BÀI NHẠC CÂN PHƯƠNG

Lê-văn-Thành

 

Lời mở đầu :

Mục đích thật sự trong cấu trúc âm nhạc (musical construction) không phải là “vẻ đẹp” (beauty) mà là tính cách "dễ hiểu" (intelligibility). Các nhà lý thuyết và mỹ thuật ngày xưa có lẽ đã áp dụng danh từ SYMMETRY trong âm nhạc tương tự như trong đồ hình có tính cách nghệ thuật và kiến trúc (graphic arts & architecture). Nhưng sự cân phương thật sự (real symmetry) không phải là nguyên tắc (principle) của cấu trúc âm nhạc. Những cấu trúc mà chúng ta thường gọi là cân phương (symmetry) thật ra chỉ là "gần như cân phương" (quasi-symmetrical) như thường thấy trong loại nhạc phổ thông (pop music). Nhưng cũng có rất nhiều tuyệt tác không viết theo dạng cân phương (Asymmetrical construction) nhất là nhạc Tây-Phương .

Dạng cân phương thật sư (real symmetrical forms) trong âm nhạc chỉ có thể có ở dạng “MIRROR FORM”, xuất phát từ nhạc đối âm (contrapuntal music) .

(Fundamentals of Musical Composition tr 25, Arnold Schoenberg , cố giáo sư âm nhạc tại University of California (1937-1948 ) là nhà sư phạm có tầm vóc quốc tế)

 

-Bài này được viết ra với mục đích giúp cho những người yêu thích nhạc và muốn sáng tác nhạc, nhưng không biết mình phải bắt đầu từ đâu, cấu trúc như thế nào .

-Cấu trúc cân phương (symmetric structure) đã bắt đầu xuất hiện trong giai đoạn mà khuynh hướng nhạc cổ-điển thịnh hành nhất (1750-1827), và vẫn còn tồn tại

đến bây giờ, điều đó cho ta thấy cấu trúc này có một gía trị bền vững, dầu sau đó khoảng hậu bán thế kỷ 19, khuynh hướng nhạc khác hơn là cân phương đã ra đời, bằng cách dùng những câu lẽ (uneven phrases) và cấu trúc không đều đặn (irregular structure), vì ảnh hưởng của nhạc dân ca (folk song) và nhu cầu của ý nhạc (musical idea). Tiêu biểu cho khuynh hướng này la Brahms và Mahler.

-Có nhiều người cho rằng rất nhiều bài nhạc không cân phương mà vẫn nỗi tiếng ví dụ bản HÒN VỌNG PHU (cố NS Lê-Thương), chúng ta phải hiểu rằng dù không "cân phương" trong đó có tiềm tàng một sự cân bằng về cấu trúc (balanced structure) lối viết này đòi hỏi người nhạc-sĩ phải có tài và sau khi đã thấu triệt cấu trúc cân phương, ý nhạc trong trường hợp này quan trọng hơn là cấu trúc cân phương !

 

  

 

A) Câu cân phương : LA PHRASE CARRÉE .

 

Câu cân phương là những câu gồm có : 4, 8, 16, 32 trường canh (measures, trong bài viết này trường canh được viết tắt là TC).

Để cho vấn đề trình bày được sáng sủa và rõ ràng,chúng tôi chọn bài "AU CLAIR DE LA LUNE" hầu như ai cũng biết và cấu trúc đơn giản, dễ hiểu.

 

 

Chúng ta thấy bài này gồm có 4 câu (phrases), mỗi câu có 4 TC.

Mỗi câu được chia làm hai phần bằng nhau và được gọi là nửa-câu (semi-phrase).

Nửa -câu đầu còn được gọi là ANTECEDENT và ½ câu sau được gọi là CONSEQUENT.

Mỗi nửa-câu có 2 TC mục đích là để cho chúng ta ca "một hơi" mà không phải gắng sức (singable in a single breath).

 

Chú y’ : Sự phân chia này còn tùy thuộc TEMPO của mỗi cấu trúc (structure) khác nhau.

 

Tempo rất chậm «một hơi» có thể chỉ có ½ đến 1 TC. Với Tempo nhanh «một hơi» có thể lên đến 4 TC .

 

 

B) Bài nhạc cân phương:

 

Bài nhạc cân phương là bài nhạc gồm có 4 đoạn (periods, parts) trong đó có 1 đoạn được LẶP LẠI (repeated) 2 lần. Mỗi đoạn gồm 8 TC, chia làm hai phần bằng nhau:

 

Antecedent 4 TC + Consequent 4 TC = Part 8 TC .

 

Khởi từ dạng : A – B – A : dạng tam-phân (Ternary Form) .Vì đoạn A được lặp lại 2 lần nên ta có thể viết :

 

//: A : // B A .

 

Chúng ta cũng có thể xem đó là dạng nhị-phân (binary Form) A – B trong đó đoạn A được lặp lại 2 lần.

 

***Những dạng cân phương khác sẽ được trình bày trong lọat bài kế tiếp .

 

 

C) Khai triển :

 

1) Cũng từ dạng ABA (ternary form) nếu chúng ta khai triển từ

dạng NHỎ (small ternary form) = bài nhạc ngắn (16 TC) đến

dạng LỚN (large ternary form) = bài nhạc cân phương (32 TC) và

dạng LỚN HƠN nữa (larger ternary form) = Rondo, Scherzo,Minuet & Trio và Sonate .

 

Sự ví von này cũng tương tự như một EM BÉ, một NGƯỜI LỚN và một KHỔNG LỒ .

 

Tầm vóc dù có khác nhau nhưng cũng chỉ có :

ĐẦU - MÌNH - TỨ CHI (A) - ( B ) - (A)

 

2) khai triển về Câu (phrase), Đoạn (part, period),

 

Semi-phrase + semi-phrase = Phrase

Phrase + Phrase = Period

Period + Period = double period

Chú ý : Trong dạng "Larger ternary form" mỗi Part (Period) được gọi là SECTION có chiều dài bằng 1 đến 2 lần một bài nhạc trung bình (Rondo, Scherzo, Minuet & Trio v.v...) và mỗi đoạn trong 1 SONATE được gọi là MOVEMENT, mỗi movement có thể dài bằng 3 đến 4 lần bài nhạc nhạc trung bình. Tempo và chiều dài mỗi section, mỗi movement mỗi khác .

 

3) Khai triển từ bài nhạc AU CLAIR DE LA LUNE :

Câu 1 (4TC) + Câu 2 (4TC) + Câu 3 (4TC) + Câu 4 (4TC) = 16 TC

A A B A

 

*** Ta thấy gì về cấu trúc (structure)?

 

-Số câu chẳn (even): 4 câu .

-Số trường canh chẳn và bằng nhau : 4 TC .

-Nhịp rập khuôn y hệt nhau (matched rythm).

-Thứ tự của câu nhạc (the order of the phrases) : //: A : // B A

Nếu ta thay chữ CÂU (4 TC) bằng chữ ĐOẠN (câu + câu) ta có 8TC .

Ta sẽ có A (8TC) + A (8TC) + B (8TC) + A (8TC) = 32 TC

(Đó là bài nhạc cân phương tiêu chuẩn, STANDARD).

Chú ý : Trong thực tế :

Đoạn A có thể được lặp lại y nguyên, có thể thay đổi (modified)

 

Giữa 2 đoạn có cách chấm câu (punctuation) khác nhau bằng những giai-kết (Cadences) mà chúng tôi sẽ trình bày trong lọat bài kế tiếp .

 

 

*** Ta thấy gì về Melody ?

Bài nhạc viết theo cấu trúc này đơn giản, sáng sủa, dễ nhớ, dễ phổ biến. Tuy nhiên vì quá cân phân, vuông vức nên có 1 số nhạc sĩ cho rằng sau khi nghe xong đoạn A đến điệp khúc B (chorus) thính giả có cảm giác như vừa có một cái gì mới mẻ đang xãy ra (vì Melody và music Contour thay đổi), nhưng không biết sau đó là cái gì...

Bởi vì không có gì mới mẻ hơn được chuẩn bị, nên bài nhạc đã kết thúc một cách "tự nhiên " bằng cách lặp lại đoạn A để giữ cân bằng (balance) cho cấu trúc của bài nhạc :

 

A + A = 8 TC

(balanced).

B + A = 8TC

 

Điều này dường như không đáp ứng đúng mức kỳ vọng (expectation) của thính gỉa nên có người cho rằng hơi nhàm chán (BORING). Do đó có những khuynh hướng mới, khai triển những đường hướng viết nhạc KHÁC hơn là nhạc cân phương mà chúng tôi sẽ trình bày trong lọat bài kế tiếp .

 

 

D) Kết luận :

Bài nhạc dù được viết dưới hình thức cấu trúc nào chăng nữa, điều mà người nhạc-sĩ muốn đạt được là MELODY HAY, tạo được sự rung cảm và còn lưu lại cho người nghe một cái gì dù chỉ mới nghe qua đôi ba lần (dể hiểu), có thể âm ư vài câu vài chữ sau đó (dể nhớ) và dể phổ biến sâu rộng (dễ hát)...

 

Để kết thúc bài viết hôm nay, chúng tôi mời quí vị xem Graphic 2 và tự chọn cho

mình một lối viết nhạc phù hợp với sở thích, tài năng và thiên khiếu của từng người.

Không có chuyện đúng hay sai mà chỉ có vấn đề sở thích CHỌN LỰA .

 

***Ghi chú : Danh từ âm nhạc hiện đại :

 

  1. Symmetry (cân phương) : cân bằng và đối xứng về cấu trúc về mọi mặt. (Graphic 2a) .
  2. Asymmetry :(không cân phương).

a)-Asymmetric but balanced. (không cân phương nhưng cân bằng)

b)-Asymmetric & unbalanced (không cân phương & không cân bằng) .

(Sẽ được trình bày trong lọat bài kế tiếp) .

 

Thân kính,

Happy new year !

 

Lê-văn-Thành
(đêm cuối năm 31/12/2002) .

 

*** Chân thành cảm tạ DS Mai-Tâm đã giúp sức trong việc ấn lóat , trình bày và phổ biến bài viết này

 
***Tài liệu tham khảo :
 
-Melody in songwriting (Jack Perricone/Berklee Press).
-Structure & style / study & analysis of musical form (Leon Stein).
-Precis Technique de Compsotion musicale (Julien Falk) .
-Cours de Composition (Edition Vincent-D’Indy Paris-France) .
-Manuel d’analyse musicale (École de musique VINCENT-D’INDY –Montreal-Canada).
-Fundamentals of musical composition (Arnold Schoenberg) .