Phỏng Vấn Nhà Thơ Phan Xuân Sinh

Trường Đinh thực hiện


nha` tho+ Phan Xua^n Sinh


Hồn Quê (HQ): Xin Anh cho biết vài nét về sựï nghiệp văn chương đời Anh.

Phan Xuân Sinh (PXS): Sự nghiệp văn chương của tôi chẳng có gì đáng nói. Làm thơ từ lúc còn rất nhỏ nhưng chẳng thấy tiến triển. Hình như tôi không có khiếu về văn chương chữ nghĩa nên thơ của tôi cũng không hay, nên ít ai để ý. Theo tôi sự sinh hoạt văn nghệ không mang tính phục vụ quần chúng, mà lấp đầy khoảng trống trong cuộc sống của chính mình. Tôi không có khả năng dùng văn chương để "tải" ý tưởng thâm sâu, nên đừng đòi hỏi trong tác phẩm của tôi những gì cao siêu. Nhu cầu đọc và viết của tôi cũng chỉ tiêu khiển giống như những người khác xem ciné, t.v., bá banh v.v.

HQ: Vài nét về tác phẩm vừa mới xuất bản của Anh: Đứng Dưới Trời Đổ Nát.

PXS: Tập thơ "ĐỨNG DƯỚI TRỜI ĐỔ NÁT" vừa mới ra đời đầu tháng 7 năm 2000. Đây là một số bài thơ được làm rải rác từ thời đi học cho tới bây giờ. Phần đông thơ cũ bị thất lạc. Coi như đây là tập thơ mang kỷ niệm, đánh dấu những kỷ niệm của đời tôi.

HQ: Vài nét về tác phẩm Chén Rượu Mời Người xuất bản năm 1996. Anh có dự định sẽ tái bản lại thi phẩm nầy không?

PXS: Tập thơ "CHÉN RƯỢU MỜI NGƯỜI" in chung với Nhà thơ Dư Mỹ. Đây là những bài thơ tôi viết trong lúc mới qua Mỹ. Tập thơ nầy chúng tôi tự xuâùt bản năm 1996 với một số lượng ít dành để tặng cho bạn bè.

HQ: Bài thơ nào mà Anh yêu thích nhất trong thi phẩm Đứng Dưới Trời Đổ Nát?

PXS: Bài thơ nào tôi thích nhất? Đó là một câu hỏi khó cho tác giả, vì bài nào cũng mang một vẻ riêng. Có lẽ có một câu trả lời đúng nhất của một tác giả nào đó là: "Bài thơ nào tôi sắp làm là bài thơ tôi thích nhất".

HQ: Một nguyên do tâm tư nào đó hay chỉ là một đột khởi cảm ý qua sự đặt tên một thi tập với tựa đề: Đứng Dưới Trời Đổ Nát.

PXS: Tên của một tập thơ là tổng hợp được toàn bộ ý nghĩa chung chung của tập thơ. Có tác giả lấy đề một bài thơ tiêu biểu trong tập làm đề. Còn tôi thì chọn lựa nó bằng những gì mà thơ tôi nói lên và cuộc đời tôi gặp phải.

HQ: Thi phẩm tương lai của Anh?

PXS: Dĩ nhiên là tôi cũng dự trù một tác phẩm trong tương lai. Nhưng bây giờ thì còn quá sớm để bàn tới chuyện nầy.

HQ: Anh có dự định sẽ ra mắt một tác phẩm về văn xuôi theo thể loại tùy bút hay không?

PXS: Tôi hiện giờ có viết lai rai tùy bút, tự truyện. Nhưng bảo rằng tôi gom góp lại để xuất bản thì tôi chưa dám làm điều nầy. Tôi cảm thấy lối viết nầy không mấy hấp dẫn cho người đọc, muốn xuất bản một tác phẩm về văn xuôi, thì tôi phải đổi lại bút pháp và cách dàn dựng một câu chuyện cho thật mới mẻ, mang riêng cho mình một lối viết. Chuyện nầy là một ao ước, nhưng có làm được không là một chuyện khác nữa.

HQ: Vài nhận định về sinh hoạt văn học Việt Nam của giới trẻ trên mạng lưới internet.

PXS: Gần đây trên mạng lưới internet đã xuất hiện nhiều người viết còn rất trẻ, họ được lớn lên trên những đất nước tự do. Lối viết của họ cũng mới lạ, tươi tắn. Đó là một điều đáng cho chúng ta khuyến khích và hổ trợ.

HQ: Vài cảm nghĩ và dự đoán của Anh về tương lai văn học Việt Nam tại hải ngoại?

PXS: Khi bàn đến chuyện tương lai về văn hóa, tiếng nói, chữ viết của người Việt tại hải ngoại dĩ nhiên trong đó có văn học. Trong chúng ta ai quan tâm đến vấn đề nầy cũng đều thấy thật bi đát, không phải chúng ta bi quan nhưng đó là một sự thật. Ngay trong gia đình con cái còn nói ngọng nghịu tiếng Việt, thì làm sao bảo chúng viết và đọc thông suốt được tiếng Việt. Cho nên chúng ta cần nhìn thẳng vào thực tế trong vài thập niên tới, ngôn ngữ, văn chương của chúng ta sẽ mất tiêu tại hải ngoại. Thế nhưng chúng ta ngay bây giờ cũng cần phải viết, viết không những cho những người Việt tại hải ngoại đọc, mà sau nầy những người trong nước cũng tìm đọc. Chúng ta có được một nền văn học lưu vong thật phong phú.

HQ: Vài nét về nền văn học Việt Nam hiện nay tại nước nhà.

PXS: Có lẽ tôi ít đọc được những tác phẩm và báo chí trong nước, nên cái nhìn của tôi không được trung thực. Tuy nhiên tôi cũng phải nhìn nhận rằng 25 năm qua, nền văn học trong nước không mấy tiến triển, những tác phẩm mang tính thuyết phục về chính trị bị lãng quên, còn những tác phẩm mang giá trị về văn học thì quá ít.

HQ: Những so sánh về văn học Việt Nam trong nước và ngoài nước.

PXS: Là người cầm bút, chúng ta không nên so sánh trong nước hay hải ngoại, vì như vậy rất mất lòng cho những người cầm bút cả hai nơi. Nhưng một điều quan trọng là tại hải ngoại chúng ta viết trung thực với lòng của chúng ta, còn những nhà văn trong nước họ khó làm được điều đó, vì những rào cản về kiểm duyệt, xuất bản đã hạn chế những gì họ muốn viết. Nên những tác phẩm được lưu hành trong nước về mặt giá trị văn học thì rất hiếm hoi, trong lúc tại hải ngoại người viết ít hơn, nhưng thỉnh thoảng chúng ta có được những tác phẩm thật hay.

HQ: Văn học Việt Nam trong nước có cần sự đổi mới lại không?

PXS: Chỉ cần bỏ đi chế độ kiểm duyệt, chỉ cần xuất bản tự do. Tôi tin tưởng rằng nền văn học trong nước sẽ sống dậy và cực kỳ mạnh mẽ. Chính luật đào thải sẽ bắt các nhà làm văn học luôn luôn thay đổi cách nhìn, cách viết để bắt kịp thế giới bên ngoài.

HQ: Qua hai tác phẩm Anh đã xuất bản, tác phẩm nào Anh vừa ý nhất? Tác phẩm nào đã diễn đạt được hết nỗi lòng của Anh?

PXS: Diễn đạt bằng thơ để nói lên tâm trạng, nỗi lòng của mình. Thật tình tôi không có khả năng đó, vì thơ chữ nghĩa quá cô đọng. Làm được việc nầy chỉ có các nhà thơ lớn, còn tôi chỉ múa may trong vòng suy nghĩ hạn hẹp, chữ và nghĩa trơn trợt không sâu lắng. Nhưng vì tập thơ "Đứng Dưới Trời Đổ Nát" ra sau, có vài bài được nói lên tâm trạng của kẻ cùn trí, cùng đường mà trong thế hệ của tôi gặp phải, hơn nữa tôi chăm sóc rất kỹ từ in ấn cho đến trình bày và tự làm bìa cứng. Vì thế nói công bình là tôi thích tập "ĐDTĐN" hơn.

HQ: Nhận định của giới trí thức về thi phẩm Đứng Dưới Trời Đổ Nát?

PXS: Trước đây có tuần báo SAIGON TIMES ở California có viết về tập thơ của tôi, người viết là Nhà báo Vương Trùng Dương. Anh Vương Trùng Dương cũng là người bạn của tôi từ thời niên thiếu và anh ấy đã biết tôi khi chúng tôi sinh hoạt văn nghệ với nhau còn trong thời kỳ học sinh. Trên tờ tạp chí VĂN số tháng 11 có bài viết của Nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh về tập thơ của tôi "Đứng Dưới Trời Đổ Nát". Anh Nguyễn Mạnh Trinh hoàn toàn không quen biết với tôi và tôi rất cảm động những gì anh ấy đã viết về tôi. Thỉnh thoảng tôi cũng đọc được những nhận xét ngắn trên các báo về tập thơ nầy do bạn bè của tôi chuyển lại.

HQ: Vài nhận định của Anh về văn chương Việt Nam trên phương diện văn học quốc tế?

PXS: Nhận định về văn chương Việt Nam trên phương diện văn học quốc tế? Đề tài rộng lớn quá tôi không dám đề cập tới, duy chỉ một điều chúng ta phải nhìn nhận là văn học của chúng ta vẫn còn phôi thai (chữ quốc ngữ mới phổ biến chừng 100 năm nay). Chúng ta chưa có một tác phẩm lớn, tầm cỡ quốc tế và được phổ biến toàn diện. Trung Quốc có một nền văn học lâu đời và đồ sộ thế mà chỉ mới có Cao Hành Kiện (người được giải Nobel văn chương năm nay).

HQ: Một vài nguyên do tại sao từ trước đến nay vẫn chưa có một tác phẩm thi ca Việt Nam nào khả dĩ có thể gọi là đủ tầm vóc để nhận giải thưởng Nobel thế giới?

PXS: Nhiều nguyên nhân lắm. Ngôn ngữ và chữ viết của chúng ta chưa được phổ biến trên trường quốc tế, tác phẩm của chúng ta chưa đủ tầm vóc lớn. Đó là những yếu tố chính, mà chúng ta chưa thể vào mắt những nhà chọn lựa văn học, trong những giải thưởng lớn quốc tế.

HQ: Quan niệm của riêng Anh về hồn thơ và ý rượu?

PXS: Tôi không hiểu hồn thơ và ý rượu có ăn nhập gì với nhau không? Thiệt tình tôi cũng có những bài thơ về uống rượu, nhưng những bài nầy ghi lại những kỷ niệm sau khi đã tỉnh rượu rồi mới làm, chứ tôi chưa bao giờ làm thơ trong khi say cả. Các ông Lý Bạch, Tản Đà những ông thánh về thơ, còn tôi thứ cắc ké làm sao sánh được. Một điều tôi cũng cần nói ra đây, tôi là người rất ít uống rượu và chưa biết được cái ngon ngọt của rượu. Gặp bạn bè thì uống chơi, có khi uống chết bỏ nhưng chỉ thấy cái đắng, cái cay chứ chưa thấy ngon được.

HQ: Được biết những tác phẩm của Anh đã đăng trên các báo chí văn học hải ngoại đều ký tên qua các bút hiệu, vậy lý do tại sao Anh không dùng bút hiệu cho tác phẩm Đứng Dưới Trời Đổ Nát?

PXS: Khi còn nhỏ ở trong nước, tôi dùng nhiều bút hiệu vì sợ gửi đi mà người ta không đăng, quê với bạn bè. Nên tôi thay đổi lia lịa. Ra hải ngoại tôi chỉ dùng tên thật hơn mười năm nay.

HQ: Xin Anh vài lời nhắn gởi tâm tình đến giới học thức trẻ về văn học Việt Nam trên đất khách.

PXS: Trong bất cứ lãnh vực nào, giới trẻ cũng là mầm mống của tương lai. Thế hệ trẻ tại hải ngoại, tiếp xúc với ngôn ngữ văn chương nước ngoài mà còn giữ được tiếng mẹ đẻ, thiết tha với văn chương Việt Nam, đó là điều những người như chúng tôi phải trân trọng và quý mến. Lời khuyên của cá nhân tôi là họ cứ viết bất cứ cái gì mà họ muốn, họ làm thơ không cần câu nệ hay bị ràng buộc vào khuôn mẫu từ trước, và họ tìm đọc những tác phẩm giá trị để trau dồi cho vốn liếng của mình. Tôi thích sự cách mạng, bức phá của họ trên văn đàn, thích sự tươi tắn trẻ trung của họ.

HQ: Văn chương cổ truyền Việt Nam có cần khai quật lại nơi đất ngoại hay không (chữ nôm)?

PXS: Cái gì chúng ta đọc được thì đọc cho biết, ngay cả thế hệ của tôi, phần đông cũng mù tịt về văn chương chữ Nôm, chứ đừng đòi hỏi những bạn trẻ trưởng thành từ Mỹ, những điều quá sức như vậy. Khai quật làm gì cái thứ mà đối với thế hệ trẻ tại đây là điều quá cũ kỹ.

HQ: Thơ Việt có tồn tại trong thế hệ tương lai nơi xứ người không?

PXS: Tôi nghĩ cũng sẽ bị luật đào thải chi phối, nhưng nói ra sự thật nầy cũng đau lòng lắm.

HQ: Thi phẩm nào và thi sĩ nào đã ảnh hưởng nhiều nhất đến thơ văn của Anh?

PXS: Trước đây thì thơ của Tô Thùy Yên và thơ của Hoàng Lộc, bây giờ thì tôi không biết mình chịu ảnh hưởng của ai. Thỉnh thoảng đọc được một bài thơ hay thì trong lòng sướng ghê lắm.

HQ: Vài quan niệm của Anh về thơ? Nếu như vượt bỏ những gạn ép vướng mắc của vần điệu thì thơ có còn gọi là thơ nữa không?

PXS: Thơ thì cần chi phải vần điệu, miễn sao người đọc cảm thấy hay là được rồi. Thơ vần điệu với các người trẻ bây giờ rất khó làm, vì phải gò bó trong khuôn khổ. Nếu như cảm thấy hạn chế thì ta nên làm thơ một cách tự nhiên, bình dị. Cái quan trọng là có được sự chấp nhận của mọi người hay không?

HQ: Thơ Việt trên đất ngoại có cần làm mới lại chăng (thơ narrative, thơ hypertext, thơ linh họa animated/in-motion/video poetry, v.v.)?

PXS: Có lẽ bộ môn thơ tiến triển nhanh nhất. Cho đến bây giờ vẫn chưa thấy các thể loại thơ cách tân nào được ưa chuộng nhất. Còn quá sớm, chúng ta bàn về chuyện nầy chăng? Tôi đã thấy xuất hiện vài bài thơ theo các thể rất lạ, nhưng hề chi. Cuộc thử nghiệm nào cũng đòi hỏi sự kiên trì, dần dần trở thành thói quen và tự nhiên sẽ được chấp nhận.

HQ: Xin Anh cho biết đôi chút về Hội Ái Hữu Quãng Đà và Đặc San Xứ Quãng?

PXS: Hội Ái Hữu Quảng Đà tại Massachusetts cũng giống như các Hội Đồng Hương khác vậy. Đây là một tổ chức gom lại những người cùng phong tục, tạp quán, lề thói, giọng nói và cùng nơi sinh quán, tìm lại với nhau để làm sống lại những gì mà họ cảm thấy gần gũi. Mỗi năm họ tổ chức buổi sinh hoạt mừng năm mới theo truyền thống của họ. Tờ Đặc san Xứ Quảng là tờ báo phát hành mỗi năm một lần, đặc biệt tất cả các bài viết phần đông liên quan tới vùng đất Quảng Nam Đà Nẵng hoặc văn hóa Việt Nam.

HQ: Anh có tâm tư riêng gì muốn tỏ bày với các độc giả?

PXS: Thành thật cám ơn nhóm chủ trương HỒN QUÊ, những người bạn trẻ của tôi, đã cho tôi có cơ hội tiếp xúc với đồng hương, và nói lên quan niệm văn chương của cá nhân tôi. Dĩ nhiên những quan niệm nầy có thể không vừa lòng với người khác, tuy nhiên tôi cũng có cơ hội trình bày sự thật lòng mình, những suy nghĩ trung thực của mình. Có điều gì sơ sót kính mong quý vị lượng tình bỏ qua.

HQ: Xin chân thành cảm ơn Anh.


Trường Đinh thực hiện