Giọng Ca Ðẹp

(cảm nhận về giọng hát Khắc Khoa và CD Tạ Ơn Ðời)

 

KhacKhoa.jpg (11087 bytes)

 

Nếu cầm viết dùng lời văn để phân tích giọng ca của một người qua một chiếc CD có lẽ là một táo bạo. Kỹ thuật tối tân âm thanh thời nay có thể lấp liếm tất cả các cú "phô" khi ca sĩ vô tình vấp phải. Mạnh dạn đặt tay viết lời cảm nhận Tạ Ơn Ðời vì đã có một cảm xúc. Cảm xúc đã đến từ rất lâu khi được nghe tiếng hát Khắc Khoa trong một đêm lửa bập bùng vui nhộn của nhóm sinh viên với một cây Guitar "câm".  Tưởng chừng như một vùng trời thưởng thức sụp đổ khi tiếng Guitar cứ nhảy lên bông bốc chẳng thấy một ý nhạc du dương nào trong gió. Nhưng, có lẽ đây là một may mắn đưa đến sự ngưỡng mộ nam ca sĩ Khắc Khoa.

Hát với một dàn nhạc giao hưởng "dây" đã khó, huống chi chỉ hát với một cây guitar "câm". Người ca sĩ có lẽ đã phải vận dụng hết khả năng thanh nhạc sẵn có để thể hiện một bài nhạc. Hát không có tiết tấu, hát không có microphone, hát thật sự với tất cả trái tim. Nếu không phải là một bẩm sinh thiên phú có lẽ bài hát kia sẽ gẫy rộp rộp. Lần đầu tiên được nghe Khắc Khoa hát trong một hoàn cảnh như vậy đã làm tôi có nhiều cảm xúc. Cảm xúc khi những tròn đầy ở âm khu cao lẫn âm khu thấp được Khắc Khoa trọn vẹn trong lối hát nửa kinh điển nửa nhạc nhẹ. Có người cho rằng khi hát theo lối hát kinh điển mới thật sự là hát, hoặc theo kiểu nhạc nhẹ mới là tân thời. Hoặc những lối hát gào lên ở những cao độ thì mới thể hiện được yêu cầu cảm xúc. Bằng không, hát như vậy chẳng có hồn chi cả.

Khó thật, nhưng có lẽ mỗi một lối hát có một thị trường thị hiếu âm nhạc riêng tư. Trong cái lĩnh vực nhạc cổ điển thì phải hát theo lối kinh điển, ở một nơi thính phòng chẳng phải cứ "hét" mới là hay. Nếu biết tôn trọng giọng hát của chính mình, biết phân tích bài nhạc ở âm vực và cho đi làn hơi thế nào, dung hòa được những điểm hay trong khi hát thì có  thể đây là một "giọng ca đẹp".

Ðược nghe giọng hát Khắc Khoa trong một hoàn cảnh ngoài trời, bên ánh lửa cùng với cây guitar câm và cách dung hòa thể hiện bài hát với kỹ thuật hát không tiết tấu. Bất chợt giọng hát Khắc Khoa đã nghiễm nhiên chiếm cứ một vị trí đặc biệt trong tôi. Nhạc phẩm được trình bày trong đêm lửa sinh viên của tám, chín năm trước là Cô Hàng Nước của nhạc sĩ Vũ Huyến. "Cô Hàng Nước" không phải là một bài "độc", nhưng Cô Hàng Nước là một tuyệt tác đại chúng. Trình bày một nhạc phẩm đại chúng thật khó. Khó vì giai điệu quá phổ cập, lời nhạc gần như các câu kinh trong mỗi người. Vì lẽ đó lỡ bị "gẫy" ở bất cứ phương diện nào khi trình bày một tuyệt phẩm quen thuộc đều "khổ sở" lắm. Nhất là muôn vàn sự so sánh với những ca sĩ tên tuổi bỗng dưng theo lẽ tự nhiên sẽ xuất hiện. Do đó khi trình bày một nhạc phẩm cổ điển, một nhạc phẩm đại chúng hay một tình ca bất hủ, điều tiên quyết phải kể đến là kỹ thuật hát fantasy. Hát phải cho "khác", và hát  không được ở mức độ triền miên "xa vắng".   Cô Hàng Nước dưới giọng hát Khắc Khoa tự dưng xâm nhập và đáng yêu hơn bao giờ hết. Có thể điệu nghệ một tí, nếu nhận xét rằng, Cô Hàng Nước đã được Khắc Khoa chuyên chở rất mặn mà.

Từ sau lần lửa trại, Khắc Khoa bắt đầu xuất hiện trong cộng đồng và để lại nhiều ấn tượng khó quên. Những thể loại nhạc quê hương mang tình gắn bó như "Một Lần Miên Viễn Xót Xa" của nhạc sĩ Nguyễn Ðức Thành, những tranh-đấu-ca của nhạc sĩ Nguyệt Ánh "Lời Chúc Cho Quê Hương", nhạc sĩ   Việt Dzũng trong nhạc tập Kinh Tỵ Nạn  như "Chút Quà Cho Quê Hương"  luôn được Khắc Khoa trình bày trọn vẹn tâm tình nhắn gửi ở những lần phục vụ văn nghệ hội thảo chính trị, ở những lần lễ tết quê hương truyền thống. Những ngọt ngào, những cay đắng đều nhắc nhở một thân phận. Mang đến một ít Quê Hương cho đồng hương.

Một trong những tình ca "độc" như "Bản Tình Ca Cho Em" (Ngô Thụy Miên), "Mười Năm Tình Cũ" (Trần Quảng Nam), "Còn Yêu Em Mãi" (Nguyễn Trung Cang), "Ðàn Bà" (Song Ngọc) đã được Khắc Khoa chuyên chở với tất cả tâm tình đến lòng khán thính giả từ nhiều năm. Tự dưng có những tia máu li ti dội ngược, tự dưng có các vùng da thịt cứng đờ orange. Cái khoảng nổi da gà vì say mê thưởng thức, đã rót vào lòng người nghe một triền sóng cảm xúc. Vâng, điều này xin được diễn đạt theo tâm lý nghệ thuật nói chuyện hùng biện là "xuất hồn". Nếu thâm nhập vào người nghe cái cường độ nhiệt huyết khi trình bày một bài hát của mình, đến da gà rôm rốp thì đã gọi là thành công rồi.  Hát có hồn, hát xuất hồn là vậy. Ðôi khi kỹ thuật tâm linh diễn đạt này nặng cân hơn lối hát phô giọng kỹ thuật thanh nhạc. Cố gắng ở cái khẩu hình, vuốt cái đà trơn của làn hơi cho thật thoát mà quên sống với nội dung bài có lẽ sẽ thiếu sự truyền cảm. Nhưng truyền cảm không có nghĩa là diễn xuất. Nhăn nhở ra cười chưa chắc mở cửa tâm hồn cho người nghe, phát hiện mùa xuân đang về với mình ở lời ca. Làm một bộ mặt thảm não không khẳng định được điểm lụy của nội dung bài hát. Mà phải luyện cái thớ thịt ở lồng ngực, những khúc rẽ của bộ óc và những mạch máu ở buồng tim hòa cùng một nhịp điệu. Nếu muốn dễ làm cận tuyến với lĩnh vực này, có lẽ trước hết phải tư duy bài hát. Ðã có dịp nhìn thấy sự cẩn trọng vun tưới một bài hát của Khắc Khoa. Lòng đã hiểu, anh đã rất quý tiếng hát của mình. Không vạ đâu hát đó, không có cứ kiểu xuất khẩu thành thơ mới là ngoại hạng. Uống từng giọt ca từ cho chảy dài thấm sâu vào lòng, nâng đỡ linh hoạt giai điệu, phân tích làn hơi và âm giai rồi trượt với phong cách luyến láy vào trong đó đã cảm được những lần trước khi diễn của Khắc Khoa. Chẳng biết vô tình hay vì đâu, bắt gặp được cái kỹ lưỡng này, biết chắc rồi lại được thưởng thức một tuyệt ca.

Trong tiết mục văn nghệ của hội diễn Ðại Năm Thánh 2000 tại Ðức đã thấy Khắc Khoa xuất hiện với Tình Thôi Xót Xa của nhạc sĩ Bảo Chấn. Lại được một dịp lấy lại niềm tin ở một bài nhạc phong trào. Nghe Tình Thôi Xót Xa thấy Khắc Khoa đã đánh bật những thành kiến còn đọng lại đeo đuổi theo nhạc phẩm ở phần nhạc từ. Có nhiều chỗ rõ ràng là thấy bị trốn chữ, ý tưởng tự nhiên thấy va vào ngõ cụt. Vậy mà Khắc Khoa đã nhẹ nhàng thoát ra trong phong cách ở làn hơi đều đặn lắm. Ðiều này cũng tìm thấy ở đêm nhạc Hoa Tuyết Yêu Thương 2001, rồi đến các lần diễn Liên Hoan Giọng Ca Vàng Ðức Quốc 2001, 2002. Nơi mà có những sự chọn lọc giọng hát, tự nhiên có lối đi vào một thềm đá hoa cương vững chãi, người ta tìm thấy Khắc Khoa đã vững vàng và tự tin. Sự kết tụ niềm tin của mình là kết quả của Tạ Ơn Ðời

Trong CD Tạ Ơn Ðời bỗng nhiên thấy một sự khác của Chuyện Người Ðàn Bà 2000 Năm. Thấy đâu đó có cái mạnh mẽ quyết liệt, thấy đâu đó vào bài một sự khẳng định số phận. Ðể rồi đồng ý nhiều góc độ nhân sinh quan với nhạc sĩ Song Ngọc qua tiếng hát Khắc Khoa. Cái làm nên sự hấp dẫn của anh trong những nhạc phẩm không phải là sự mộc mạc thanh nhã, mà nằm ở sự chân thành đi dạo với tác giả bài hát, trò chuyện với nội dung bài hát. Ðiều này đã khẳng định chỗ đứng của nam ca sĩ Khắc Khoa trong làng văn nghệ ở Ðức.

Nhưng khó lắm, nếu dùng số lượng người hâm mộ giọng ca Khắc Khoa ở Ðức để gài một giá trị hằng cho tiếng hát Khắc Khoa. Ðức không phải là đất sống của ca sĩ Việt Nam, mặc dù Ðức là phôi thai của âm nhạc cổ điển, là cái nôi của nghệ thuật âm nhạc Tây Phương với Bach, với Beethoven. Ðức mang chính sách "chia để trị" áp dụng lên số phận người Việt của 16 tiểu bang. Ðức không có China-Town lại càng không có Vietnam-Town. Thế nên trong cộng đồng rải rác người Việt, nghệ thuật ca hát không thể nào lấy ra làm cơ bản mưu sinh được. Vì vậy chỉ có thể vui vẻ với những giá trị mặc định có được mà người Việt trong cộng đồng khích lệ giọng hát của mình. Tiếng tăm không thể nào vượt tường Bá-Linh rồi chạy sang các xứ Ðông Âu mặc cả hay nghiễm nhiên lọt vào giới thu âm thu nhạc Hoa Kỳ.  Có lẽ thực tế cũng là một yếu tố xây dựng ý tưởng Khắc Khoa khi hỏi lý do tại sao thực hiện chiếc compact disc Tạ Ơn Ðời.

 

Tạ Ơn Ðời  không đánh vào một lứa tuổi thưởng thức nào. Tạ Ơn Ðời chỉ khiêm nhường ở vùng kỷ niệm. Khắc Khoa đã muốn viết lại một hồi ký trên từng Digital-Bit nhạc đánh dấu những khoảng trời kỷ niệm, những hiến dâng và hi sinh khắc sâu. Tạ ơn mẹ, khóc cho quê hương, lãng mạn với tình yêu. Có mấy lúc chợt hoảng hốt khi thấy ý nhạc bài này choảng nhau như sấm dậy với một bài khác. Nhưng có lẽ Khắc Khoa đã giải bày tâm sự với đời theo một lối diễn đạt ân tình thật thoáng, thật mặc kệ. Ðời đã mang đến cho Khắc Khoa không ít những ân tình. Nếu phải viết những thiên trường ca để ca ngợi sự trân quý kỷ niệm, và lòng biết ơn của Khắc Khoa với muôn ngàn chung quanh. Có lẽ phải tự mướn một nhạc sĩ viết riêng cho mình. Thôi thì cứ để sự tự nhiên trong phong cách sẵn có. Cứ tuôn trào những ý tưởng mênh mông tình cảm một cách đột ngột vào các ca khúc. Nhìn trong cái mớ bống bồng ấy, bất chợt lại thấy các facet kim cương của giọng ca. Phải chăng cũng là một nghệ thuật trong những rối loạn Picasso nảy sinh những hơn-cả-tuyệt-vời ?

Phải, với làn hơi phong phú, giàu chất truyền cảm, Khắc Khoa đã có người tặng cho mỹ từ  "tiếng hát gọi đời", có người đã tìm lại cố nhân như một Elvis Phương số hai.  Riêng tôi đã thấy một sự riêng nằm trong chất giọng mũi ấm, mạnh. Nghĩ rằng, một cảm nhận ca ngợi, không thể gọi là quá thể, nếu biết rằng, sẽ có một ngày trong vườn hoa âm nhạc hải ngoại, chợt xuất hiện một tiếng hát mạnh mẽ hồn nhiên.

Và bây giờ cứ riêng tư khẳng định một điều, nam ca sĩ Khắc Khoa, với tôi, đã là một "Giọng-Ca-Ðẹp".

Ðức Quốc, ngày 27 tháng 9 năm 2002
Nguyễn Lộc