ĐI TÌM MỘT HẠNH PHÚC

 

Hôm nay thì thật sự đánh dấu ngày cuối cùng trong đời tôi, cái ngày mà tôi sẽ không bao giờ còn được thấy mặt mẹ của tôi nữa. Mẹ tôi mất sớm hơn dự đoán, sau khi khám nghiệm với chứng bịnh ung thư, mặc dù bác sĩ cho biết rằng mẹ tôi ít ra sẽ sống cũng thêm được hơn một năm. Đám hỏi của tôi và Huấn tám tháng trước đây, ngay lúc mẹ tôi vừa ngã bịnh. Bây giờ thì tôi không còn tha thiết gì với cái đám cưới với Huấn trong hai tháng sắp tới nửa, ngày 12 tháng 6 có lẻ là ngày không tốt gì cho lắm. Tôi không hình dung được tôi trong chiếc áo cưới trắng tinh đứng bên cạnh Huấn.

 

Trong buổi lễ mai táng mẹ tôi, ông mục sư chủ lễ nói “người đàn bà này đã sống một cuộc sống trọn vẹn trong Chúa, cũng như suốt đời đã tận tụy hy sinh cho chồng, cho con. Bởi duyên là giả dối, sắc là hư không, nhưng người nữ nào kính sợ Chúa sẽ được khen ngợi. Hơn hai mươi năm, cuộc đời có khác, khung cảnh có khác, xã hội có khác. Nhưng tấm lòng của những người mẹ Việt Nam như người đàn bà này muôn đời vẫn vậy. . ." Tôi nhìn chăm chăm vào cái quan tài của mẹ, tôi nghĩ "mẹ không bao giờ muốn tôi sống đời với một người đàn ông như Huấn.".

 

Huấn hỏi tôi có muốn Huấn qua dự đám tang của mẹ tôi không. Ngày thứ năm đưa đám mẹ cũng là ngày anh có buổi họp quan trọng với một công ty rất nổi tiếng, một hợp đồng lớn sẽ được hoàn tất và cần sự có mặt của Huấn. Huấn còn nói, "xong xuôi anh sẽ về thăm em vài ngày, dù gì mẹ em mất thì là chuyện mà ai cũng biết sẽ xảy ra.". Tôi nói, "nếu anh bận không về cũng được, em sẽ cho gia đình hay."

Và Huấn đã không đến. Huấn không biết rằng tôi nói vậy chỉ bởi tôi hờn lẫy anh. Lý ra, anh phải biết tự lựa chọn những gì cần phải làm, đáng lẽ ra anh không cần phải hỏi tôi có muốn anh qua dự đám tang của mẹ tôi hay không?

 

Xong buổi tang lễ, mọi người về nhà tôi trò chuyện, ăn uống. Tôi và ba tôi lo tiếp khách trong lúc dì Tâm lo dọn những mân thức ăn, giải khát. Tôi gặp Linh và ôm Linh. Linh là con của gia đình bác Thành, bác Thành và ba mẹ tôi là bạn rất thân từ Việt Nam, cho nên tôi và Linh đã như hai chị em. Chúng tôi đã lớn lên với nhau, theo học chung bậc trung học, rồi đến bốn năm đại học. Linh theo học ngành pre-med dự bị Y, còn tôi theo ngành chính trị học để chuẩn bị vào Luật. Tôi vào luật được một năm thì Linh không tiếp tục học nữa và lấy chồng.

- chừng nào Hạnh trở lại trường?

- Chắc khoảng hai ngày nữa.

Tôi kéo tay Linh vô phòng

- Hạnh sẽ từ hôn với Huấn. . .

- Ngày xưa bác cũng đã không mấy đồng ý chuyện của Hạnh và Huấn rồi. Bây giờ Hạnh nói vậy thì Linh cũng không cản Hạnh đâu. . .

- Linh không muốn biết lý do?

- Theo Linh thì nếu cái gì thấy không ổn thì Linh thôi ngay, dù cho cái lý do đó có mơ hồ, không rõ rệt đi nửa.

 

Tôi quen Huấn cùng thời gian Linh gặp và yêu Trí. Nhưng Trí và Huấn thì khác biệt nhau. Ở Huấn, yêu tôi nhưng Huấn vẫn luôn xem công việc và danh vọng của anh là đầu tiên và là trên hết. Cho nên cái gì của tôi là của tôi, Huấn không cần biết đến. Huấn độc đoán cho rằng anh sẽ thành công trên con đường công nghiệp của anh, và tôi sẽ học giỏi ra trường và cũng sẽ thành công, lúc ấy thì tha hồ cuộc sống phủ phê muốn gì sẽ có nấy.

Linh đột nhiên nói:

- Trí muốn có con.

- Còn Linh thì sao?

- Linh cũng không biết nửa, không sốt sắng chi cho lắm.

- Hai người có hạnh phúc không?

Linh cười :

- Hạnh phúc là sao Linh không biết? Cứ gây nhau, cãi nhau rồi yêu nhau, nói câu nặng, câu nhẹ rồi ôm nhau mà ngủ.

Tôi ngạc nhiên:

- Thiệt vậy sao Linh?

Linh cười:

- Hạnh không nhớ mẹ Linh thường kể cho mẹ Hạnh, và cho mình nghe sao, ngày xưa ba mẹ Linh cãi nhau, ghen nhau như cơm bữa, rồi chuyện gì cũng xong, khi cái tuổi nó qua. Miễn sao mình biết lúc nào cần phải dịu dàng, lúc nào cần phải nhường nhịn, hay khi nào cần phải nóng giận thì nên nóng giận, có vậy thôi.

Tôi đã dư biết những chuyện như vậy rồi, ngay từ lúc tôi và Linh còn rất nhỏ ở Việt Nam. Ba tôi và ba Linh ngày xưa là bạn ở cùng xứ, cùng vào trường sĩ quan, cùng làm chung một binh chủng. Mẹ tôi và mẹ Linh là bạn thân tự lúc cả hai còn là nữ sinh viên. Tôi sinh sau Linh 2 tháng, chúng tôi đã trở thành thân thiện như hai chị em ruột. Tôi nhớ ba tôi thường gọi mẹ Linh bằng cái tên Ngọc và ba Linh cũng gọi mẹ tôi bằng tên nghe rất thân mật và gần gũi.

 

Bác Ngọc có tiếng là nấu ăn rất ngon, còn mẹ tôi thì dịu dàng từng lời nói. Những lần ba mẹ Linh gây gổ thì có mẹ tôi đứng giữa, có mẹ tôi thì ba Linh dịu xuống ngay, mẹ tôi nói gì ba Linh cũng nghe hết. Rồi mọi chuyện cũng xong. Mỗi lần ba tôi bị bịnh thì bác Ngọc nấu cháo cá thật nhiều gừng và hành tiêu thật nồng đem qua nhà cho ba tôi. Rồi bác Ngọc cùng mẹ tôi ngồi một bên nhìn ba tôi ăn. Những lần như vậy, chỉ có mỗi bác Ngọc là người xỉ vả ba tôi thôi "anh cứ đi chơi cho nhiều rồi về mà hành hạ người khác". Tôi không hiểu bác Ngọc nói người khác là ai đây nữa, mẹ tôi hay cả bác Ngọc? Mẹ chỉ cười hiền, hình như lúc ba bịnh, tôi thấy mẹ tôi có vẻ yên tâm và vui hơn. Tôi thương những kỷ niệm thành thật đó thật nhiều.

 

Rồi khi qua đến Mỹ, nhờ hội Hồng Thập Tự đã giúp hai gia đình chúng tôi tìm gặp lại nhau. Lúc đó, gia đình Linh ở tận bên Chicago, ba tôi đem cả gia đình sang thăm ngay sau khi có được liên lạc. Gặp nhau ai cũng mừng ra nước mắt. Vài tháng sau, ba Linh cũng mang cả gia đình sang Cali thăm chúng tôi. Tôi nhớ ba tôi nói “anh nhớ món cua rang muối, món bò tái chanh của Ngọc nấu cho tụi anh nhậu. Hay là mình dọn về ở gần nhau cho vui, hai người thấy sao? Tụi này dọn sang Chicago cũng được.” Mẹ Linh nói, “tụi em dọn qua đây cũng không sao". Sau cùng ba hỏi "Hạnh và Linh thích ở đâu?". Linh nói muốn về Cali ở cho có nắng ấm. Vậy là gia đình bác Thành dọn về ở gần chúng tôi. Hai gia đình thân như xưa cho tới ngày mẹ tôi mất. Tôi nhớ những kỷ niệm nhường nhịn nhau đó thật nhiều.

Linh nói tiếp:

- Bây giờ già rồi, ai cũng mệt mỏi hết nên không còn muốn lời vô lời ra nữa. Linh với anh Trí cũng như ba mẹ ngày xưa vậy thôi.

- Anh Trí chìu Linh lắm.

- Anh Trí thì lúc nào cũng chỉ muốn đổi chác thôi. Anh bảo Linh nên nhường anh để anh vui vẻ mà thương yêu Linh.

- Có vậy còn hơn là sống với nhau mà như xa vời. . .

Tôi lại nhớ lúc còn ở trung học, những mùa hè đi cấm trại ở tận trên ngọn núi Big Bear Lake. Nói cấm trại chớ thật ra thì hai gia đình mướn một căn cabin đầy đủ tiện nghi ngay trên ngọn đồi thông nhìn xuống hồ Big Bear, gần mây trời và gió mát. . . Phần tôi và Linh giăng một cái lều nho nhỏ ngoài sân ngay bên cạnh cabin. Tối đến bác Ngọc thường nấu chè rồi mang vô lều cho hai đứa tôi. Những đêm trăng sáng, Linh và tôi mỗi đứa xách một cây đàn guitar xuống bên bờ hồ, đàn những khúc nhạc không đầu không đuôi rồi nghiêng ngả ra cười với trăng với nước. Có những buổi chiều nắng nhẹ, ba tôi và bác Thành đi câu cá bên bờ hồ. Mẹ tôi và bác Ngọc ngồi từ cabin nhìn xuống bờ hồ nơi ba tôi và bác Thành đang câu cá, mẹ kể chuyện về ngày xưa ba tôi đào hoa lắm nên nhiều cô theo, nhưng mẹ vẫn thản nhiên. Và rồi ba tôi cũng quay trở về. Tôi thương những hình ảnh gần gũi đó vô cùng.

 

Tôi biết tánh tôi giống mẹ lắm. Bởi vậy lúc quen Huấn tôi đã không hối hả đòi hỏi những gì tôi muốn Huấn làm cho tôi. Tôi giấu kín những ước mơ của tôi muốn với Huấn. Huấn thì không mảy may lo nghỉ gì ngoài những thành công trong công việc và cái cao ngạo ngút trời của người đàn ông phương đông. Dần dần tôi thấy Huấn với tôi hình như càng ngày càng xa như hai bến bờ thăm thẳm. . .

Trí gõ và đẩy cửa bước vào:

- Hạnh và Linh okay?

- Anh Trí vô đây chơi, lâu quá tụi em mới gặp nhau, hình như từ ngày Linh với anh lấy nhau, mới đó mà gần ba năm rồi.

- Hạnh cũng chỉ còn có hai tháng thôi, áo cưới đã xong xuôi hết chưa? Tháng sau lo gởi thiệp đi là vừa rồi.

- Hạnh không lấy Huấn nửa đâu anh.

- Sao rồi? Giận Huấn không về đưa đám bác phải không?

- Hạnh cũng không biết phải cắt nghĩa làm sao với anh nửa. Hạnh với anh Huấn, năm năm quen nhau cũng như năm năm của anh với Linh, nhưng tình yêu giữa Hạnh và anh Huấn thì quá phẳng lặng, không giận hờn, không một lần cãi vã, không một lời hằn học, không một đêm mất ngủ. Hạnh không có cái gì về anh Huấn để Hạnh nhớ cả, và chắc anh Huấn đối với Hạnh cũng vậy. Ngay cả những lúc gần gũi nhau, không một cữ chỉ sôi động nào từ Huấn để Hạnh thấy tình của Huấn nồng nàn cho Hạnh cả.

- Anh không hiểu nổi Hạnh. Người đàn ông nào mà không mơ ước một cuộc đời như vậy, vợ chồng không gây gổ cãi vã thì còn gì cho bằng. Em điên rồi Hạnh ơi. . .

Tôi cười nhìn Trí, quen Trí và Linh lâu ngày rồi nên tôi không giận. Hay tại tôi đã quen rồi cái nhường nhịn quá độ của tôi đối với đàn ông. Như mẹ tôi đã nhường nhịn ba tôi trong những tháng năm, như tôi đã năm tháng chịu đựng Huấn? Linh nói:

- Linh hiểu ý Hạnh. Anh cũng không hiểu tánh ý gì của em đâu?

- Nhưng anh yêu và hi sinh cho em nhiều lắm.

Linh xỏ xiên:

- Tại em ngu nên mới lấy anh lúc đó. Nếu đợi thêm vài năm nửa chắc chắn em đã không lấy anh đâu.

Trí mỉn cười:

- Thôi cho tui xin đi bà ơi, hôm nay Hạnh có chuyện buồn, em nhịn anh một chút rồi anh thương. . .

Tôi mỉn cười nhìn Linh và Trí:

- Đôi khi tình yêu có lúc cần phải có những sống động như vậy, hay ít ra mình cũng biết nó còn âm ỉ như hỏa diệm sơn, đằng này tình yêu của Hạnh với Huấn nó bằng phẳng quá, dù một chút ngấm ngầm cũng không.

- Hạnh cứ nhớ là bất cứ quyết định nào của Hạnh thì Linh cũng đồng ý cả ok. Thôi Linh phải đưa mẹ về trước, phải đi trả mấy khay đồ cho nhà hàng. Hạnh nên nghỉ một tí đi.

 

Tôi suy nghĩ hoài, một ngày nào đó khi tôi trở thành một luật sư tài giỏi. Tôi có sẽ tìm được những lý do để tôi biên hộ cho chính tôi, rằng tôi sẽ sống với Huấn như vợ chồng ngang hàng nhau? mà vẫn kính nể nhau? mà vẫn yêu thương nhau? Tôi nghĩ về Huấn, về chuyện sẽ nói cho Huấn nghe, về những tình cảm thân thiết của ba mẹ Linh, về chuyện ba tôi đào hoa, về chuyện ngày xưa của hai gia đình, về những chén cháo cá gừng nồng mùi hành tiêu của bác Ngọc, về lý do tại sao gia đình Linh dọn về Cali ở gần bên chúng tôi, hoặc tình vợ chồng của Linh và Trí. Đột nhiên tôi cảm thấy tôi cần phải nói chuyện với Huấn ngay.

 

Tôi cầm điện thoại và gọi cho Huấn. Huấn ngọt ngào thăm hỏi tôi về những ngày qua, về đám tang của mẹ tôi? Về sức khỏe của ba tôi? Tôi trả lời tất cả những câu hỏi của Huấn. Tôi cảm thấy tôi không có đủ can đảm để nói cho Huấn những cảm tưởng trong lòng tôi, nếu vậy thì làm sao tôi có thể lấy Huấn và sống với người chồng mà tôi không có một chút thú vị để tâm sự? Tôi thấy tôi khổ sở nếu phải làm Huấn đau lòng, nhưng tôi không thể lấy Huấn vì chỉ không muốn làm Huấn buồn khổ.

- Chắc Hạnh có những ngày buồn lắm phải không?

- Dạ, hôm nay là ngay buồn nhất của em. Nhưng em còn chuyện buồn hơn nửa anh à, em không thể nào lấy anh được. Em biết chuyện này không thể nào dễ dàng nói qua điện thoại. . .

Tôi không biết mình phải nói gì thêm nửa.

- Hạnh, lúc anh qua mình sẽ bàn lại chuyện này. Anh biết Hạnh đang rối trí vì đám tang của mẹ. Vì những ý tưởng của mẹ trước khi mất. Mình sẽ tìm những cách khác để có thể sống được bên nhau.

- Em biết rằng anh đang nghĩ bởi vì mẹ, và chuyện mẹ em mất. Nhưng không hoàn toàn như vậy đâu anh, em thật sự không muốn mình lấy nhau nữa.

Tôi và Huấn yên lặng thật lâu, cuối cùng anh lên tiếng:

- Anh không hiểu nổi Hạnh. Thiệp cưới và mọi việc đã xong hết rồi.

 

Tôi biết những gì tôi nghĩ về Huấn là đúng. Phải chi anh nói "anh không cần biết em nói gì, anh không cần hiểu em muốn gì, anh sẽ ra phi trường lấy vé và bay qua em ngay bây giờ, anh vẫn quyết xin cưới em rồi mặc cho mọi chuyện sẽ tính sau" có lẻ tôi sẽ khóc nức nở và đổi ý của tôi ngay.

 

Tôi cúp điện thoại, bước ra phòng ngoài. Như có hai đám tang trong cùng một ngày.

Hình như mọi người đã ra về hết, chỉ còn ba Linh và ba tôi ngồi nơi bàn ăn. Tôi lên tiếng:

- Con mới từ hôn với anh Huấn.

- Hả?

Cả ba tôi và bác Thành cùng lên tiếng.

- Con nói với anh Huấn là cả hai cách nhau xa quá trong tình cảm, sẽ không làm cho ai được hạnh phúc đâu.

Hình như đó là ý mà tôi muốn nói với Huấn lúc nãy. Ba ôm tôi:

- Con đừng buồn, mất đi một cái gì cũng làm mình đau lòng, nhưng ba biết con đã suy nghĩ kỹ rồi, con không làm bởi một phút bốc đồng. Ba mẹ biết con đi tìm hạnh phúc không phải chỉ cho riêng một mình con, mà cho cả ba mẹ, và cho hai bác đây nữa. Con không sống ích kỷ cho riêng con đâu, cũng như mẹ đã khổ vì ba những năm tháng qua.

Quay qua bác Thành, ba tôi nói tiếp:

- Hạnh nó dám làm những gì nó thấy là phải. Nhà tôi cũng đã thấy việc này từ lâu rồi, bà vẫn nói với tôi, để ông coi con Hạnh nó sẽ không lấy thằng Huấn đâu.

- Lệ hình như bao giờ cũng đúng, ngay cả việc giữa tôi và Ngọc ngày xưa, Lệ cũng đúng.

Lâu lắm rồi tôi mới nghe bác Thành gọi tên mẹ tôi, ba tôi cười:

- Lệ lúc nào cũng đúng, cũng sáng suốt, không như tụi mình.

Ngước nhìn hình mẹ tôi ngày còn trẻ treo trên tường rồi mỉn cười theo ba. Tôi bước ra ngoài sân tìm một chút gió thoáng. . .

 

Hoài Bảo Anh Thư