THỦY TIÊN

 

DS Trần-Việt-Hưng

 

 

Narcissus tazetta var. orientalis họ Daffodil
tên này dành riêng cho Thủy tiên Đông phương
Mỹ : Chinese sacred Lilly
Pháp : Narcisse a bouquets
Củ thủy tiên : Thủy tiên căn ( Shi-xian-Gen)
Vì hoa thủy tiên màu trắng với tâm màu vàng vươn lên từ cuống màu xanh nên còn được gọi dưới tên Kim tán ngân đài ( Chin-chan yin-t’ai).

 

Khi nói đến hoa thủy tiên, thì người VN nghĩ ngay đến một cây hoa của ngày xuân, gọt tỉa cầu kỳ với những thú thưởng ngoạn của những nhà nghệ nhân. Phương thức chăm sóc khiến cây trổ hoa đúng dịp Tết Nguyên đán đã trở thành một nghệ thuật "thưởng hoa" chưa kể đến những cách uốn cuống (cuống chung của chùm hoa) để có những hình dáng khác nhau... như kiểu vũ kiếm với cuống thẳng vút cao, kiểu thủy ba với cuống uốn cong như sóng nước, rồi kiểu phượng vũ với cuống vừa thẳng vừa cong.

Thủy tiên rất được ưa chuộng tại Trung-quốc và được gọi dưới những tên cầu kỳ như ngọc linh lung , lăng ba tiên tử. Thủy tiên tuy là loại hoa quý tại VN, nhưng là loại hoa rất thông thường tại Hoa-kỳ, nhất là ở miền Đông Bắc.

Ngoài ra có lẽ cũng rất ít người biết rằng thủy tiên còn là một vị thuốc trong Đông Dược.

 

LỊCH SỬ VÀ ĐẶC TÍNH THỰC VẬT:

Củ thủy tiên nguyên thủy Narcissus tazetta (Polyanthus narcissus) có nguồn gốc từ quần đảo Canaries, sau đó du nhập vào Trung quốc và từ Trung quốc sang Việt-nam. Riêng Nhật đã tạo được một loại hoa hoàn toàn trắng. Các nhà trồng hoa trên thế giới đã lai tạo nhiều chủng và phân biệt bằng màu sắc hoa:

Gia đình Daffodil có rất nhiều cây hoa đủ màu sắc, nhưng trong phạm vi bài này xin chỉ mô tả riêng về thủy tiên. Thủy tiên ( Trung-hoa và Việt-nam) có lẽ do lai tạo giữa 2 loài N. incomparabilis và N. tazetta.

Cây thuộc loại cỏ, to và khỏe, với củ lớn có vỏ đen bên ngoài. Lá dẹp và thẳng, dạng thuôn, màu xanh trắng. Hoa mọc thành cụm trên một cuống chung, mọc ra từ nách lá. Cuống có thể thẳng hoặc hơi cong. Hoa màu trắng hay vàng tươi, dạng hình ống dài cỡ 2cm. Hoa mọc thành nhóm 3- 4 hoa (Polyanthus: bunch-flowered) . Hoa có mùi rất thơm.

Thủy tiên còn được chia thành 2 loại tùy theo hoa: thủy tiên đơn và thủy tiên kép (loại đơn được các nghệ nhân Việt-nam ưa chuộng hơn). Người Mỹ thích loại kép với những giống như Cheerfulness (hoa trắng), golden cheerfulness.

Củ thủy tiên nhẹ, xốp, có bẹ dài và bộ rễ tương đối to dày. Có thể trồng thủy tiên trong chậu hoặc thả nổi trong chậu nước ( trồng trong chậu thủy tinh trong suốt để thưởng thức cả củ rễ của cây).

 

Trồng trong chậu: ngâm củ trong nước vài ngày trước khi trồng: thủy tiên thích hợp với đất pha cát, nên trồng vào cuối thu (tháng 11) vùi sâu chừng 7-12 cm, tưới đều đặn, nhưng không để úng. Thủy tiên mọc khá khỏe, lá xanh mướt, hoa kéo dài cả tháng, đừng cắt lá khi hoa đang nở, cứ để lá vàng và rụng tự nhiên. Có thể dùng phân bón nitro nếu cần.

Tại Hoa-kỳ, các nhà vườn có những loại thủy tiên được thúc (forcing) để nở trong mùa Đông ( vào thời gian tết ở Việt-nam). Loại đẹp nhất có lẽ là Grand Soleil d’or (mặt trời vàng). Muốn có hoa trong dịp tết có thể thúc củ theo phương pháp sau: dùng loại đất hỗn hợp (potting mix) vùi củ thủy tiên, rồi đưa chậu vào nơi mát (dưới 50 độ F), tối, đến khi củ nẩy mầm. Bắt cây sống dưới khí hậu mát và đủ ánh sáng ( có thể dùng đèn chiếu). Chỉ tưới khi đất bắt đầu khô.

 

Trồng thả trong nước: nếu thả trong nước, cần phải gọt tỉa, đặt mặt phẳng của củ xuống dưới, mặt lồi lõm quay lên trên để gọt. Dao gọt phải thật bén và có 2 đầu: một phẳng một cong; đầu phẳng để gọt bẹ, còn đầu cong để cạo bẹ. Gọt dần từng bẹ lá ở mặt lõm để cho chồi hoa nhú ra. Cần thay nước mỗi ngày. Sau khi ngâm nước 5-6 ngày thì bắt đầu uốn tỉa. Cắt bớt lá nếu cần.

 

THÀNH PHẦN HÓA HỌC :

Y dược tây phương dùng củ, lá và hoa của Narcissus pseudonarcissus làm thuốc.

Các hóa chất tìm được trong cây thuộc nhóm alkaloid như Heamanthamin, galanthine, pluviin, masonine, homolycorin. Năm 1991, Tojo tìm được alkaloid mới mà ông gọi là (+) Narcidine . Ngòai ra cũng còn có chelidonic acid.

Riêng trong thủy tiên Narcissus tazetta có các alkaloid Lycorine, Lycorenine, Homolycorine, Lycoramine, Pseudolycorine, Lycoranolidine, Demethyl homolycorine, Lycoranoline, Tazettine.

 

DƯỢC TÍNH VÀ CÁCH DÙNG:

Thủy tiên căn được ghi chép trong bản thảo cương mục. Củ thủy tiên được xem là có vị đắng, chát tác dụng vào các kinh mạch thuộc hệ tâm và phế. Thủy tiên có khả năng phân tán nhiệt, trục hàn, trừ được mủ để làm lành vết thường sưng tấy, nên chữa trị được mụn nhọt, côn trùng chích.

Theo "bản thảo Đại hòa" (Nhật) thì nên giữ gốc thủy tiên phơi khô, tán thành bột để trị các vết thương chảy mủ.

Theo "Trung quốc dược học Đại tự điển" thì củ thủy tiên giả nát dùng để đắp vào những nơi sưng, nhất là sưng ngực của phụ nữ (nhũ ung) rất công hiệu.

Dược học Ấn-độ dùng rễ thủy tiên để giúp gây ói mửa và trị nhức đầu.

 

CÁC NGHIÊN CỨU DƯỢC HỌC MỚI:

Khả năng chống siêu vi: dung dịch trích từ thủy tiên trị được bệnh sưng màng óc do siêu vi kiểu lymphocytic-choriomeningitis ( thử nghiệm tại Stuttgard Đức do Teuscher và Lindequist 1994).

 

DS Trần-Việt-Hưng