paris, 1984.
  14. Landscape of the Highlands/ Tran Quang Hai. Music of the World MW 004, New York, 1984.
  15. Le Monde Magique du Dan Tranh/ Tran Quang Hai. Viet Productions VN 1944, Paris, 1985.
  16. CD: Rêves et Réalités - Tran Quang Hai et Bach Yen. Playasound PS 65020, Paris, 1988.
  17. CD: Cithare vietnamienne/Tran Quang Hai. Playasound PS 65103, Paris, 1993.
  18. CD: Fêtes traditionnelles Vietnamiennes / Tran Quang Hai & Bach Yen , Studio SM , Paris, France, 1996.
  19. CD: Landscape of the Highlands/String Music from Vietnam/Tran Quang Hai. Latitudes LAT 50612, North Carolina, USA, 1997.
  20. CD: Phillip Peris/Didjeridu. Les Cinq Planètes CP 10296, Paris, 1997.
  21. CD: Les Guimbardes du Monde / Tran Quang Hai. Playasound PS 66009, Paris, 1997.
  22. CD: That's All Folk! Le Chant du Monde CML 5741015.16, 2CDs, Paris, 1997.
  23. CD: Vietnam: Improvisations , OCORA, Paris , 1998.
5 commercialized cassettes on pop music of Vietnam
1 videocassette on Vietnamese Music (1984)
1 videocassette "Music of Vietnam" produced by Ministry of Education in Perth (Australia) (1989)
1 videocassette on "Tran Quang Hai performance" produced by the Melbourne College of Advanced Education in Melbourne (Australia) (1989)
1 videocassette on "Dan Tranh Music" produced by Volkerkunde Museum, Berlin (Germany) 1991.
Performer for film music in 25 commercialized films
Performer of more than 2,800 concerts in 60 countries around the world since 1966.
Performer of more than 1,000 school music concerts organized by JMF (Jeunesses Musicales de France), JMB (Jeunesses Musicales de Belgique), JMS (Jeunesses Musicales de Suisse), Rikskonsertene of Norway and Sweden.
 
 
Composer
400 pop songs in Vietnamese, French, English
100 musical compositions for different musical instruments: 16 stringed zither, monochord, spoons, Jew's harp, overtone singing.
3 compositions for electro-acoustical music (1975, 1988, 1989, see creative works)
 
Researcher
Author of a book "Âm Nhac Viêt Nam " (Music of Vietnam in Vietnamese) , edited by Nhom Bac Dâu, 361pages, Paris, 1989.
Author of a book "Musiques du Monde" (in French), edited by J-M Fuzeau, 320 pages, 3 CD, Courlay, 1993.(with Michel Asselineau and Eugene Berel)
Author of a book "Musics of the World " (in English), edited by J-M Fuzeau, 320pages, 3 CD, Courlay, 1994. (with Michel Asselineau and Eugene Berel)
Author of a book "Musik aus aller Welt " (in German), edited by J-M Fuzeau, 320pages, 3 CD, Courlay, 1996. (with Michel Asselineau and Eugene Berel)
Author of a book "Musiques et Danses Traditionnelles d'Europe " (in French), edited by J -M Fuzeau, 380pages, 2 CD, Courlay, 1995.
Author or more than 300 articles on Vietnamese and Asian musics
Co-ordinator for New Grove's Dictionary of Musical Instruments on South East Asian Music (1st edition, 1984) 3 volumes
Author of articles in New Grove Dictionary of Music and Musicians (6th edition, 1980, 20 volumes), Algemeine Muziekencyclopedia (Holland, 1982, 12 volumes), Encyclopaedia Universalis (France, 1984, 1986, 1988, 1990, 1991)
Co-author with Hugo Zemp for the film 16mm on the overtone singing style "Le Chant des Harmoniques" (The Song of Harmonics) produced by the National Center for Scientific Research-Audio Visual, Paris, 1989)
Contributor to the bilingual notes (188pages) accompanying the 3CD set "Voices of the World" edited by Le Chant du Monde, Paris, 1996
Contributor to the bilingual notes (124pages) accompanying the 2CD set "Vietnam: Musics of the Montagnards " edited by Le Chant du Monde, Paris, 1997.
Researcher specializing in Vietnamese Music, South East Asian Music, Overtone Singing Style, Music Therapy, Music Pedagogy, Creation of New Techniques for Vietnamese 16 stringed zither, Jew's Harps, Spoons.
Author of more than 500 articles in Vietnamese for 30 Vietnamese magazines in America, Europe, Asia and Australia.
Creative Works
 
Nho Mien Thuong Du (Nostalgia of the Highlands) for 16 stringed zither (1971)
 
Xuan Ve (The Spring Is Coming Back) for 16 stringed zither (1971)
 
Tieng Hat Song Huong (The Song of the Perfumed River) for monochord (1972)
 
Ao Thanh (The Magic Sound) for Spoons (1972)
 
Ve Nguon (Return to the Sources) with Nguyen Van Tuong, (1975)
 
Tieng Hat Song Huong (The Song of the Perfumed River) for the monochord (1980)
 
Shaman for Voice, saxo, synthetizer (1982)
 
Hat Hai Giong (Diphonic Song) (1982)
 
Ca Doi Ca (Song vs Song) for overtones (1982)
 
Tuy Hung Muong (Improvisation of Spoons) for Spoons (1982)
 
Doc Tau Dan Moi Mong (Solo of Mong Jew's Harp) for Jew's Harp (1982)
 
Tieng Hat Dan Moi Tre (The Song of the Bamboo Jew's Harp) for Jew's Harp (1982)
 
Sinh Tien Nhip Tau (Rhythm of Coin Clappers) for Coin Clappers (1982)
 
Tiet Tau Mien Thuong (Rhythm of the Highlands) for 2 Jew's Harps (1982)
 
Nui Ngu Sơng Huong (Royal Mount and Perfumed River) for monochord (1983)
 
Nam Bac Mot Nha ( North and South, the Same House) for 16 stringed zither(1986)
 
Chuyen He (Modulation) (1986)
 
Tro Ve Nguon Coi (Return to the Origin) (electro-acoustical music) (1988)
 
Solo Thai for 16 stringed zither (1989)
 
Tambours 89 in cooperation with Yves Herwan Chotard (1989)
 
Envol for overtones (1989)
 
Chuyen He Ba Mien (Metabole on three regions) for 16 stringed zither (1993)
 
Mong Den Vung Viet Bac (Dream of Viet Bac) for 16 stringed zither (1993)
 
Vinh Ha Long ( Ha Long Bay) for 16 stringed zither (1993)
 
Song Huong Nui Ngu (The Perfumed River and the Royal Mount) for 16 stringed zither (1993)
 
Tieng Vang Dan Trung Tay Nguyen (Echo of the musical instrument Trung of the Highlands) for 16 stringed zither (1993)
 
Nho Mien Nam (Nostalgia of the South) for 16 stringed zither (1993)
 
Saigon-Cholon (Saigon-Cholon The Twin Cities) for 16 stringed zither (1993)
 
Vinh Long Thoi Tho Au (Vinh Long, My Childhood) for 16 stringed zither (1993)
 
Cuu Long Giang  Than Yeu (the Beloved Mekong River) for 16 stringed zither(1993)
 
Hon Viet Nam (The Soul of Viet Nam) for 16 stringed zither (1993)
 
A Bali, on entend le genggong rab ncas (In Bali, one hears the jew's harp genggong) for Jew's Harp (1997)
 
Paysage des Hauts-Plateaux (Landscape of the Highlands) for Jew's Harp (1997)
 
Nostalgie au Pays Mong ( Nostalgia of the Mong Land) for Jew's Harp (1997)
 
Souvenir à Alexeiev et Chichiguine (Souvenir of Alexeiev and Chichiguine) for Jew's Harp (1997)
 
Bachkir-Bachkirie (Bashkir-Bashkiria) for Jew's Harp (1997)
 
Orient-Occident (East-West) for Jew's Harp (1997)
 
Souvenir de Norvege (Souvenir from Norway) for Jew's Harp (1997)
 
Vietnam, mon Pays (Vietnam, my Country) for Jew's Harp (1997)
 
Tuva! Tuva! (Tuva! Tuva!) for Jew's Harp (1997)
 
La Mélodie des Harmoniques (The melody of Harmonics) for Jew's Harp (1997)
 
Ambiance des Hauts-Plateaux du Vietnam (Atmosphere of the Highlands of Vietnam) for Jew's Harp (1997)
 
Echo des montagnes (Echo of Mountains) for Jew's Harp (1997)
 
Taiga mysterieux (Mysterious Taiga) for Jew's Harp (1997)
 
Le Saut des Crapauds (The Jump of Toads) for Jew's Harp (1997)
 
Harmonie des Guimbardes (Harmonie of Jew's Harps) for Jew's Harp (1997)
 
L'Univers harmonique (The Harmonic Universe) for Jew's Harp (1997)
 
Consonances ! (Consonances !) for Jew's Harp (1997).
Film music for the film Long Vân Khanh Hơi (The Meeting of the Dragon and the Clouds) 1980.
Film music for the film Le Chant des Harmoniques (The Song of Harmonics), 1989.
Film music for the film La Rencontre du Dragon et du Coq (The Meeting of the Dragon and the Cock) (1997)