HOÀNG TRỌNG

(1922-1998)

Phạm Anh Dũng

Tên thật là Hoàng Trung Trọng, nhạc sĩ Hoàng Trọng sinh năm 1922 tại Hải Dương, Bắc Việt. Năm 1927, ông theo bố mẹ đến sống ở Nam Định.

HoangTrong.jpg (15507 bytes)

Năm 1933, ông đã bắt đầu được học nhạc qua người anh ruột Hoàng Trung Quý. Từ năm 1937, Hoàng Trọng học nhạc tại trường Thày Dòng Saint Thomas Nam Định. Đến năm 1941, ông tiếp tục nghiên cứu âm nhạc qua sách vở và học hàm thụ từ Universelle de Paris.

Ngoài chuyện có khiếu về âm nhạc, từ thuở thiếu niên, Hoàng Trọng còn có khả năng tập họp, tổ chức ban ca nhạc. Đến năm 15 tuổi, ông đã tập họp các anh em trong gia đình như Hoàng Trung An và Hoàng Trung Vinh, các bạn như Đan Thọ, Đặng Thế Phong, Bùi Công Kỳ... thành một ban nhạc. Thuở ban đầu, ban nhạc không có tên, chỉ để giải trí và cũng để trình diễn giúp việc nghĩa. Nhưng đến năm 1945, khi Hoàng Trọng mở phòng trà Thiên Thai ở Nam Định, ban nhạc trình diễn mỗi tối ở đó và vì vậy lấy tên là ban nhạc Thiên Thai. Phòng trà và ban nhạc của Hoàng Trọng hoạt động đến khi chiến tranh Việt Pháp bùng nổ năm 1946. Thời gian ở Nam Định, ông cũng có mở một lớp dậy đàn, vào năm 1940.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi những nhạc sĩ đàn anh như Dương Thiệu Tước, Lê Thương, Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Xuân Khoát... phổ biến những bài hát tiên phong của Tân Nhạc Việt Nam, Hoàng Trọng đã sáng tác bản nhạc Đêm Trăng năm 1938 khi ông vừa 16 tuổi.

Vì chiến tranh ông di chuyển khỏi Nam Định, qua Phủ Nho Quan, Phát Diệm và cuối cùng định cư tại Hà Nội năm 1947. Chính thời điểm này ông đã viết ra Phút Chia Ly, một nhạc phẩm Tango bất diệt, lời do Nguyễn Túc đặt:

Lòng tê tái vương nhớ nhung
Người chinh phu với sầu đông
Thuyền không bến lắng trôi tới đâu
Đưa đón ai xa ngừng bến nào
Thầm reo rắc chi sầu nhớ....

Phải nói không nhạc sĩ Việt Nam nào viết Tango nhiều và viết Tango hay như Hoàng Trọng, do đó về sau này ông đã mệnh danh là Vua Tango qua những tác phẩm Tiếng Đàn Ai, Thu Qua, Cánh Hoa Xưa, Bên Sông Đưa Người, Lá Rụng, Mộng Ngày Hồi Hương, Thương Về Quê Cha, Tình Trăng, Bóng Trăng Xưa, Hương Yêu... và nhiều bản nổi tiếng như Phút Chia Ly, Mộng Ban Đầu, Mộng Lành, Đường Về, Đẹp Giấc Mơ Hoa, Tiễn Bước Sang Ngang, Em Còn Nhớ Không Em, Ngỡ Ngàng, Nhớ Hoài, Bắc Một Nhịp Cầu...

Xin mời nghe
Đường Về
Nhạc: Hoàng Trọng
Hòa âm: Lê Văn Thiện
Trình bày: Khánh Ly
Real Audio
.mp3 (high quality)

 

Xin mời nghe
Đẹp Giấc Mơ Hoa
Nhạc: Hoàng Trọng
Hòa âm: Vũ Tuấn Đức
Trình bày: Duy Trác
Real Audio
.mp3 (high quality)

Những ngày hồi cư về Hà Nội, Hoàng Trọng đã liên lạc được với những nghệ sĩ của đài phát thanh như Mộc Lan, Minh Diệu, Mạnh Phát, Châu Kỳ... và do đó tác phẩm của Hoàng Trọng bắt đầu được phổ biến.

Cũng thời gian ở Hà Nội, ông đã viết và được nhà xuất bản Thế Giới ấn hành quyển Tự Học Hạ Uy Cầm do ông biên soạn theo kinh nghiệm dậy đàn trước kia.

Năm 1950, nhạc sĩ Hoàng Trọng gia nhập quân đội và là trưởng ban Quân Nhạc Bảo Chính Đoàn trình diễn mỗi tuần tại một vườn hoa cạnh Bưu Điện Hà Nội và trong chương trình Tiếng Nói Bảo Chính Đoàn của đài phát thanh Hà Nội. Khoảng thời gian này ông viết nhiều bài hát trong đó có Gió Mùa Xuân Tới, điệu Rumba:

Gió mùa xuân tới
Cánh đồng tươi thắm trong nắng vàng
Muôn bướm tung bay
Mang sắc tươi phô cùng trời sáng...

 

Xin mời xem videovideoclip.gif (98 bytes)
Gió Mùa Xuân Tới
Nhạc: Hoàng Trọng
Trình bày: Hồng Nhung
Real Player

Ngoài Gió Mùa Xuân Tới, những bài hát Rumba hay những điệu gần vậy như Bolero, Samba... về sau Hoàng Trọng sáng tác thêm là Nhớ Thương, Đường Về Dĩ Vãng, Thôi Đừng Lưu Luyến, Say Say Say, Vui Cảnh Mùa Hè, Trăng Lên, Nhịp Võng Ngày Xanh, Hương Đời Đẹp Tươi...

Năm 1953, tên tuổi ông nổi bật từ bản Nhạc Sầu Tương Tư, điệu Slow hầu như được trình diễn mỗi ngày trên các đài phát thanh:

 
Chiều rơi cho lòng lạc loài chơi vơi
Ngày rơi ai buồn giây phút qua rồi
Thời gian luống phụ cho ai mãi đâu
Luống hận cho ai mãi đâu
Muôn kiếp u sầu...

 

Xin mời xem videovideoclip.gif (98 bytes)
Nhạc Sầu Tương Tư
Nhạc: Hoàng Trọng
Trình bày: Thu Phương
Real Player

Nhạc về nhịp điệu Slow được ông viết nhiều. Trước Nhạc Sầu Tương Tư, Buồn Nhớ Quê Hương (được giải thưởng Âm Nhạc Bắc Việt 1952). Về sau Hoàng Trọng có thêm những bản hay như Bên Bờ Đại Dương, Tiếng Lòng, Nhớ Về Đà Lạt, Khóc Biệt Kinh Kỳ, Mộng Đẹp Ngày xanh...

Xin mời nghe
Mộng Đẹp Ngày Xanh
Nhạc & Hòa âm: Hoàng Trọng
Trình bày: Quỳnh Giao
Real Audio
.mp3 (high quality)

Trong số những bản nhạc Hoàng Trọng sáng tác năm 1953 có Dừng Bước Giang Hồ, bản nhạc Pasodoble nổi tiếng như sau:

 
Chiều nay sương gió
Lữ khách dừng bên quán xiêu
Mơ màng nghe tiếng chuông chiều
Vương về bên quán tiêu điều
Vầng trăng hoen úa
Như lá vàng rơi cuối thu
Lững lờ soi mấy hàng cây
U sầu ta ngắm trời mây...

Những bản nhạc thuộc loại nhóm có nhịp điệu như Pasodoble, Fox và March của Hoàng Trọng có thể kể thêm là Chiều Về Thôn Xưa, Khúc Hát Mùa Chiêm, Hồn Thanh Niên...

Năm 1954, ông di cư vào Nam, chỉ một hai năm sau Hoàng Trọng đã sáng tác rất mạnh và có những ca khúc rất phổ thông.

Bản Ngàn Thu Áo Tím hay cả lời lẫn nhạc, do Vĩnh Phúc viết lời, là một thành công nhất trong những bản nhạc valse của ông như sau:

 
Ngày xưa xa xôi em rất yêu mầu tím
Ngày xưa vô tư em sống trong trìu mến
Chiều xuống áo tím thường thướt tha
Bước trên đường thắm hoa
Ngắm mây chiều lướt xa...
Xin mời nghe
Ngàn Thu Áo Tím
Nhạc: Hoàng Trọng
Hòa âm: Duy Cường
Trình bày: Thái Thanh
Real Audio
.mp3 (high quality)
 
Xin mời nghe
Chiều Mưa Nhớ Bắc
Nhạc: Hoàng Trọng
Lời: Thanh Nam
Hòa âm: Duy Cường
Trình bày: Kim Tướt
Real Audio
mp3 (high quality)

Những bản luân vũ khác hay của Hoàng Trọng đã viết có thể kể Chiều Mưa Nhớ Bắc, Khúc Ca Mầu Xanh, Bạn Lòng, Lạnh Lùng...

Trong tổng số khoảng 200 bản nhạc, khá nhiều là nhạc tình yêu và quê hương do Hoàng Trọng sáng tác, ông chỉ đặt lời lấy cho độ 40 bản, còn lại ông để cho nhiều người khác viết lời cho những bài hát. Đó là Hồ Đình Phương, Hoàng Dương, Nguyễn Túc, Quách Đàm, Vĩnh Phúc...

Nhạc sĩ Hoàng Trọng viết nhạc cho rất nhiều phim Việt Nam kể cả những phim có tiếng như Xin Nhận Nơi Này Làm Quê Hương, Giã Từ Bóng Tối, Người Tình Không Chân Dung, Sau Giờ Giới Nghiêm, Bão Tình... Riêng nhạc của cuộn phim Triệu Phú Bất Đắc Dĩ, Hoàng Trọng đã được giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật trong năm 1972-1973.

Sau năm 1954, định cư ở miền Nam, Hoàng Trọng bắt đầu thành lập những ban nhạc trình diễn trên đài phát thanh Sài Gòn, đài Quân Đội, đài Tiếng Nói Tự Do và đài Truyền Hình Việt Nam. Những ban nhạc của ông hoạt động đến mãi 1975, có nhiều tên khác nhau như Hoàng Trọng, Tây Hồ, Đất Nước Mến Yêu... và nhất là từ năm 1967 Tiếng Tơ Đồng, ban nhạc đại hợp xướng trình bầy toàn là những nhạc phẩm đa số là nhạc tiền chiến có giá trị, với thành phần ca nhạc sĩ hùng hậu và tên tuổi của miền Nam Việt. Năm này qua năm khác, trước 1975, những ban nhạc này đã góp phần lớn lao vào đời sống tinh thần của người dân Việt.

Sau 1975, ông chỉ sáng tác có vài ba bản nhạc và không phổ biến. Bản cuối cùng của Hoàng Trọng là Chiều Rơi Đó Em.

Năm 1992, Hoàng Trọng qua định cư tại Hoa Kỳ và ông đã qua đời năm 1998.

Nhạc sĩ Hoàng Trọng, Vua Tango, có một chỗ đứng cao quý trong Tân Nhạc Việt Nam.

Phạm Anh Dũng
Tháng 10, 2000
Santa Maria, California, U.S.A.