Phỏng Vấn Nhà Thơ Hà Huyền Chi

Trần Duy Việt thực hiện

 

hhc2.jpg (40752 bytes)
photo by TM

 

Trần Duy Việt: (TDV) Xin anh cho biết sơ lược qua về thân thế của anh?

Hà Huyền Chi: (HHC) Anh vào lính lúc 18 tuổi đời, và rã ngũ sau 18 tuổi lính. Đơn vị đầu tiên là Thiếu úy Trung Đội trưởng thuộc Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù. Đơn vị cuối cùng là Thiếu Tá Trưởng phòng Ấn Họa Cục Tâm Lý Chiến.

TDV: Xin anh cho biết thêm về gia đình và những bạn bè xung quanh?

HHC: Anh và gia đình hiện tá cư ở Lacey, WA từ 1975 đến nay. Anh vốn ít bạn. Xưa anh coi: Bạn bè như cha mẹ. Nay bạn bè chỉ là bạn bè thôi.

hhc4.jpg (58869 bytes)

TDV: Rồi hoàn cảnh và thời gian nào đẩy anh vào nghề báo, làm thơ, làm tài tử điện ảnh?

HHC: Cũng là những tình cờ cả thôi. Khi ở Nhẩy Dù anh viết nhiều truyện ngắn và thơ. Có bài thường xuyên trên báo quân đội, nên anh nhẩy vào nghề báo chí. Nhẩy vào điện ảnh như một thử thách mình. Có lúc anh làm phụ tá trưởng phòng. Điện ảnh cục Tâm Lý Chiến. Làm Đạo diễn, trong Đạo diễn đoàn thuộc Nha Điện Ảnh của Bộ Thông Tin.

TDV: Dường như anh có nhiều giải thưởng trong các bộ môn này?

HHC: Vâng, giải Phóng sự Tiền Phong, 1967. Giải Văn Học Nghệ Thuật 1971, bộ môn thơ. Tượng Vàng, giải VHNT 1974, bộ môn Điện ảnh.

TDV: Theo V. biết thì anh HHC là người nặng lòng với thơ hơn cả, bởi anh là người có số lượng thơ in nhiều nhất, hình như gần 20 tập thì phải?

HHC: Vâng, V. nói đúng. Anh yêu thơ hơn cả và đã có 17 thi tập được ấn hành. Trong năm nay, 2001, anh dự in thêm 2 thi tập nữa.

TDV: Trước 1975, số lượng tiểu thuyết anh có, nhiều gấp bội thi tập. 8 truyện dài, so với 3 thi tập. Nhưng từ sau 1975, không thấy anh có thêm tiểu thuyết nào cả. Sao vậy?

HHC: Anh có viết 2 truyện dài, và vài chục truyện ngắn, nhưng chưa muốn in đó thôi.

TDV: Anh bắt đầu làm thơ từ khi nào và động lực nào đã thúc đẩy anh vào con đường thơ văn ?

HHC: Anh vốn mê thơ và tập làm thơ từ lúc 15 tuổi. Bởi cũng như mọi người, Anh nghĩ rằng làm thơ là lối dễ nhất để đi vào thế giới của văn chương.

TDV: V. đồng ý với anh nhưng theo anh thì con đường làm thơ văn nào mới đúng?

HHC: Anh không nhớ ai đã đưa ra nhận định chính xác này: Để đi vào văn chương, bước đầu, người ta nên tập viết truyện dài. Sau đó là tập viết truyện ngắn. Cuối cùng mới nên tập làm thơ. Bởi thơ vốn là đỉnh cao nhất của văn chương.

TDV: Theo như anh nói vậy thì anh đã đi ra khỏi cái quy luật thứ tự của người đi vào văn chương?

HHC: Đúng vậy. Thơ anh được biết đến trước văn xuôi. Nhưng may là anh có dịp viết tiểu thuyết nhiều hơn làm thơ sau đó.

TDV: Thơ anh đa số mang nhiều nét trữ tình, nồng nàn của tình yêu đôi lứa, xin anh cho biết anh tìm được những nguồn cảm hứng dồi dào đó từ đâu?

HHC: Theo anh, ý thơ quan trọng hơn lời. Và ý đến từ kinh nghiệm sống. Từ đối tượng và bối cảnh. Từ đó, hạt thơ nẩy mầm, bén rễ. Thêm vào đó chút tưởng tượng để thi vị hóa cây thơ. Đôi khi điều này cũng không là cần thiết. Sự thật sần sùi cũng có riêng góc cạnh đẹp của nó.

TDV: Như V. biết anh là thi sĩ có thơ được phổ nhạc nhiều nhất. Anh có thể chia sẻ về vấn đề này được không?

HHC: Cũng là một cơ duyên đó thôi. Tính đến tháng 2 năm 2001 thì anh có 238 bản nhạc đã được phổ từ thơ anh, bởi 37 nhạc sĩ. Người phổ cho anh nhiều nhất là nhạc sĩ Mai Anh Việt, với 65 bài.

 

Xin mời nghe
Anh Và Nỗi Nhớ
Thơ Hà Huyền Chi
Nhạc Mai Anh Việt
Real Player
mp3 (high quality)

TDV: Anh dùng chữ cơ duyên, có nghĩa là sự quen biết, thân tình hay sự tương cảm giữa người làm thơ và người viết nhạc?

HHC: Anh nghĩ là cả hai yếu tố này. Nhưng sự tương cảm đóng vai trò quan trọng hơn. Thí dụ như với nhạc sĩ Phạm Anh Dũng, thì sau 20 bản nhạc phổ thơ HHC, các anh chỉ mới gặp nhau lần đầu gần đây thôi. Nhiều nhạc sĩ khác chưa từng quen biết với anh.

 

Xin mời nghe
Tay Che Mặt Trời
Thơ Hà Huyền Chi
Nhạc Phạm Anh Dũng
Phạn Anh Dũng trình bày
Real Player
mp3 (high quality)

TDV: Theo nhận xét riêng của V., thơ anh có nhiều chất nhạc. Khi anh làm thơ, anh có mang ý niệm nhạc khi làm thơ hay chỉ là một sự ngẫu nhiên, tình cờ?

HHC: Khởi đầu thì là sự ngẫu nhiên tình cờ. Sau này thì do kiến thức học được từ sự tương quan giữa âm sắc giữ thơ và nhạc. Anh biết tìm cho thơ mình có nhạc tính nhiều hơn. Thơ đôi khi đẹp bởi góc cạnh sần sùi, nhanh, mạnh, gọn. Nhưng vào nhạc thì đôi khi cần chuốt cho thanh tao, và mướt hơn.

 

Xin mời nghe
Trên Lưng Sóng
Thơ Hà Huyền Chi
Nhạc Trần Duy Việt
Trần Duy Việt trình bày
Real Player
mp3 (high quality)

TDV: Cuối cùng, xin cho biết anh có những ưu tư và mơ ước gì cho nền thơ nhạc Việt Nam ở Hải Ngoại ?

HHC: Hình như anh bị ném vào một môi trường quá lớn, ở câu hỏi này. Anh xin trả lời bằng cương vị của một người đọc và nghe, hơn là lãnh vực sáng tác và quảng bá.

Trước hết, chúng ta có tình trạng lạm phát số người muốn tự khoác cho mình chiếc áo thi sĩ, nhạc sĩ. Nhiều người bỏ tiền tự in thơ , nhạc mà chưa nắm vững được kỹ thuật căn bản, nhập môn. Của niêm luật, vần điệu, thanh điệu, hợp âm và phối âm. Tình trạng trăm hoa đua nở này không có lợi cho sự tiến hóa chung của 2 bộ môn nghệ thuật này. Nếu không muốn nói là có hại.

Thử tưởng tượng nhé: Trên bất kỳ một sân khấu nào, ai cũng có quyền nhẩy lên ca, ngâm bạt mạng, thì sớm muộn gì ta cũng giết chết các sinh hoạt này.

Là một người sưu tập về thơ (collection, chưa là selection) mà anh không cách gì mua được đầy đủ những thi tập ấn hành ở Hải ngoại. (Có thể nói là mỗi tuần đều có sách mới ra lò.) Anh nghĩ là các CD nhạc cũng ở cùng mức độ lạm phát, tràn ngập thị trường vậy thôi.

Trận giặc hạ giá của các CD sản xuất từ VN, đã tàn phá thị trường ca, ngâm Hải Ngoại như mọi người đều biết. Rất may là cơn lốc ấy đã tan nhanh. Nhưng vẫn là, sau cơn mưa trời vẫn tối.

Sự làm giá quá đáng của giới nghệ sĩ trình diễn đang giết chết giới sản xuất. Giống như giới Tài tử điện ảnh Mỹ đòi thù lao vài chục triệu Đô cho mỗi cuốn phim. Khiến hàng loạt các rạp chiếu phim phá sản, vì giá vé lên cao. Cũng thế, ca sĩ Hải ngoại đòi thù lao từ 3, tới 5 ngàn Đô cho một bài hát thâu âm. Khiến giá bán của 1 CD quá cao so với giá CD sản xuất từ VN vẫn là một bế tắc, nan giải.

 
Xin mời nghe
Tháng Chạp Mưa Rơi
Thơ Hà Huyền Chi
Nhạc Nguyễn Tiến Dũng
Real Player

Sau nữa, chúng ta đã tự sát khi gán ghép các bản nhạc tiền chiến vào chung 1 CD với nhạc thính phòng, hiện đại. Nhạc sến đứng chung với nhạc thính phòng.  Anh không loại bỏ giá trị của các loại nhạc xưa. Giá trị của lưu niệm, hoài cảm, nếu chúng được xếp riêng vào những CD cùng thể điệu, hay thể loại.

 

Xin mời nghe
Em Bỏ Ta Đi Sầu Ở Lại

Thơ Hà Huyền Chi
Nhạc Trần Duy Việt
Trần Duy Việt trình bày
Real Player
mp3 (high quality)

Theo anh, chúng ta cần có một phong trào trình diễn, quảng bá những tình khúc mới - hoàn toàn mới,  để đánh động nhịp độ sáng tác của người viết nhạc, và cũng để hướng dẫn người nghe tập quen với tiết điệu, hòa âm hiện đại bây giờ. Nhạc mới, với kỹ thuật, kiến thức mới, khám phá mới, vẫn có thể mang theo sắc thái Á Đông và tình tự dân tộc. Hay nhạc mới sao chép, chạy theo âm hưởng thời thượng lố lăng của giới trẻ Âu Tây? Xin đặt trách nhiệm này vào thiện ý, tài năng của các nhạc sĩ sáng tác, và nhà sản xuất nhạc.

 

Xin mời nghe
Khi Em Đến Nơi Đây
Thơ Hà Huyền Chi
Nhạc Nguyễn Tiến Dũng
Real Player
 

TDV: Xin thay mặt cho Hồn Quê, cám ơn anh đã dành cho cuộc phỏng vấn đặc biệt này.

 

Trần Duy Việt thực hiện

 

 

hhc3.jpg (29333 bytes)

 

hhc1.jpg (21620 bytes)

 

hhc5.jpg (49602 bytes)