VÀNG HƯƠNG MỘNG NGỌC

 

Phạm Anh Dũng

 

Vàng Hương Mộng Ngọc là tên một tập sách của nữ sĩ Hoàng Ngọc Quỳnh Giao. Quyển sách xuất bản năm 1998 gồm có cả thơ và nhạc.

Hoàng Ngọc Quỳnh Giao tên thật là Hoàng Ngọc Quỳnh, sinh năm 1953, tốt nghiệp Trung Học Đồng Khánh tại Huế và Đại Học Y Khoa tại Bruxelles. Sau đó, Hoàng Ngọc Quỳnh hành nghề y khoa tại nước Bỉ.

Ngoài bút hiệu thường dùng nhất, Hoàng Ngọc Quỳnh Giao, nữ thi nhạc sĩ còn dùng những tên khác như Hoàng Ngọc Quỳnh, Quỳnh Ngọc Hoàng, Tiểu Quỳnh, Vương Tử Quỳnh... cho những bài thơ và nhạc đăng rải rác trên các báo Việt Ngữ trên thế giới.

Có lẽ tài hoa đáng kể nhất của Hoàng Ngọc Quỳnh Giao là thơ phú, rồi đến âm nhạc. Hoàng Ngọc Quỳnh Giao có học bốn năm ở trường Quốc Gia Âm Nhạc Huế về dương cầm.

Bài viết này chỉ bàn đến vài nét chính trong thơ Hoàng Ngọc Quỳnh Giao, đa số các bài thơ nhắc đến có trong quyển Vàng Hương Mộng Ngọc.

Thơ Hoàng Ngọc Quỳnh Giao có thể tạm chia làm thơ dịch, thơ cảm hứng từ thơ hay nhạc, thơ tự trào, thơ nhớ quê hương, thơ tình yêu và thơ về quỳnh hoa. Thật ra cách chia không được ổn lắm vì có những bài thơ được pha trộn ý tưởng, tình cảm của những loại thơ vừa bàn.

 

THƠ DỊCH

Hoàng Ngọc Quỳnh Giao dịch khá nhiều thơ, nhất là thơ Đường.

Một bài thơ khá nổi tiếng Tương Giang của Kinh Thi, nguyên tác như sau:

Nhân đạo Tương giang thâm
Vị để tương tư bạn
Giang thâm chung hữu để
Tương tư vô biên ngạn
Quân tại Tương giang đầu
Thiếp tại Tương giang vĩ
Tương tư bất tương kiến
Đồng ẩm Tương giang thủy

Hoàng Ngọc Quỳnh Giao đã dịch khá thoát và khá sát nghĩa:

 

Người bảo sông Tương sâu
Sao bằng nỗi nhớ nhau
Sông sâu còn có đáy
Tương tư bến bờ nào
Chàng ở đầu sông Tương
Thiếp mãi cuối cùng dòng
Nhớ nhau chẳng thấy nhau
Sông Tương nước uống cùng

Một bài thơ Đường của Giả Đảo là Vô Đề:

 

Nhị cú tam niên đắc
Nhất ngâm song lệ lưu
Tri âm như bất thưởng
Quy ngọa cổ sơn thu

Nữ thi sĩ dịch thành thể thơ lục bát diễn tả nỗi buồn khôn nguôi:

 

Ba năm được mỗi hai câu
Một lần ngâm chảy giòng châu hai hàng
Tri âm nếu chẳng ngó ngàng
Ta về nằm ngắm thu vàng núi xưa

Cứ như vậy, nhiều bài thơ Đường của các thi sĩ nổi tiếng như Lý Bạch, Trương Kế... đã được chuyển dịch một cách khéo léo.

 

THƠ CẢM HỨNG TỪ NHẠC VÀ THƠ

Rất nhiều bài thơ của Hoàng Ngọc Quỳnh Giao có nhan đề là những bài thơ hay nhạc nổi tiếng.

Khi nghe Buồn Tàn Thu của Văn Cao, thi sĩ đã xúc động theo thể thơ tự do:

 

" Em vẫn biết thời gian đi rồi không trở lại
Không gian biến hình cho mơ ước một thoáng tàn phai
Nhưng ngày đi đêm tới... dẫu ngày tháng mãi hững hờ
Niềm thương nhớ vẫn triền miên... dâng ngập tràn mi mắt..."

Hoàng Hạc Lâu là một bài thơ Đường nổi tiếng của Thôi Hiệu, đã được nhiều người kể cả thi sĩ Vũ Hoàng Chương dịch. Hoàng Ngọc Quỳnh Giao đã viết bài Hoàng Hạc Ca:

 

"Lòng ta như cánh hạc bay
Giữa đời hư ảo tỉnh say mộng thường
Xót xa tâm cảnh đoạn trường
Ngập ngừng đôi cánh hỏi lòng về đâu..."

 

THƠ TỰ TRÀO

Có vài bài thơ Hoàng Ngọc Quỳnh Giao đã tự đem mình ra riễu cợt:

 

"Bảo Sơn, xứ Bỉ có một người
Bạc đầu nhưng miệng vẫn còn tươi
Mực vung đôi nét thừa vẽ quỉ
Bút nghịch vài câu đủ ghẹo người..."

 

THƠ NHỚ QUÊ HƯƠNG

Cũng như hàng triệu người Việt xa quê, Hoàng Ngọc Quỳnh Giao lúc nào cũng hướng về đất nước thân yêu xa vời vợi.

Gửi Cho Em là một trong những bài thơ nhớ quê:

 

"Em có khóc trên quê người xứ lạ
Cho tủi hờn nghiêng thổn thức bờ vai
Có băn khoăn với mầu đêm buồn bã..."

 

THƠ TÌNH

Thơ tình của Hoàng Ngọc Quỳnh Giao chứa chất nhiều nỗi buồn.

Bài thơ Lối Về được bắt đầu bằng một câu hỏi... buồn:

 

"Người về đâu trong chiều xuân hoa nắng?
Tiếng nhạc lòng hò hẹn những thanh âm
Sao bước chân vẫn lặng lẽ âm thầm
Và đôi mắt chao ơí! buồn xa vắng..."

Nỗi sầu thấm thía thấy rõ trong bài Biên Giới:

 

"...Nghe những tàn phai nhòa nỗi nhớ
Nghìn trùng nhỏ lệ thoáng mưa bay..."

Nước Chẩy Qua Cầu là bài lục bát buồn ray rứt:

"Mai kia nước chẩy qua cầu
Nước thương nhớ nước có sầu nhớ thương
Em đi gió quyện mùi hương
Nắng trên suối tóc còn vương nỗi buồn..."

 

Mời nghe
Nước Chảy Qua Cầu
thơ Hoàng Ngọc Quỳnh Giao
nhạc Phạm Anh Dũng
hòa âm Quốc Dũng
Bảo Yến trình bày
Real Player
mp3 (high quality)

 

THƠ QUỲNH HOA

Đặc biệt nhất trong thơ của Hoàng Ngọc Quỳnh Giao là những bài thơ về quỳnh hoa.

Vì tên được đặt là Quỳnh, thơ Hoàng Ngọc Quỳnh Giao có rất nhiều hình ảnh, mầu sắc và hương thơm của hoa quỳnh, loài hoa chỉ nở trong một thoáng thật ngắn về đêm:

Bài thơ đầu tiên trong tập Vàng Hương Mộng Ngọc là bài Quỳnh Hoa, đóa hoa quỳnh vàng đẹp trong đêm trăng sao, nhưng quỳnh hoa chỉ nở thoáng thời gian ngắn:

 

"Đóa Quỳnh hoa giữa đêm khuya một thoáng
Điểm nụ cười hư ảo với trần gian...
...Đêm khai hội thắp trời sao lấp lánh
Thoáng mơ mòng e thẹn sáng vầng trăng..."

Mùi hương hoa quỳnh ngào ngạt ngay từ khi hoa hé nở trong bài Vẫn Thoáng Hương Quỳnh:

 

"Trinh nguyên nụ hé hồng thương tiếc
Ngào ngạt lòng thêu đậm nét sâu..."

Người yêu quỳnh hoa đã cất tiếng hát trong bài thơ có chút thiền tính Nhật Nguyệt Quỳnh Ca:

"...Chờ em trong cõi huyền không
Mong em rộn rã hương nồng tình tôi
Trăm năm muôn kiếp em ơi
Vẫn yêu em mãi vọng lời Quỳnh ca"

Và lại hoa quỳnh vàng thơm ngát, trong đêm khuya trong Dạ Quỳnh Hương:

"Em ơi đêm thơm một đóa quỳnh
Cùng em hương vương không gian
Cho ta mơ say mộng ngát tình
Quyện mầu sắc thắm môi em..."

 

 

Mời nghe
Dạ Quỳnh Hương
thơ Hoàng Ngọc Quỳnh Giao
nhạc Phạm Anh Dũng
hòa âm Quốc Dũng
Bảo Yến trình bày
Real Player
mp3 (high quality)

 

Cho đến nay, vì nhiều tác phẩm bị mất mát, Vàng Hương Mộng Ngọc là tập thơ nhạc duy nhất ghi lại được một phần những tác phẩm của Hoàng Ngọc Quỳnh Giao.

Hoàng Ngọc Quỳnh Giao từ giã cuộc đời tại Bỉ vào tháng 1, 2001 khi vừa được 48 tuổi.

 

Phạm Anh Dũng
Tháng 6, 2001
Santa Maria, California, USA