Tình Khúc Ngô Thụy Miên

Hoàng Vi Kha

 

Tình yêu là một phần thể tạo nên đời sống.

Do vậy, tình yêu là đề tài muôn thủa của nghệ thuật và sáng tạo. Nếu chỉ nói riêng ở lãnh vực âm nhạc mà thôi, thì từ cổ chí kim, từ Á sang Âu, lúc nào, ở đâu, tình yêu vẫn luôn là chất xúc tác khó có tác giả nào tránh khỏi

Trong kho tàng âm nhạc Việt nam, trãi qua bao thời gian biến đổi, dù thế nào, tình yêu vẫn là một điểm chính yếu bắt nguồn cho cảm hứng. Đã có biết bao người viết nhạc tình mà những tác phẩm của họ đã trở thành bất hữu với thời gian. Rực rỡ giữa vườn hoa nghệ thuật đó, đứng riêng một nét đẹp, là những tình ca của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên

 
"Bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa
vẫn tóc mây bay má môi hồng thắm
Gót bước nhẹ vương ý thơ
Tình yêu nào vương mắt ngọc, mơ ước vẫn chưa phai nhòa ...."
(Giáng Ngọc)

 

Người tình trong giai điệu của Ngô Thụy Miên luôn mang nét đài cát, mỏng manh. Cái nét đẹp lãng đãng của thơ và vấn vương của những mộng mơ ngà ngọc, hoặc của những nỗi buồn lâng lâng. Như cô tiểu thư độ tuổi dậy thì, khép nép bên lầu son, cùng những rung động dấu kín. Nàng đã được những ngôn ngữ trau chuốc và những âm giai hầu như là chậm buồn, tha thiết của Boston, đặt lên bục, điêu khắc thành kiểu mẫu cho một khai phá mới, một trường phái mới - trường phái lãng mạn Ngô Thụy Miên. Từ những tác phẩm đầu tiên, cho đến những sáng tác mới gần đây, có lẽ như lời người nhạc sĩ đã thú nhận "đã hằn học với đời hơn", nhưng vóc dáng của người tình vẫn luôn ẩn - nhập, với nét đẹp lãng mạn buồn nhè nhẹ - một thứ buồn không nặng nề, nhưng đủ làm se lại con tim trong nỗi run động thật thà. Đẹp như "Giọt Nước Mắt Ngà". Mơ hồ dịu dàng như "Tuổi Mây Hồng". Dù có những đổi thay theo tuổi đời và giòng sống, người tình của ngày ngay vẫn "ngát hương nụ cười, nét môi", vẫn long lanh nỗi buồn trong đôi mắt, giòng tóc, như rằng mùa thu muôn đời vẫn là mùa của mộng mi.

 

"Em có nghe khi mùa thu tới, mang ái ân mang tình yêu tới, em có nghe, nghe hồn thu nói, mình yêu nhau nhé..."

 

Trong bốn mùa của vũ trụ, cũng như sự hiện diện hiển nhiên của tình yêu trong nghệ thuật, mùa thu muôn đời đã được bình chọn là mùa cho lãng mạn khai sinh, là mối cảm xúc cho thi vị. Với một tâm hồn ắp đầy tình tứ và lãng mạn, thì tình khúc của Ngô Thụy Miên không thể thiếu sự hiện hữu của mùa thu. Thật vậy, Ngô Thụy Miên đã có những tình khúc tuyệt vời mà sắc màu của mùa thu đã được khéo léo tô vẽ không chỉ phơi bày xúc cảm của ông mà còn trọn vẹn bản chất của mùa thu. Tất nhiên, không riêng gì ông mà có rất nhiều nhạc sĩ tài hoa khác đã đem mùa thu vào âm nhạc thật tuyệt. Nhưng Ngô Thụy Miên đã dọn mở cho mùa thu bước vào thế giới âm thanh của ông bằng một đường lối riêng, tách hẳn khỏi những nét khai phá của các nhạc sĩ khác. Cũng như tình yêu, mùa thu bước vào tình khúc Ngô Thụy Miên với chất điệu thật trữ tình thật thiết tha, và cùng nét buồn đằm thắm không ủy mị không sến. Đó không chỉ nhờ ở sự xếp đặt ngôn từ diễn đạt mà phần nhiều, nhờ ở cách chọn lựa từng tiết âm cho thích hợp. Để rồi, khi hoàn tất, người nghe có thể nhìn nhận rằng: đó chính là trường phái Ngô Thụy Miên

 

Với một con tim dạt dào mẫn cảm và một tâm hồn tôn thờ tình yêu tuyệt đối như vậy, giòng nhạc của Ngô Thụy Miên hẳn nhiên cưu mang trọn vẹn những nỗi niềm, hay tâm sự của nhạc sĩ hoặc của kẻ đang yêu đối với tình nhân hay tình yêu. Hãy nghe "Niệm Khúc Cuối" với:

 

"Dù cho mưa, tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời
Dù cho mây, hay cho bão tố có kéo qua đây
Dù có gió, có gió lạnh đầy, có tuyết bùn lầy, có lá buồn gầy. Dù sao, dù sao đi nữa tôi cũng yêu em ...."

 

Tha thiết đến thếlà cùng.

Ưu ái đến thế là quá độ của một con tim nồng nàn tình cảm dâng hiến.

Bằng sự khéo léo lồng thiên nhiên vào bản thể con người, hoặc nhân cách hóa những nắng, những mưa bên cạnh những tĩnh từ chọn lọc, tình khúc Ngô Thụy Miên vượt thoát khỏi những xưng tụng mang tính cá nhân cho tình và người tình để trở thành đại diện, trở thành đặc trưng, trở thành của chung cho loài người. Người nghe có thể tìm thấy mình trong ấy. Người nghe có thể vay mượn giòng nhạc của ông để ký thác tâm sự hoặc tìm thấy sự đồng cảm rất gần gủi.

Ngay cả ở khía cạnh tan vỡ trong cuộc tình, giòng nhạc và ngôn ngữ của ông không hằn học trách móc, không nặng lời oán than, không ủ rũ bi thống theo cách nức nỡ của sân khấu cải lương. Từ "Bản Tình Cuối" -

 

"Mưa đã rơi, và nắng đã phai, trên cuộc tình ngây thơ ngày nào, ta vẫn yêu, hồn ta vẫn say, qua bao nhiêu năm tháng ơ thờ ....."

 

Cho đến những sáng tác gần đây của ông, khi nói đến người xưa, hoặc khi gợi về tình cũ, người nghe vẫn cảm nhận được những cưu mang không hề vơi giảm. Những hoài niệm, tiếc nuối trở về thật tha thiết. Những thủy chung, gắn bó với tháng năm, với dĩ vãng vẫn rất ân cần mà không hằn học. "Gọi tên em mãi trong cơn mê này, mình nhớ thương nhau" (Riêng Một Góc Trời) hoặc "Anh vẫn yêu em, vẫn buồn trông theo gió..." (Mây Bốn Phương Trời)"Dù trăm năm trôi nhẹ trên phiến buồn, anh vẫn còn tưởng nhớ người yêu xưa ..." (Trong Nỗi Nhớ Muộn Màng) hệt như là người nhạc sĩ đã một lần tuyên thệ với ái tình trong một lần đắm đuối ban đầu hay mãi về sau:

 
"Dù mai đây ai đưa em đi đến cuối cuộc đời
Dù cho em, em đang tâm xé, xé nát tim tôi
Dù có ước, có ước ngàn lời
có trách một đời ...
cũng đã muộn rồi
Tình ơi, dù sao đi nữa, xin vẫn yêu em"

 

Sau cùng, trước những cay đắng tình đời ấy, Ngô Thụy Miên xin chọn làm người gánh vác, để "Tìm quên bằng men ý nhạc" (Giáng Ngọc) mà qua ý nhạc đó để mong mỏi ở "duyên ước xin dành kiếp sau" (Giáng Ngọc). Còn với người xưa cũ xin hãy phôi pha để nhẹ nhàng trong đờisống

 
"Chuyện mình xin quên lãng
cho bước chân dìu cay đắng
Chuyện mùa thu năm ấy
hãy xin ghi vào giấc mơ ..."
(Thu Trong Mắt Em)

 

Một nét tuyệt đẹp khác trong tình khúc Ngô Thụy Miên là thơ bước vào nhạc thật hài hòa. Nếu bài thơ "Tuổi 13" của thi sĩ Nguyên Sa đã được nhiều người biết đến, nhất là giới trẻ, ở khoảng tuổi vừa chớm rung động, qua sự tài tình chuyển thành nhạc phẩm "Tuổi 13" của Ngô Thụy Miên, thì một loạt những thi phẩm khác đã được Ngô Thụy Miên tiếp tay giới thiệu đến công chúng qua những bản tình ca bất tử. Đó là những nhạc phẩm tiêu biểu như: "Tình Khúc Buồn" - thơ Phạm Duy Quang, "Áo Lụa Hà Đông", "Tình Khúc Tháng Sáu", "Tháng Sáu Trời Mưa", "Paris Có Gì Lạ Không Em" - thơ Nguyên Sa ... Thực ra, tự trong thơ cũng đã có âm hưởng, giai điệu và một bài thơ hay thì không cần phải phổ thành nhạc mới được biết đến. Do vậy, để đem một bài thơ hay trở thành một ca khúc có giá trị đó là một việc làm không phải dễ. Bởi lẽ, nếu người nhạc sĩ không đủ tài hoa hoặc thiếu cảm nhận thì khi bài thơ được chuyển thành nhạc đã không thể diễn đạt trọn vẹn cái hay của bài thơ, mà có thể còn khiến cho uy tín của người nhạc sĩ đó bị tổn thất. Trong thi đàn Việt nam, Nguyên Sa là một đóa hoa tuyệt đẹp. Trong vòm trời âm nhạc, Ngô Thụy Miên là một ngôi sao sáng. Tài hoa của hai người ở vào hai lãnh vực khác nhau. Thế nhưng, nghệ thuật đã là một mối dây kết nối hai tâm hồn dạt dào lãng mạn đó để cho sự kết nối ấy đã cống hiến cho nền văn học nghệ thuật Việt nam, những hạt trân châu quí báu. Hay nói một cách khác, Ngô Thụy Miên đã như một ông tơ khéo tay, phối hợp Thơ và Nhạc như những cuộc hôn nhân thành công kỳ diệu.

Đối với cá nhân tôi, những tình khúc của Ngô Thụy Miên là những tình khúc tuyệt vời sẽ trường tồn với thời gian. Giai điệu trữ tình, ngôn ngữ đầy gợi hình, gợi cảm của Ngô Thụy Miên đã sớm tác động vào lòng tôi từ tuổi 13, để rồi, chính những tuyệt khúc như "Giọt Nước Mắt Ngà", "Niệm Khúc Cuối", "Mắt Thu", "Mắt Biếc", "Áo Lụa Hà Đông", "Bản Tình Cuối", "Từ Giọng Hát Em", "Giáng Ngọc", "Tình Khúc Tháng Sáu" .v.v. đã phần nào là những đam mê trong niềm rung động đầu đời, hoặc xúc cảm cho ngòi bút của tôi trong suốt một thời gian.

Đi theo với tuổi đời, song song cùng những người viết tình ca kiệt xuất mà tôi hằng mến mộ như Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương, giòng nhạc tình của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên luôn luôn chiếm ngưỡng trong lòng tôi một vị trí riêng biệt. Tôi luôn trông đợi ở người nhạc sĩ này với niềm tin tuyệt đối cho những sáng tác mới, thẩm thấu lòng người, thẩm thấu tình - đời, và man mác thi vị của phong thái Ngô Thụy Miên

Hoàng Vi Kha