PHAN XUÂN SINH,
Phạm Thái cô đơn
giữa thời đại chúng ta

 

Hoànglonghải/tuechuong

 

 

 

Các nhà phê bình văn học, thường khi phân tích, phê bình sự nghiệp một tác giả, ngoài việc đào sâu về mặt học vấn tư tưởng cũng như cuộc đời của văn thi gia, họ còn nghiên cứu một vấn đề quan trọng khác là hoàn cảnh gia đình, xã hội để biết thêm những nét tương quan giữa con người và xã hội rất thường có tác động sâu sắc đến tâm lý, tư tưởng cũng như hành trạng văn thi nhân. Ví dụ khi phê bình Nguyễn Du, ngoài học vấn của ông, cuộc đời quan trường, bối cảnh thay đổi sâu sắc xã hội Việt Nam cuối thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18, thì khung cảnh Nghệ Tĩnh là một yếu tố tác động lớn đến tình cảm, tư tưởng tác giả.

Câu người ta thường nói chung chung là "Địa linh nhân kiệt", riêng Nghệ Tĩnh có câu: "Hồng Lĩnh sơn cao, song ngư hải khoát, nhược thị minh thời, nhân tài tú phát", có nghĩa là núi Hồng Lĩnh cao, ngoài khơi rộng (sông Lam) có hai hòn đảo hình dáng như hình hai con cá/ gặp thời thái bình thịnh trị thì (nơi nầy) sản xuất nhiều bậc anh tài.

Người ta cũng nói Hồng Lĩnh có 99 ngọn núi. Có thật là đúng 99 ngọn hay hư cấu cho thêm vẽ huyền bí. 99 ngọn tượng trưng cho 99 con voi quay đầu triều phục họ Hồng Bàng (làm vua đầu tiên ở nước ta). Một con voi (một ngọn núi) phản bội quay đầu đi thì đã bị tiêu diệt. Cụ Võ Liêm Sơn, một nhà cách mạng Việt Nam từng bị đày đi Côn Đảo, sau về dạy học ở trường Khải Định Huế (Quốc Học) có viết trong bài "Ngắm Non Hồng":

Ghi chú:

Sinh năm 1948 tại Đà Nẵng. Có thơ văn đăng trên Văn, Văn Học, Khởi Hành, Làng Văn, Chủ Đề, Sóng Văn, Văn Tuyển... và một số tạp chí tại Hoa Kỳ và Canada.

Năm 1996 cùng với Dư Mỹ xuất bản thi phẩm "Chén Rượu Mời Người" (hết)

 

 

Non Hồng chín mươi chín ngọn,
Ngọn cao thứ nhất trước nhà tôi.
Năm tuổi tôi đã biết yêu núi,
Cách đây năm chục ngoại năm rồi.
(Ngắm Non Hồng- Võ Liêm Sơn)

Chính tình yêu núi của đứa bé 5 tuổi ấy đã hun đúc và thúc đẩy Võ Liêm Sơn trở thành một nhà cách mạng và một nhà thơ.

Người Quảng Nam (*) cũng thường tự hào về những nét đặc sắc trong cảnh thiên nhiên của họ. Có hai ngọn núi được đặt tên là "Thiên Bút""Thiên Ấn", nghĩa là trời cho cái bút để mở mang học vấn, văn hay chữ tốt, nhiều người học hành đổ đạt ra làm quan to. Khi làm quan thì được "thiên tử" (vua) trao ấn cho để dùng. Nói chung, hai ngọn núi ấy tượng trưng cho học vấn, và hoạn lộ. Điều ấy có đúng chăng? Không ai chắc nhưng có điều đặc biệt là khoa thi năm Mậu Tuất 1892, Thành Thái năm thứ năm, Quảng Nam một lần 5 ông đổ cao(*), thường gọi là "Ngũ phụng tề phi."

Nói chung về hào khí Quảng Nam, tôi đã nói rõ trong bài "Vũ Hối và Quê Hương Quảng Nam", nên không nói lại ở đây nữa.

Có một nét đặc biệt cần lưu ý là sự chọn lựa giữa Huế và Quảng Nam của cụ Phan Bội Châu. Nuôi ý chí đánh đuổi giặc Pháp, phục hưng đất nước, cụ Phan Bội Châu giã từ quê hương Nghệ An của cụ, vào Huế tìm người đồng tâm đồng chí. Cụ nghĩ Huế là nơi vua chúa quan trường, nhiều người tài cao chí cả, có thể cùng với cụ mưu việc đại sự. Nào ngờ khi vào Huế, cụ chán nãn vì chỉ thấy:

 

"Vào thành ra cửa Tây,
Xe ngựa ngập trời mây
.. .. ... .. .. .. .. .. .. .. .. ..
Vào thành ra cửa Nam,
Áo mũ đỏ pha chàm.

Cái không khí xe ngựa áo mão cân đai đó không thể cho cụ Phan một người tâm huyết nào nên cụ vào Quảng Nam, nơi về sau cụ Phan có

không biết bao nhiêu đồng chí: Tiểu La Nguyễn Thành, Phan Chu Trinh, Trần Quí Cáp, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Thái Phiên, Trần Cao Vân. Con đường "Đông Du" của cụ Phan khởi hành từ Quảng Nam, không phải từ Huế. Các cuộc biểu tình chống thuế, biểu tình nhân dịp đám tang cụ Phan Chu Trinh, dữ dội nhất cũng ở Quảng Nam và bị đàn áp dữ dội nhất cũng chính ở Quảng Nam. "Chiếc nôi Cách Mạng" của Việt Nam đầu thế kỷ 20 chính là Quảng Nam vậy. Người Quảng Nam cũng chỉ có thể làm Cách mạng mà không làm chính trị được. Điều nầy, sau nầy có dịp, sẽ phân tách tới.

Ngay chính trong lĩnh vực văn học, người Quảng Nam lại là kẻ tiên phong. Phan Khôi, với bài thơ "Tình già" là bài thơ mới đầu tiên xuất hiện trên thi đàn ở Saigon năm 1925, đánh dấu một khúc quanh lớn, một cuộc cách mạng thi ca Việt Nam mà hàng ngàn năm trước, khuôn vàng thước ngọc "Thất ngôn bát cú", "Tứ tuyệt", "Ngũ ngôn" là những ràng buộc, trói ngăn ngọn sóng tình cảm của thi nhân trong hàng ngũ "Văn chương Bác học." Điều đáng thương, Quảng Nam không đủ giàu, dân Quảng không nhiều tiền để văn thi nhân có thể ra báo ngay tại quê nhà mà phải bôn ba vào "nước Saigon" xa xôi của thời kỳ Pháp đô hộ để thi thố tài ba. Ngoài ra, những người thực hiện cải cách văn chương ở Hà Thành văn vật, đẩy lùi văn chương biền ngẫu gần như ngâm nga mỗi khi diễn đạt, mở đầu phong trào tiểu thuyết mới ở ngoài Bắc, thì lại là chính Nhất Linh, thủ lãnh nhóm "Phong Hóa"- "Tự Lực Văn Đoàn", xét ra thì ông lại là gốc Cẩm Phô, Điện Bàn, Quảng Nam.

 

*

Trong tinh thần đó, thơ Phan Xuân Sinh (PXS), cũng như những nhà thơ xứ Quảng khác, chất chứa hào khí Quảng Nam là điều không thể tránh khỏi.

Trong tập thơ "Đứng giữa trời đổ nát", ngoài bài thơ mở đầu "bài thơ cho vợ hiền" mà ông trang trọng đặt lên phía trước, như là để bày tỏ, -không hẵn chỉ vì yêu đương mà thôi- mà chính mà điều ơn nghĩa "tình sau nghĩa trước" -chung thủy- người vợ với chồng- hơn thế nữa, bày tỏ lòng biết ơn với vợ trước những gian truân của cuộc sống khốn khó kể từ khi PXS bỏ súng bước vào vòng lao lý, bài thơ xuất hiện kế đó là "uống rượu với người lính Bắc phương." Có lẽ ông muốn tạo nên một sự đột biến trong tâm lý người đọc, -uống rượu với kẻ thù- nên để bài nầy tiếp theo, chứ đúng ra, nếu ông để bài thơ nầy sau những bài nói về Tào tháo, Ngũ Viên, có lẽ phù hợp với diễn biến tư tưởng và tâm lý trong dòng thơ của ông.

Hào khí Quảng Nam không cho những người đã từng học đạo thánh hiền sống cuộc sống bình thường. Phải sống hơn người, vượt ra ngoài cái tầm thường của cuộc đời tầm thường. Hơn ai hết, họ hiểu sâu sắc câu của Nguyễn Bá Học: "Còn những kẻ cứ du dú như dán ngày, làm việc gì cũng chờ thời đợi số, chỉ mong cho được một đời an nhàn vô sự, sống lâu giàu bền, còn việc nước việc đời không can hệ gì đến mình cả, như thế gọi là sống thừa... " Sống thừa, sống mòn, sống trốn tránh hèn nhát, sống không nghĩa lý, không ý chí là điều họ không chấp nhận được. Sống phải khác người, hơn người. Từ ý chí đó, đã có một thời PXS muốn

... ... ta thử làm tráng sĩ
cứ nhìn theo người bước qua sông

PXS muốn làm tráng sĩ nào đây? Kinh Kha, chính là Kinh Kha qua sông Dịch để làm thích khách, diệt bạo chúa nhà Tần, cứu nước Yên.

... ... ... ... ... ...
ta ước chi được làm thân Từ Hải,
(Muộn màng- trang 100- ĐDTĐN)

Làm Từ Hải là để "dọc ngang nào biết trên đầu có ai" là để "Phong trần mài một lưỡi gươm, những phường giá áo túi cơm sá gì."

Nói chuyện với người xưa, PXS có hai bài thơ thật hay, bài "giải oan cho Tào Tháo" trang 97 và bài "hầu chuyện cùng Ngủ Tử Tư."

Đời cho Tháo là "Thiên Hạ Đệ Nhất Gian Hùng." Ai cũng ghét mà sợ Tào bởi chính sự gian hùng và tài ba của Tháo. Tài ba của Tháo lại là thứ tài ba có một không hai, khó chê vào đâu được. Gian hùng của Tháo cũng lại là một thứ gian hùng có một không hai. Câu nói của Tháo sau khi giết cả nhà Lã Bá Xa làm cho tri huyện Trần Cung sợ mà trốn đi: "Thà mình phụ người hơn người phụ mình." (**) Tuy nhiên, nhiều người thích Tào bởi lẽ Tháo gian hùng mà thành thật, không dấu cái gian hùng của ông. Có khi Tháo còn khoe và thích thú với cái gian hùng của Tháo nữa.

Đời chê Tháo nhưng PXS lại muốn giải oan cho Tào bởi một điểm then chốt: Chí lớn. Tháo từng chê tri huyện Trần Cung là thứ chim sẽ, làm sao hiểu được con chim hồng chim hộc. Tháo là kẻ nuôi chí lớn và cố thực hiện chí lớn của mình.

Chính PXS khen Tháo ở chỗ ấy:

"Nuôi chí lớn để tóm thâu thiên hạ,
Thế cờ Thục Ngô như một cuộc chơi."
(Bài trên ĐD- trang 98)

Bấy giờ có ba thế lực lớn (Tam quốc): Thục (Lưu Bị), Đông Ngô (Tôn Quyền) hùng cứ phía nam sông Trường giang, và Ngụy (Tào). Chỉ có Ngụy Tào là đáng kể, Thục-Ngô chỉ là "cuộc chơi", không xứng tài với Tháo.

 

thời Tam Quốc, ông vang lừng bốn bể,
thiên hạ chê cười. Ông ôm hận ngàn thu
ta kẻ hậu sinh, giở lại pho sách cũ,
mà khen ông đúng là bậc tài hoa
(Bài trên ĐD -trang 99)

*

Ngũ Tử Tư vì thù nhà nợ nước, phải bôn ba nhiều nơi để phục thù. Một đêm ngủ lại bên cửa ải, vì ôm mối thù mà Tử Tư trằn trọc, không sao ngủ được. Sáng ra, tóc Ngũ Tử Tư bạc cả đầu. PXS khen Ngũ Tử Tư làm nên nghiệp lớn và tự hỏi mình cũng bạc đầu mà sự nghiệp không thành:

 

ta cũng tóc bạc đầu sao chẳng ra chi
ngài bạc đầu làm nên nghiệp lớn
thay dạng đổi hình như là chuyện giỡn
mà danh ngài lưu mãi ngàn năm
ngài vượt qua cửa ải thoát thân,
ta cũng trốn chạy năm lần bảy lượt
.. .. .. .. .. .. .. ..
chí lớn của ngài thiên cổ chi mê
làm rạng danh một thời hoạn lộ
đầu bạc đã trả xong món nợ
còn ta thẹn mặt với cố hương.
(hầu chuyện cùng ngũ tử tư -trang 19, 20, 21)

Những anh hùng trong thiên hạ mà PXS ví dẫn ở đây, ai không thành công thì cũng thành danh. So với họ, không riêng gì PXS mà cả thế hệ chúng ta, -trừ bọn túi cơm giá áo nhờ cảnh núi xương sông máu mà sống đời vinh hoa phú quí thì không đáng bận tâm-, chúng ta gian nguy khổ cực hơn nhiều lắm, chúng ta kinh qua biết bao nhiêu nỗi đoạn trường, bao nhiêu nỗi kinh hoàng, gần hết cả một đời người, sống kiếp lưu vong mà tại sao không nên cơm cháo gì:

ta cũng bạc đầu sa chẳng ra chi?

Thậm chí PXS so sánh cái nguy của chúng cùng cái nguy của Ngũ Tử Tư ngày xưa:

cái nguy của ta ngài đâu sánh được,
rừng thẳm bể sâu tan xác nhhư chơi.
(bài trên- đã dẫn)

Phải chăng nói như PXS là đúng. "Bất phùng thời" thì tài hoa cho lắm cũng chẳng nên gì. "Thời thế tạo anh hùng", "Được làm vua thua làm giặc" là thế gian thường tình, xưa vậy mà nay cũng vậy.

Trong niềm ước vọng thực hiện chí lớn của mình, Nguyễn Trãi là người PXS tỏ bày tâm sự nhiều nhất. PXS so sánh thời đại của Nguyễn Trãi và thời đại chúng ta ngày nay, thấy nó khác nhau quá nhiều. Ngày xưa người đời trọng vọng kẻ có khí dũng; đạo nghĩa là con đường sống; văn chương là phương tiện chuyên chở đạo đức thánh hiền thì nay đã khác xa:

ví thử lúc nầy, thảo ra Bình Ngô Đại Cáo
lòng dân được vơi bớt nỗi oan khiên?
ngài mang sở học, trải chữ thánh hiền
khi trí dũng được lòng người trọng vọng
khi đạo nghĩa đã thấm vào lòng mạch sống
những bậc túc nho, mở lối dẫn đường
ta sống vào thời lòng dân. Ly tán
kẻ thắng người thua. Toàn trí cùn khí đoản
vận nước trên tay những đứa thất phu.

Kẻ thắng là ai đây? Kẻ thua là ai đây? Toàn một thứ bất tài -trí cùn khí đoản- thất phu, nhờ thời thế mà nên.

Thử hỏi PXS làm được gì trước một thời kỳ nhiễu nhương như thế:

 

đêm nay nằm ta lại nhớ tới ngài
gối lên nỗi đau của người thất thế

Thời, thế và cơ là ba điều quan yếu để làm việc lớn. Thậm chí giun dế thành người cũng là nhờ gặp thời gặp thế, chẳng thiếu chi trong thiên hạ:

ta mạt kiếp kẻ bất phùng thời,
sống chết chỉ đường tơ kẽ tóc

Đã là kẻ bất phùng thời thì việc nhỏ cũng đành chịu huống chi việc lớn:

.Giờ lỡ quên phắt
tay nâng ly mà nước mắt lưng tròng
làm Hạng Võ của một thời mạt sử
thì làm sao giữ được một Ngu Cơ
tráng sĩ hề, vỗ gươm cuồng hát bậy
Trường giang chìm trong đáy nước mịt mờ

Sợ vì giai nhân mà quên nghiệp lớn nên Ngu Sơ rút gươm tự vẫn để Hạng Võ khỏi vướng bận, hăng hái lên đường:

 

"Chàng ơi chàng còn đợi chờ gì nữa,
Mà đường xa chàng chẳng rong ruỗi ngựa
(Tiếng địch sông Ô - Phạm Huy Thông)

Cho dù Ngu Cơ hy sinh thì cũng không cứu nỗi Hạng Võ thua trận. Trời không ở với Hạng Võ mà quay về với Lưu Bang, cũng như Trời chưa dứt mạng Tần Thủy Hoàng thì dù Kinh Kha có cầm gươm đuổi theo giết tên bạo chúa ngay trong cung nhà Tần thì Kinh Kha cũng chì đành vỗ gươm mà hát cuồng như Phạm Thái vậy.

Trong hoàn cảnh đành bó tay, "bị đóng đinh" như thế, thử hỏi ai còn làm được gì hơn ai. Trời dành cho mỗi người một số phận. Tài cao học rộng, tài hèn sức mọn, anh hùng trong thiên hạ, dọc ngang như Từ Hải khi đã hết thời thì cũng đành chết vì một tay gái lầu xanh như Kiều. Dù là một quan Tư Mã tài hoa, khi đã bị biếm bị truất ra Giang Châu thì tâm sự của quan có khác chi tâm sự một gái làng chơi khi đã về già:

 

Hãy ngồi lại đàn chơi khúc nữa,
Sẽ vì nàng soạn sửa lời ca.
Tần ngần dường cảm lời ta
Dén ngồi bắt ngón đàn đà kíp giây
Nghe não nuột khác tay đàn trước
Khắp tiệc hoa tuôn nước lệ rơi
Lệ ai chan chứa hơn người
Giang Châu Tư Mã đượm mùi áo xanh.
(Tỳ bà hành- Bạch Cư Dị- Phan Huy Vịnh dịch)

PXS thấy điều đó, thông cảm điều đó, tìm thấy người đồng hội đồng thuyền cũng ở chỗ đó:

 

giữa New Orleans, đứng dựa cột đèn,
môi em cuộn vòng từng hơi thuốc
người đến, người đi, giữa khuya hiu hắt
mà sao em vẫn đứng đợi ai?
.. .. .. .. .. .. .. .. .. .. .. .. ..
ta với em, một thứ như nhau
tìm miếng ăn tủi hờn ngập mặt
ruột gan bời bời như dao cắt
ôm cái đau của kẻ cùng đường
(chào New Orleans, trang 45)

"Giữa khuya hiu hắt" hay giữa cuộc đời hiu hắt?

Ở đây, ta chưa thấy giọt nước mắt của PXS như Giang Châu Tư Mã cũng còn là điều may. Từ Hải, Phạm Thái, Kinh Kha, Nguyễn Thái Học, có mấy ai khóc? PXS không khóc đưọc vì ông không muốn khóc hay nước mắt đã khô?

Có gì tương đồng giữa một gái điếm và kẻ thất chí ở đời? Khi thất thế, Bạch Cư Dị, một đêm trăng trên bến Tầm Dương tỏ bày tâm sự và "lệ ai chan chứa" với một kỹ nữ về già. Thời đại chúng ta ngày nay có gì khác hơn, như Nguyễn Bắc Sơn thì:

 

Ngày mai ra trận ta còn sống
Về ghé sông Mao phá phách chơi!
Chia xẻ nỗi buồn cùng gái điếm,
Đốt tiền mua vội một ngày vui.

Có gì nghe chua xót lắm vậy?!

Và nay nơi xứ người, PXS còn ôm tủi hờn nhân thế như cô gái điếm ông gặp một đêm nào ở New Orleans:

 

Ta với em một thứ như nhau
Tìm miếng ăn tủi hờn ngập mặt
Ruột gan bời bời như dao cắt,
Ôm cái đau của kẻ cùng đường

PXS là người, ngay từ khi nhập cuộc, đã mang nỗi đau của kẻ thất thế, không phải chờ tới lúc bỏ quê hương mà đi. Ông thấy cái chết, cái hy sinh của người lính trên chiến trường, dù ở bên nầy hay bên kia chiến tuyến đều vô nghĩa:

chuyện sống chết căn bệnh trầm kha,
đâu dễ gì thoát vòng sinh mệnh
.. .. .. ..
ta chán lắm rồi ba chuyện ruồi bu.
chỉ có bạn có ta là người thua cuộc.
(uống rượu... - trang 10)

Hiểu PXS là người như thế ấy thì mới thông cảm và khen ông ngồi uống rượu với kẻ thù:

 

ngồi với bạn hôm nay làm ta hứng chí,
chuyện ngày mai có chi đáng kể.
(uống rượu với người lính Bắc phương- trang 10,11,12,13)

Hôm nay là Tết, uống rượu, không có thù hận. Ngày mai có đánh nhau cũng không vì thù hận vì:

 

những thằng lính thời nay không mang thù hận
bạn hay thù chẳng có một lằn ranh.
(bài trên đã dẫn)

bởi vì cuối cùng rồi:

chỉ có bạn và ta là người thua cuộc
(bài trên đã dẫn)

Nếu chúng ta coi cuộc đời như một trường tranh đấu thì kẻ thua cuộc là kẻ đáng thương.

Người đời thông cảm sâu sắc cho PXS khi biết ông là người thất chí. Nỗi đau ấy, trong lịch sử thiếu gì? Phạm Thái không là người thất chí đành say be bét với rượu hay sao? Cao Bá Quát vẫn còn ngạo mạn đùa giỡn khi bước ra pháp trường "Ba hồi trống giục mồ cha kiếp. Một lưỡi gươm đưa bỏ mẹ đời." và Nguyễn Thái Học khẳng khái "Không thành công thì thành nhân." Có khi ta nghĩ cứ chết quách đi, thế mà khoẻ, còn hơn sống lây lất với nỗi buồn cho đời, cho mình, nỗi buồn cứ gặm nhắm tâm hồn mòn mỏi:

 

cũng quẩn quanh mấy thằng lưu lạc
sớm chiều nghề ngỗng chẳng hơn ai
trong lòng lịm tắt bao chí lớn
đêm về se sắt tiếng thở dài
(gặp lại bạn ta- trang 64)

Người lính Bắc phương được nuôi duỡng, rèn luyện, giáo dục trong thù hận. Thù hận là chất liệu sống, là mục tiêu của chủ nghĩa Cọng Sản. Chế độ Cọng Sản mà không có thù hận thì cũng như máu không có hồng huyết cầu. Ngược lại, người lính phương Nam, người lính như PXS lại không muốn, không mang thù hận. Đó là đối nghịch mạnh mẽ giữa hai chế độ Nam Bắc, là cái thắng lợi cuối cùng của người phương Nam. Khi đối diện với phương Nam rồi, người lính phương Bắc thấy mình lố bịch, thấy mình "quê", thấy mình ngu ngốc, bị lừa dối. Ngay trước ngày 30 tháng Tư/75, người lính phương Bắc đã thấm thía với chén rượu mời của PXS:

bày làm chi trò chơi xương máu
để đôi bên nuôi mầm mống hận thù
... .. ..
uống với bạn hôm nay ta phải thật say
để không phải còn nhìn nhau hận thù ngun ngút
(bài trên- đã dẫn)

Hận thù là điều PXS thường nói đến trong thơ ông. Ông không thích thù hận, ông không muốn có thù hận, lý tưởng của Nguyễn Trãi là điều ông ngưỡng vọng, tôn sùng "lấy chí nhân thay cường bạo." Chí nhân là điều đối chọi kịch liệt với chủ nghĩa Marx, chủ nghĩa thù hận. Nhiều người chống Cọng không nhận chân được vấn dề rất cơ bản nầy như PXS bởi ông là người thấm nhuần đạo đức Á Đông;

 

Hãy trở về cửa Khổng sân Trình,
Sống lại thờ Xuân Thu Chiến Quốc
Chúa hay Phật cũng lấy điều nhân ái
đãi với nhau bằng độ lượng từ tâm
thật bình yên sống với non sông
bữa cháo bữa rau, của rớt ngoài đường không lượm
(nói chuyện với những người sinh vào thiên kỷ mới- trang 87)

Nhân loại ngày nay, so với nhân loại ngày xưa, về mặt khoa học kỹ thuật đã tiến xa lắm nhưng về mặt đạo đức, có gì cao hơn, đẹp hơn, hay ngày nay người ta giết nhau khoa học hơn, hàng loạt hơn, và táng tận lương tâm hơn. Hỏi tức là trả lời. Chính điều ấy đã thôi thúc PXS tâm sự với người sinh vào thiên niên kỷ mới hãy "sống phải thực lòng, đem sở học để bình thiên hạ." Nói sống thực lòng tức là chê người ta ngày nay dối trá nhau nhiều quá. Dối trá thì ai ở được với ai? "Đem lòng thành ấy mà ở với cha mẹ thì nên con thảo, ở với nước nhà thì nên trôi trung. Suy ra, anh ở với em, vợ ở với chồng, chúng bạn ở với nhau đều do cái lòng thành ấy mà ra cả." (Phan Kế Bính- Chí Thành).

PXS dạy cho thế hệ sắp tới một điều rất cơ bản: Thành thực-.

Nếu nói tới không hận thù, nói tới nhân ái là nói tới những điều cơ bản trong sách lược chống Cọng. PXS đã nói tới điều đó, tuy không nói rõ hẵn là nói với ai. Tuy nhiên cũng có khi, ông nói rõ hơn chút nữa:

 

"Phất cờ thậm xưng một thứ viễn vông."

(bài trên . ĐD)

Phát cờ gì đây? Đó chính là "Giương cao ngọn cờ Cách mạng Vô sản, ngọn cờ Xã Hội Chủ nghĩa.", v.v.. như Cọng sản thường hô hào. Thậm xưng có nghĩa là nói quá sự thực, là cường điệu, là khoe khoang, "một thứ (Lý thuyết- chủ nghĩa Marx) viễn vông." Điều ấy có ích gì cho nhân loại, cho dân tộc chúng ta, hay chỉ để "bày làm chi trò chơi xương máu, để đôi bên nuôi mầm mống hận thù".

Trong ý niệm hoài cổ về một thời Nghiêu Thuấn, lấy nhân nghĩa làm căn bản cho việc cai trị, lấy "nhân nghĩa cốt ở yên dân,

Sáu trăm năm trước. Khi ngài dựng nước
trúc Côn Sơn. Rừng thiêng còn ghi tạc
PXS mong tìm "minh chúa" để tôn phù.
"làm sao với trí cùn lực mỏi
tìm đâu, tìm đâu ra minh chúa.

Ngày xưa, dân trí còn thấp, trình độ chính trị chưa cao nên người dân cần minh chúa để tôn phù, dựng nên nghiệp lớn, đem thái bình yên vui cho trăm họ. Từ đó, nảy sinh các vị cha già dân tộc như Wasgington, Tôn Văn, Minh Trị Thiên hoàng, v.v... Cũng từ đó, nhiều tay bạo chúa lấy hạnh phúc ấm no của người dân làm chiêu bài để phỉnh lừa thiên hạ. Biết bao nhiêu bộ máy tuyên truyền được dựng lên để hô to khẩu hiệu "muôn năm", "suy tôn", "đời đời nhớ ơn" những tên bán nước buôn dân. Với trình độ dân chúng ngày nay, người ta không còn cần tới những "minh chúa." dễ bị bọn giá áo túi cơm lừa bịp. Ở một nước dân chủ trình độ cao như Hoa Kỳ, nếu là một ông tổng thống dở, ngồi 4 năm thì đi; nếu giỏi, cũng chỉ có tám năm, thế rồi cũng đi chỗ khác, giành ghế cho một thế hệ khác, trẻ hơn, năng động hơn, quyền biến hơn. Nhờ đó, xã hội Mỹ tiến tới đều đều, đất nước ngày một phát triển, không như các xứ độc tài, chỉ là phường xôi thịt mà cứ ngồi dài dài trong phủ tổng thống, trong dinh chủ tịch, v.v... để cho dân đen gánh tai họa mãi hoài, tới bao giờ mới hết!

Minh chúa là điều ước mơ của tác giả, mong có người ra cứu lê dân, giải thoát ách độc tài bóc lột, điều ấy không có thích hợp với thời đại dân chủ ngày nay hay không?! Người Việt Nam, miền Bắc cũng như miền Nam đã chờ một minh chúa, đã hân hoan đón mừng, và cuối cùng rồi, người ta trách oán bạo chúa sống lâu, lê dân đau khổ.

 

 

"Thi Tửu" là đôi bạn thân, hễ có thi thì phải có tửu, muốn xuất khẩu thành thi thì phải có tửu trợ hứng, dù đó là thơ tình, thơ lãng mạn, thơ cổ, thơ mới, v.v... "Cầm kỳ thi tửu" là bốn thứ tiêu khiển của người xưa.

Vũ Hoàng Chương có hai câu thơ khá hay:

Em ơi! lửa tắt bình khô rượu,
Đời vắng em rồi vui với ai?!

Lửa là để ấm lòng, tửu là để gợi hứng làm thơ. Lửa tắt là lạnh lòng, hết rượu là không còn thơ, vắng em là đời không còn niềm vui nào nữa.

Người ta uống rượu là để làm thơ, để đối ẩm với bạn bè. Hễ thèm rượu thì nhớ bạn "Nay ta thèm rượu nhớ mong ai? (Nguyễn Vĩ). Nguyễn Khuyến thì:

Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua.
Câu thơ nghĩ đắn đo muốn viết
Viết đưa ai, ai biết mà đưa?!

Do những lẽ đó, thơ PXS đầy những rượu là rượu, mới đọc qua đã thấy mùi... men

Không mấy khi PXS uống rượu một mình mà luôn luôn với ai đó, mời ai đó uống rượu cùng ông, hay ông tự tưởng tượng ra người bạn rượu đang uống cùng ông. "Chén rượu mời người" là tên một tập thơ ông in chung với Dư Mỹ.

Ngay sau bài thơ đầu trong tập ĐDTĐN, "gởi cho vợ hiền" là bài "uống rượu với người lính Bắc phương." Dù là kẻ thù Bắc phương hay bạn hiền ở Nam phương, đối với ông, điều đó không quan trọng. Vậy thì ông uống rượu với kẻ thù hay bạn bè để làm gì: Tìm sự đồng cảm, tâm sự. Người lính là người lính, dù bên nầy chiến tuyến hay bên kia, người từ thiên kim vạn cổ hay đang sống quanh đây, cũng cùng một nỗi sợ hãi như nhau - ‘Kỷ kiến hữu nhân hồi.’- PXS không nói bóng bẩy như vậy mà trần tục hơn, thực tế hơn và đau xót hơn:

 

thằng lính nào mà không rét lúc ra quân,
khi xung trận mà không té đái.

Một đêm tôi theo trung đội phục kích ngoài rìa mật khu Trà Tiên, trên "Kinh Kháng Chiến" của đường giây 1C, đường Cọng Sản chuyển quân từ Kampuchia qua U-Minh. Nửa đêm, cở một trung đoàn Việt cọng chuyển tới. Lực lượng chúng quá đông, di chuyển không cần giao liên. Bọn chúng tôi thấy địch đông quá, nằm im, không dám gây động tĩnh, không dám nổ súng. Một trung đội làm sao chống lại một trung đoàn, dù chúng tôi đang ở thế "địa lợi." Nỗi sợ hãi lớn quá, từng giây từng phút mong cho địch quân qua cho chóng, đừng nói là té đái như PXS mà còn gì hơn thế nữa cơ. Những người ở hậu tuyến, dù là lính cũng ngày hai buổi như công chức, chưa từng đối diện với địch, hiểu làm sao nỗi đau thấm thía của những người lính xung trận hằng ngày, hiểu làm sao được, thông cảm làm sao được nỗi sợ hãi của một con người ngoài chiến trận, dù ở chiến tuyến nào, những con người không biết "ngày mai ra trận ta còn sống" hay không. Thông cảm đưọc nỗi đau, nỗi sợ hãi, yêu thương và nhung nhớ của kẻ thù như PXS, phải là người thông minh và lòng đầy nhân ái:

người yêu của bạn ở ngoài phương Bắc
giờ nầy đang hối hả tránh bom
hay thẫn thờ dõi mắt vào Nam
để chờ nguời yêu mình trở thành liệt sĩ

Những người chống Cọng ở miền Nam có ai hiểu như ông, thông cảm kẻ thù như ông, và ngay chính bọn ngồi ở Bắc bộ phủ, có tên nào hiểu được tâm tư người lính của chúng như PXS. "Chí nhân" mà Nguyễn Trãi nói chính là ở đây! Đó là kim chỉ nam trong cuộc sống của PXS, là điều làm cho PXS và đồng đội ông chống lại kẻ thù mà không hận thù.

Từ đó, cái rượu, cái say của PXS rất khác đời. Nó không bình thản và khinh đời, khinh người như Nguyễn Bỉnh Khiêm:

 

Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp
Nhìn xem phú quí tợ chiêm bao

Hay là thú chơi "cầm kỳ thi tửu" như Nguyễn Công Trứ, Cao bá Quát, cũng không là "nhậu chết bỏ" như kẻ ít học. Rượu với ông là nỗi đắng cay, chua xót, hờn tủi, đau đớn, day dứt của những con người, khi ở lính thì "chuyện sống chết là chuyện trầm kha, đâu dễ gì thoát vòng sinh mệnh." với một kiếp người thì thấy mình "ta mạt kiếp kẻ bất phùng thời." "thời nhiễu nhương chim lạc chim hồng, cũng đành phải bỏ trời xếp cánh," thấy đời chỉ là hư danh "... ta uống cho say đã, một chút danh rồi cũng tiêu ma." với quê hương thì "thân rã rời hồn xiêu phách lạc, mê man mù tịt cõi đi về." hay "thẹn mặt với cố hương." Trong nhiều bài thơ khác nhau, ông uống rượu, tu rượu, nói quàng, cải vã vì "máu Quảng Nam ta hơi thô lỗ, vài ba chén rượu đã cải càng" cũng không ngoài nỗi đau của người lính, của con người có hoài vọng, nuôi chí lớn mà cuối cùng, chỉ là kẻ sa cơ.

*

Cũng không thể bỏ qua cách dùng tiếng lóng, tiếng tục trong thơ PXS. Ngày trước Văn Cao dùng chữ "bầy chó" trong bài "diệt Phát xít" (Diệt bầy chó đê hèn của chúng) hay Thế Lữ dùng chữ "mặc kệ" trong bài Khách Chinh Phu (Điềm nhiên mặc kệ con người vớ vẫn) đã là hay. So với thơ PXS ông dùng tiếng lóng hay hơn và tài tình hơn nhiều:

 

Thằng lính nào không rét lúc ra quân.
Khi xung trận mà không té đái
... ... ... ...

Chữ "té đái" rất hay, nó diễn tả cái sợ (sợ té đái) dù trần tục đấy nhưng là một thực tế rất hiển nhiên, ai cũng có, ai cũng hiểu, dễ gây thông cảm và buồn cười cho người đọc.

ta chán lắm rồi ba chuyện ruồi bu

Chuyện ruồi bu là chuyện vô giá trị, dơ dáy, như bầy ruồi bu miếng thịt ôi, cục xương không ăn được mà người ta vất đi, như con chó con mèo chết trôi trên sông. Chuyện đó rất tầm thường, chỉ một cái xua tay là bầy ruồi bay đi. Cái gì mà PXS gọi là ruồi bu ở đây? Chính là chủ nghĩa Mác-Lênin đấy:

để đôi bên nuôi mầm mống hận thù
ta chán lằm rồi ba chuyện ruồi bu,
chỉ có bạn có ta là người thua cuộc.
(urvnlBp trang 11)

Cái mà PXS gọi là "chuyện ruồi bu" ấy thì người Cọng Sản tôn vinh làm "đỉnh cao của trí tuệ loài người." Bọn ngồi ở Bắc Bộ phủ nghĩ sao về quan điểm của PXS đối với chủ nghĩa Marx-Lenin mà họ tôn sùng?

rừng thẳm bể khơi tan xác như chơi
địch cũng ớn mấy tay liều mạng
đời cũng chê mấy đứa dỡ hơi
nhớ làm chi ba cái chuyện tử sinh
ngụy thời ta, ông kể như đồ bỏ
chuyện cơm áo lo tối mặt phờ râu

Đưa tiếng lóng vào thơ là một điều khó, mà cách dùng tiếng lóng của PXS lại rất tài tình, bao giờ cũng phảng phất một chút đùa vui mà khinh mạn.

Thế còn giai nhân thì sao?
"Giai nhân tự cổ như danh tướng,
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu."

Phạm Thái trở thành cuồng sĩ vì bất phùng thời hay vì mối tình tan vở với Trương Quỳnh Như như ông gởi gắm trong "Sơ Kính Tân Trang"? Từ Hải há không phải chết đứng giữa trận tiền vì lời ngon ngọt của Thúy Kiều hay sao? Than ôi! "Chí lớn trong thiên hạ chứa không đầy đôi mắt giai nhân." Thâm Tâm thì than "Ly khách! Ly Khách!, con đường nhỏ, Chí lớn chưa đầy bàn tay không!"

Chí lớn và Phạm Thái, Khoa Hữu có mấy câu thơ thật chí lý:

Da ngựa bọc thây đường dong ruỗi,
Da ngựa hay là áo tiểu thư?

Rõ ràng hơn, Khoa Hữu viết:

Mài gươm bén, vá trời lấp biển
Chí một đời, đổi một Quỳnh Như
(Phạm Thái ơi bằng hữu- Khoa Hữu)

Thế PXS không vì cái gọi là "chút tình" (trang 130) hay đi "theo em lên chùa" (trang 125), "xa người" (trang 117), "mời em uống rượu" (trang 105), v.v... mà lỡ mất một thời. Tài tử và giai nhân là sự ràng buộc vô thường và vô cùng chặt chẽ, đâu có dễ gì ai gở cho ra.

Trần Tế Xương là nhà thơ nổi tiếng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 tự cho rằng mình là người lỡ làng trong cuộc sống, từ việc thi cử cho tới công danh sự nghiệp. Ông sống và vui chơi đều nhờ vào một tay vợ ông. Cái lỡ của một kiếp người là nỗi đau triền miên cho các nhà văn nhà thơ.

Với PXS, ông không chỉ lỡ chuyến tàu năm hai ngàn, "người lữ hành, lỡ chuyến tàu năm 2000’ -trang 107) mà còn là kẻ lỡ cuộc đời, lỡ danh phận, lỡ sự nghiệp. Không biết ông có lỡ duyên phận, lỡ chuyến đò? Ông đến Mỹ với một hành trang "cổ lỗ" của thánh hiền từ hai ngàn năm trước, với những tứ thư, ngũ kinh, nhân nghĩa lễ trí tín của "mấy ngàn năm văn vật chất đầy," Nhưng ở cái xã hội máy móc điện tử ngày nay, con người đang trở thành một thứ nô lệ cho khoa học điện tử -thử hỏi nếu các máy điện tử bị con bọ năm hai ngàn làm cho "down" hết thì nước Mỹ sẽ ra sao, hay mọi thứ cũng như con người đều bị "chết đứng" như Từ Hải- thì "chữ nghĩa thánh hiền... " mà bao năm giữ ngọc gìn vàng, tiếc một đời mài dũa từng trang, cũng đành bỏ bên lề quý quốc." Ngay chính nơi sản sinh của nền đạo đức ấy, đã bị cái gọi là cuộc "Đại Cách Mạng Văn hóa" của Mao Trạch Đông đẩy nó xuống tận bùn đen rồi thì ở nước Mỹ nầy, nơi mọi thứ đều chỉ là business, ai có thể thấy nó có lợi ích để đưa lên vị trí chiến lược trong việc thúc đẩy và phát triển xã hội Mỹ?

PXS đã lỡ làng, ngay ở quê nhà, cứ chi là ở đây, đất lạ xứ người mà ngay cả mặt văn hóa, thứ ông đã ì ạch mang theo đến đây, nhiều khi đối kháng dữ dội với chủ nghĩa cá nhân, với con người và xã hội Âu-Mỹ.

PXS chịu thua chăng, mặc dù ông là kẻ thua triền miên trong cõi đời nầy. Không những ông thua một trận mà thua nhiều trận, thua trên chiến trường đã đành, còn thua trên chiếu rượu, thua ở trận đánh cuối cùng để buông súng mà chạy vào tận... "trường" cải tạo, "trường" tù, thua trong chí lớn, thế mà ông vẫn không... chừa, vẫn còn một hoài vọng, một thiết tha, không cho đời nay thì cho...đời sau. Đó chính là cái "hay cãi" của Quảng Nam, cái gan lì của Quảng Nam, của những người chịu buông súng mà không buông chí lớn vậy. Ông quay về "nói chuyện với những người sinh vào thiên kỷ mới." Tôi không nghĩ là ông "nói chuyện" mà chính là bày tỏ, gởi gắm, nhắn nhủ, tâm sự với người đời sau.

Ngày xưa, Nguyễn Du sợ ba trăm năm sau đời không còn ai khóc mình (*). PXS không khóc cho ông, cũng không sợ người đời sau không khóc cho ông, ông chỉ muốn nói cho kẻ hậu thế thấy điều ông đã thấy. Ông thấy Chúa chịu đóng đinh trên thập tự giá, nhưng hai ngàn năm qua rồi, nhân loại vẫn còn chìm đắm trong đọa đày đau khổ. Ngay ở thế hệ ông thì "... tràn ngập oán hờn, tranh giành nhau những điều không thật." Không thật tức là giả dối: Độc lập giả dối, Tự do giả dối, Bình đẳng giả dối, Hạnh phúc giả dối; cái giả dối bậc nhứt trong các thứ giả dối đã có từ xưa, kể cả Machiavel, Vệ Ưởng, Tào Tháo, Lưu Bị cọng lại cũng không bằng. Cái giả dối ấy đã đánh lừa cả một nửa nhân loại. Một nửa nhân loại phất cờ giống trống chạy theo để cuối cùng nhận ra rằng đó chỉ là "một thứ thậm xưng."

Dù gì chăng nữa, PXS cũng còn ôm một giấc mơ, giấc mơ "cửa Khổng sân Trình", giấc mơ "Xuân Thu Chiến Quốc", giấc mơ Nghiêu Thuấn thiên hạ thái bình, giấc mơ học hành không phải để cưỡi cổ đè đầu thiên hạ mà:

"đem sở học để bình thiên hạ,
mang tâm huyết dựng nên nghiệp cả,

và không cần đến bạo lực, dù là một thứ mệnh danh là "Bạo lực Cách mạng":

"cớ sao phải động đến đao binh."

*

Ở hải ngoại, tôi may mắn có dịp đọc nhiều tập thơ, phần đông nói về tình yêu quê hương, yêu Mẹ -Mẹ và quê hương, theo tôi nghĩ, chỉ là một- nói về hào khí dân tộc, về các chiến sĩ anh hùng vị quốc vong thân của miền Nam trước đây, nói về sự tàn ác vô cùng của Cọng sản. Thơ PXS đa dạng hơn, tâm sự ông cay đắng hơn, ngỗn ngang hơn vì chính ông là người trong cuộc, người thua cuộc. Ông bước vào đời thiết tha với những thần tượng của tuổi thanh xuân, những thần tượng có lẽ ông chưa nói hết trong thơ ông, từ Kinh Kha, Ngũ Tử Tư, cho tới hình ảnh chinh phu trong Chinh Phụ Ngâm "Săn Lâu Lan rằng theo Giới Tử, tới Man Khê bàn sự Phục Ba, Áo chàng đỏ tựa ráng pha, Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in" và ngay cả anh chàng Dũng trong "Đôi Bạn", một người cách mạng với chí lớn nhưng không kém lãng mạn tiểu tư sản trong tình yêu, hay chính tác giả của tập truyện ấy, Nhất Linh, người viết di chúc chì vỏn vẹn có mấy câu "Đời tôi để lịch sử xử... "

PXS còn gì trong cõi đời nầy? Tình thủy chung và biết ơn vợ hiền, điều đó đã rõ, nhưng với khí phách của người đàn ông kia, mà lại là người Quảng Nam kia, thì ông còn gì? Không còn gì cả ngoài những nỗi niềm chua xót đắng cay ông gởi trong thơ. Không, không phải thế mà hết đâu, ông còn đấy chứ. Đó là:

 

Ta còn người, còn lưng vò rượu,
Ngất ngưỡng ngồi thất chí mà ca
(Phạm Thái ơi bằng hữu- Khoa Hữu)

Ước chi có ngày nào đó, ngồi mà "ca" với ông

Suy cho cùng, đọc xong tập thơ 50 bài của PXS trong ĐDTĐN, người đọc thấy trước kia rồi mai đây, trên con đường đời dài vô tận và hun hút, lạnh lẽo với bao nhiêu nỗi đoạn trường, còn hơn cả tiếng kêu thảng thốt xót xa của Nguyễn Du trong "Đoạn trường Tân thanh", trên chuyến hành trình xa dịu vợi đó, mặc dù sống trong dòng người đông đảo, nhộn nhịp, vui tươi, náo nhiệt trên chuyến xe đời ở quê nhà thân yêu hay ngỡ ngàng nơi xứ người xa lạ, ngó đi ngó lại, PXS cũng chỉ thấy có mỗi một mình ông.

 

Hoànglonghải/tuechuong

 


(*) Quảng Nam tính chung, theo địa lý thời các chúa Nguyễn, từ Hải Vân tới Sa huỳnh

(*) Bất tri tam bách dư niên hậu,

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

Có người dịch là:

Ba trăm năm lẽ qua rồi,

Trên trần nào biết còn ai khóc mình

Trái với Tào Tháo, Lưu Bị thì hay nói điều nhơn nghĩa, câu nói hay nhất của Bị là khi gần chết, ông dặn con: "Chớ thấy việc ác nhỏ mà làm, chớ thấy việc thiện nhỏ mà không làm." Bị luôn luôn chủ trương điều thiện, thậm chí đặt tên con cũng là Thiện (Lưu Thiện) nhưng người ta cho rằng lắm khi Bị giả dối: Bị cho rằng Lưu Chương là bà con của Bị, không nghe lời khuyên của Khổng Minh chiếm đất của Chương nhưng sau Bị lại làm điều ấy. Sau trận Đương Dương Trường Bản, Bị bồng ấu chúa mà quẳng xuống đất, nói: "Vì mày mà ta suýt mất một danh tướng." (Ý nói Triệu Tử Long) Câu nầy cũng là câu xạo nhất thiên hạ vì ai cũng nghĩ rằng Bị thương con hơn thương Triệu Tử Long. Tuy nhiên, nhờ câu nhơn nghĩa giả đó mà suốt đời Triệu Tử Long xông pha gươm giáo hy sinh cho Bị.

 

Ngũ phụng tề phi :

Khoa thi Hội năm Mậu Tuất (1898),Thành Thái năm thứ 10

Lấy 18 tiến sĩ và phó bảng, Quảng nam chiếm hết 5, gồm có:

1)- Phạm Liệu, (Điện bàn), Tiến sĩ

2)- Phạm Tuân, (Điện bàn), Tiến sĩ

3)- Phan Quang, (Quế Sơn), Tiến sĩ

4)- Dương Hiễn Tiến, (Điện Bàn) Phó bảng

5)- Ngô Lý, tên thường gọi là Chuân,(Điện bàn), Phó bảng

Con cháu các dòng họ này về sau hiễn đạt, họ Phan (Quế sơn) trước 1945, có nhiều người đậu Tú Tài (Tây) nên địa phương có câu tục ngữ: ‘Tú tài họ Phan như khoai lang Trà Đõa.’ (khoai lang Trà Đõa nổi tiếng sây củ. Sử gia Phan Khoang, nhà văn Phan Du thuộc dòng dõi nầy. Cụ Dương Phương, bố Dương Tiến Đông, Dương Tiến Tây thuộc dòng Dương Hiễn Tiến). Dòng Ngô Lý (ngụ cư, không phải gốc QN, sau này bị yễm, con cháu không ai nổi tiếng).

Tài liệu này do cụ Trần Được, nghĩa tế cụ Võ Úy cho.