Âm Nhạc Truyền Thống Và Những Vấn Đề Hôm Nay

(Phỏng Vấn Tiến Sĩ Nguyễn Thuyết Phong)
Phan Văn Hiển thực hiện






Tiến sĩ Nguyễn Thuyết Phong sanh ra trong một gia đình mà nhiều đời đã gắn liền với nhạc dân tộc Việt Nam. Năm 13 tuổi ông đã thiện nghệ trong các tuồng trình diễn cải lương, hát bội, các buổi dân ca. Năm 1974 ông du học qua Hoa Kỳ và đã đậu bằng tiến sĩ về dân tộc nhạc học tại đại học Sorbonne. Ông đã được mời đi trình diễn về nhạc dân tộc ở nhiều nơi trên thế giới.

Năm 1997, chính phủ Hoa Kỳ đã trao tặng National Heritage Fellowship (Di Sản Quốc Gia) cho ông tại tòa bạch ốc. Đây là một giải thưởng trọng đại nhất của chính phủ Hoa Kỳ dành cho những người xuất sắc về nhạc dân tộc. Thật là một niềm hãnh diện cho riêng ông và cũng là niềm hãnh diện cho nước Việt Nam thân yêu. Hiện nay ông đang dạy tại trường đại học Kent State thuộc tiểu bang Ohio, USA và vẫn đi trình diễn đây đó.

BS Phan Văn Hiển (PVH): Xin anh vui lòng cho biết những nét đại cương về âm nhạc Việt Nam, và các loại nhạc gồm có gì.

TS Nguyễn Thuyết Phong (NTP): Âm nhạc gắn liền với đời sống, phong tục, tập quán của con người Việt từ thời xa xưa. Xa nhất là thời đại các vua Hùng (tức từ năm 2879 đến năm 258 trước Công Nguyên). Nhiều chứng liệu khảo cổ--cụ thể như trống đồng mà chính mắt tôi đã thấy hơn trăm chiếc--bổ sung cho các sử liệu và truyền thuyết thường có trong dân gian về sự có mặt của âm nhạc trong đời sống Việt Nam. Âm nhạc Việt không thể tách rời đời sống Việt qua những sinh hoạt nghi lễ, tôn giáo, hội hè đình đám, ngoài đồng áng, hay lúc vui chơi giải trí. Từ những hoạt động chuyên nghiệp như sân khấu cho đến những câu hát ru, âm nhạc Việt qủa tình đã có mặt lâu dài từ mấy ngàn năm nay và phong phú về nhiều thể loại. Cũng cần nên phân biệt giữa âm nhạc Việt và âm nhạc của nước Việt Nam. Nước Việt Nam bao gồm 54 dân tộc cùng chung sống trên một lãnh thổ, nói nhiều ngôn ngữ khác nhau, có nhiều truyền thống âm nhạc khác nhau. Vì thế biên cương văn hoá Việt Nam từ 400 năm trở lại đây rất rộng, rất đa dạng. Đây còn là niềm tự hào của chúng ta, đứng trên bình diện cả nước, vì nó đem lại sự đa sắc, giàu có, lóng lánh đẹp của một nước.

PVH: Là một nhà Dân tộc nhạc học (ethnomusicologist) anh thấy sự khác biệt giữa âm nhạc dân tộc Việt và các dân tộc khác như thế nào? Đâu là những đặc điểm của nhạc Việt cần được bảo tồn và phát huy?

NTP: Trước hết là sự phân định giưã hai "nền" âm nhạc: đa số và thiểu số. Đây là hiện tượng chung của hầu hết các nước trên thế giới. Ở Úc có nhạc đa số của người da trắng và nhạc bản địa của các đân tộc thiểu số (aboriginal); nhạc của những người gypsies được xem như thiểu số đối với nước Hungary; nhạc của dân tộc Ainu đối với dân tộc Nhật; và nhạc bản địa của các sắc tộc Indians (đúng hơn nên gọi là Native Americans) đối với nước Hoa Kỳ. Cũng thế, Việt Nam có nền âm nhạc đa số (dân tộc Việt) và nền âm nhạc của các dân tộc thiểu số như Mnông, Giarai, Êđê, Thái, Mường, Mông, Tày, v.v. Vì thế chúng ta không thể cách ly hai bộ phận to lớn nầy. Khi trước, chưa có dịp nghiên cứu về tổng thể âm nhạc Việt Nam, tôi đã không biết giá trị cao đẹp của 53 dân tộc khác ngoài nhạc của dân tộc Việt. Giữa các truyền thống âm nhạc nầy--nhìn qua tiếng nói, phong tục, tập quán, phương pháp thể hiện âm nhạc, hay cấu trúc nhạc cụ--có sự khác biệt căn bản giữa âm nhạc Việt và âm nhạc thiểu số (cũng như giữa các dân tộc thiểu số với nhau).

Dù có sự khác nhau trong âm nhạc Huế, nhạc miền Bắc, nhạc miền Nam, tính liên tục vẫn thấy trong chiều hướng phát triển lịch sử từ Bắc vô Nam qua hệ thống làn điệu ca hát, sử dụng hai bộ phận trọng tâm là hệ thống đàn dây (tranh, nhị, nguyệt, đáy, và bầu) và các loại trống. Hai bộ phận nầy được phát triển một cách mạnh mẽ, tinh tế không kém nhạc các nước khác trên thế giới. Trong khi ấy nhạc các dân tộc thiểu số ví dụ như ở Cao Nguyên Trường Sơn thì đi về hướng khác: các dàn cồng chiêng được xem là máu thịt của văn hóa Giarai, Êđê, Bana, v.v. Nó biểu trưng cho âm hưởng hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên. Nó ảnh hưởng đến cấu trúc âm thanh của các nhạc cụ khác làm bằng tre nứa như (t'rưng, brô, đinh tút, goong, v.v)

Riêng về đặc điểm các thể loại nhạc dân tộc Việt, ta không thể kể hết những hằng ngàn bài dân ca đã được sư tầm, hơn 50 nhạc cụ, và các truyền thống ca diễn (theo thống kê tôi thực hiện gần đây, có đến 196 nhạc cụ trong cả nước Việt Nam). Riêng dân ca quan họ Bắc Ninh, ngưòi bạn nhạc sĩ qúa cố của tôi, anh Hồng Thao, thống kê hơn một trăm làn điệu, bài bản. Chỉ một vùng nhỏ của đất nước thôi cũng đủ biểu hiện sức sống, sự sáng tạo của con người mình. Chưa kể đến hát ghẹo, hát xoan Phú Thọ, ví dặm Nghệ Tỉnh, hò, vè, lý từ Quảng Trị - Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định - Phú Yên, mãi đến đồng bằng sông Cửu Long. Nhạc thính phòng (tạm gọi như thế) phát triển từ thời Lý (ở vào thế kỷ 10 đến 13) với truyền thống ca trù (hay hát ả đào), tập trung vào lối hát thơ, sử dụng đàn đáy và trống chầu (không phải trống chầu như trong Nam, mà là một trống nhỏ "điểm" cho câu hát). Ca trù thỉnh thoảng cũng gồm có cả các tiết mục múa trong chương trình trình diễn (như muá bài bông, múa bỏ bộ). Có thể vì thời gian quá xa mà ta quên mất rằng đây là khởi điểm cho các loại nhạc sân khấu về sau, vì trong ca trù có múa để đi vào sự cách điệu hóa trong hát chèo, hát bội, bài chòi, hay cải lương. Ngoài ra, theo tiến trình di dân vào Nam, còn có ca Huế rồi đến đờn ca tài tử. Với tiếng hát, tiếng đàn điêu luyện của các nghệ sĩ ca trù, ca Huế, hay tài tử, âm nhạc loại nầy là một phối ngẫu giữa thơ, truyện kể, và nhạc. Các thi sĩ, nhạc sĩ cùng ngồi lại nhau nghe người ta "hát" thơ của mình để mình có thể điểm trống khen ngợi hoặc chấm câu. Đây là một trong những truyền thống đẹp của thế giới. Còn giữa những nghệ sĩ tài năng, họ ngồi lại nhau hoà tấu những bài Nam Xuân, Nam Ai, Nam Đảo, Tây Thi, Xuân Tình, v.v. như trong nhạc tài tử (như trong ý nghiã "tài tử giai nhân", chứ không phải "chơi chơi", không chuyên) để "trổ" ngón đàn điêu luyện, nghe mà phải thấm! Trong âm nhạc dân tộc, sân khấu có sự thu hút to lớn đói với khán giả, đông đảo hơn nhạc tri âm tri điệu như vừa kể. Các "gánh" hát một thời làm say mê cả cung đình các triều đại. Từ sân đình, sân khấu chèo đã làm say mê khán giả các thành thị và cố đô Thăng Long. Hát bội (hay tuồng) trở thành sân khấu quốc gia triều Nguyễn. Nhiều tuồng tích được soạn ra ngay trong cung đình, có khi diễn đến hằng tháng mới hết một vỡ. Chúng ta không thể quên các danh nhân như Đào Tấn, hay gần hơn nữa, ở đầu thế kỷ nầy như Ưng Bình Thúc Gỵa (thân phụ của nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương). Một thể loại âm nhạc lớn của dân tộc Việt là lễ nhạc Phật Giáo. Sự đóng góp hài hòa, dung hợp, đa sắc của âm nhạc đạo Phật suốt hai ngàn năm qua có rất nhiều ý nghiã. Tất cả tạo thành một truyền thống âm nhạc vô cùng đa sắc và phong phú cần được bảo tồn và phát huy.

PVH: Anh đã nghiên cứu nhiều về đề tài âm nhạc Phật Giáo. Thông thường người ta tách biệt giữa âm nhạc và tôn giáo; đôi khi còn cấm kỵ nữa là khác. Xin anh tóm tắt quan điểm của mình.

NTP: Tôi dùng từ "âm nhạc" một cách khách quan trong ngành Âm nhạc học. Nó là một thuật ngữ vô thưởng vô phạt. Theo định nghiã chung, âm thanh được tạo ra với nghiã làm đẹp, có đụng ý sắp đặt, biến thành một cái gì nghe hay hơn "tiếng động", nó sẽ trở thành nhạc. Vì thế chốn thiền môn cũng có âm nhạc. Tuy nhiên, "âm nhạc" còn là một trong những giới cấm trong đạo Phật. Nhưng phải nói rõ, âm nhạc theo định nghiã nầy là "âm nhạc thế tục". Ngay trong Sa Di giới hay Tỳ Kheo giới, âm nhạc thế tục có thể làm "động mối tâm, sinh ra các tội lỗi, và làm mất giống trí tuệ". Âm nhạc chốn thiền môn thì ngược lại: nó làm tăng trưởng trí tuệ, làm giải thoát tâm hồn. Câu kinh, tiếng kệ, tiếng chuông, tiếng mõ có khả năng chuyển hoá tục lụy, nhắm đưa con người đến bờ giác ngộ (đáo bỉ ngạn). Số lượng kinh điển để đọc tụng có đến hằng ngàn bài. Số lượng nghi lễ nhiều không thể nói hết. Số lượng thể nhạc, theo thống kê và phân loại của tôi, có mười thể chính: tụng, trì, niệm, xướng, tán, bạch, thỉnh, sám pháp, phục nguyện, và niệm. Mỗi thể có các chi. Có nhiều chi nhất là thể tán. Đây là thể phong phú nhất trong âm nhạc đạo Phật. Nó có nhạc đệm với chuông, mõ, trống, và dàn nhạc lễ dân tộc.

PVH: Chúng ta đang bước vào ngưỡng cửa thế kỷ 21, mở đầu một thiên niên kỷ mới. Theo anh, âm nhạc dân tộc Việt có tiến triển thế nào trong qúa khử? Nó có đóng góp gì cho văn hóa Việt? Và đâu là dự phóng của anh cho tương lai?

NTP: Có người đưa ra một giả thuyết táo bạo rằng "không có âm nhạc thì làm gì có văn hóa". Điều có đúng hay chăng? Tôi nghĩ, không hẳn sai. Đứng trên bình diện các dân tộc trên thế giới, không có một dân tộc nào không có âm nhạc--dù là thanh nhạc hay khí nhạc. Tuy nhiên, đúng ra thì nên nói: văn hóa là âm nhạc, âm nhạc là văn hóa, trong văn hóa có âm nhạc, và trong âm nhạc có văn hóa. Phải có văn hóa người nhạc sĩ mới có sáng tạo, tựa vào thẩm quan, phong tục, tập quán, vào văn thơ; nói chung là tựa vào vốn văn hóa sẳn có. Âm nhạc tiến gần và gây hiệu qủa văn hóa rất nhanh trong công chúng. Tính văn hoá trong âm nhạc, vì thế, trở thành một sự kiện hiển nhiên. Âm nhạc đóng góp cho văn hóa Việt Nam là chuyện không thể tranh cải. Âm nhạc Việt luôn luôn trên đà phát triển. Tuy nhiên, tiến trình của nó--cũng như hầu hết các nền âm nhạc trên thế giới--mang cả hai sắc thái và sự biệt dị: tích cực lẫn tiêu cực. Từ không trở thành có. Từ có trở thành không hoặc suy đồi theo thời gian. Về mặt tích cực, tôi nhận thấy một vẻ sáng trong sự hình thành nhiều loại ca múa nhạc trong thời Lý - Trần mà thiên niên kỷ trước không có và, ngược lại, có loại nhạc qua đi, không còn trong trí nhớ dân gian. Có những đêm tôi đọc Việt Sử Lược hay Đại Việt Sử Ký Toàn Thư mà thấy như ánh hào quang văn hoá tỏa ra cho một dân tộc mà trong ấy tôi được hân hạnh làm một phần tử nhỏ bé. Những điệu múa hát múa dân gian hay cung đình là một phô bày sự yêu thích âm nhạc của dân lẫn vua. Tôi tự nhủ, con người Việt giàu nhạc tính (musical) đến thế hay sao?! Hai, ba ngàn năm trước đây đã có nhạc. Truyền thống nầy sống dậy mạnh mẽ vào đầu thiên niên kỷ thứ 2 Công Nguyên (từ thế kỷ thứ 10) với nghệ thuật múa, hát, và sân khấu. Khởi đầu là sân khấu múa rối nước. Năm 985 vua quan bày ra phong cảnh Nam Sơn giữa dòng sông để múa rối trên nước. Truyện tích đương nhiên phải có, dù ngắn dù dài. Từ đây mới tiến lên thành sân khấu khác. Tưởng cũng nên nhắc một điều là nghệ thuật sân khấu nước ta có rất sớm, sớm hơn nhìều so với bên Âu châu. Từ thời Lý - Trần đã có sân khấu, vì thế nó trước Nguyên Kịch ở Trung Quốc (thế kỷ 13).

Những buổi trình diễn vĩ đại với cờ xí ngợp trời, âm nhạc vang động núi rừng, sứ thần, quan khách nước ngoài cũng đến dự. Vua mà say mê soạn nhạc như vua Lý Thánh Tông năm 1060 thì tuyệt vời. Năm 1069 vua đích thân múa trước thềm điện vua Chiêm là Rudravarman III (Chế Cũ) ăn mừng chiến thắng. Rất tiếc ngày xưa không có phương tiện ghi lại những bài hát, điệu múa, nên dần dà bị quên lãng, mất mát. Xin rút ngắn lại câu chuyện như sau: ở cuối thiên niên kỷ thứ 2 như hiện nay, dân tộc Việt có nhiều loại nhạc trên đà biến chuyển cực kỳ mạnh mẽ. Lấy ví dụ như sân khấu cải lương nam bộ, trong một thời gian rất ngắn ở giữa thế kỷ nầy mà nó phát triển thẳng ra tới Bắc để hình thành một thể loại cải lương Bắc trước khi nó tàn lụn dần như hôm nay. Dù bạn có yêu thích hay không, bài vọng cổ và sức phát triển của nó về tốc độ thời gian và không gian qủa tình có một không hai trong lịch sử âm nhạc. Mặt khác âm nhạc các nước Âu Mỹ cũng được giới thiệu vào đất nước ta hồi đầu thế kỷ cùng lúc với việc kỷ nghệ hóa, hiện đại hóa, cũng như thực dân hóa, thuộc địa hoá đất nước. Đây là một thế kỷ vô cùng phức tạp. Có nhiều sự giao thoa giữa những dòng nhạc. Điều nầy rất tốt, có tính tích cực. Nó là động cơ phát triển, sáng tạo. Tuy nhiên, vì có qúa nhiều thiên trọng về ảnh hưởng Âu Mỹ, điều nầy, đứng trên bình diện cả dân tộc, tạo ra sự thiếu cân đối và sự đãu tranh gay gắt giữa cái cũ và cái mới. Theo thiển ý của tôi, thế kỷ 21 sẽ xét lại các quan điểm nầy và sẽ có sự hài hòa hơn.

PVH: Anh là người Việt duy nhất được nước Mỹ vinh danh "Di Sản Quốc Gia" (National Heritage Fellow). Anh có thể cho độc gỉả biết tiêu chuẩn nào được phong tặng và buổi lễ trao danh hiệu tại tòa Nhà Trắng (The White House) hồi tháng 9 năm 1997? Đồng thời xin anh trình bày cảm nghỉ của mình về vinh dự nầy?

NTP: Một buổi sáng đang ngồi làm việc thì bỗng có một cú điện thoại từ Washington gọi đến, cho biết tin rằng tôi được Ủy Ban Nghệ Thuật Quốc Gia (National Endowment for the Arts) chọn để phong tặng và trao giải thưởng Di Sản Quốc Gia (National Heritage Fellowship) cùng với các nhà nghệ thuật thuộc nhiều ngành tại Hoa Kỳ. Vị Giám Đốc cơ quan nầy còn nói rõ đây là danh dự cao qúi nhất (the most prestigious honnors) của nước Mỹ và tên của tôi đã đệ trình lên văn phòng Tổng Thống Clinton.

Tôi bàng hoàng. Trong ba mươi năm qua tôi có nhiều nổi băn khoăn, bức xúc. Khi có dịp đi nhiều nước trên thế giới, tiếp cận với các truyền thống âm nhạc của các dân tộc khắp nơi, tôi luôn luôn tự nhủ phải tận lực làm một điều gì cho dân tộc có qúa nhiều đau khổ này. Một truyền thống âm nhạc hết sức phong phú từ lâu nay bị quên lãng vì chiến tranh, và vì nhiều ngộ nhận khác. Ba tháng sau tôi cùng các nghệ sĩ Mỹ được mời vào Nhà Trắng. Chuyện đáng buồn xãy ra là một trong những nghệ sĩ nầy qua đời trước khi được hân hạnh nhận bằng, vì tuổi già sức yếu. Cũng nên biết, hầu hết các nhạc sĩ, nghệ nhân được tặng danh hiệu nầy tuổi rất cao. Có vị ngoài 80 mới được phong (như nhạc sĩ Charles Brown chuyên về nhạc Blues). Tương đương với danh dự nầy, ở Nhật có phong danh Quốc Bảo (National Treasure); ở Việt Nam có Nghệ Sĩ Nhân Dân. Vì nước Mỹ không có Bộ Văn Hóa, nên National Endowment for the Arts (trực thuộc Quốc Hội), đóng vai trò ấy. Trước khi nghi lễ diễn ra tại Gold Room, phu nhân Hillary Clinton thay mặt Tổng Thống tiếp chuyện thân mật với tôi tại Blue Room và chụp ảnh cùng nhà tôi (Tôn Nữ Thanh Tuyền). Bà hết sức có thiện cảm với âm nhạc truyền thống Việt Nam và hết lời chúc mừng cũng như khâm phục việc làm của tôi cũng như các nghệ sĩ khác có mặt hôm nay. Ban nhạc thính phòng hòa tấu liên tục ở sãnh đường bên ngoài. Đến phần nghi lễ, Nhà Trắng cử mỗi sĩ quan tùy viên cho mỗi nghệ sĩ đi vào Gold Room trao danh hiệu do bà chủ trì. Khi bà Jane Alexander, Chủ tịch National Endowment for the Arts, xướng danh "Từ đồng bằng sông Cửu Long đến Kent, Ohio . . ." một tràng pháo tay nồng nhiệt vang lên. Trong trí tôi hiện ra cả một quê hương Việt Nam sáng ngời với niềm xúc động cực mạnh. Tiếp theo là buổi tiếp tân ở phòng khánh tiết với hằng trăm quan khách đặc biệt của Nhà Trắng.

Hôm sau chúng tôi lại dự buổi liên hoan cùng các nhà điều hành nghệ thuật, các chính khách, các nhà ngoại giao tại Bộ Quốc Phòng. Trong số các nghệ sĩ Di Sản Quốc Gia, tôi được đề cử thay mặt các đồng nghiệp phát biểu đáp lại phiá chính phủ trình bày qúa trình nghệ thuật của mình làm tiêu biểu. Tổng thống Bill Clinton (hôm ấy bận việc ở Liên Hợp Quốc, New York) có cho người chuyển đến tôi một bức thư ca ngợi những đóng góp của tôi cho nước Mỹ. Ngài bày tỏ việc làm nầy "đã góp phần định hình các truyền thống nghệ thuật của chúng ta và bảo tồn tính đa sắc của văn hóa Hoa Kỳ" (contributed to the shaping of our artistic traditions and to preserving the cultural diversity of the United States).

Nói như Phu nhân Tổng thống Hillary Rodham Clinton, "qúi vị đuợc tôn vinh, không phải vì là những nghệ sĩ tên tuổi lừng lẫy trong lĩnh vực âm nhạc thương mại, nhưng vì qúi vị là bậc thầy cao qúi, có tầm ảnh hưởng đến cả nước". Tôi thấy điều nầy nói lên phần nào tiêu chuẩn phong tặng Di Sản Quốc Gia.

Để trả lời câu hỏi anh về cảm tưởng của tôi, dù sự kiện nầy rất quan trọng, rất to lớn trong đời tôi, chỉ có một diều đơn giản nhất mà tôi tin và đã thấy được, ấy là sự công nhận của nước Mỹ về truyền thống âm nhạc Việt. Riêng tôi, tôi thấy sự hiện hữu nầy có chiều dầy lịch sử, có chiều sâu nội dung, và có chiều rộng trong sự thể hiện như đã đề cập khi nãy.

Dù nhận được vinh dự nầy, tôi vẫn còn thấy mình chưa thực sự hiểu hết truyền thống âm nhạc dân tộc. Vì nó to lớn qúa. Ai có thể tự hào rằng mình hiểu hết, trong khi cuộc đời người quá ngắn ngủi so với lịch sử âm nhạc dài của cả dân tộc? Vì thế, khi trả lời phỏng vấn các báo và đài truyền thanh, truyền hình, tôi không quên cảm ơn dân tộc Việt đã sinh ra tôi, vì thế tôi hết lòng trao gửi lại danh dự ấy về quê hương. Tôi cũng không quên cảm ơn nước Hoa Kỳ--kẽ đến sau mà về trước trong cuộc hội nhập nầy--đã dành cho tôi một mãnh đất tình thương và sự chào đón nồng nhiệt, cho cây trái Việt nở hoa trên đất Mỹ. Tôi cũng lấy làm hân hạnh là phần tử trong cộng đồng Việt, nếu gây được tiếng thơm. Đối với tôi, ruộng đồng, dòng sông Cửu Long mà tôi từng ngược xuôi thuở xưa, học nhạc và làm nhạc trong hoàn cảnh bom đạn, thoát chết nhiều lần, và những nghệ sĩ dày dạn, sống trong khó khăn nhất của cuộc sinh kế mà vẫn nuôi nấng âm nhạc để còn sống mãi, tôi chịu ấn tượng mạnh nhất và hết lòng trân trọng qúi vị ấy.

PVH: Tôi được biết anh cũng là vị cố vấn cho các chương trình văn hoá, nghệ thuật liên bang. Vậy anh có góp ý gì với cộng đồng mình?

NTP: Tôi được chọn vào Ban cố vấn của Ủy ban Nghệ thuật Quốc Gia, hằng năm chỉ gồm có 8 đến 10 vị. Trong khi duyệt hằng trăm các dự án văn hoá, nghệ thuật từ hai năm nay, tôi không thấy có dự án của người Việt. Đây là điều đáng tiếc. Dưòng như chúng ta chưa quen với "dòng nước chính". Điều nầy tôi muốn khích lệ các tổ chức, hội đoàn Việt nên tham gia. Làm văn nghệ chỉ nhờ vào việc bán vé vào cửa, đó là chuyện thương mại. Chưa đủ cho thấy chúng ta có một bề mặt khác, rất hay, nhưng không dịp thực hiện. Vào năm 1995, Hội Quốc Tế Nghiên Cứu Âm Nhạc Việt Nam (do tôi và TS Terry Miller đồng Chủ Tịch) đệ trình một dự án "20 Năm Âm Nhạc Truyền Thống Việt Nam Tại Mỹ". Đây là dự án Việt Nam đầu tiên được chính phủ liên bang chấp thuận bảo trợ. Tôi hướng dẫn và giới thiệu các nghệ sĩ (Việt Hùng, Tám Trí, Hoàng Oanh, Kim Tuyến, Kim Oanh, Dock Rmah, Miranda Arana, Ngọc Yến, v.v.) đến rộng rãi công chúng. Dù được đón nhận nồng nhiệt ở các thành phố lớn (New Orleans, New York, Los Angeles, Seattle, v.v.), tôi vẫn cảm thấy trong sinh hoạt ấy có một cái gì chưa quen thuộc với cộng đồng, và cần đuợc khích lệ thêm.

Tôi quan niệm rằng nên "gieo trồng hạt giống" âm nhạc Việt Nam trên đất Mỹ, nếu chúng ta muốn nó được tồn tại lâu dài. Và phải trồng ra ngoài, chứ không nên trồng trong chậu. Bên ngoài đây là vào "dòng nước chính". Muốn học mà không có thầy dạy thì các em có thể yêu cầu cơ quan nghệ thuật của thành phố, của tiểu bang hỗ trợ tìm thầy dạy. Thí dụ, ai cũng có thể theo học các workshops / residencies / apprenticeships nầy, biến âm nhạc Việt trở nên thành phần âm nhạc của nước Mỹ (xin đính chính: không phải là sự "Mỹ hóa" âm nhạc Việt).

Mặt khác, nếu có em muốn chính thức đi vào con đường nghiên cứu âm nhạc chuyên nghiệp, thì cũng có thể theo học ngành Dân Tộc Nhạc Học (Ethnomusicology) ở các trường đại học lớn. Đây là ngành nhạc các dân tộc trên thế giới đối trọng với nhạc cổ điển Tây phưong. Từ đó sẽ hướng về nghiên cứu âm nhạc của dân tộc mình.

Những nghiên cứu về âm nhạc thương mại (music business) cho thấy, thương mại thường đi liền với nhạc thời trang (pop music), làm ra tiền nhanh, cần bán ra thật nhiều. Chính vì cái tốc độ nầy mà âm nhạc truyền thống không thể chạy theo kịp, bị đẩy lùi về phía sau, trở thành "nhạc cổ". Cái hay của nhạc truyền thống, ngược lại, đòi hỏi sự trầm tĩnh, sự trở về, sự đánh giá nghệ thuật bằng trình độ văn hóa cao. Nghe nhạc truyền thống (ngâm thơ, đờn ca tài tử, ca Huế, hát ả đào, dân ca v.v.) bạn phải "chịu khó" thưởng thức cái thâm trầm của chữ đàn, của sự luyến giọng, lời văn, và nhất là phải qúi trọng nó như loại nghệ thuật đáng qúi của văn hóa Việt. Còn gì sung sướng cho bằng khi nghe một câu vọng cổ, một bài dân ca Việt Nam trên xứ Mỹ, Úc , Anh, Pháp! Cũng nên lưu ý, ngày nay, vì muốn chạy theo tốc độ thương mại, thời trang, người ta thường hát loại dân ca "xập xình"--nói như một nhà báo ở Seattle, vì không "xập xình" thì sợ không bán băng cassette, băng video được!

Tóm lại, chủ trương của ngành nghệ thuật liên bang là tích cực bảo trợ các chương trình nghệ thuật đúng đắn, tiêu biểu của cộng đồng các sắc dân tại Mỹ.

PVH: Xin thành thật cảm ơn anh.


Phan Văn Hiển thực hiện