Bên Bờ Kinh Xáng Bốn Tổng
- Vài lời tâm sự với anh Hai Trầu -

Trường Đinh Thực hiện

 

Hồn Quê (HQ): Chiều nay nắng thật đẹp, vậy anh em mình ngồi sau rặng dừa lai rai vài xị đế tâm sự cho vui nha anh. Con cá lóc nướng trui của anh làm mồi thì số dzách, bịch thuốc rê Bầu Hầm đây để vui sương khói, bấy nhiêu cũng đủ lãng quên đời anh hả. Anh Hai Trầu à, sẵn hôm nay anh cao hứng, vậy anh hãy kể cho em nghe sơ sơ về tiểu sử của đời anh nha.

Hai Trầu (HT): Trời đất, đời tui có gì đâu để gọi là tiểu sử, tiểu xiếc gì. Thuở mới lọt lòng mẹ thì cái cuốn rún của tui chôn ở Rạch Trầu, cách nhà Tạ Thu Thâu chừng vài công đất bề đứng; còn nếu tính theo cua quẹo thì chừng vài ba cái cua là tới.

Hồi đời Tây, Rạch Trầu này thuộc làng Tân Bình, tỉnh Sa Đéc. Sau đó tui lớn lên, tối ngày cứ giữ bò, chơi lổ cua lổ còng, thảy đáo lạc, đá dế, đá gà tre, đá cá thia thia, thả diều, bắt ốc, bắt cua tối ngày. Cho đến khi lớn chồng ngồng, Tía Má tui mới bắt đầu cho đi học. Chị tui dẫn tui lại nhà cậu Chín Nhậm học vần ngược vần xuôi. Sau lại tới thời kỳ 45, giặc giã quá mạng, nên nguyên nhà xuống xuồng tản cư lên Cái Nai, rồi coi mòi không yên, nên Tía Má tui mới bồng chống chạy tuốt lên Long Xuyên, rồi Mặc Cần Dưng, có lúc lại bồng chống xuống miệt Kinh Xáng Bốn Tổng thuộc làng Định Mỹ quận Núi Sập, tới hiệp định 54 mới trở về lại Rạch Trầu.

Vì cứ chạy giặc tản cư hoài nên học hành chữ đặng, chữ thất, cùng chẳng tới đâu. Vậy mà rồi, sau 75 lại trở về Rạch Trầu làm ruộng tới ngày qua bên này. Nay thì sống lây lất qua ngày với cái gốc cu ly. Đại khái, chỉ có vậy thôi chú Trường à. Chứ có gì đâu mà tiểu với sử.

LTTrung1.jpg (49400 bytes)

HQ: Tại anh khiêm nhượng nên nói vậy, chứ không tên cũng phải có tuổi, không đại thì tiểu, không sử cũng sự mà anh. À, anh Hai Trầu ơi, cái thời còn ở Rạch Trầu, ngoài những giờ nhọc mệt cuốc với cầy, đôi lúc đầu óc và chân tay rảnh rỗi, anh có bao giờ lai rai hay thẩn thờ với vài cọng thơ hay ba cọng chữ gì không vậy anh?

HT: Thôi, anh em mình vô một ly đi chú. Nãy giờ lo nói chuyện, con cá lóc nướng trui coi mòi nó nguội ngắt rồi kìa! Khà! Khà! Rượu đứa nào mua coi bộ ngon quá vậy bây. Má con Thảo, em coi còn món gì bưng ra hết đi em. Mình đãi chú Trường này một bữa cho đã đời. Lâu lắm mới được chú ghé qua thăm. Chú tới đây, nhà tui nghèo lại ở nhà quê, xa chợ, vậy mình có mắm ăn mắm, có muối nhậu muối nhe chú Trường! Miễn anh em mình thiệt tình với nhau là quý. Giống như hồi xưa Cụ Nguyễn Khuyến tiếp bạn "khách đến chơi đây, ta với ta" vậy mà!

Bây giờ anh Hai Trầu mới trả lời câu hỏi của chú đây. Lúc về Rạch Trầu làm ruộng, nhà nghèo sặc mồng tơi, nên tui lo làm ba công lúa với một mớ rẫy kiếm sống qua ngày. Thành ra, đâu có rớ tới chữ nghĩa gì đâu. Mãi cho đến sau này, sắp nhỏ trong làng đi thi lên lớp 10 hoặc mấy cháu lớn hơn thi Tú Tài cứ rớt hoài, nên cha mẹ các cháu biết tui từ nhỏ có đi học chút chút, mới tới nhờ tui dạy kèm giùm ba cái toán lý hóa, rồi tui đánh liều dạy giúp vậy, chớ cũng quên bộn bộn... Cha, ngặt nhứt là môn hóa học hữu cơ, mấy cháu chịu chết khi năm nào đi thi gặp đề hóa học, là cầm chắc "thi không ngậm ớt thế mà cay" rồi chú Trường à.

Thôi anh em mình vô một cốc nữa đi chú! Coi mồi con cá lóc còn nhiều lắm, lại thêm dĩa gà xé phai nữa, chị Hai chú mới đem ra đó. Chú thích ăn phao câu hông? "nhứt phao câu, nhì đầu cánh" mà! Tiếng Tây gọi là "la croupion de la poules du coq" đó chú! Hồi thời tui người ta ít chịu học tiếng Ăng Lê lắm, chữ Tây không hà! Đi đâu cũng nghe nói tiếng Tây ba trợn. Nhưng hồi xưa, người nhà quê giỏi chữ Nho lắm nghe chú. Ngoài cái việc kèm toán lý hóa bất đắc dĩ, tui mê đọc lại ba cái sách báo cũ còn cất giấu dưới ngăn chót cái tủ thờ. Đọc cho đỡ ghiền vậy thôi. Chứ khi mình tay lắm chưn bùn rồi, chữ nghĩa khó lọt vô trong đầu lắm chú Trường à. Đọc bên này, nó liền chạy ra bên kia cái rẹt.

HQ: Anh nói vậy chứ một khi nó đã chịu vô rồi thì nó cũng ở trong tàng thức của anh thôi. Lai rai tiếp đi anh, bữa nay ghé anh thật quá đã. Mới có cái ruột cá mà anh em mình đã quất sơ sơ gần hai xị rồi. Đế nầy đậm vị đó anh Trầu, chưa chi em đã thấy hơi quay. Đêm nay chắc em hết dzìa rồi. Mấy bữa trước em ghé miệt Gò Đen thăm thằng bạn cũng đã quắc cần câu bí tỉ. Điệu nầy anh còn thêm mồi gà xé phai trộn bắp chuối thì dẫu mặt trời có lung lay, quả đất có lăn quay, anh em ta vẫn cứ lai rai đều đều.

Anh Hai Trầu à, nói mấy cái vụ anh đi dạy học và lục sách dưới tủ thờ thì nói về Nho bảng Ông Đồ anh đây cũng là tay khá giỏi trong làng rồi. Nè, anh vô hết ly của anh đi để em rót tiếp ly khác nha, gặp bia gặp rượu với mồi đầy đủ thì anh em mình phải merci chị Hai cái rụp đi anh.

À, anh Hai Trầu giỏi Nho như vậy ăn chắc là Tứ Thư Ngũ Kinh anh nằm lòng phải hông? Em thì lại khoái nghe anh ngâm thơ Kiều à. Chị Hai cứ khen là anh rành mấy cái điển tích trong Kiều lắm phải không anh?

HT: Chú Trường à, giỏi gì mà giỏi chú! Vợ khen chồng chẳng khác nào "mèo khen mèo dài đuôi" chú à. Chữ Nho là rừng là biển mà! Chú có nghe ông bà mình ví chưa? "Rừng Nho, biển Thánh khôn dò, Nhỏ mà không học, lớn mò sao ra!" Nên Tứ Thư Ngũ Kinh là cái kho vô tận. Tay lắm chưn bùn như tui dây là đành chịu chết! Còn điển tích là cái khó khác nữa. Khó vì "nói phải có sách, mách phải có chứng". Chẳng hạn như chú với mấy người bạn của chú làm tờ báo Hồn Quê, làm Hai Trầu tui nhớ hai câu này trong Kiều, mà chắc mấy chú cũng nên lấy hai câu lục bát này làm tôn chỉ :

"Đoái thương muôn dặm tử phần,
HỒN QUÊ theo ngọn mây Tần xa xa..."

Phải vậy hông chú Trường? À, mà nhắc tới điển tích, tui mới sực nhớ tới thơ của thi sĩ Tô Thùy Yên, trong đó chứa đầy điển tích, nhứt là mượn từ ca dao tục ngữ, mà có lần thi sĩ Tô Thùy Yên được hỏi và đã cho biết là tự trong tục ngữ ca dao đã bao hàm nhiều ý nghĩa sâu sắc đậm đà rồi, nên mượn ca dao để nói lên nỗi niềm của mình còn gì chan chứa, đậm đà, tha thiết cho bằng. Vả lại ca dao tục ngữ lại phát xuất từ nông thôn nữa nên càng gần gũi với bà con cô bác thích đọc thơ. Nói vậy chớ muốn hiểu được thơ của Tô Thùy Yên, không phải chuyện giỡn nhe chú Trường! Thôi lai rai thêm đi chú. Anh em lâu ngày gặp nhau, có ba hột, nếu tui có nói gì không phải chú cảm phiền bỏ qua cho tui nhe chú. "Rượu vào lời ra", nên nhiều khi ra không đúng lại sai bét, phải hông chú Trường?

HQ: Dạ, tửu nhập thì ngôn xuất mà anh. Không ở trên mây thì cũng cỡi gió đi đây đi đó. À, anh ơi, em nghe anh ngâm hai câu Kiều mùi quá, làm lòng em đoai đoái cái nhớ quê nhà thời còn rong chạy ngoài hè chơi pháo trong những đêm xuân. Thiệt là buồn khi nhớ nhà đó anh, nhất là vào những dịp tết nơi xứ người.

À, anh Hai Trầu, anh có nghĩ là văn chương Việt Nam mình cũng có tầm mức lắm so với văn học quốc tế không anh? Như các đại thi hào Wislawa Szymborska, Seamus Heaney, Vicente Aleixandre... lừng danh với các tác phẩm Nobel của họ thì Việt Nam ta đây Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng là một áng văn chương với những điển tích văn học đáng kể, phải không anh? Anh thử nghĩ xem vài nguyên do tại sao văn học nước nhà vẫn chưa có tác phẩm nào khả dĩ được thế giới thi ca công nhận như một tác phẩm Nobel văn chương vậy anh?

HT: Trời đất! Đang nói chuyện bên bờ Kinh Xáng Bốn Tổng ngon lành, sao chú lại dụ khị tui vô cửa tử này vậy chú Trường. Thành ra tui hơi sượng như khoai môn bị ngập nước. Cái vụ này khó quá chú Trường à! Tui cũng có nghe nhiều người nêu lên ý kiến như chú, là văn học của mình chưa có tác phẩm lớn. Cha, làm ruộng là một công việc đâu có nhỏ nhưng ông Lâm Ngữ Đường còn chê, nói gì chuyện sách vở văn chương:

" Ở thôn quê, có được bạn tốt thì mới thích. Hạng nông dân và tiều phu chỉ nói chuyện được về lúa mạ, mưa nắng, làm cho ta mau chán." (Một quan niệm sống đẹp - Nguyễn Hiến Lê dịch, trang 242).

Thành ra, tác phẩm lớn hay nhỏ, có tầm vóc hay không có tầm vóc là tùy người nhìn ngắm nó chú Trường à!

Thôi uống thêm đi chú. Rồi mình tâm tình ba cái vụ lúa thóc cho vui đi. Chữ nghĩa có người trên trước lo, tui không rành lắm đâu chú.

À, chú hỏi cây cầu ván ngoài Vàm hồi chú mới vô rạch này là bắc ngang qua rạch gì phải hông? Thì cây cầu tại Vàm Kinh Xáng Bốn Tổng đó. Hình mấy người trên cầu (bìa sách Bến Bờ Còn Lại) là mấy ông bạn của tui, cũng dân ruộng không hà! Mấy ổng bắc cầu xong thấy sướng quá mới rủ nhau ra chụp vài bô hình làm kỷ niệm đó mà. À mà chú về thăm tui, nghe tui nói chuyện lúa thóc, mưa nắng hoài, chú có chán như ông Lâm Ngữ Đường hông chú Trường?

HQ: Dạ, có nắng có mưa, có thóc có lúa thì mới có thơ có văn chứ phải không anh? Không thóc không lúa thì thi sĩ mò đâu cho ra thơ. Lâu quá anh em mình mới gặp nhau, lai rai vài xị nói chuyện trên trời dưới đất cho vui nha anh. Làm ruộng thì quả là chuyện không phải nhỏ mà làm văn chương thì cũng không phải là chuyện quá lớn, phải không anh? Đế ngon quá anh Hai Trầu à, anh em mình làm tiếp thêm một xị nữa nha anh.

Cái món gà xé phai nầy đi với đế thì thật là tuyệt vời anh à. Chị Hai nhà khéo tay ghê, hiền thục và đảm đang. Anh thiệt là may mắn! Hồi nãy em có xuống bếp chào chị và được biết anh chị qua Mỹ năm 1992. Như vậy có phải kể từ thời gian nầy là lúc anh tương đối nhàn rảnh để thật sự hoạt động cho văn chương phải không anh?

Trên điện báo VHNT liên mạng (từ số 322 - 522), em thấy có rất nhiều bài viết của anh qua các mục tạp văn và tùy bút như Mùa đá banh, Thư gửi thầy cũ, Lá thư từ kinh xáng, Cưới hỏi ở miền quê, Miếu và miễu, Gặp người bán cà rem dạo, Ông lái đò và con sáo, Đêm ngồi chờ hoa quỳnh nở, Dưới rặng tre làng, An giang một vùng cổ tích v.v. À, có phải bút hiệu Lương Thư Trung là tên thật của anh không vậy?

HT: Mèng ơi, Chú nãy giờ có uống thêm ly nào hông mà sao coi bộ chú tấn công tui dữ quá vậy chú Trường? Thật sự, dường như suốt đời tui, ít khi nào tui nhàn hạ được lắm chú à. Cái bịnh lo nó cứ đeo theo bên lưng hoài hà. Nghèo thì lo cái nghèo. Thiếu hụt thì lo cái thiếu hụt. Lo cái đáng lo cũng có, mà lo cái không đáng lo cũng có. Thành ra, đâu có nhàn hạ được. Chỉ khi nào rảnh rỗi thì ngồi nghiệm lại đoạn đời đi qua của mình rồi ghi ra giấy mực cho nó còn vậy thôi, chứ có dám "thật sự nhào vô hoạt động văn chương, văn chiếc" gì. Nhưng có lẽ cũng được đâu chừng năm năm có hơn vài tháng tui rị mọ làm việc ghi chép này. Giờ tui già rồi, nên hay quên trước quên sau lắm chú Trường ơi!

Còn LTT tên thật hay bút hiệu của tui hả chú? Thiệt tình, trong dòng sống bao la bát ngát này mà mình thì như hạt cát, hạt bụi, có đáng giá gì một cái tên gọi, phải hông chú Trường?

Chú ăn thêm miếng cá lóc nướng đi chú. Cái da cá mà nướng vàng lên, thơm lắm. Chú có khi nào được ăn cái ruột cá lóc muối cặp gắp nướng chưa? Ngon lắm! Không chỗ chê!

HQ: Dạ, em đã có ăn qua, tuyệt! À, mà nãy giờ sao em chưa thấy bé Thảo và cu Hiếu ở đâu cả vậy anh, chắc mấy cháu đi làm chưa về à? Anh Hai Trầu, gần đây anh mới vừa cho xuất bản một tạp văn Bến Bờ Còn Lại do nhà thơ Phan Xuân Sinh trình bày với phụ bản họa và nhạc của anh Nguyễn Trọng Khôi. Vậy anh cho em biết một vài nét đặc thù về tác phẩm đầu tay của anh?

Khi nãy em có nghe chị Hai nói ngoài việc viết văn xuôi anh cũng hay thường làm thơ lắm phải không? Như là bài thơ Mùa Mưa Nhớ Bạn Nghèo, ý tưởng rất nhẹ nhàng và chân chất, ấm nồng những mật ngọt giữa tình người và người đó anh.

HT: Trời đất, sao chú lại bắt bí tui hoài vậy. Ai đời lại tự mình nói về Bến Bờ Còn Lại của mình, mắc cỡ chết chú Trường à. Nhưng thôi, tui cũng nói qua chút chút là nhờ công lao của anh chị Phan Xuân Sinh cùng các anh chị bà con lối xóm giúp đỡ tận tình lắm, nên hồi tháng 7 năm 2000 tui mới có cuốn BBCL, mà hồi nãy tôi có gởi biếu chú một cuốn làm quà lưu niệm chuyến xuống thăm Kinh Xáng Bốn Tổng này. Chừng nào chú về bển, có huởn huởn mở ra đọc thử cho vui. Còn ba cái vụ thơ với thẩn là làm cho vui vậy chớ có ra hồn gì đâu chú Trường ơi. Còn hai đứa nhỏ của tụi tui thì công lên chuyện xuống tối ngày, tới tối mịt mới về tới nhà chú Trường à. Sắp nhỏ cũng lớn xộn rồi, rồi lại phải lo bề gia thất cho mấy đứa nó nữa đây…

LTTrung2.jpg (61507 bytes)

HQ: Anh khiêm nhường nên nói vậy chứ theo những lời nhận định của Trần Hoài Thư, Phạm Chi Lan, Trần Doãn Nho, Bùi Công Nguyên, Phạm Thiên Mạc, Lâm Chương, Nguyễn Vy Khanh, Trần Trung Đạo, Phan Xuân Sinh thì quyển BBCL có một giá trị về mặt tài liệu và văn hóa dân tộc không nhỏ đâu anh. Gần đây cụ Hoài Nguyên cũng đã có bài viết về BBCL trong Lá Thư Văn Nghệ từ Longueuil đăng trên báo VHNT số 513. Còn bài thơ MMNBN của anh rất có vị theo như cái thích và cái cảm của riêng em.

À, anh ơi, một loạt bài tùy bút của anh qua hình thức Lá Thư Từ Kinh Xáng đã được đăng dài hạn trên báo VHNT gần đây (từ số 409 - 522) và đã gây nên một hiện tượng "Hai Trầu" trong giới phê bình văn học. Theo em được biết đã có rất nhiều thư ngợi ca và chia sẻ cùng anh từ các độc giả trẻ và giới văn hữu hải ngoại (Phạm Văn Tiên, Sáu Mít, Út Nhứt, Khánh Ngọc…). Anh có thể cho biết một vài ẩn dụ biểu trưng qua các bài viết về đời sống nông thôn như trong Lá Thư Từ Kinh Xáng? Anh có dự định sẽ cho ra đời một tác phẩm thứ hai của anh trong một ngày gần đây không vậy?

HT: Mèng ơi, coi vậy mà chú Trường cũng theo dõi tui sát nút nhe! Thôi mình cụng ly cái nữa đi chú. "Lá Thư Từ Kinh Xáng" đầu tiên, tui nhớ không lầm là viết đúng vào lúc giải túc cầu thế giới khai mạc, tổ chức tuốt bên Mỹ vào mùa Hè năm 1994 lận. Và tới nay thì được 45 lá thư rồi. Ngồi buồn viết thăm anh em khắp nơi để cạn tỏ đôi dòng vậy thôi chú Trường à. Ông bà mình thường nói "chữ nghĩa" là nói rõ nghĩa rồi đó chú. Còn ba cái vụ in thêm, để coi mùa lúa Đông Xuân tới có khá không cái đã. Mã lúa thì coi rôm rã vậy chứ cũng phải chờ tới khi lúa chín mới chắc ăn Chú Trường à. Không ai đếm gà khi bầy gà đang đi ngang qua đường lộ, phải vậy hông chú? Sau khi chú thăm tui, chừng nào chú trở qua bên bển? Nếu có gặp mấy em, mấy cháu Dương Kiều Nhi, Hoàng Vi Kha, Nguyễn Thường Duy, Nhật Vũ và Vương Huyền nhớ cho tui gởi lời thăm với nhe chú. Để tui dặn sắp nhỏ giở theo cho chú một mớ mắm cá linh nhe. Loại mắm này vợ tui làm hồi năm ngoái, nên mắm thơm dịu lắm. Chú muốn ăn sống, hoặc bầm ra sút hột vịt vô, thêm chút đường, chút bột ngọt, hành tiêu rồi chưng, chắm với chuối ngự, chuối sứ cũng được, hoặc chú đem kho với thịt ba rọi rồi ăn với rau ghém là hết sẩy.

Ý chết, tui nhớ lộn rồi chú Trường ơi. "Lá Thư Từ Kinh Xáng", tui bắt đầu viết khi giải túc cầu thế giới năm 1998, tổ chức tại Pháp, chứ hổng phải tại Mỹ như nói với chú hồi nãy. Chú thấy hông, tui lẩm cẩm rồi đó chú. Cái này không biết tại rượu hay tại mình già đây. Thôi kệ, cứ nâng ly cái nữa đi chú.

HQ: Dạ, cám ơn anh mớ mắm cá linh. Ghé thăm anh chị xong sau đó em sẽ về lại Sài Gòn và ở chơi nhà người bạn vài ngày rồi sẽ về bển. Em sẽ chuyển lời của anh cho các anh em Hồn Quê. À, anh Hai Trầu, anh em mình lai rai nãy giờ cũng đã trên 3 xị rồi. Đế nầy khá nặng nhưng mồi thì tuyệt ngon. À, anh nhắc cái vụ dạy kèm Toán Lý Hóa em mới nhớ, về vấn đề ruộng nương là sau 1975 anh mới về Rạch Trầu để canh tác, chứ trước đó anh đi dạy học ở tỉnh làng Định Mỹ hả anh?

HT: Không có chi đâu chú. Lâu lâu anh em mới gặp nhau một bữa; vả lại chú ở xa về, tui quý mến chú là vì cái tình anh em chứ hổng phải tui thấy chú sang giàu mà chuốt ngót, đẩy đưa nhe chú Trường. Ông bà xưa có nói "tre tàn, măng mọc" là ám chỉ lớp già của tụi tui rồi sẽ tàn, lớp trẻ mấy em sẽ tấn lên. Nên tui thấy mấy em còn trẻ, có tài mà lại có lòng với quê cha đất tổ qua việc giữ gìn văn hóa học thuật nước nhà dù sống xa chốn cố hương đến ngàn trùng, nên tui quý trọng là vậy. Mấy em tấn lên rồi đó! Còn việc dạy học của tui là cái nghề gõ đầu trẻ mấy đứa học trò lớp nhứt, lớp nhì ở trường làng Định Mỹ hồi xưa đó mà. Hồi đó xa lắc xa lơ rồi, tính ra tới bây giờ có tới ba bốn chục năm hơn.

 
Xin mời nghe
Nối Nhịp Cầu Xưa
Nhạc và lời: Nguyễn Trọng Khôi
(viết riêng tặng nhà văn Lương Thư Trung trong Bến Bờ Còn Lại)
Real Audio

HQ: Qua những chuyện ba bốn chục năm về trước bây giờ anh ngồi nhớ và ghi lại rất tỉ mỉ các bối cảnh địa dư qua các lá thư từ Kinh Xáng thì như vậy đầu óc của anh có thể nói là có một bộ nhớ không phải tầm thường. Em nghĩ chắc ai sau khi đã đọc qua cuốn BBCL và Lá Thư Từ Kinh Xáng sẽ cứ ngỡ là anh dạy về Địa Lý hay Lịch Sử Việt Nam chứ không phải Toán Lý Hóa. À, những nhân vật của anh trong LTTKX là những nhân vật có thật ngoài đời hả anh?

HT: Chú Trường ơi, kỳ này chú xuống Kinh Xáng này chú thấy vui hay buồn vậy chú? Ở nhà quê thì vậy, không quen, lại buồn thúi ruột. Còn tui thì quen rồi nên lên thành thị lại nhớ nhà quê, nhớ con đom đóm, nhớ cái đèn dầu, nhớ tiếng nhóc nhen, tiếng dế, tiếng chim...

Bữa nay anh em lai rai gần hai lít nên nói chuyện đủ thứ hả chú. Còn câu hỏi chú vừa hỏi, để tui vô thêm một mắc nữa rồâi tui nói cho chú nghe nhe. Thật ra, mỗi người làm ruộng như tui là một bức tranh thôn dã rồi, đâu cần mình phải dạy môn gì đâu chú Trường. Ở trong ánh mắt của họ, trong giọng nói của họ, trong cử chỉ và cách ứng xử của họ mình nhận ra đó là làng mạc nào, cây cỏ nào, bờ kinh, dòng rạch nào rồi. Chỉ cần gần họ thêm chút nữa là mình nhận ra mọi nẻo đường quê... ngay trong trái tim của họ...

Còn câu hỏi về các nhân vật trong các Lá Thư Từ Kinh Xáng là thật hay tưởng tượng? Đây là câu hỏi hay nhưng khó nhe chú Trường. Nhưng không sao, nếu chú thấy các trình tự trong lá thư giống như thật thì nhân vật này là thật. Nếu chú thấy lá thư không thật thì nhân vật này không có thật. Tóm lại thật hay không thật đều do người đọc cảm nhận ra cả chú Trường à.

HQ: Song song với các bài viết về nông thôn dân dã em còn thấy có nhiều bài viết của anh nói về những nhận định qua các thơ văn và các tác phẩm của các văn hữu, như các bài viết về Chất thơ trong văn của Trần Hoài Thư (VHNT số 478), Một chút lãng mạn trong thơ Lê Mai Lĩnh (VHNT số 459), "Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu" của Nguyễn Xuân Hoàng (VHNT số 454), Trần Doãn Nho và "Căn nhà thao thức" (VHNT số 340)…

Qua các phong cách và thể loại viết khác nhau, từ những mẩu ngắn tùy bút trong BBCL cho đến LTTKX và những nhận định về văn học, anh ưa chuộng và thích thú nhất trong thể loại nào, thưa anh? Hình như em thấy chỉ những lá thư từ Kinh Xáng là anh ký tên Hai Trầu còn hầu hết những bài viết khác anh đều ký là Lương Thư Trung phải không anh?

HT: Thôi, mình ăn thêm vài muỗng cháo đậu xanh cho nó giả rượu đi chú, rồi tui trả lời tiếp câu hỏi này của chú. Chú Trường này để ý chi tiết tỉ mỉ quá xá. Như chú đã đọc và nhận xét, ba loại bài có ba phong cách viết khác nhau rất rõ... Phải thành thật nhận rằng, tui thích hai loại viết về miền quê cũng như Lá Thư Từ Kinh Xáng hơn vì cái chất nhà quê nó đã thắm trong máu thịt của mình... Chú nhìn ra chung quanh đây chú sẽ rõ. Bụi chuối, cây xoài, hàng dừa, bờ tre, con rạch, chiếc cầu khỉ, lu nước mưa, mả mồ ông bà, cây gòn, cây mận, cây cau, cây mít... chẳng những trăm thứ trăm quen mà còn là cả một chuỗi dài cuộc đời mình đã gắn liền với cỏ cây vạn vật nơi vùng quê heo hút này, thì bảo sao mình không thương cái chất quê của thôn xóm mình cho được. Phải vậy hông chú Trường?

Còn các bài viết về cảm nhận các cuốn sách đã đọc, là những bài rất khó viết. Ngoài ra, nó cũng đòi hỏi nhiều về trình độ hiểu biết văn học cùng óc nhận xét thật sắc bén... Tui thì lại không có khả năng này, nên rất ít viết... Vả lại, tối ngày tui còn lo đi cày bừa kiếm ba hột gạo cho sắp nhỏ đỡ ra cái gánh nặng cha mẹ già, nên chỉ viết hai loại trên để giải trí cái tuổi xế chiều này cho vui thôi chú Trường à. Còn như chú nhận xét, chỉ với Lá Thư Từ Kinh Xáng Bốn Tổng là của Hai Trầu thôi chú à. Chú ăn cháo thêm đi chú. Ở nhà quê mời là mời thiệt tình, chú cứ tự nhiên, đừng ngại nhe!

HQ: Ăn chén cháo đậu xanh vô là em thấy tỉnh rượu hẳn ra. Chị Hai nấu cháo thật ngon, rất vừa miệng. Cám ơn chị Hai nhiều nha chị Hai, cho em xin thêm một chén nữa nha chị.

À, anh Hai Trầu, trong bài viết "Bến Bờ Còn Lại và Những Thân Tình" của nhà thơ Phan Xuân Sinh đăng trên báo VHNT số 518, anh Sinh đã cho biết cái đêm ra mắt tập văn BBCL của anh ngày 4.11.2000 được ghi nhớ là đêm sinh hoạt văn nghệ thành công nhất từ trước đến nay đã được tổ chức tại Boston. Xin anh cho biết một vài cảm tưởng của anh trong đêm đó trước những thân tình của các bạn bè văn hữu đã cùng đến chung vui với anh chị.

HT: Chú Trường này có vẻ thích chuyện văn nghệ văn gừng ghê nhe! Loay hoay rồi cũng trở lại đề tài này hoài, trong khi tui muốn xỉn. Nói về cảm tưởng phải hông chú Trường? Đời sống nơi xa xứ này mà được các anh chị thương mến như vậy là quá mức hạnh phúc rồi chú Trường à! Với tấm lòng của anh chị Phan Xuân Sinh và các anh chị văn nghệ sĩ cùng thân hữu ở làng này đã dành cho mình thật nhiều từ trước đến nay và đặc biệt đêm ra mắt BBCL hôm 4-11-2000, tui nhớ rất rõ là tui quá xúc động trước mọi tấm chân tình của các anh chị đã dành cho mình. Trong nỗi xúc động đó tui nói rất gọn, đại khái:

"... Trước tấm chân tình mà các anh chị dành cho, tôi vô cùng xúc động. Tôi không thể nào dùng hai chữ "cảm ơn" mà người đời thường dùng để nói lời biết ơn các anh chị và thân hữu có mặt. Tôi xin dâng các anh chị và các bạn niềm xúc động tận đáy lòng của tôi như vậy để thay cho một lời cảm ơn thường..."

HQ: Theo em biết thì anh thường là viết tạp bút về đời sống và tình cảm nông dã và chỉ làm thơ lai rai khi nhã hứng. Trong số những bài thơ anh đã sáng tác có bài Mùa Mưa, trong đó có 2 câu:

"Bạn ơi, bạn có còn giăng lưới?
Chiếc xuồng câu cũ mục rong rêu!"

Chắc nhẽ đây là bài thơ anh gởi về cho người bạn mà anh thân thiết nhất, như là chiếc bóng thứ hai của anh, hiện vẫn còn ở Việt Nam. Xin anh có thể cho biết chút ít về người bạn tri kỷ mà anh đã mô tả trong bài thơ Mùa Mưa của anh qua từng giọt tim và nỗi nhớ không nguôi.

HT: Chú Trường ơi, Chú nhìn qua bên mương kia kìa. Chỗ vườn chuối lá ta đó đó. Chú thấy chưa? Căn nhà lá lụp sụp đó là của Chú Hai Khá, người bạn nghèo của tui từ hồi nào tới giờ. Để hôm nào chú về bển, tui lục lại dưới đáy tủ thờ, lấy sắp giấy học trò có bài "Mùa Mưa Nhớ Bạn Nghèo" viết dưới dạng tùy bút, để chú đọc chơi cho vui và chú sẽ rõ về Hai Khá, bạn của Hai Trầu.

HQ: Trong đêm ra mắt BBCL tại thành phố Boston USA, nhà thơ Dư Mỹ đã tặng cho anh một bức họa và một bài nhạc, vậy anh có thể cho em biết bức họa đó anh Dư Mỹ đã vẽ những gì và vài nét về bản nhạc mà anh Dư Mỹ đã sáng tác và đã ca tặng anh trong đêm ấy.

HT: Lâu lâu về thăm tui một bận, anh em mình tâm sự với nhau đã đời phải hông chú Trường. À, mà sao chú rành vụ anh Dư Mỹ tặng tui bức tranh và hát nhạc vậy chú? Anh Dư Mỹ, là một họa sĩ và là một nhà thơ với thi phẩm Chén Rượu Mời Người, viết chung với anh Phan Xuân Sinh. Anh vừa vẽ, vừa làm thơ và sáng tác nhạc. Thật bất ngờ, vào đêm ra mắt BBCL, anh đã dành cho tui một một món quà vô cùng quý báu. Bức tranh sơn dầu chính tay anh ấy vẽ là một dòng sông đục ngầu, chiếc xuồng câu đậu lại bên tấm cà rèm che mưa che nắng, xa xa là một bến bờ lơ thơ những bờ cỏ đìu hiu hoang vắng, qua cảm hứng từ hai câu thơ của tui và anh ghi ở dưới bức tranh:

"... Nhớ bạn giăng câu từ dạo ấy,
Chiếc xuồng, con cá, một bài thơ..."

Với tui, đây là một món quà vô giá đó chú. Ngoài ra, anh ấy còn cảm tác bài thơ "Bến Bờ Nào Còn Lại" sau khi đọc xong cuốn BBCL của tui. Anh đã phổ nhạc bài thơ này và hát trong đêm ấy. Tui xin ghi lại vài đoạn để chú Trường đọc chơi nhe:

"Bến bờ nào còn lại hôm nay
Ai có qua xin nhớ thuở tù đày
Người vợ trẻ thăm chồng dài năm tháng
Nhìn xuân về, nuốt những đắng cay

.........

Bến bờ nào còn lại mai sau
Cháu con ta tiếp nối nhịp cầu
Và thù hận tàn trên khoé mắt
Người thương người, chỉ biết thương nhau"

 

HQ: Ngoài báo VHNT liên mạng mà anh đã cộng tác trong suốt khoảng từ 1996 (bài viết đầu tiên cho VHNT 232 - Người Bạn Thương Binh) cho đến nay, anh đã có cộng tác với các báo văn học nào khác không, thưa anh? Anh có thường đóng góp bài vở cho Tập San Xứ Quảng của nhà thơ Phan Xuân Sinh không?

HT: Chú Trường uống thêm chút rượu nếp than hông chú? Rượu nếp than nó ngọt, dễ uống lắm và nó lại làm mình say từ từ chứ không như ba cái đế này. Chú lại hỏi tới báo chí nữa! Ở đây quê mùa nên cảnh vật thường buồn hiu, do đó tui mới viết lai rai hoài sau mỗi bận đi thăm ruộng về cho đỡ buồn. Thì như chú biết, tui viết là viết chơi thôi, nên rảnh rảnh thì gởi cho báo Văn Học Nghệ Thuật phổ biến cho các bạn trẻ đọc. Tui nhớ viết ở VHNT từ số 232 (năm 1996) đến nay dường như đến số 522 rồi, nên quen chỗ đó và ít gởi báo khác. Vả lại tính tui cũng ít bay nhảy nữa chú à.

Ở báo in thỉnh thoảng tui có gởi cho báo Văn, Văn Học và Phố Văn ở Mỹ. Mới đây lại làm quen với chú và Vương Huyền cùng các bạn trẻ ở Hồn Quê. Thiệt là tui với chú gặp nhau bên bờ Kinh Xáng Bốn Tổng này cũng hạp với câu "hữu duyên thiên lý năng tương ngộ" mà. Phải vậy hông chú Trường?

Còn Đặc San Xứ Quảng, là chỗ quê hương của bạn mình cũng là quê hương của mình, nên không góp mặt làm phong phú cho cái hồn quê thêm dễ thương, êm đềm, thì còn làm ăn gì nữa bây giờ! Chú ăn thêm miếng khô cá lóc sắp nhỏ mới nướng đó chú. Khô mùa này cá chưa lớn lắm nhưng là khô mới, chú ăn thử coi, ngon lắm.

HQ: Ứ cha, khô lóc nầy thiệt ngon nha anh. Để em vô một ly nếp than và lai rai cái đã. Cháu Phương Thảo nướng khô thiệt khá đó nhe. Vừa chín tới, không quá khét cứng, nhai thiệt là vừa miệng. À, anh Hai Trầu, đây là lần đầu tiên em được ăn khô lóc đó anh. Ở Rạch Trầu lại đặc biệt có khô lóc há. Cách thức làm khô lóc ra sao vậy anh? Bữa nào anh rảnh rỗi một chút, anh viết một bài ngắn về khô lóc cho báo Hồn Quê nha anh. Khô lóc nầy mà đi với nếp than thì chỉ có lãng quên đời, thật là tuyệt. Thảo à, cho chú thêm miếng nữa đi cháu. Còn cái vụ lúa mạ rẫy nương năm nay của anh có khá không? Thấy lúa của anh quằn hạt như vậy là vụ mùa năm nay hy vọng cũng ấm bồ anh hả?

HT: Ở miền quê mà chú, đâu đâu cũng mắm, cũng khô chứ đâu có riêng gì Rạch Trầu hay Kinh Xáng Bốn Tổng. Chú có biết tại sao nhà quê mình hay làm mắm, làm khô hông? Để tui nói cho chú nghe nhe. Xứ mình là xứ nghèo. Đặng mùa lúa, thất mùa cá là chuyện thường. Trong kinh, trong rạch như chỗ tui với chú ngồi đây làm gì có tủ lạnh, tủ đá gì để ướp cá cho nó tươi lâu như bên xứ chú ở. Nên cách giữ cá lâu nhứt mà không bị ôi, bị thúi là làm mắm, làm khô để dành khi thắt ngặt. Và đây là đức tính tiết kiệm, lo xa của người nhà quê đó chú. Sống ở đời mà biết lo xa là ít bị trở ngại khi hữu sự. Như trên, khi chú hỏi tôi về cuốn sách sắp tới, tôi có nói rồi. Mã lúa năm nay coi rôm rả vậy nhưng chưa biết ra sao chú à. Chừng nát gốc rạ thì mình mới chắc lúa hột trong bồ là lúa của mình. Chứ thói thường, nói trước nhiều quá mà kết cục lại "ba bó chỉ còn một bụm" thì đăm ra buồn bã lắm. Vả lại năm này lúa cũng rẻ rề, tròm trèm ba chục ngàn một giạ; tới chừng đông ken chắc giá lúa lại tụt xuống nữa.

HQ: Thiệt lâu ghê anh em mình mới có dịp ngồi tâm sự với nhau như vầy. Đêm nay thật thoả chí tang bồng với gió với mây, mấy bầu đế cũng phải lăn quay, thiệt là quá đã phải không anh? Trăng giờ đã ló đầu tre, em làm hết xị nếp than nầy rồi em dzìa. Em nhờ cu Hiếu nó mạnh tay bơi chiếc xuồng chở em qua rạch để kịp đón chuyến xe đò về Sài Gòn.

Em thay mặt Hồn Quê cảm ơn anh chị thật nhiều. Cám ơn anh đã tặng em quyển sách BBCL, em chỉ mới lướt qua vài trang thôi trong khi lai rai với anh, để về bển em sẽ xem kỹ lại. Đây là món quà tinh thần quý lắm đó anh. Giòng sông quê hương mát thì ai ai mà chả muốn trầm mình sau những giờ nhọc mệt với cuộc sống điện tử nơi xứ người.

Tiện đây, em xin trích lời phụ lục của nhà phê bình văn học Nguyễn Vy Khanh ở Montréal đã khiêm nhượng phẩm bình về bản tạp văn BBCL:

"… Những bài bút ký khi anh viết về cảnh cũ người xưa, những tùy bút và tâm bút khi anh tâm tình cùng những người bạn trẻ tuổi. Đề tài là con người và cuộc sống thôn dã và khó khăn ở "miệt vườn" mà anh biết rành rõ. Anh có một trí nhớ đặc biệt xuyên lùi cả đời người. Cây viết anh chưa thật sự bị đô thị hóa và đời sống hội nhập ảnh hưởng. Nhờ đó mà các bài anh viết vừa có giá trị tài liệu vừa để lại nơi người đọc những thú vị văn chương."

Thôi, cu Hiếu đã ghễnh xuồng ra rạch rồi, em đi dzìa nha. Anh có lời tâm sự nhắn gởi gì hông cho giới học thức trẻ ở hải ngoại và các văn hữu độc giả thân mến của báo Hồn Quê?

HT: Chú Trường ơi, hèn lâu, anh em mình mới có dịp hàn huyên biết bao điều. Cuộc vui nào rồi cũng tàn. Buổi gặp gỡ nào cũng đến hồi chia tay. Người đi, kẻ ở, biết ai buồn hơn ai, phải hông chú?

Thôi chú uống chút trà nóng cho giải ruợu đi chú. Khi về Sài Gòn, chừng nào chú lại trở qua bên bển? Không biết tới chừng đó chú có còn nhớ bữa nhậu này hông? Chú còn nhớ dòng Kinh Xáng Bốn Tổng đã đẩy đưa chú tới làng quê này hông? Và chú có còn nhớ Hai Trầu quê mùa của chú hông?

Con chim khi cất cánh bay cao thường hót líu lo và có ngày vẫn bay về đậu lại nơi cành cây cũ! Con cá mãi mê theo nước mát nhưng tới mùa mưa tháng tư lại nhớ quay kỳ trở lại cánh đồng xưa nước ngập tràn bờ! Tui nghĩ khi chú qua bên ấy rồi chắc chú cũng có lúc hồi tưởng về con kinh cũ đang có tui. Không biết nói gì hơn, tui cầu chúc chú thượng lộ bình an nhe chú Trường! Tiện dịp này chú cho tui gởi lời thăm và cảm ơn anh chị Phan Xuân Sinh cùng các anh chị thân tình vùng Boston đã dành cho tui nhiều thương mến. Chú cũng chuyển dùm tui lời cảm ơn và chúc sức khoẻ các anh chị em trong ban biên tập hai tờ báo Hồn Quê và Văn Họïc Nghệ Thuật với nhe chú.

Má bé Thảo, em coi chuẩn bị mấy gói khô cá lóc, mấy gói mắm cá linh, và xắn cho chú vài mụt măng Mạnh Tông mập mập nhe em. Chú Trường à, chú mang mấy món này về bển ăn lấy thảo với anh chị nhe. Khi ăn khô cá lóc chú sẽ nhớ hoài buổi nhậu của anh em mình. Với gói mắm cá linh để gợi chú nhớ nơi Kinh Xáng này bà con còn nghèo nhưng tình tự thì mặn mòi lắm. Còn mấy mụt măng Mạnh Tông, gợi chú nhớ tuổi già của tui rồi sẽ tàn như tre già, mà tuổi trẻ như các chú là măng non mập mạp tốt tươi, mỗi ngày mỗi tấn tới.

Sau cùng chú cho tui gởi lời cảm ơn và chúc sức khoẻ tất cả các bạn đọc, cùng thân hữu của Hồn Quê và Văn Học nghệ Thuật đã bỏ thì giờ theo dõi buổi nhậu của hai anh em mình hồi chiều tới giờ.

Hiếu, con coi xuồng bộng xong chưa con, để đưa chú Trường bây qua bên kia rạch đón xe về Long Xuyên cho kịp chuyến xe về Sài gòn. Lẹ lên con. Sắp nhỏ thường ham chơi lắm chú. Sai bảo làm điều gì phải hối thúc hoài mới được. Thôi chúc chú thượng lộ bình an. Còn sống là mình còn gặp. Đừng lo!!!

HQ: Em và Hồn Quê chân thành cảm ơn anh và kính chúc anh chị những cái đẹp và vui nhẹ với tác phẩm thứ hai hy vọng sẽ sớm được thành hình trong nay mai như một món quà quê hương lần nữa cho những người con xa xứ...

Trường Đinh thực hiện