Thú Tiêu Dao
 
Thân tặng em tôi và Ng-T.
 
Liễu rũ, tùng nghiêng hợp lẽ trời
Tiêu dao vui thú dám ai cười?
Chồng chồng đá dựng cao thành núi
Khóm khóm rêu phong, ruộng mấy người
Xa xa cò trắng bay về cội
Lửng lửng dưới ghềnh cá lội bơi
Cho hay rêu đá không cầu cạnh
Mà vẫn người tìm thú đến chơi!
 
Mà vẫn người tìm thú đến chơi
Mới hay vạn sự ở trên đời
Đa phần vọng ảo không không thực
Một chút chân mây cũng bở hơi
Chẳng biết đào hồng hay liễu thắm
Huống gì nước biếc với trăng soi
Tâm không tự tại, duyên căn nặng
Lục thập niên dư chửa thảnh thơi!
 
Lục thập niên dư chửa thảnh thơi
Mới hay tóc bạc chẳng phải trời
Chim kia “đổi giọng”(+)đâu vì gió
Cỏ mọc, thềm hoang giấu tiếng cười.
Một lòng nhàn nhã trừ trăm thứ
Muôn vạn duyên sầu cũng ngủ vùi
“Mục đồng sáo vẳng, trâu về hết"(++)
Khỉ ngồi đối ẩm với Tiên chơi!
 
Khỉ ngồi đối ẩm với Tiên chơi,
Kể chuyện lên non, chuyện kiếm mồi
Bao phen gặp cọp giờ còn ớn
Mấy bận về làng ngán tiếng người
Cổ kim cửa đóng đâu bằng thức
Lạc đạo an bần trộm nghĩ chơi
Sáng sáng gió đưa lay nhẹ trúc
Chiều chiều thơ thẩn ánh trăng soi.
 
Lương Thư Trung
Boston, ngày 21-10- 02
 
(+) Chữ dùng của Thượng Tọa TUỆ SỸ, trong câu thơ sau:
“Rồi một sáng nghe chim rừng đổi giọng”
(++) Do câu thơ chữ Hán :
”Mục đồng địch lý qui ngưu tận"
trong bài thơ Thiên Trường Vãn Vọng của vua Trần Nhân Tông:
“Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên,
Bán vô bán hữu tịch dương biên,
Mục đồng địch lý qui ngưu tận
Bạch lộ song song phi hạ điền.”
 
Bản dịch của Ngô Tất Tố:
Ngắm Cảnh Chiều ở Thiên Trường
"Trước khóm sau thôn tựa khói lồng,
Bóng chiều dường có lại dường không.
Mục đồng sáo vẳng, trâu về hết
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.”