Đối Thoại với Nhà Biên Khảo

Nguyễn Vy Khanh
 

Cát Biển  thực hiện



Trong một cơ duyên, tôi dọn về lại Nam Cali sau thời gian "lưu vong" tại Little Rock, Arkansas. Tôi nhận cú điện thoại bất ngờ vào tháng 6 năm 2002. Người bên kia đầu dây có giọng nói trẻ trung, vui tươi và nồng nhiệt, anh muốn gặp tôi để hàn huyên thân tình nhân chuyến Tây Du sang miền Nam Cali. Như chớp, tôi mặc đồ và phóng xe nhanh nhẹn đến gặp anh tại Thương Xá Phước Lộc Thọ. Người mà tôi đến gặp có gương mặt trắng trẻo, lời nói hòa nhã, hồn nhiên, trẻ trung, khác hẳn với giọng văn có tính cách nghiêm túc, chững chạc, mô phạm, mà tôi vẫn hằng thích thú đọc qua các sách báo. Người bạn văn chương này chính là nhà biên khảo Nguyễn Vy Khanh. Sau đó, một người bạn khác là nhà thơ Nguyễn Nam An cùng đến nhập bọn, đấu hót (khoe nắng ấm) để chào đón người từ miền Montréal (tuyết giá). Và rồi cả bọn cùng kéo nhau đi tâm tình văn chương và...lai rai phá thành sầu - cùng là để theo dõi diễn tiến hấp dẩn của đội Lakers đang bách chiến bách thắng trong mùa basketball play-off 2002...Nay tình cờ tôi lại được có cơ hội thú vị đàm thoại cùng NVK về những suy tư và bối cảnh văn học từ góc nhìn tinh tế của anh, xin mời quý độc giả cùng chia sẻ qua lăng kính này bài nói chuyện cùng nhà biên khảo Nguyễn Vy Khanh...
 



Tên thật: Nguyễn Vy Khanh
Ngày và nơi sanh: 1951, Quảng Bình
Hoạt động trước 1975: Giáo chức Trung học đệ nhị cấp, Khánh Hoà
Định cư: 14-5-1975, Montréal, Canada rồi Québec City và trở về Montréal
Đã sáng tác: Thơ, truyện, bình luận chính trị và biên khảo văn học sử
Ước vọng: Hoàn thành biên khảo toàn bộ Văn học miền Nam 1865-1975; Văn học Việt Nam hải ngoại; Kinh Dịch áp dụng, etc...
Các nơi đã qua và muốn trở lại: Nha Trang, Mỹ Tho, Đà Lạt, vài làng quê ở Pháp và Canada.


1) Cát Biển (CB): Chào anh Vy Khanh. Quả là một duyên hội ngộ! Anh nổi tiếng vì thường viết về người khác hơn là "bị" người khác phỏng vấn anh. Hôm nay Nguyệt San Văn Hoá Hồn Quê xin dành cơ hội lý thú này mời anh ra sân khấu để giúp mọi độc giả khắp nơi hiểu thêm vài khoé cạnh về nhà biên khảo Nguyễn Vy Khanh. Xin anh vui lòng cho biết những chi tiết về chánh quán, các sinh hoạt trước và sau 1975, gia đình, và môi trường sống hiện tại.

Nguyễn Vy Khanh (NVK): Trước hết tôi xin cảm ơn anh Cát Biển và nhóm Hồn Quê đã có nhã ý hỏi thăm tôi và cho tôi cơ hội đến với độc giả. Cái "Tôi" mà nhà tư tưởng Pascal đã nhắc nhở là đáng ghét thành thử tôi từng từ chối phỏng vấn, nhưng hôm nay tôi xin được phá lệ để trả lời quí anh, lý do sẽ bàn bạc qua các trao đổi với anh. Xưa nay tôi vẫn tự đặt quy luật tu thân là cố gắng, lúc nào cũng cố gắng, mỗi khi làm việc gì, nếu gặp trở ngại tôi sẽ tạm đi đường detour, như khi xa-lộ sửa đường phải đi đường khác, nhưng cuối cùng phải trở lại cho được con đường đã vạch hoặc muốn đi. Tâm nguyện tôi thích làm quan sát viên âm thầm, kẹt quá mới phải đưa mặt ra, thành thử tôi từng là thư ký hoặc tổng thư ký của nhiều tổ chức (Hội Người Việt Quebec City, Tổng Liên hội Người Việt Tự Do Hải ngoại, Gia Đình Cựu Giáo Chức ở tỉnh bang Québec, Trung tâm Việt Nam Học, Cộng đồng Công giáo Montréal, v.v.) - một chức để "vác ngà voi" hơn là để đọc diễn văn.

Xin trở lại câu hỏi của anh. Sinh quán tôi là một làng quê Quảng Bình nhỏ và rất nghèo đất cày lên sỏi đá bên bờ sông Gianh và chân núi Đâu Mâu, nơi từng là ranh giới chia đôi đất nước thời Trịnh-Nguyễn. Vừa đầy một tuổi thì quê nhà trở thành bãi đấu trường cho "cách-mạng" và đấu tố hãi hùng, ba mạ tôi di cư vô Huế và bốn năm sau nữa thì Nam-tiến vô Sài Gòn trưởng thành cho đến khi tốt nghiệp đại học Sư Phạm Sài Gòn chọn nhiệm sở Khánh Hoà và lập gia đình mới trở ra Trung. Tôi tốt nghiệp thủ khoa khóa 13 ban Việt Hán nhưng năm đó luật đổi, chỉ chọn Ty thay vì chọn trường như trước, nên khi đến Ty chọn trường, gặp ... hạm - tham nhũng đó anh, chứ không phải đồng ngũ của anh đâu anh Cát Biển, tôi chọn trường trung học quận Vĩnh-Xương bên quốc lộ 1 gần tượng Phật trước khi vào đến Nha Trang.

Về nghề nghiệp, trước sau tôi rất ... bảo thủ, chọn những nghề...chắc - chắc ăn và thích hợp với con người tôi. Khi cùng xong dự bị Văn Khoa và năm thứ nhất Luật, tôi định thi vào Quốc-gia Hành chánh, nhưng năm đó được biết ra trường sẽ về ... Phường, Xã, thành thử tôi bỏ giấc mơ làm ... quan, trở lại thi vô Sư phạm học làm ... thầy thì kỳ thi tuyển đã qua, phải đợi năm sau. Tôi bỏ Luật nhưng vẫn học Văn khoa song hành và đậu cử nhân giáo khoa Triết tây năm 22 tuổi rồi Cao học Triết Tây với giáo sư Nguyễn Văn Trung, luận án về đạo đức trong văn học Việt Nam hiện đại, tôi chọn một đề tài hợp cho hai ngành Việt Hán và Triết Tây tôi đang theo đuổi. Tôi tốt nghiệp Sư phạm năm 1974 và ra trường chưa dạy trọn niên khóa đầu đã phải bỏ Nha Trang di tản vô Sài Gòn và rời khỏi nước một đêm trước ngày 30-4-1975. Thời sinh viên tôi cũng đã từng dạy ở nhiều tư thục ở thủ đô. Nói một năm nhưng tôi vào Sài Gòn hai lần đổi giấy hoãn dịch đều bị kẹt lại ngoài ý muốn, đường quốc lộ 1 lúc đó ở Long Khánh hay bị địch chiếm, lần thứ hai phải lấy Air Viet Nam về nếu không bị lão hiệu trưởng dọa với người nhà sẽ truy tố đào nhiệm; sau tháng Tư 1975, y lộ ra là người của bên kia!

Số được "du học tập thể" nên hôm nay, 27 năm sau, mới được tiếp chuyện với anh trên đất Bắc Mỹ! Đến Montréal hôm trước thì hôm sau tôi được nhận học Cao học Quản trị Thư viện (Library Science) nhưng không một xu dính túi, và bà xã sắp sinh đứa con trai đầu lòng, nên tôi đi làm 12 giờ một ngày, một tuần ngày một tuần đêm, và năm sau mới đi học lại. Ra trường tôi nhập quốc tịch Gia Nã Ðại hôm trước thì vài hôm sau có việc làm công chức (lại một nghề chắc ăn, dù ở xứ người!), 8 năm ở thư viện Quốc hội, phần còn lại ở bộ Giao Thông. Nghề gốc là thủ thư nhưng nay chức là chuyên viên về thông tin và liên hệ đến Technology Transfer cũng như Knowledge Management. Hình ảnh người làm quản thủ thư viện người ta hay nghĩ đến một bà tóc muối tiêu đeo gương cận nặng, ngồi một chỗ, nay cũng đang bị "tiệt giống", nhất là ở các thư viện nghiên cứu khoa học, computer, information management động não hầm bà lằng!
 

(Đứng) Nguyễn Vy Khanh, Nguyễn Khánh Hoà, Thu Ba, anh chị Quách Gia Tịnh    (Ngồi) Quan Dương, Nhật Nguyễn, Hữu Việt


2) CB: Xin anh cho biết các chi tiết và những phấn đấu nội tâm về chuyến di tản của anh năm 1975. Tại sao anh lại đến định cư tại Canada, và các khó khăn lúc mới đến Canada?

NVK: Nha Trang bỏ trống ngày 1 tháng 4-1975, sau khi đã chứng kiến những cái chết bi thảm trên những xà-lang từ Đà Nẵng vào neo ở Cầu Đá, chúng tôi đành chất đồ lên xe theo đường quốc lộ 1 xuôi Nam. Đi đến đâu thì ở đó tan hoang theo : Cam Ranh, Phan Rang, Phan Thiết. Chúng tôi suýt chết trên quốc lộ 1 gần Bình Tuy khi chính phủ Sài Gòn ra lệnh pháo kích vào đoàn xe và người di tản - người quốc gia giết người quốc gia, tin đồn là để bảo vệ thủ đô ?! Những quân xa ép xe thường dân phải nhường đi trước nhưng đến đó mới thấy đa số đều bị chết hoặc bị thương nặng, khi chúng tôi đi qua thì mùi đạn và tử khí thật rùng rợn, nhiều người chưa chết giơ tay cầu cứu nhưng ai cũng sợ quá không ngừng la.i. Tôi vẫn tin có số mạng vì sau đó khi theo chiến hạm số 1 ra Côn đảo đêm 29, chúng tôi đã tính xuống thuyền nhỏ để vào bờ cũng như khi qua đến đảo Guam còn tính lên tàu Việt Nam Thương Tín để hồi hương. Chuyến tàu nhỏ do một ông đại tá Hải quân có vợ móc nối với bên kia khi vào cửa Cần Giờ liền bị bắn chìm vì họ chờ đem tàu lớn về, còn tất cả những người hồi hương trên chiếc tàu VNTT đều bị hốt vô trại tù Phú Khánh. Vào thời điểm đó tôi chán đồng minh, xin đi Pháp thì Pháp phải nịnh chủ mới, Canada thì nhận hết những ai có bằng đại học. Sang đến Canada vài tuần thì chúng tôi mới cảm nghiệm được thế nào cái buồn xa xứ không ngày về, nhất là bà xã tôi chưa quen sống xa gia đình, đã định đi New York với mấy bác lớn tuổi hơn xin Liên-hiệp quốc cho hồi hương, nhưng cuối cùng sự khôn ngoan đã cản mọi người! Canada là một quốc gia rất nhân đạo, chúng tôi đến Canada rồi mới xin thể chế di trú (landed immigrant), được cho ở hotel ngay trung tâm thành phố Montréal, bửa ăn có người tiếp y như nhà hàng vậy. Chính phủ Canada giúp người tị nạn hội nhập và tự lập rất sớm, so với Hoa-Kỳ, sau hai tuần là giúp kiếm thuê appartment, tìm việc làm hoặc đi học sinh ngữ 7 tháng có trả lương y như đi làm. Montréal lúc đó có chừng trăm sinh viên du học, với đoàn tị nạn nâng dân số Việt lên đến 4, 5 rồi 40, 50 ngàn người. Tôi đang làm thông dịch cho Sở di trú Canada giúp đợt boat people Hải-Hồng thì có việc ở Quebec City, khi đi nhận việc là chấp nhận một cuộc lưu vong thứ hai, vì ở đó dù là thủ đô tỉnh bang nhưng người Việt trước sau chỉ có vài trăm người. Với thời gian, ý nghĩa và cường độ sự lưu vong của tập thể lên xuống theo biến chuyển ở bên nhà, bên này, cũng như theo những người đến sau này!

3) CB: Lý do nào đưa đến sự chọn lựa ngành Triết Tây mà anh đã theo đuổi trước 75? Hướng đi đó đã làm thay đổi thế nào trong suy tư và lối viết cuả anh?

NVK: Chuyện tôi hơi lẩm cẩm, nhưng việc tôi chọn ngành Triết là một cách chính thức hóa những yêu thích đã thẩm nhập trong tôi một cách vô thức. Chắc anh còn nhớ thời 1964-66 sách Phạm Công Thiện, Tam Ích và sách dịch của Trần Thiện Đạo đã là những sách gối đầu giường của nhiều sinh viên học sinh. Tôi đọc nhiều từ những năm 11, 12 tuổi vì tôi được thừa hưởng thư viện của người cậu vì chính trị phải bỏ nước ra đi. 15, 16 tuổi tôi đã viết xong một tập tiểu luận ... về hiện sinh và kiếp người, đại để như vậy, tôi già sớm và lẩm cẩm đã bắt đầu thành ... nếp từ đó ! Học Triết mà yêu thích thì dễ tà tà vì thứ nữa tôi là con trai một nên không bị áp lực học để hoãn dịch! Học đến cử nhân rồi Cao học Triết tây nhưng người ảnh hưởng tôi nhiều là linh mục Kim Định triết Việt và hai giáo sư bên sư phạm là Trương Văn Chình và cụ Giản Chi. Kiến thức với các vị sau cũng như nhiều giáo sư khác, cho tôi căn bản Việt Nam và ngôn ngữ xử du.ng. Từ cuối năm thứ hai sư-phạm, tôi đã đọc được sách chữ Hán văn-ngôn như Sử-Ký Tư Mã Thiên, thành thử chữ tôi dùng phần nào từ nguồn sách cổ đã nhập tâm !

Nói gì thì nói, kiến thức triết học giúp tôi nhiều khi đi vào những lãnh vực khác, nghiên cứu cũng như thưởng thức văn học, triết đông và Tây, như một cái phông không thể thiếu, như một loại tiềm thức cho mọi ý thức, và tôi có cái may mắn đó! Không có nghĩa là tôi khá hơn, nhưng trọn vẹn hơn, có căn bản hơn cho ai muốn đi vào lãnh vực nghiên cứu bất kể ngành gì. Anh CB thấy đó, khi vào một thư viện (ngoại trừ thư viện chuyên ngành), sách triết học và tôn giáo luôn đứng đầu bảng phân loại, sau đó kiến thức con người mới chia ra nhiều ngành khác, văn học cũng vậy ! Năm năm học Triết, từ đó đến nay có nhiều dịp suy ngẫm, nay tôi nghĩ triết-học không đủ, phải thành triết đ?o. Tôi nghĩ chỉ có một triết đạo áp dụng cho con người, bất kể nguồn gốc, chủng tộc, nhưng có nhiều hình thức, phương tiện. Và có thể có nhân quả, có kiếp trườc đời sau, nhưng theo tôi nghĩ cái quan trọng là cái hiện tại cần phải cáng đáng cho ra trò. Kiếp hiện sinh, cái hiện tại là chuyện trước mắt cần phải có hành động. Sự cứu rỗi đến từ hành động hiện sinh, vì sự hiện diện của ta ở đây, lúc này, có giá trị, ý nghĩa cần phải được xác nhận, qua hành động, qua nhập thế! Sống hôm nay cho kiếp sau đời sau như một số tôn giáo dạy, mà bỏ phần tích cực, thực tế trước mắt, tôi nghĩ là không tưởng và không làm trọn thiên chức làm người hôm nay trên trần thế này! Ý nghĩ triết đạo này còn nghiệm đúng qua một vài nhà tư tưởng người Việt, ở hải ngoại như triết gia Trần Công Tiến tác giả hàng loạt sách Triết hiện-tượng luận áp dụng mới xuất bản mấy năm trở lại đây ở hải ngoại, trong đó ít nhất có hai cuốn vừa được nhà xuất bản Mỹ in, dĩ nhiên là viết tiếng Anh. Tiến đi từ triết-học thuần lý đến triết đạo áp dụng, từ triết rời thần đi đến kết hợp với thần học ! Tiến là đàn anh nhưng chúng tôi có "duyên" từng "cắp sách đi học" lại lúc vừa mới lạc lõng lưu vong ở Montréal, anh ta làm luận án Triết còn tôi "thực tế" hơn bỏ nghề "gõ đầu trẻ" để theo ... sách, mà ở xứ này "gõ đầu trẻ" thiệt dễ bị vô tù sớm, còn sách thì hiếm khi phản mình lắm, anh có đồng ý với tôi không?

4) CB: Ngày gặp anh tại Nam Cali năm nay, tôi không ngờ anh rất trẻ trung và hồn nhiên, so với lối viết quá chững chạc đến độ như một ông đồ hay một giáo sư nghiêm túc trọng tuổi. Xin anh giúp phân tích cho biết các đặc tính gì trong giọng văn của anh đã đưa người đọc đến những ấn tượng ấy ?

NVK: Anh hỏi câu này thì khó cho tôi. Tôi vẫn viết bình thường, tôi không ngờ lại gây cho người đọc những cảm tưởng đó. Có thể tôi già sớm chăng? Cũng có thể do nguồn học vấn triết lý, cổ văn và nghề nghiệp sư-phạm dù không lâu của tôi như tôi vừa trả lời câu hỏi trước của anh cũng như những sách "khó tiêu" hoặc cổ-lổ-sĩ tôi đã đọc thời trẻ ! Có điều tôi đã viết là phải có dẫn chứng, tài liệu và câu văn phải dễ hiểu, trắng đen rõ rệt, nếu chưa chắc chắn thì tôi không viết, vậy thôi! Tôi thêm, đó cũng còn là văn thiếu lý thuyết văn chương, thiếu thứ lý luận academic có những khả năng mê hoặc con người thích nó!

5) CB: Làm ơn tiết lộ chút xíu, Nguyễn Vy Khanh ngoài đời có cùng một nếp sống mực thươ'c, khuôn khổ như nhà biên khảo Nguyễn Vy Khanh mà chúng tôi vẫn có ấn tượng qua các bài khảo cứu ?

VNK: Có chứ anh, hơn 27 năm ở ngoài này, tôi đã và đang làm ông biện nhà thờ 3 lần, một lần ở Quebec City và hai lần ở Montréal, hiện tôi làm tổng thư ký hội đồng quản trị Cộng đồng Công giáo vùng Montréal. Phương pháp, khuôn khổ thì tôi nghĩ tôi có, nếu không thì tôi đã tiếp tục làm thơ hay vẽ vời như tôi từng đam mê thời mới lớn - ý tôi muốn nói là làm thơ ít có những bó buộc vật chất cũng như thời gian như công việc nghiên cứu, còn làm thơ cho hay và để đời thì dĩ nhiên còn khó hơn là soạn dăm ba cuốn khảo luận! Nhưng con người cá nhân Nguyễn Vy Khanh không "khắc khổ" lắm đâu, tâm hồn và tư tưởng thì vẫn chưa thành sạn (tôi hy vọng!), vẫn dao động theo biến chuyển đời và văn học nghệ thuật, vẫn "đói" cái mới, cái lạ - cái chân thiện mỹ nói chung, dùng chữ chân thiện mỹ chứ nếu nói cái đẹp thì sợ anh lại hiểu lầm tôi. Dĩ nhiên ngoài đời tôi cũng như anh đã "tình nguyện" làm thân "cá chậu chim lồng"!

6) CB: Tác phẩm đầu tay cuả anh, thi tập Khung Cửa xuất bản 1972. Đây là những năm trận chiến VN đang găng. Anh cho biết tại sao là tập thơ mà không là truyện hay biên khảo? Động lực nào đưa đến việc thành hình tập thơ đó. Thơ giúp được gì cho người làm thơ?

NVK: Tôi là người đô thị vì sống gần như cả đời thiếu rồi thanh niên ở Sài Gòn và thú viết văn làm thơ đến với tôi cũng trong khung cảnh đô thành đó. Năm đệ Tam tôi đã viết một tiểu luận triết lý về kiếp người (bạn bè vẫn gọi tôi là "ông cụ non"), nhưng hai năm cuối trung học tôi làm thơ nhiều hơn vì trùng hợp với thời gian lãng-mạn, anh biết rồi, tức chạy theo mấy bóng hồng áo trắng! Năm 1972 đánh dấu khúc ngoặc cuộc đời tôi, tôi làm sổ ... đời, đem hết những ngây thơ, lãng-mạn vào một tập thơ chừng hơn 50 bài, kết quả của những đam mê cho đến ngày đó, in hạn chế tặng bạn bè và đóng thùng, rồi bắt đầu một cuộc đời mới!

Từ năm đệ Tứ tôi đã sinh hoạt văn nghệ với một nhóm bạn, lạ là lúc đó còn non trẻ mà nhóm đã chỉ sáng tác truyện, thơ và viết tiểu luận pha triết lý. Hai năm cuối trung học, tôi lại sinh hoạt văn nghệ ở trong một nhóm bạn mới, sau có đứa chết trận Mậu Thân, đứa bỏ học đi lính trả thù cho bố quận trưởng bị phục kích chết hoặc chán nản buông xuôi cho số mệnh. Lên đại học thì nhóm rã, nhưng hiện trong số mà tôi có tin tức hoặc liên lạc thì có đứa vẫn còn làm thơ gửi ra ngoài đăng tạp chí ở Mỹ, đứa từng chủ trương một tạp chí văn học ở Cali và đang viết thường trực cho tờ Viet Mercury. Với chúng tôi lúc bấy giờ làm thơ là một phương tiện sống và giải tỏa tâm tư, và là một phương tiện dễ thương, hiền hoà nhưng ăn sâu vào con người nhiều nhất. Những bài tiểu luận triết lý, xã hội chúng tôi viết lúc đó chỉ gây thảo luận dăm ba lần, nhưng những bài thơ đạt, vẫn được bạn nhắc nhở, ngâm nga lâu hơn !

7) CB: Biết là không thể nào vắn tắt nhưng cũng xin anh điểm qua một khái lược chung về các hoạt đông văn học hải ngoại, các khuôn mặt, các cây viết đáng kể hoặc đáng chú ý về thơ, văn? Các nét chính cuả họ, và các luồng biến hoá về nội dung hoặc hình thức mà anh ghi nhận được.

NVK: Anh hỏi một đề tài mà tôi nghĩ cần đến những nghiên cứu kỹ lưỡng, khách quan trước khi nói ra, vì sợ mười con ngựa cũng không truy theo kịp. Tôi đã bắt đầu quan sát từ đầu, từ những năm 1975, 1976, thu thập, ghi nhận tìm hiểu và viết về văn học hải ngoại cũng như một số đề tài, tác giả - qua hai cuốn đã xuất bản, 40 Năm Văn Học Chiến Tranh (1997) và Văn Học Và Thời Gian (2000) và một cuốn đang in, Nhìn Lại Văn Học Việt Nam Thế Kỷ XX: Một Số Hiện Tượng Và Thể Loại trên 600 trang (cũng như một tập gồm nhiều bài viết về một số tác giả và tác phẩm khác nhưng tôi không biết khi nào thì có thể in được. Tôi làm công tác này như một đóng góp tự nguyện cho chuyện chung và tự túc (chứ không phải tôi làm ở một thư viện có sẵn sách tiếng Việt như có vài người hiểu lầm!). Nhưng gần đây tôi đã đi đến "kết luận" rằng tôi cho ngủ (dormant/sleeping) công việc này; hiện cũng đã có nhiều cây viết khác sáng giá và có hấp lực hơn tôi, hợp "gu" các tạp chí văn học hơn tôi. Tôi rút vào bóng tối Tây-hiên nhưng vẫn quan sát và đọc, và sẽ chỉ viết trở lại 7, 10 năm nữa (resolution đầu năm 2003 của tôi!), biết đâu lúc đó độc giả sẽ đông hơn và trong-ngoài nước đã thật sự có qua lại về văn hóa và công việc làm văn học sử thuận lợi hơn, khách quan hơn! Bao giờ đứng ngoài, đứng sau cũng dễ nhìn và suy nghĩ hơn là đứng bên trong!

Trở lại câu anh hỏi, văn học hải ngoại sau hơn 27 năm, tôi thấy ngày càng phong phú, đa dạng, phương tiện in ấn dễ dàng khiến công việc viết và xuất bản cũng dễ hơn, dân chủ hơn. Nhưng tác giả đúng nghĩa thì ngày càng hiếm hơn, tác phẩm lớn thì còn hiếm hơn nữa. Gần đây tôi có hai bài viết sẽ đi trên Hồn Quê, Chủ Đề và Hợp Lưu có ghi lại một số nhận xét này của tôi và về phía thơ thôi. Có thể tôi hơi lý tưởng, nhưng tôi nhận thấy những người làm văn học vì văn học rất ít, ngay cả các tạp chí văn học được xem là tiêu biểu, quí ngài chủ trương hay chủ bút có những thái quá hoặc thiển cận, nhỏ mọn, tính yêu sự thật và tư cách văn hóa cũng khả nghi. Người viết hoặc cộng tác ít được tôn trọng, thường thì trở thành nạn nhân của chính hobby này. Trong không khí đó, không thể có đối thoại, trao đổi dân chủ, thẳng thắn và có văn hóa được. Muốn có bài được đăng nếu không cùng phe thì phải mua báo, tặng quà rồi phải nhắc tên vợ chồng chủ báo, quê hương của họ hay bạn bè họ, hoặc tâng bốc những gì họ viết. Còn nếu nói thật, ngay cả theo lời yêu cầu của chính họ, thì sẽ bị tẩy chay và không bao giờ còn được họ nhắc đến, ngay cả việc bày ra trò chơi thảo luận mới với những người y chang họ (semblables!)! Câu hỏi anh tạo dịp cho tôi ... xả xú bắp, không chừng anh sẽ bị vạ lây đấy nhé! Anh và Hồn Quê đã tạo dịp cho tôi nói thì tôi cũng xin thêm rằng tôi thấy người làm văn học (ngoại trừ giới sáng tác tôi không có ý kiến ở đây) phần lớn họ bảo thủ và quá nhiều tự ái, tự kỷ, và càng tự xưng trí thức thì càng tệ, họ chỉ có một sự thật, đó là sự thật theo ý họ nếu không là của họ!

8) CB: Về các thơ truyện tại hải ngoại, riêng anh thường đọc văn thơ của các tác giả nào? Các đặc điểm nào mà anh thích khám phá ? Các CD, DVD của các nhạc sĩ nào anh thích nghe?

NVK: Khó trả lời anh câu hỏi này vì sự thưởng lãm đã biến đổi theo thời gian và nội tâm. Khi nghiên cứu văn học sử tôi phải đọc không lựa chọn, nhưng khi viết về một tác giả hay tác phẩm thì phải có hứng và đối tượng có một đặc thù nổi bật nào đó, thường là tình cờ đến, như khi tôi viết về tập truyện Đoạn Đường Hốt Tất Liệt của anh Lâm Chương, hoặc khi tôi đọc lại toàn tập của Nguyễn Huy Thiệp là lúc tôi đang suy nghĩ về những chuyện huyền thoại lập quốc và Kinh Dịch Việt, v.v.

Còn đọc để giải trí, thưởng thức "vô tư" thì tôi khó khăn hơn, nhiều lần trước một chuyến công tác xa tôi đã rơi vào tình trạng phân vân không chọn được tác giả Việt Nam nào có mà chưa đọc, cuối cùng tôi chọn một tác giả ngoại quốc cho chắc ăn đi đường! Những tác giả tôi đang "thích" có thể kể trên đầu ngón tay về thơ và văn, vì trong tôi có hai con người luôn tranh chấp nhau, một thưởng thức như mọi người và một con người thích tìm hiểu nội dung hay cái xuyên suốt tác phẩm!
 

Nguyễn Vy Khanh qua nét vẽ Nguyễn Quốc Tuấn


9) CB: Có phải chăng số lượng biên khảo về văn học sử của người Việt hải ngoại đang trở nên hiếm hoi? Xin anh chia sẻ các khó khăn mà người viết văn học sử tại hải ngoại đang phải đương đầu?

NVK: Theo tôi không phải hiếm nhưng có một số bất cập hoặc yếu điểm: một mặt không hệ thống và lệ thuộc một số trùm sò làng văn nghệ, lệ thuộc các tạp chí và nhà xuất bản, mặt khác không có điều kiện để phát huy một cách lành mạnh. Không khí trí thức, văn nghệ cũng không có, không có trao đổi và phê bình đứng đắn. Biên khảo văn học sử đang thu hẹp dần, nhường chỗ cho ký sự văn học, tản mạn và giới thiệu sách. Phê bình đối với một số người trở thành chụp mũ, bôi xấu, thí dụ những vụ xào xáo Văn Bút Hải Ngoại, Nguyễn Ngọc Ngạn, Nhật Tiến, v.v. Riêng cá nhân tôi, có thể tôi xưa hoặc quá nguyên tắc, nhưng đối với tôi, con người văn nghệ sĩ phải có tư cách. Một nhà thơ có thể rượu chè, đời sống không giống ai nhưng tôi khó chấp nhận chung chiếu nhà thơ những kẻ vừa làm thơ ca tụng cuộc đời vừa làm "đặc công" chuyên phá hoại cộng đồng, tập thể, làm ung thối mọi sinh hoạt chung! Cũng vậy, một trí thức (tự xưng) theo thời, hoạt đầu chính trị, không thể là một nhà văn đúng nghĩa, theo ý tôi! v.v..

10) CB: Giống như tư cách đứng đắn minh bạch không thể nào nhầm lẩn được của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng từ bản chất nghiêm túc của anh ấy, mà tôi từng cộng tác chung trong chương trình Truyền Hình Việt Nam tại Nam Cali, trong lối văn của Nguyễn Vy Khanh người đọc luôn luôn cảm nhận một sự chân thành tận tâm phát hiện từ ngòi bút của anh vì anh không hề múa bút. Xin anh vui lòng chia sẻ kinh nghiệm vui buồn từ phản ứng độc giả đối với một số bài biên khảo thẳng thắn, do ở chỗ anh đã không bẻ cong ngòi bút của chính mình?

NVK: Xin cảm ơn anh Cát Biển đã có lời quá khen. Đến nay tôi vẫn đã chỉ có những đóng góp rất nhỏ, tôi luôn khởi đi từ nguyên tắc đi tìm chân-thiê.n-mỹ, đem áp dụng cho việc học, làm việc chuyên môn kiếm sống cũng như cho việc nghiên cứu nghiệp dư, trong thực tế dĩ nhiên tôi đã phải gặp một số phản ứng phần lớn bất ngờ dù khi viết ra đã tiên đoán được phần nào. Lý do là chúng ta nói chung thường thích được khen, đề cao, với những hình dung từ "thượng, đại, tuyệt, mô hình, tiêu biểu, cách tân, v.v" mà đố kỵ với những tư duy khởi từ "hình như, thật ra, vẫn có thể, v.v."! Vì thế mà có người đạo diễn cả những màn tự đề cao và quay cả video để ... đời ! Sống trong thế-giới của quảng cáo bán hàng và cá nhân chủ nghĩa, chuyện đó cũng dễ hiểu và cùng lắm có thể thông cảm, nhưng có nhiều nguy hại cho sự thật. Người làm văn học sử có bổn phận với sự thật, yêu quý sự thật hơn tình đồng hương, đồng ngũ, đồng hao hay cùng chiến tuyến chẳng hạn!

Dẫn nhập như vậy để nói rằng công việc nghiên cứu của tôi đã gặp phản ứng khi động đến phần phê bình và tài liệu. Tôi xin giới hạn phát biểu của mình về những tác giả mà tôi từng có cơ hội bàn đến hoặc viết về họ. Một số không chấp nhận phê phán dù vẫn rêu rao rào đón chấp nhận, hoặc không muốn người khác đi sâu vào sự nghiệp họ hay đụng đến quá khứ sự nghiệp của họ. Có người phản ứng trực tiếp hoặc qua đệ tam nhân. Tôi xin miễn nhắc đến danh tánh, một trong hai người phản ứng dữ dội nhất trước đó đã tặng sách, khi bài viết xong thì điện thoại viễn liên rồi điện-thư đính chính nhiều nhận xét của tôi mà nếu lấy ra thì bài tôi viết mất hết ý nghĩa, đầu đuôi tầm phào, sau đó người này tự viết về mình và nhờ người khác quảng cáo sách của mình mà mạch văn trong bài viết này nếu ai tinh tế sẽ thấy khác hẳn mạch văn của cây viết ấy trong các bình luận trước và cả sau đó; có thể có lúc tiến bộ, lên cấp mà tôi không cảm nghiệm được chăng? Gần đây ngài "tác giả" lớn này và một nhà khác bày chuyện thảo luận về tác phẩm của chính hai người, một kiểu nói chuyện trước tấm gương. Theo tôi, họ tự nghĩ ở chiếu trên và chỉ thích quảng cáo bán sách mà thực ra rất sợ phê bình và đối thoại! Một người khác nữa thì buồn tôi ghi lại những chuyện "sự nghiệp" họ trước 1975, cho tôi cảm tưởng họ ra ngoài nước là làm lại cuộc đời mới, "sự nghiệp" mới, cho nên mọi người, cả người nghiên cứu văn sử cũng phải quên quá khứ của họ! Theo anh, văn học sử phải từ chức trong những trường hợp này sao? Tôi nghĩ phải phát triển bộ môn "phê phán lịch sử" (historic critic) vì theo tôi bộ môn văn học sử cũng như lịch sử Việt nam ta đang gặp khủng hoảng vì chính trị và tâm địa của con người "đương đại"! Xét lại và đặt cho đúng vai trò lịch sử của bước đầu văn học chữ quốc ngữ cũng như các nhân vật lịch sử như Trương Vĩ nh Ký, Phan Thanh Giản, Nhất Linh, v.v..

Tiện đây kể anh nghe chuyện bài viết Miền Nam Khai Phóng của tôi từ khi đưa lên Internet năm 1996 và in lại trong các tuyển tập, được khen thì ít nhưng phê bình nặng thì nhiều, tiếu lâm một tí là những thành phần mạnh miệng với tôi nhất là những đối tượng của bài tôi viết. Chỉ mới nêu lên một số sự thực hay mời suy nghĩ lại mà đã đụng rồi, nhưng tôi đã có con đường của tôi! Tôi muốn "của Caesar trả lại cho Caesar" khi viết bài nói trên, muốn nhắc nhở công trạng của những nhà tiên phương xây dựng nền văn học chữ quốc ngữ từ những năm 1865 ở trong Nam. Khi làm công việc đó tôi nhắc đến công của một nhà biên khảo văn học sử trong Nam, giáo sư Bùi Đức Tịnh, từ năm 1974 đã là người đầu tiên đánh giá lại nền văn học đó. Các ông Nguyễn Văn Trung và Thế Uyên (cũng như Bằng Giang) đều là những nhà nghiên cứu đến sau và một phần tình cờ vì hoàn cảnh của biến cố 30-4-1975, nhưng hai ông vẫn khoe là người có công đầu trong việc đó. Mảng văn học đó từng bị các nhà văn học sử miền Bắc làm ngơ, nay người miền Nam có công nói đến đầu tiên lại bị ... tiếm công! Phần tôi, khi bài được in trong tuyển tập Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng 1 năm 1996 tôi mới biết giáo sư Nguyễn Văn Trung đã từng nghiên cứu Lục Châu Học và cư ngụ cùng thành phố ở Montréal. Trước đó tôi vẫn liên lạc với trưởng nam giáo sư có thời làm chung bộ với tôi và được cho xem nghiên cứu về Câu Đố của giáo sư. Nhân đây tôi cũng nêu thắc mắc không hiểu sao cuốn Đại Nam Việt Quốc Triều Sử Ký (1879) đã do nhóm Nghiên Cứu Sử Địa ở Sài Gòn xuất bản từ năm 1974 (và được giáo sư Nguyễn Khắc Ngữ tái bản ở Montréal năm 1986) mà vẫn được xem là khám phá mới sau 1982?

11) CB: Chắc không thể nào không hỏi anh câu này, vì Hồn Quê vốn là một Nguyệt San Văn Hoá trên liên mạng. Anh nhận xét thế nào về những lợi hại cuả internet đối với các công tác văn học nói chung? Có phải vì internet mà các nhà xuất bản đã từ từ bị diệt chủng?

NVK: Tôi không nghĩ như vậy đâu, hai thế-giới đó bổ túc cho nhau, hai sản phẩm cũng khác nhau. Tôi xin nói về việc nghiên cứu thôi, cho đến nay, những input trên Internet chưa có một giá trị khả tín 100% về nghiên cứu, nhiều khi người xử dụng còn bị "tẩu hỏa nhập ma" vì phải kiểm chứng lại bằng tài liệu giấy. Vả lại sách sẽ nằm trên kệ nhà hoặc trong trong thư viện, nhưng các gia trang web có khi biến mất không báo trước. Tóm, Internet là một phương tiện rất tốt cho sinh hoạt và phổ biến cũng như thưởng thức văn học, nhưng chưa thể thay thế được các phương tiện đã quen! Có thể tôi lầm chăng, hoặc quá chủ quan? Anh nói đến Hồn Quê thì tôi cũng nhận thấy tạp chí liên mạng này từ khi ra đời đã có những đóng góp cho việc phổ biến văn học: thơ văn, nghiên cứu, phỏng vấn, qua trang chữ hypertext và cả âm thanh, hình ảnh. Vừa cung cấp data văn học nghệ thuật vừa là nơi để người làm công việc đó gặp gỡ và có môi trường đến với người đọc. Ngay cả một số thử nghiệm làm mới văn nghệ như thơ Linh họa, thơ Thiền, v.v. cũng đã xuất hiện qua phương tiện này. Hy vọng HQ sẽ tiếp tục thử nghiệm và làm mới văn-chương nghệ thuật, nội cái việc nghĩ đến và ra tay thử nghiệm đã là quý rồi! Nếu không có Hồn Quê và những diễn đàn, cơ quan tương đương như Văn học Nghệ thuật, Nhánh Nhỏ, Suối Nguồn, Giao Mùa, v.v., thì làm sao những người viết trẻ có cơ hội viết, sáng tác cũng như trình làng những thử nghiệm, cách tân, v.v. ? Chính Internet sẽ đa dạng và trẻ-trung-hóa và có thể cứu vãn tình trạng lão-hóa của báo in, của giới làm văn học nghệ thuật! Các tạp chí Văn Học, Văn ở Cali khi mới xuất hiện trẻ trung và có ý làm mới, hy vọng thế nào, thì nay lão hóa thế ấy - đây cho thấy sự khác biệt giữa trẻ thật và trẻ hóa trang!

12) CB: Internet tiến triển vơ'i đôi hia bẩy dặm như là một nhu cầu thiê't yếu cho sinh hoạt thường ngày của chúng ta. Anh định nghĩa thế nào là Internet Culture? Ai là những thành phần tham dự? Lợi và hại?

NVK: Tôi nghĩ cái anh gọi là Internet Culture đó có thể so sánh với kho tàng ca dao tục ngữ của Việt Nam ta. Một khối kiến thức, tin tức, dữ kiện và tài liệu (thơ truyện trên Internet cũng chỉ là một loại tin tức data), và là của chung, ai ở bất cứ đâu đều xử dụng và lúc nào cũng được (dĩ nhiên có những trang web phải có password nhưng nói chung cũng dễ vào). Lợi hại nhiều ít, trước sau, điều này rất tương đối! Nhưng không ai có lựa chọn nào khác với Internet, ngay cả bộ Quốc phòng Mỹ!

13) CB: Cần có sự liên hệ hỗ-tương thế nào giữa các sinh hoạt trên mạng (như Hồn Quê) và các báo in (printed media) nhằm đẩy mạnh các sinh hoạt văn hoá của chúng ta?

NVK: Câu hỏi này anh hỏi quý vị trực tiếp thực hiện các trang web và các ngài chủ báo in, tôi không ở trong hai giới đó nên cùng lắm chỉ dám hy vọng có một sự hài hòa, bổ khuyết, cộng tác tích cực giữa hai giới đó thay vì nghi ngại nhau. Thực ra hai sinh hoạt đó có một đối tượng (public) hơi khác nhau, có thể trùng hợp với một thiểu số, nhưng Internet có thể đi về trong nước hoặc khắp năm châu mà không tốn tiền tem, đỡ tốn giấy (mốt bây giờ là bảo vệ môi trường sống), có thể có những sinh hoạt, tranh luận mà giới thưởng ngoạn báo in không biết đến hay không cần biết. Ngược lại có những người đọc báo in tự cảm thấy ha.nh-phúc khi còn trực tiếp với trang giấy, nếu báo in còn có độc giả thì phải tiếp tục sứ mạng đó thôi! Tuy vậy hiện nay tôi thấy có một liên hệ không được lành mạnh phía in, đã tự tiện lấy bài trên các trang Internet để in thành sách mà không hề nói một câu với tác giả hoặc người phụ trách trang Web đó. Thí dụ mà tôi biết là một tuyển tập về Trịnh Công Sơn in trong nước gần một nửa đã lấy từ Internet của người viết ngoài nước. Tôi có vài bài (bị) trong nước lấy in lại và còn kiểm duyệt kỹ những đoạn ...đáng đọc nhất (cuốn Đi Tìm Nguyễn Huy Thiệp, 2001). Nhưng ngoài này hiện tượng đánh cắp bài còn rùng rợn hơn nữa, chắc anh cũng đã biết hoặc nghe kể rồi ?

14) CB: Tôi có ít câu hỏi hơi bao quát, nhưng xin anh cứ tùy nghi trả lời nhé. Anh cho biết vài cảm nhận khách quan so sánh văn học trong nước và văn học Việt ở hải ngoạỉ? Về tiềm năng sống còn của văn chương Việt nơi hải ngoại đối với các thế hệ trẻ mai sau. Và xa hơn, về văn chương Việt Nam và một viễn tượng góp mặt giải Nobel quốc tế một ngày nào đó?

NVK: Nói trong nước trước. Tôi nghĩ nếu có những điều kiện thích hợp nghĩa là có dân chủ, tự do, đa nguyên thật, văn học nghệ thuật sẽ phát triển và sẽ có ngày được cả giải Nobel, vì người viết có địa lợi có thể sống thật và viết thật từ những kinh nghiệm sống, tư liệu đời cũng như tư liệu tham khảo ở sẵn ngay đó. Về sáng tác cũng như biên khảo, lý luận! Còn ngoài nước, "mảng" văn học nghệ thuật bám quá khứ sẽ ngày càng xa rời cái sống thực, kinh nghiệm, còn phần mảnh hội-nhập mới quá sẽ cứng cáp hơn và sự cọ xát quá khứ-hội-nhập có thể làm nảy sinh những văn tài quốc tế và giải Nobel! Nhưng muốn đạt đến đó một cách tập thể, chúng ta còn phải làm vệ sinh khá lâu cũng như phải dứt khoát nên tu bổ miếu đền hay nên xây nhà mới trên đất mới!

Trong hay ngoài nước thì thế hệ trẻ có một lựa chọn dứt khoát và khó khăn : bỏ quá khứ nào và như thế nào, xây tương lai trên nền tảng nào? Phải có thái độ nào đối với văn thơ kiểu tiền chiến, miệt vườn, chống Mỹ chống Pháp, chống v.v. như hiện nay cũng như đối với những mốt mới, "hiện nay" hơn, như thơ Tân hình thức, thơ cụ thể, văn thử nghiệm nhập nhằng, v.v. 

Trong một bài viết về Thơ Hôm Nay gần đây, tôi có nói rằng : "Chấp nhận cái mới hoặc canh tân là chuyện khó. Người làm thơ trẻ trong nước nay choáng ngợp trước nghệ thuật, tự do bùng mở dễ đi lùi hay bị rơi vào ... lãng mạn, trữ tình, hơi lỗi thời, "ông cụ non", v.v. Ngoài nước, trong tình cảnh lưu đày và trong một không gian văn hóa ngộp thở Đông-Tây, hoàn cầu hóa, đa văn hóa, may thay vẫn có những hương thơm, bóng mát, hiên Tây,.. của một số người làm thơ, nghĩa là thơ có nhiều, thơ hôm nay cũng hiện diện! Đó rốt cùng mới thật là giá trị của thi ca, vì giá trị là khả năng tiếp nối lịch sử và đời sống trong cái hiện tại! Thi ca luôn là một khởi đầu chung thân, luân hồi, một hiện-đại làm lại liên lũy; cách tân là làm sống cái khả năng hiện đại đó vì hiện đại nói cho cùng không đối lập với quá khứ, hiện đại là phổ quát - nhưng nếu chỉ phổ quát là giết thi-ca vì thơ hôm nay cũng như thơ mỗi thời, phải có dấu ấn của thời đại! Nếu thi ca phải tham chiếu, thi ca không thể vươn cao và đi xa!"

"Người làm thơ trong và ngoài nước nhiều người có tài; nhưng có thể đời sống vật chất, tinh thần và không khí văn nghệ đã không tạo hoàn cảnh sáng tác thuận lợi chăng? Ngoài nước có vẻ ít cái sống, ngoài quá khứ có thừa, nhưng có cơ hội học hỏi cập nhật; trong khi trong nước có cái sống nhưng bị canh gác hơi kỹ bởi những người nhân danh tổ quốc (nào?), văn hóa truyền thống (nào?). Cái mới, cái khác của thơ cần phải có đáp ứng liền, phải năng động thường trực, phải đi với thời đại. Có sự sáng tạo độc đáo với mỹ học riêng mới để dấu văn chương!"

15) CB: Có lần anh nói anh thích đọc Thanh Tâm Tuyền và một số nhà văn khác. Xin anh cho biết các cây viết đàn anh mà anh đã thích đọc hoặc đã tạo một ấn tượng sâu đậm nào đó trong ngòi bút anh? Và nếu được xin phân tích từng nét lôi cuốn riêng cuả họ theo cảm quan cuả riêng anh?

NVK: Thật ra tôi chỉ thích không khí tiểu thuyết của Thanh Tâm Tuyền và cách nêu vấn đề gián tiếp qua tác phẩm của ông, nhưng tôi nghĩ Nguyễn Đình Toàn của Con Đường đã ảnh hưởng tôi ít nhiều trong giai đoạn đầu tập viết lách, thành thử dễ hiểu là khi đưa một nhà xuất bản thì bị ... chê! Tôi bỏ viết truyện sau đó để tìm con đường riêng. Thế-giới tiểu thuyết của hai nhà văn này có thể thích hợp với tâm tình và con người tuổi trẻ thích suy tư ở miền Nam vào giai đoạn đó, nay thì có thể không gây cùng ảnh hưởng như thế, hơi vieux jeux! Tôi đã viết về các nhà văn này trong cuốn Nhìn Lại Văn Học VN Thế Kỷ XX , mời anh và quý độc giả theo dõi!

16) CB: Về quyển Đời Một Phóng Viên cuả ký giả lão thành Văn Bia, lời tựa cuả Nguyễn Vy Khanh đã được nhiều tiếng khen. Bối cảnh sinh hoạt báo chí văn học từ lúc bắt đâu thập niên 40 đến nay luôn luôn phức tạp. Nhân dịp này anh có thể đóng góp thêm về vai trò khó khăn mà các cây bút đàn anh đã phải đối phó khi chính trị vẫn là một động lực mạnh bạo nhất ảnh hưởng đến sáng tạo.

NVK: Anh nhắc đến chuyện này thì tôi cũng kể anh nghe là có người trách tôi dính chuyện chính trị làm chi, cứ làm việc văn học. Nhưng tôi thì vẫn quan niệm làm gì thì mình vẫn luôn đi tìm sự thực. Trong thi-ca đó là cái đẹp thật, nguyên tuyền, là chân thật của nhà thơ khi diễn tả tâm tư, cái nhìn, thành lời, thành thi tính! Trong truyện cũng vậy, có cái thế-giới thật nội tại và có cái hiện thực nhân sinh. Theo dõi và nghiên cứu văn học sử với tôi cũng là một phương tiện tìm kiếm sự thật và chia xẻ với người đo.c. Còn chính trị thì tôi vẫn chủ trương dấn thân dưới một số hình thức vì liên hệ đến an sinh con người kể cả những "cây sậy" biết suy nghĩ. Nhà văn phải biết sống với chính trị, nếu không dễ tiêu tùng lắm. Làm văn học mà nịnh vua, nịnh lãnh tụ lộ liễu sẽ có ngày tự mình phản bội lấy mình và "tác phẩm" dễ rơi vào quên lãng, vì trước hết gây dị ứng với người đọc, sau nữa các lãnh tụ sống không thọ lắm, rồi nào tư cách, v.v.! Tôi từng gần với nhiều giáo sư đại học, nhiều nhà nghiên cứu, lý thuyết, nên cũng biết được một số chuyện đau lòng (theo tôi) ! Vấn đề muôn đời của nghệ thuật vị nhân sinh mà không bị nhân sinh, chính trị biến nghệ thuật thành tôi đòi, vong thân, mất cá tính, bản thể!

Trở lại cuốn hồi ký của ký giả Văn Bia, tôi không so với hồi ký của các văn hào, lãnh tụ nhưng tôi vẫn nghĩ cuốn của ảnh có đóng góp cho việc tìm hiểu lịch sử hiện đại: ảnh nhìn lại đời ảnh với cái nhìn của một người từng sống thực, qua đó người đọc cũng có thể hiểu được một số chuyện lịch sử, mà lối viết hồi ký của ảnh cũng là một cách đi tìm sự thực, vì không tỏ ra nắm biết hết mọi chuyện như những hồi ký khác!
 

XMas02 NVK.jpg (21638 bytes)
Christmas 2002 chơi Curling với đồng nghiệp


17) CB: Theo anh thấy lúc trước nhiều người vẫn nhấn mạnh đến một hệ thống triết lý hoặc luân lý nào đó cho con người qua các triết gia tây phương, thế nhưng quan niệm nhân bản và tự do của đời sống như tại Hoa Kỳ cho rằng con người không cần phải bị đóng khung trong một hệ thống suy tư kiên cố nào cả, mà chỉ nên làm những gì mang lại an vui cho mình và những người sinh hoạt chung với mình trong một xã hội công bằng là đủ. Quan niệm của anh thế nào về các khác biệt này?

NVK: Theo tôi, mỗi hệ thống đều có cái hay và cái không thích hợp cho mỗi người, đời sống xã hội, triết lý cũng như y khoa, v.v. Làm thế nào để mỗi cá nhân có thể sống hoặc tư duy theo chiều hướng thích hợp và ở mỗi giai đoạn của cuộc đời, nghĩa là phải cập nhật và nhất là phải tự kiểm thảo, lắng nghe chính mình, cũng như người khác! Hoa-Kỳ là một nước tự do, dân chủ, nhiều cơ hội cho tài năng và mưu chước; nhưng tất cả cũng rất tương đối, nếu ta nghĩ cho kỹ, chưa thể là thiên đàng hạ giới! Cho đến ngày xảy ra biến cố 11 tháng 9, người Mỹ chưa bao giờ tự xét, họ luôn coi thường những phê phán của chính đồng minh, cũng như vẫn quen coi thường nhân quyền đích thực cũng như quyền tự quyết của mọi dân tộc. Đó là lý do một số quan sát viên Âu châu như Emmanuel Todd (Après l'empire) và Alexandre Adler (J'ai vu finir le monde ancien) (cả hai mới xuất bản gần đây, 2002) xem thế kỷ XXI là bước đầu mạt-thời của đế quốc Mỹ!

18) CB: Nhân đây nhờ anh cho vài nhận định về các triết gia Tây phương nổi tiếng của thế kỷ XX, đã bắt ngòi ca'c chấn động mạnh vào xã hội, điển hình là các tư tưởng gia Jean-Paul Sartre, Marx... và các ảnh hưởng quan trọng của họ vào các trào lưu suy tư và sự hành xử của xã hội trong thế kỷ vừa qua.

NVK: Dịch lý là lẽ tuần hoàn tự nhiên, thì tất cả lý thuyết, triết lý, ý thức hệ đều có lúc đi lên, thành mốt, thành dịch sốt vó, nhưng rồi cũng có lúc tàn tạ hay bị xóa bỏ, và ngược lại! Đó là số phần của những Machiavel, Marx, Tocqueville, Jean-Paul Sartre, Freud, Mao, ... cũng như những thuyết nhân quyền, bình quyền, nữ quyền, hay về kinh tế, kỹ nghệ, kỹ thuật, canh nông, v.v.. Khi đang là hiện tượng, gặp thời, thì những tư tưởng đó can thiệp thay đổi, xáo trộn đời sống con người, nhưng sau đó những mốt, những lý thuyết khác sẽ đến để cân bằng cái "quá độ" trước đó. Cái đáng tiếc là con người và nhiều chế độ không hiểu nguyên lý đó, để nâng thành cao trào, quá độ khi một chế độ hay lý thuyết đã hết lý lẽ sống còn hoặc đã hết xí-quách tự tại như chủ nghĩa cộng-sản ở một vài nước cuối cùng hiện nay, như nay đã năm 2003 mà còn có những người theo trào lưu hiện sinh - trễ đã hơn quá nữa thế kỷ, v.v. Các đảng phái chính trị Việt Nam khác cũng đang lỗi thời, hết hấp lực khi tự mãn với những lý thuyết của đầu thế kỷ trước (XX), trong khi ở Đài Loan, Nhật Bản, Nam Hàn,.. chính trị đã biến hóa, cập nhật hơn! Quá khứ có đẹp và hay đến mấy cũng phải theo luật dịch lý đó!

19) CB: Văn học chiến tranh VN qua mấy chục năm chinh chiến đã có những nét đặc thù nào? Sự góp mặt cuả những cây bút quân đội đã khai phá thêm các chiều hướng nào?

NVK: Câu anh hỏi tôi đã trả lời qua cuốn 40 Năm Văn Học Chiến Tranh đúng cho đến năm 1997 lúc tôi soạn cuốn đó. Tuy nhiên những năm gần đây tôi nhận thấy cái "mảng" văn học ấy đã có thêm những hiện tượng và thay đổi khác, tích cực, hay, cũng có, mà đáng ngại cũng có. Xin khất anh câu này, một thời gian nữa, lần ... hưu chiến sau, tôi hứa sẽ trở lại!

20) CB: Xin anh cho biết các lãnh vực hoạt động mà anh đang yêu thích nhất, hoặc ao ước sẽ dấn thân nhiều vào?

NVK: Như đã trả lời anh ở trên, tôi đã chuẩn bị để trở lại với lãnh vực triết lý hoặc văn hóa thuần túy. Tôi đang sơ thảo viết về triết đạo và cũng đang nghiên cứu thêm về huyền thoại lập nước và dựng nước theo Kinh Dịch cũng như một số khám phá mới. Tôi muốn nghỉ viết văn học sử là để làm những công việc này mà tôi hy vọng thích thú và thoải mái hơn, ít ra cho tôi! Ngoài ra tôi đang theo học và tập khí công y đạo, trước là thêm kiến thức sau là áp dụng cho chính bản thân và gia đình, cũng như làm một số chuyện thiện nguyện tại địa phương!

21) CB: Xin cho biết các động lực nào khiến anh hướng về Kinh Dịch? Thế nào là một vũ trụ quan phù hợp theo tinh thần Kinh Dịch? Anh có nghiên cứu thêm môn Tử Vi không?

NVK: Nói hướng-về hay trở-lại chỉ là một cách nói, vì tôi vẫn (cố gắng) sống theo nguyên tắc ngũ hành. Tử vi cũng như khí công, tài chi, thiền, đông y, v.v. đều là áp dụng, phó sản của Dịch lý Ngũ hành, từ một nguồn đó mà ra. Cá nhân tôi chưa "đạt" tới mức có thể tin hay xử dụng Tử Vi, vì tôi theo một phần nhỏ những áp dụng khác của dịch lý còn chưa xong! Học triết Đông và Việt Hán như tôi thì trước sau cũng đi đến Dịch lý. Hiểu và sống theo tinh thần Dịch lý Ngũ hành là hai chuyện nên, nhưng khó thực hiện với con người thường nhiều đam mê, sắc dục, tham vọng. Nhưng nếu từ hiểu biết rằng có phúc thì có họa, rằng trong được có mất, nơi tang thương nẩy mầm sự sống,... mà biết tìm cách đem yêu thương vào nơi gian dối, đem chân lý vào chốn lỗi lầm, và "trung, thứ nhi dĩ " như Khổng Tử từng khuyên, một cách chân thật, thì đó đã là những bước đi tốt !

22) CB: Những ước nguyện nào, nếu có, mà anh tiếc là đã không thành tựu được? Và những thành đạt nào mà anh cảm thấy hài lòng là có ý nghĩa cho đời mình?

NVK: Như tất cả những người sống ở miền Nam, cuộc đời, như là một người Việt, đã bị cắt đứt hẳn hoặc bị rẽ đôi từ ngày 30-4-1975. Nằm trong số những người may mắn rời khỏi nước đúng lúc (cứ cho là như vậy!), tôi phải nhận chịu cái bất hạnh mất tất cả, từ đời sống cá nhân đến bạn bè, gia đình, khu phố, đất nước, mất cả quá khứ, phần đời trước đó, những dự tính cho tương lai nghề nghiệp, v.v. Nhưng tôi cũng tự an ủi có cái may đã có một số kiến thức, học vấn về những gì phải mất, thành thử nơi đất người, sau khi đã ổn định sự sống-còn cho cá nhân và gia đình, tôi đã nghĩ tới và bắt tay làm một cái gì cho phần mất mát đó, trong lãnh vực và kiến thức có đươ.c. Công tác cộng đồng hay văn học, chính trị đều là những khía cạnh khác nhau và tùy thời, của sự đóng góp đó!

Nhìn thấy và hiểu phần nào những bất công, sai trái trước 1975, sau 1975, ngay cả hiện nay, trong cũng như ngoài nước, cũng như khi đọc lịch sử và văn học sử, tôi lần lượt ghi nhận, viết ra, nói lên với tâm nguyện đóng góp, để một ngày nào đó, những đóng góp dù nhỏ nhoi của mình cũng như của những người khác trở nên hữu ích. Như đã hơn một lần trình bày, tương lai Việt Nam sẽ phải dựng xây trên một quá khứ đã được sửa sai, chỉnh lý vì cái quá khứ đó, lịch sử đó, có rất nhiều sai trái, ác phải gọi là ác, thiện là thiện, bất công là bất công, v.v. nhưng nhìn nhận xong phải có sửa chữa, nếu không sẽ lại như cũ, vẫn sai trái, bất công thì cũng chẳng ra gì ! Quê-hương đất nước sẽ thay đổi, con người sẽ phải ngồi lại với nhau, trên một nền móng mới, có điều kiện và dự phóng đi lên, cập nhật, hiện đại!

23) CB: Anh quả là một người trả lời phỏng vấn thật hay và gây sự thú vị tuyệt vời nơi người hỏi. Đây là câu hỏi chót để kết thúc cuộc nói chuyện thật lý thú hôm nay: thế nào là định nghĩa của riêng anh về cái gọi là hạnh phúc? Và trong quãng đời đã qua của Nguyễn Vy Khanh, giai đoạn nào được anh xem là hài hòa và mãn nguyện nhất?

NVK: Ở đời không có cái gì tuyệt đối cả thì hạnh-phúc cũng tương đối, có khi khó nhận biết hoặc khó tả. Cái hạnh-phúc nhất với một người có thể là vô nghĩa với người khác. Với cá nhân tôi, nhìn lại đời mình một cách dễ dãi thì có nhiều giai đoạn hạnh-phúc: lúc tiểu học hạnh-phúc ngây thơ, lúc mới lớn hạnh-phúc biết ... yêu, đỗ đạt, hạnh-phúc hôn nhân, gia đình, con cái, khi nghiên cứu tìm được cái cụ thể chứng minh cái đã cảm nhận hoặc đã trực giác thấy, khi viết mà được sự đồng cảm của người đọc, v.v. Những "mảnh" hạnh-phúc nhỏ đó chập lại cũng có thể xem là hạnh-phúc lớn, biết cảm nhận như vậy thì còn lớn nữa ! Còn hài hòa và mãn nguyện thì có thể nói là phút giây hiện tại, biết đã đi, biết ngừng khi không thể, biết cảm nhận và sống trọn vẹn cái may mắn dù nhỏ và biết còn có thể đi tiếp!

Xin thành thật cảm ơn anh Cát Biển và nguyệt san Hồn Quê cho tôi có dịp nói chuyện và bầy tỏ một số ý kiến, có thể chủ quan nhưng chân thành! Và nếu quý anh và độc giả có gì cần phải thảo luận, xin cứ tự nhiên!

CB: Hồn Quê chân thành cảm ơn anh Vy Khanh.

 

Thực hiện: Cát Biển
Jan 10, 2003