Phỏng Vấn Nhà Văn Hồ Đình Nghiêm

Quỳnh My Thực hiện



 

Quỳnh My (QM) : Chào ông Hồ Đình Nghiêm, được biết ông tốt nghiệp cao đẳng mỹ thuật nhưng thành danh là một nhà văn, ông có thể cho biết diễn tiến đoạn đường từ chọn nghiệp đến lập nghiệp của ông?

Hồ đình Nghiêm (HĐN) : Chuyện như thế này: Tôi tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế năm 1978. Bỏ nhiệm sở vì không thích làm cán bộ Thông tin văn hoá. Lấy vợ, sinh con và gia đình vợ cho tiền bồng bế nhau vượt biên năm 1980. Qua Hồng-Kông, chạm mặt đời sống mới, giấy bút khi ấy giúp tôi làm nhẹ nỗi buồn. Hoàn cảnh đó, hội họa không thiết thực bằng văn chương. Trong trại tị nạn, cách giết thời giờ hữu hiệu nhất là đùa cợt với chữ nghĩa. Cứ thế mà mình "lậm" hồi nào không hay. Nghĩ cho cùng, tôi không chọn nghiệp mà cũng chẳng lập nghiệp. Vui thì đậu mà buồn thì bay.

QM : Trong tác phẩm ông đã xuất bản, truyện ngắn đầu tay của ông có được ông tuyển chọn? Nếu có, mong ông tóm lược nội dung của truyện này.

HĐN : Dĩ nhiên là phải chọn chứ. Truyện đầu tay ví như mối tình đầu. Bồng bột, sôi nổi và có ít nhiều vụng dại; những lỗi lầm đáng yêu hơn đáng trách. Mẹ tôi thương con đầu lòng hơn những đứa đẻ sau. Tôi là con út và đôi khi tôi nghiệm: Hẳn Mẹ tôi có lý do bên trong. Không nên so đo, phân bì, gạn hỏi. Nội dung à? Đó là một truyện tình đầy trắc trở và thương tật. Mấy mươi năm rồi, có lẽ tôi không nên tóm lược chuyện "cổ tích" ấy ra đây.

QM : Truyện của ông đến với bạn đọc đầu tiên qua tạp chí hoặc tuần báo nào ? Trong truyện đó ông có nhằm bày tỏ những điều gì không?

HĐN : Truyện tôi gửi đăng đầu tiên là ở báo Đất Mới bên Seattle, năm 1981. Tờ báo do anh chị nhà văn Thanh Nam Túy Hồng chăm sóc mà tình cờ tôi vớ đọc được trong trại tị nạn. Một kẻ tị nạn, chuyện nắng mưa của hắn, qua cách cảm nhận của hắn, sự bày tỏ kia chắc có khác với kẻ đứng bên ngoài hàng rào mắt cáo. Truyện đó, tôi viết về những giấc mơ không thành, những huyễn mộng, những niềm đau nhỏ bé giữa cuộc đời lớn rộng này.

QM : Để có tác phẩm đầu tay trước bạ với làng văn, ông đã làm việc như thế nào?

HĐN : Tôi là đứa ham vui, ít để tâm vào chuyện lớn bé nào. Dạo đó, lâu rồi, sau khi gửi cho tạp chí Văn Học đôi ba truyện ngắn tôi liền mở lời muốn in một tập truyện. Tuần sau, thầy Từ Mẫn của nhà Văn Nghệ "bật đèn xanh" và "Nguyệt Thực" chính thức chào đời. Cho đếùn giờ này, đôi khi tôi tự hỏi:" Mày là nhà văn đấy à? Có thật không đó cha?!" Dạ thưa, tôi có làm việc gì ghê gớm đâu?

QM :Nội dung những truyện ngắn trong tác phẩm Nguyệt Thực đã được ông khai triển những đề tài nào? Ông đã sử dụng những bối cảnh nào trong loạt truyện đầu tiên này?

HĐN : Tôi không mang chủ đích, chẳng có chủ ý. Tôi không rắp tâm khai triển một đề tài nào ráo trọi. Chân lỡ bước lên ghe thì cứ phó mặc cho sóng nhồi mang tới bến bờ nào cũng đặng. Tôi có khuyết điểm: Khó viết đúng theo một cái giàn bài đã định trước. Tôi ghét gò bó, ghét công thức, ghét khuôn thước. Tôi nuông chìu tình cảm hơn là trí. Bối cảnh trong tập truyện ấy nhét đủ mọi lãnh thổ: Quê nhà, chốn tạm dung, và cả đệ tam quốc gia. (Cái xứ gì mà "quanh năm mùa Đông").

QM : Những nhân vật của ông xây dựng thường rút từ những thành phần nào trong xã hội? Cái tôi của ông hẳn thường đóng những vai quan trọng?

HĐN : Cho tôi xin khất câu hỏi này. Hôm nào viết xong cái truyện dài hoặc hoàn thành một cuốn tiểu thuyết tôi sẽ trả lời Quỳnh My sau. Vậy đi nhé.

QM : Ông có thương yêu và đối xử công bằng với những nhân vật của ông?

HĐN : Tôi có ghét và cũng có thương. Tôi công bằng và tôi khắc nghiệt dở chứng, một đôi khi. Cái sự đối xử đề huề cân cái chỉ sợ dẫn tới trường hợp nhàm chán. Không sắc nét, lờ mờ nhân ảnh, thường thường bậc trung.

QM : Những nhà văn thuộc thế hệ của ông trong tác phẩm của họ thỉnh thoảng có khai thác khía cạnh tình dục, ông cũng có làm như vậy? Và quan niệm thế nào về vấn đề này?

HĐN : Tốt thôi. Vui thôi. Đọc một truyện "dâm đãng" viết cho thoát sẽ sướng hơn bất kỳ một đề tài nào khác. Câu hỏi đặt ra là viết có tới nơi tới chốn không? Chính vì không "tới" không "đạt" nên mới đưa đến tình trạng tranh cãi chuyện thanh và tục. Tỉ dụ như truyện "Người thích ngắm vú" hoặc gì gì đó đăng trên tờ Thế kỷ 21 là một truyện dở. Nó không đáng để người ta đem ra tranh luận mổ xẻ. Uổng! Phí! Tôi lượng sức mình sợ bị sa ngã nên cứ thầm thà thậm thụt. Ừ, thì trước đây cũng có chấm mút chút đỉnh. Ăn mặn thì khoái khẩu hơn ăn chay. Yêu thương nhau ra rít mà cứ nhắm mắt trước tình dục thì... chán bỏ bu. Mà tại sao Chàng cứ mãi vuốt tóc Nàng, tả da Em trắng như trứng gà bóc, mắt bồ câu môi trái tim mũi dọc dừa mà không hề biết cơ thể Em còn ẩn chứa hai ba thứ tuyệt diệu hơn? Vượt ra khỏi lối mòn kia thì sợ chúng chửi chăng? Tội nghiệp!

QM : Để có một tác phẩm có da thịt một cách phương phi, theo ông phải cần có những điều kiện nào?

HĐN : Điều kiện tất yếu và đủ là: Săn đuổi, tán tỉnh, ăn nằm và sống chết với nó. (Một người tình chung?) Đao to búa lớn quá, nhưng không thể nói khác, bởi bản thân chữ "da thịt phương phi" vốn không phải là chuyện nhỏ. Thôi thì thế này nhé, tôi thích truyện ngắn này và truyện ngắn kia vì giản dị là nó chứa đựng cho riêng nó một khí hậu, nó để lộ cá tính của người viết nên nó. Dẫu cho nó lỡ nói tới chuyện tầm thường, nhưng là cái tầm thường không giống ai, riêng biệt. Tôi thích câu nói của Paul Gévaldy: "Cần giống nhau một chút để hiểu nhau, nhưng cần phải khác nhau đôi chút để yêu nhau". Hãy thử đọc thơ của Bùi Giáng, của Tô Thùy Yên, của Luân Hoán, của Du Tử Lê... ngôn ngữ của họ "cầu chứng tại tòa" bằng chính chữ nghĩa khác lạ của họ. Bây giờ tôi nói: "Thưa cô phỏng vấn lòng vòng. Nhức tim bên nề , đau lòng bên kia" thì Quỳnh My biết ngay là tôi đã ăn cắp cái hơi thở của Bùi Giáng.

QM : Viết văn đối với ông là một hoài bão hay là một thú tiêu khiển?

HĐN : Với tôi, hai trường hợp trên đều không đúng. Cái đầu, tôi chưa từng gợn lòng toan tính. Cái sau thì cho tôi phủ nhận chữ thú tiêu khiển kia để thế vào chữ hành xác. Hành xác và rất mực tốn kém. Tiền bạc, sức khoẻ, thời gian thảy đều hao hụt. Tâm sự điều này, tôi từng ngụy tạo chuyện nhức đầu sổ mũi, xin chủ hãng nghỉ việc nửa ngày để buổi trưa đứng bóng chui vô công viên ngồi viết cho xong cái truyện đã lỡ hứa với ông chủ báo Văn, ông chủ tiệm Hợp Lưu. Trời sanh tôi, đứa nhẹ dạ. Cả nể, dễ xiêu lòng nghe lời dụ khị, nên không "ke" chuyện việc vàng cắc củm từng đồng mà vui vẻ nai lưng đi vác ngà voi. May mà vợ tôi nhắm mắt, không cản: ăn được cái giải gì mà cặm cụi ngồi nặn óc? Dẹp đi nha...

QM : Ông thường có những thói quen nào trong lúc sáng tác?

HĐN : Ngẫm lại hình như là không có thói quen. Ông Nguyễn Hiến Lê khuyên những kẻ viết văn nên tập thói quen mỗi ngày phải ngồi vào bàn viết một hai tiếng. Đó là một lời khuyên vàng ngọc. Tôi biết thế mà tôi "chây lười lao động". Hình ảnh đứa nằm dưới gốc cây chờ sung rụng là tôi. Tùy tiện lắm, hổ thẹn lắm, và dị ứng với computer mới chết chứ! Tôi thường ngồi sau bếp một mình. Chỗ ấy yên lành nhất, ấm áp nhất, và nơi đó là vùng oanh kích tự do: tha hồ cà-phê thuốc lá thâu đêm mà không sợ hiền thê lẫn quý tử càm ràm, đay nghiến, lên án, răn đe. Dạo này, tôi đã bỏ được thuốc lá. Tôi loan báo tin buồn ấy ra bởi vì miệng không thở khói thì người đẹp văn chương cũng trốn biệt tăm, moi tim óc hoài không ra một chữ. Khốn khó quá!

QM : Ngoài 3 tác phẩm đã xuất bản, ông đã chuẩn bị một tác phẩm mới? Ông có thể cho biết về tác phẩm này? Và những dự định trong tương lai của ông?


 

HĐN : Cái thứ Tư cũng là một tập truyện ngắn, mọi thứ đều hoàn tất chỉ chờ lên khuôn nhưng rất tiếc phút cuối đã hư bột hư đường. Lỗi tại tôi mọi đàng! Tôi ngây thơ và tôi cả tin. Tôi tưởng "Con ma nhà họ Hứa" chỉ có trong phim ảnh. Ai mà dè! Tôi không có dự định gì hết trơn. Tôi đang buồn và tôi chẳng biết ngày mai trời có sáng không?

QM : Ông có chủ trương làm mới truyện ngắn? Ông nghĩ thế nào về loạt truyện có tên 'truyện thật ngắn'?

HĐN : Thế nào là làm mới truyện ngắn? Mỗi người có một cái nhìn riêng. Theo cái cách mà những người gần đây viết văn tối tăm, không câu cú, không chấm phết, không xuống hàng... được hiểu là làm mới thì hàng ngũ ấy không có tôi. Còn truyện thật ngắn thì thú thật là tôi chẳng thích. Ngay cả thơ Haiku cũng thế. Hà tiện tới độ nghèo khó như vậy để được cái gì nhỉ? Hình ảnh một anh chàng công tử Bạc Liêu hào phóng ném tiền qua cửa sổ bao giờ ngó cũng đã mắt hơn anh nông dân ăn tằn ở tiện chắt mót từng đồng. Nói thế chứ trường thiên tiểu thuyết hoặc trường thi trường ca tôi cũng ngán. Tôi đồng tình với cô bán bia ôm: "Dài thì em sợ mà ngắn quá ngó cũng nản!"

QM : Trong tạp chí Hợp Lưu, một tạp chí bề thế của giới trí thức hiện nay, vừa rồi có một loạt truyện gọi là 'truyện một câu' của tác giả Đinh Linh, trích dẫn một truyện như sau: "Trước khi hắn trút hơi thở cuối cùng, họ đã dẫn hắn ra ngoài để nhìn mặt trời lần cuối và lần đầu tiên." Ông có ý kiến gì về sự khai phá làm mới truyện ngắn này? Hẳn ông tin trong những ngày tới sẽ có một loạt tác giả kỳ tài khác, tiếp tay với ông Đinh Linh để làm lớn mạnh loại truyện có tầm vóc này?

HĐN :Tôi không có ý kiến về câu hỏi này. Đôi khi im lặng có được hiểu là làm mới một cuộc phỏng vấn không? Hỏi. Đăm chiêu. Gãi đầu. Làm thinh. Tịch lặng kéo dài, tận cùng là tiếng ho khan.

QM : Là một nhà văn thành danh, mong ông chấm điểm thử Truyện trích dưới đây, có đủ khả năng đứng vào hàng với những nhà văn khai phá những cái mới: "Ọt, chết ...em rồi...ông ơi. Ngôn ngữ khoái cảm nối chồng nhau thúc rối, cuối cùng vỡ trong con giọng: chết / để bắt đầu sống-một-đời-tuyệt-hảo hơn."

HĐN : Chấm điểm? Không dám đâu! Ai viết nên câu ấy thế? Ra bờ sông, ném hòn sỏi xuống nước, sóng đồng tâm xao động loang tròn ra. Làm thơ viết văn là người đứng ngoài bờ sông ném đá ấy. Một tác phẩm hay là khi nó đi thẳng vào lòng người đọc và nó biết tạo sóng. Tôi có đủ khả năng để viết một truyện ngắn siêu thực, khó hiểu; nhưng liệu hành động ấy có giống cầm hòn sỏi để liệng xuống một cái giòng khô, hun hút sâu? Sẵn, tôi chép ra đây lời của Guillaume Barante: "Người ta làm tươi trẻ một ngôn ngữ không phải bằng lời mà chính là do những ý tưởng".

QM : Xin trở lại những câu chuyện nhẹ nhàng hơn. Ngoài viết văn, ông còn vẽ tranh hoặc sinh hoạt trong một bộ môn khác không? Ông có từng làm báo?

HĐN : Tôi đã rét, đã run tay, đã ly dị với "Nàng hội họa" rồi. Một họa sĩ đàn anh có khuyên tôi: "Hồi nào bạn cảm thấy hứng thú, thôi thúc, rồi hẳn vẽ". Tôi chưa thấy hứng thú, không nghe ngọ nguậy thôi thúc. Có lẽ hòn than trong người đã nguội mất rồi. Chuyện viết văn cũng vậy, chưa khi nào trong tôi thực sự bùng cháy một ngọn lửa. Cứ âm ỉ, cứ riu riu, cứ như rứa thôi. Làm báo? Đó là một nghề lao xao, một loại chiến đấu... từ chết tới bị thương. Mà tôi thì... Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, người khôn người đến chốn lao xao. Hoàn cảnh lắm Quỳnh My ạ!

QM : Được biết ông cư ngụ tại Montréal, một thành phố có khá nhiều người sinh hoạt chữ nghĩa, hẳn ông đã có những sinh hoạt chung với họ, nhân đây, ông có thể giới thiệu với độc giả Hồn Quê những khuôn mặt ông quen thân qua một vài nét bằng văn tài rất duyên dáng của ông?

HĐN :Tôi nhớ lời báo cáo của một ông Xã trưởng (chuyện tếu) : "Thưa ông Quận trưởng, dân số xã tôi thì đông, mà người trong xã thì quá ít ỏi". Montréal là một cái xã tương tự như thế. Ai sao không biết chứ riêng tôi thì nhìn lui ngó lại có chừng đó mặt mày. Nhà thơ có Luân Hoán, Trang Châu, Lưu Nguyễn, Hoàng Xuân Sơn. Nhà văn có Song Thao, Võ Kỳ Điền. Chúng tôi vẫn thường tụ họp ở một quán cà-phê phường Côte-des-neiges, nói năng linh tinh từ thiên địa bệnh hoạn thời tiết Tây đầm cho chí tới Mông-xừ khủng bố trưởng Bin Laden. Đa phần là đùa giỡn lấy vui làm trọng, gieo rắc nụ cười là chính. Thảng hoặc có nghiêm trang chuyện đại sự thì đó là dự tính in sách, tổ chức cho bạn văn phương xa về ra mắt các tác phẩm mới cho có sinh hoạt. Chỉ ngần ấy thôi mà không chắc là tụ hôp đông đủ mặt mày. Lóng rày, vấn đề tuổi tác hom hem hay có nguồn cơn nào bên trong mà trông ai cũng suy. Bây giờ đang cuối tháng Mười, cây rung lá rụng xuống cỏ xem chừng đã gần trơ trụi. Cảnh sắc ngó hiu hắt khó tả. Ôi "Cảnh buồn người có vui đâu bao giờ" là vì vậy!

QM : Những câu hỏi trên hẳn nhiên chưa đủ làm điểm tựa để ông cần gởi đến bạn đọc nhiều điều ông muốn nói, mời ông tự nhiên bày tỏ những gì ông thấy cần thiết về chuyện văn học nói chung, truyện ngắn nói riêng.

HĐN : Đây là lần đầu tôi phải trả lời những 18 câu hỏi. Nhiều quá. Đa sự, đa ngôn, đa khẩu ắt đa nghiệp. (Tất đạt Đa) Một truyện ngắn hoàn chỉnh là truyện ấy biết nên dừng ở đâu. Một chiếc xe không bị phạt là chiếc xe ấy còn biết thắng đứng trước bảng đỏ Stop. Tạm dừng ở đây nhé. Xin Quỳnh My một ly nước lạnh. Cám ơn.

Quỳnh My thay mặt nguyệt san Hồn Quê, cảm ơn và chúc ông sức khoẻ.


Mời Đọc: