Phỏng Vấn Nhạc Sĩ Lê Mộng Nguyên

Bảo Trâm Thực Hiện

 

LeMongNguyen.gif (76547 bytes)

 

Bảo Trâm (BT) : Thầy bắt đầu sáng tác vào năm mấy tuổi ? Trong trường hợp, cảnh huống nào ?

 

Lê Mộng Nguyên (LMN) :Xin Trâm cho tôi bắt đầu nói về thi văn vì đó là nguồn gốc của sáng tác âm nhạc trong trường hợp riêng tôi. Làm thơ từ 9 tuối và được người ta biết là có khiếu viết văn ngay từ dạo ấy ở Huế, tại trường cao đẳng tiểu học Chaigneau, tôi diễn tả ‘’Cái ghen của Hoạn Thư’’ trong một bài thi lên lớp được thầy quá khen và đã không ngần ngại cho điểm 20 trên 20... và sau này trong tuyển thải giữa các thí sinh trường trung học (concours général) ở cựu thủ đô đế quốc An-Nam, tôi chiếm Giải Nhất (Giải Thưởng Bảo Đại). Sở dĩ tôi bắt đầu bằng thơ và quốc ngữ vì hai điểm này (như tôi đã nói trên) có dính dáng đến sự nghiệp soạn nhạc của tôi. Nguyên do : hồi ấy, cạnh nhà tôi ở Chợ Cống (Phú Xuân) có anh Trần Kim Ngọc lớn hơn tôi độ ba bốn tuổi, biết tiếng tôi viết văn hay nên nhờ tôi đặt lời cho vài bản nhạc của anh sáng tác qua cây đàn mandoline. Để thuận tiện, anh Ngọc dạy cho tôi đàn măng cầm và bán rẻ cho tôi cây đàn của anh vì anh quá thích lời tôi viết cho nhạc của anh. Từ đó, tôi tập đàn và bắt đầu sáng tác trên măng cầm (sau này, qua lục huyền cầm Y pha nho) và mặc dầu chưa đọc một sách nhạc lý nào cả, tôi tìm kiếm một mình và tự học qua những bản nhạc đã xuất bản lúc bấy giờ của Lưu Hữu Phước, như Bạch Đằng Giang, Nam Tiến, Hội Nghị Diên Hồng... hoặc nhạc hướng đạo như Lên Đàng, Gọi Đoàn... hoặc những bản ca quốc tế đặt lời Việt như trong tập ‘’Đời Vui Sướng ‘’ của Phạm Văn Xung, ‘’Tiếng Chim Ca’’ của Lưu Ngọc Văn và Đào Văn Thiết... Bài Xuân Tươi là bài tôi sáng tác đầu tiên năm 15 tuổi, tôi rất hãnh diện được báo ‘’Quốc Gia’’ cho đăng ngay trong ‘’Đặc San Mùa Xuân’’ (dưới bút hiệu Lan Đào là tên 2 người em gái của một người bạn thân thiết, anh Trần Đình Bá) : Xuân về chào đời, Ngàn thắm tươi, Xuân về đầy lời tràn núi sông, Hát vang trong bao nhiêu lòng, Chào Quốc gia, mừng hát ca đời thắm hoa,  vân vân. Lời nhạc trong sáng, vô tư, đúng là hình ảnh của một thời êm đẹp đã qua !

Sau đó tôi tự học (autodidacte) nhạc lý trong sách ‘’La deuxième année DE MUSIQUE Solfège et Chants’’ của Ạ MARMONTEL, Paris Armand Colin 1890, cả thảy 336 trang nhưng rất đầy đủ vì có rất nhiều tỉ dụ lấy từ những bài nhạc lừng danh. Về phần hòa âm, tác giả cho vài ‘’Notions élémentaires d’harmonie’’, vỏn vẹn 6 trang mà thật quá ích lợi cho bất cứ người nào mới bắt đầu trong lãnh vực. Hiện giờ, tôi vẫn giữ cuốn sách cũ kĩ này của ông Marmontel với những lời mở đầu do các nhạc sĩ đại tài thuộc Bác sĩ Học viện Pháp (Institut de France) như Gounod, Massenet, Saint-Saẽns, Delibes... như một kỷ vật đáng tôn thờ. Từ nhạc vui mạnh đến nhạc buồn lãng mạn (vì hoàn cảnh chiến tranh và những cuộc tình dang dở) và để tiếp theo hứng cảm của các tác giả tôi yêu chuộng như Văn Cao (Suối Mơ), Đặng Thế Phong (Con Thuyền Không Bến), Nguyễn Văn Thương (Đêm Đông), Hoàng Giác (Ngày Về), Dzoãn Mẫn (Biệt Ly), Anh Việt (Bến Cũ)... tôi đã làm trong những năm 1948, 49, 50 những bản nhạc mà hơn nửa thế kỷ sau người ta vẫn còn ưa thích, như Nhớ Huế, Bài Thơ Huế, Mỵ Châu Trọng Thủy, Trăng Mờ Bên Suối...

 

Mời xem video
Trăng Mờ Bên Suối
nhạc và lời Lê Mộng Nguyên
hòa âm Trúc Hồ
Thanh Trúc trình bày

 

(BT) : Trong thời gian du học tại Pháp, thầy có sáng tác gì nữa không ? Nếu có, thì những sáng tác ấy mang chủ đề gì ? Nếu không, xin thầy cho biết lý do tại sao ?

 

(LMN) : Trong mấy năm đầu : 1951, 1952 và 1953... ở Paris, tôi tiếp tục sáng tác, hôm nay dở lại bản thảo, thấy có nhiều bài diễn tả nỗi lòng cô quạnh của một người trai trẻ sống trên đất khách, xa nhà, quê hương và người yêu dấu. Nhớ nhà và ân nghĩa sinh thành, tôi viết bài Lá Thư Cho Meï và sau khi ba tôi mất, bài Tìm Lại Ngày Xưa để tặng hương hồn người thân phụ quá cố. Tôi có kể chuyện này trong bài tùy bút ‘’Những cái chết đã qua trong đời tôi hay là những mảnh đời không tươi sáng...’’ (xem Hồn Quê 6, ngày 15-06-2001). Về phần tình cảm và lãng mạn nhớ nhung, có bài Tha Hương (viết đêm 11-12-1950, 2 tháng sau khi tôi đặt chân xuống phi trường Orly-Paris ngày 05-10-1950, cung ré mineur với (hành nhạc) : Tempo di English Waltz), chưa đặt lời... tôi cũng không hiểu tại sao. Đến lượt Xuân Tha Hương rất thiểu não... và từ Hiệp định Genève năm 1954, một số bài tiêu biểu như : Sông Seine, bao giờ ta veà nước Nam ? Kiếp Giang Hồ, Xuân Về Nhớ Mãi Quê Hương, Bụi Đời (cảm đề phim do Lê Mộng Hoàng đạo diễn), và gần đây : Quê Tôi, Chiều Vàng Năm Xưa... đó là không kể Thu Trên Sông Seine, Giao Mùa, Thề Non Nước là những bài thơ của Vương Thu Thủy, Phạm Ngọc, Tản Đà được tôi phổ nhạc.

 

(BT) : Lần đầu Trâm gặp thầy, trong giảng đường đại học vào năm 1986, Trâm lên bục giảng hỏi thầy : Phải thầy là tác giả của Trăng Mờ Bên suối không ?... Thầy đã nghĩ gì ngay lúc ấy ? Tâm trạng thế nào ? Ngạc nhiên ? Vui ? Ngậm ngùi ?

 

(LMN) : Trước hết, xin cảm ơn Trâm đã kể lại cuộc ‘’gặp gỡ’’ này trên NET và gần đây trên báo Nghệ Thuật của nhạc sĩ Lê Dinh ở Montréal, qua bài tùy bút Kỷ niệm với tác giả của Trăng Mờ Bên Suối rất dịu dàng và nhung nhớ, đã làm tôi xúc động vô cùng. Trâm viết năm 1998 mà tôi chỉ mới được đọc hồi tháng tư năm nay (2001) nghĩa là từ ngày tôi có Internet và gia nhập ‘’Nhóm Sáng Tác’’ của Trâm và một số thân hữu chủ trương. Hồi ấy tôi chỉ thoáng nghe Phương Khanh nói là Trâm có viết một bài kỷ niệm với tôi rất hay nhưng tôi chưa vào Internet mà cũng không biết cách nào để đọc trên máy người khác. Lúc Trâm đến hỏi tôi năm 1986 sau bài học về ‘’Khoa học Chính trị’’ tôi dạy hôm ấy cho sinh viên của Département d’Administration Economique et Sociale mà tôi được hân hạnh làm giám đốc (directeur) ở đại học Paris VIII, tôi hơi ngạc nhiên trong khoảnh khắc vì chuyện đã xưa rồi mà nay vẫn còn có người (một cô sinh viên nhỏ nhắn, xinh xắn và e dè) nhắc nhở trên đất khách, nhưng lòng thấy vui vui như một hạnh phúc mong manh đã trở lại sưỡi ấm một quả tim lưu lạc. Hồi ấy, tôi không liên lạc nhiều với cộng đồng VN, nhưng mỗi lần gặp một sinh viên VN nhất là phái nữ ghi tên theo dõi những ‘’khoa quyết tuyển’’ (matières à option) của tôi, là một nguồn hãnh diện mới... Sau đó, Trâm có tặng tôi một tập thơ (7 bài) với nhan đề ‘’Hoàng Hôn Trắng’’ và một băng cassette audio trong đó Trâm tự hát và ghi âm (đàn đệm lục huyền cầm) những bài đượm tình nhung nhớ (như tôi đã kể lại trong ‘’Từ Mây Khúc đến Hẹn Anh 15 Năm của Bảo Trâm - Trang Thanh Trúc hay là Paris và Montréal trong tình đời và tình người’’, ns HỒN QUÊ 7 , ngày 15-07-2001).

 

(BT) : Trâm xem lại một số sáng tác của thầy, thấy chủ đề quê hương rất nhiều, hoặc nhắc về một tình yêu nào đó trong dĩ vãng và cái dĩ vãng ấy luôn luôn được lồng trong khung cảnh quê hương. Có đúng như vậy không ? Và nếu quê hương luôn luôn hiện diện trong những nhạc phẩm của thầy, thầy có bao giờ trở lại quê quán chưa ? Có hoặc không, xin thầy có thể cho biết lý do ?

 

(LMN) : Xin Trâm biết rằng không những chỉ trong một số sáng tác mà hơn nữa tôi có thể nói là trong tất cả những sáng tác của tôi, bất kể là nhạc hùng từ Vó Ngựa Giang Hồ (1948) đến Việt Nam Thắm Tươi (2001) hay nhạc tình cảm từ Trăng Mờ Bên Suối (1949) hay Nhớ Huế (1950) cho đến Thề Non Nước (2001) Chiều Vàng Năm Xưa (05-11-2001), qua gần một trăm bản nhạc mà tôi đã cho in hay viết ra, chủ đề duy nhất là quê hương đất nước, hứng cảm tận cùng là làng mạc, thôn xóm, sông Hương, núi Ngự với một dĩ vãng vừa êm dịu vừa thương đau, một mối tình dang dở nhưng đã trở thành bất diệt như bài Trăng Mờ Bên Suối (1949) làm tại quốc nội (xin xem tùy bút ‘’TMBS hay là cuộc hành trình trong một quá khứ lãng mạn và thương yêu’’ của Lê Mộng Nguyên, Hồn Quê 9, ngày 15-09-2001) hay Xuân Tha Hương (hoặc Kiếp Tha hương) viết tại Paris (1952) trong những ngày đau khổ và cô quạnh trên đất khách ... : Chỉ thiếu một mình em chiều nay phương trời Âu xa vời. Mây kéo lê thê, trời nước bao la kìa dòng sông Seine lơ lửng xuôi ngày tháng. Mùa xuân đến khắp trời, khắp nơi người ta đi lướt thướt. Riêng tôi đứng nhìn, nhớ lại ngày qua cùng em sánh vai bên dòng đời âm thầm ! Tôi nhớ sông Hương với giọng hò cô lái. Khi thấy sông Seine nước đục lờ không tình yêu ! Vườn hoa nơi đây lại gợi nhớ Văn Lâu. Sao lúc xuân về mà nước non âu sầu ? Xa cách muôn trùng bởi vì đâu còn lưu luyến ? Ngày xưa tiếng đàn còn thiết tha tình duyên ! Bài này (do nhà xuất bản An Phú phát hành ở Saigon) đã được Thái Thanh hát lần đầu tiên tại Đài phát thanh Việt Nam trong năm 51-52 theo lời yêu cầu của người yêu của tôi còn ở lại bên nhà. Đầu năm nay (tháng 02-2001), tôi có viết nhạc phẩm ‘’Ma Vie Sans Toi’’ (Đời Không Có Em), lời bằng tiếng Pháp (mà cũng là cả một bài thơ) theo nhạc của TMBS :

Pourquoi ne viens-tu pas en France ?
Où il fait bon vivre, ensemble
Nous continuons notre amour
Au bord de la Seine du bonheur.
Sous le beau ciel bleu de Paris
Notre idylle le jour, la nuit
Reprend son cours et sa passion
En bravant le destin du monde
AMOUR ! Pour la vie ou pour un jour
Mon coeur bat pour toi mille fois encore
AMOUR ! de mes jeunes années passées
à travers champs, dans les prés
les nuits d’été
Je ne sais pas pourquoi la vie
nous lie et nous désunit
Ma vie depuis n’a aucun sens
Loin du pays de mon enfance
Souffrant, je vis au jour le jour
Dans cette vie sans ton amour

... và vừa rồi (ngày 05-11-2001) bài Chiều Vàng Năm Xưa đượm nhớ nhung và buồn man mác như là tiếp nối trên đất khách một cuộc tình dang dở đã diễn tả trong ‘’Trăng Mờ Bên Suối’’.

Từ ngày Saigon mất và để trả lời câu hỏi của Trâm, tôi không bao giờ có ý định trở lại cố hương... Tôi sẽ trở lại quê quán một ngày mai nước Việt thanh bình và dân tộc ấm no, hạnh phúc. Xin lỗi Trâm, tôi không muốn nói thêm nhiều về chuyện này.

 

Mời nghe

Chiều Vàng Năm Xưa

Thề Non Nước

 

(BT) : Trâm quen biết thầy từ năm 1986, nhưng không bao giờ thấy thầy có mặt trong những buổi sinh hoạt văn nghệ của cộng đồng VN. Mà phải chờ mãi đến đầu những năm 90, tình cờ mới được gặp thầy trong một buổi văn nghệ của Tổng Hội Sinh Viên VN tại Paris tổ chức. Xin thầy cho biết, trong cái khoảng thời gian ấy, có nghĩa là từ lúc Trâm gặp thầy vào năm 1986 đến1990, sinh hoạt thường ngày của thầy là gì và những sáng tác vẫn tiếp tục ra đời hay đã bị gián đoạn ?

 

(LMN) : Nếu riêng Trâm lần đầu thấy tôi trong đêm văn nghệ Tết của THSV năm 1990, đó không phải là lần đầu tôi có mặt trong một buổi văn nghệ của đồng bào mình tổ chức. Thật ra, những năm trước đó, năm nào tôi cũng có mặt tại Nhà Hát Lớn Maubert-Mutualité để ủng hộ sinh viên nước mình (nhà tôi cách đó chừng hai phút đi bộ thôi). Trước 1990 và ngay từ năm 1977-1978, tôi đã thuộc vào nhóm trí thức kêu gọi dân tộc và nhà cầm quyền Pháp quan tâm cứu trợ nạn thuyền nhân vượt biển (boat people) do một tờ báo VN đề khởi, nhắm mục đích việc thuê chiếc tàu ‘’Đảo Ánh Sáng’’ - ỵle -de-Lumière (lúc ấy Trâm mới 12 tuối mà cũng vừa mới đặt chân trên đất Pháp thành thử không làm sao theo dõi được) vào khoảng tháng 4-1979, với sự ủng hộ của các nhóm trí thức người Pháp không phân biệt tả hữu, như Jean-Paul Sartre, Raymond Aron, Simone de Beauvoir, Maurice clavel, Jean Lacouture, André Glucksman, Yves Montand, Olivier Todd, Bernard Kouchner... Từ dạo ấy tôi có viết nhiều bài báo phần đông bằng tiếng Pháp về vấn đề Việt Nam, ngoài ra phải lo giảng dạy ở đại học Besançon, hơn nữa (tương tự bất cứ giảng sư đại học nào) phải làm ‘’travaux scientifiques’’ rất nhiều (khảo cứu về luật hiến pháp và khoa học chính trị, đăng báo và xuất bản nhiều sách) để được thăng trật và thuyên chuyển lên đại học Paris VIII từ năm 1984-1985. Trong khoảng thời gian từ 1986 đến 1990, tôi không có nhiều thì giờ để sáng tác nhạc mặc dầu hứng cảm lúc nào cũng dồi dào (lâu lâu cho đăng một nhạc mới trên báo chí hải ngoại và nhất là trên những đặc san Mùa Xuân). Ngoài ra, bắt đầu 1993 tôi viết thường xuyên những bài về chính trị VN và quốc tế (bằng Pháp ngữ) trên bán nguyệt san ‘’L’Appel de la Nation’’, và từ 1995 trên nguyệt san song ngữ ‘’Tin Tức’’ cùng trên tạp chí tam cá nguyệt ‘’Human Rights’’ (Huntington Beach), ‘’ Đối Lực’’ và ‘’Khai Thác Thị Trường’’ ở Toronto hay những bài phê bình văn nghệ rất thường xuyên từ năm 1998 trên nguyệt san Nghệ Thuật của nhạc sĩ Lê Dinh ở Montréal...

 

LeMongNguyen1.jpg (101400 bytes)

Từ trái: Mai Anh Tuấn, Lê Mộng Nguyên, Quách Vĩ Thiện,
Nguyên Lộc, Trần Quang Hải, Tuyết Dung,
Hoàng Yến, Linh Chi, Nguyên Dung,
Nguyễn Minh Châu
(Paris 9/8/2001)
 

 

(BT) : Động cơ nào thúc đẩy thầy gia nhập những sinh hoạt của cộng đồng VN tại Paris ?

(LMN) : Nỗi nhớ nhà, thương nước, thương đồng bào... đã là những lý do trong việc tôi tham gia (với chút thì giờ còn lại ngoài công ăn việc làm và viết lách), tôi nói tham gia chứ không phải gia nhập vào hội này hội khác. Tôi muốn đứng ngoài hội hè và đình đám để hăng say làm việc một mình có hiệu quả hơn, cho nên luôn từ chối làm chủ tịch, tổng thư ký hay thành viên ban quản trị của nhóm này hay nhóm khác. Tôi muốn , với những sách khảo luận, những bài báo, bài nhạc, bài thơ, làm cho dư luận quốc tế chú ý đến tình trạng đau khổ của đồng bào quốc nội. Bài Thề Non Nước tôi phổ nhạc thơ Tản Đà, muốn nói lên nỗi đoạn trường vô cùng tận của tôi trên xứ lạ, lúc nào cũng hướng về quê cha đất tổ và như nữ sĩ BảoTrâm đã viết rất chính xác để kết thúc bài tùy bút êm đẹp và nhung nhớ của nàng ‘’Kỷ Niệm Với Tác Giả Của Trăng Mờ Bên Suối’’ : Nước có trôi đến đâu cũng trở về nguồn !

 

(BT) Xin thầy cho biết những dự định trong tương lai ?

(LMN) : Tôi sống rất nhiều trong hiện tại... Nhưng để trả lời câu hỏi của Trâm : trong một tương lai rất gần (nghĩa là trong một, hai hoặc ba tháng ... hay sang năm) tôi sẽ cho xuất bản sách ‘’Phê Bình Văn Nghệ’’ (Thi Văn Nhạc Sĩ Hải Ngoại), và một tuyển tập bằng Pháp ngữ ‘’Contes philosophiques asiatiques’’ cùng một biên khảo ‘’La Guerre Civile Vietnamienne’’ (khoảng chừng 500 trang). Sách viết xong hết cả từ lâu, hiện tôi đang do dự tìm kiếm và lựa chọn một nhà xuất bản có tiếng trong lãnh vực. Về phần sáng tác âm nhạc, tôi vừa nhận được thư của một nhà xuất bản Pháp muốn liên lạc với tôi (qua SACEM) xin cho in một số nhạc của tôi như : Ma Vie Sans Toi, La Légende de My Chau et Trong Thuy, v.v. 

 

(BT) : Để kết thúc, Trâm có vài câu hỏi nhỏ mà thầy chỉ cần trả lời bằng một chữ mà thôi. 1 chữ đủ nói lên tất cả (nhưng lẽ dĩ nhiên thầy hoàn toàn tự do lựa chọn cách trả lời) :

 

(LMN) :

 

Tôn giáo : Tự Do Tín Ngưỡng (Liberté de croyance)
Chủ Nghĩa : Dân Chủ Tự Do (Démocratie Libérale)
Màu sắc : Xanh trời (Bleu ciel)
Saison : Mùa Thu (Automne)
Thần tượng : GANDHI (1869-1948)
Điện ảnh : APOCALYPSE NOW
Văn chương : Việt Nam : NGUYỄN DU (Kim Vân Kiều) ; Pháp : VICTOR HUGO, LAMARTINE
Âm nhạc : MOZART
Vos bons côtés : Tôi là một người rất giàu tình cảm !
Vos mauvais côtés : Dậy rất sớm mỗi ngày để làm việc (kể cả ngày lễ và chủ nhật). Xấu hay tốt ? Tùy ý độc giả Hồn Quê phán đoán.

 

Votre citation préférée (d’une personne célèbre) : Bốn câu thơ của LAMARTINE (trích bài ‘’L’Isolement’’, trong thi tập ‘’Méditations Poétiques’’) :

Que me font ces vallons, ces palais, ces chaumières,
Vains objets dont pour moi le charme est envolé ?
Fleuves, rochers, forêts, solitudes si chères,
Un seul être vous manque, et tout est dépeuplé ! Xin tạm dịch :
 
Trước thung lũng, đền đài và nhà lá
Ngoại vật trống không, mê ảo rụng rời
Cả những sông, núi đá, khu rừng thẳm
Từng ẩn núp mộng tưởng với cô liêu
Nay thiếu bóng một người yêu muôn thuở
Tâm hồn ta như hoang vắng, quạnh hiu

 

Votre rêve (aspiration) : Tôi hy vọng trong một ngày mai rất gần tất cả nhân loại sẽ chung sống trong tự do, hạnh phúc và thân ái. Xin thành thật cảm ơn ký giả Vương Huyền, chủ trương nguyệt san Hồn Quê và nữ sĩ Bảo Trâm đã cho tôi có dịp bày tỏ đôi lời tâm sự với đồng bào độc giả quí mến trên mạng lưới qua một nguyệt san lừng danh.

(PARIS, ngày 25 tháng 11-2001)

 

Bảo Trâm Thực Hiện

BaoTram.jpg (14015 bytes)