Văn Chương Internet

Đỗ Quyên & Vũ Đình Kh. & v.v.

 

Trao đổi về một cách đọc thơ

 

Cảnh 1

Hậu sáng tác

Văn chương, theo tự nhiên, vốn là hình thức trao nhận để cùng thẩm thấu những cái hay, cái đẹp xảy ra hoặc không xảy ra trên đời được gợi cảm qua phương tiện chữ nghĩa mà con người tạo nên. Vì vậy, hơn gì khác, văn chương cần nhất sự san sẻ lẫn nhau, giữa tác giả và độc giả. Văn hay chữ tốt là ở bàn tay kẻ viết, cùng ở con mắt người đọc.

Về mặt thơ - nhất là thơ tự do, thơ cách tân, thơ hiện đại (rồi thơ hậu hiện đại, v.v.) - lại nở ra rộng khắp trong và ngoài Việt Nam cách đây không lâu, đã làm cho không ít nhà thơ và bạn đọc thơ luận bình, bàn tán; trong đó rõ hơn cả là sự khó chịu về các cách tân chữ nghĩa. Muốn "lý giải" một vài chữ, câu trong thơ, hoặc một hình tượng bằng thơ, người đọc đôi lúc cần phải có đầu óc phong phú hơn người bình thường để có thể tự chính mình gợi ra những hình ảnh mà nhà thơ biểu đạt (và chưa biểu đạt!) Tuy nhiên, người đọc đôi lúc cũng không thể hiểu hết những gì nhà thơ muốn "nói" qua ngôn từ, khi mà chỉ "nhỉnh" đi một vài dấu chấm, phẩy hay thiếu sót vài lỗi chính tả có sự cố ý của nhà thơ... Vì thế có quan niệm, từ trước tới nay và có lẽ từ nay về sau, người đọc đôi lúc như kẻ mù sờ voi, muốn hiểu sao thì hiểu, vì bởi bản tánh nhà thơ vốn bất cần đời, vốn... cóc cần giảng giải đến độc giả! Đây là một suy nghĩ chưa ổn của những người làm thơ. Làm sao đây, khi đọc một bản văn khó hiểu hoặc một đoạn thơ bị coi là bí hiểm tới mức "kệch cỡm"?

Tạp chí "Thơ" (Mỹ) đã hơn một lần đặt ra các Câu Hỏi Về Thơ Tự Do mà trong trao đổi dưới đây thế nào cũng sẽ "dính" phải. Trong đó, đánh thức chúng tôi nhất là câu: Tại sao gần nửa thế kỷ thơ tự do, không một ai phát biểu về thể loại này, nếu có thì lại chỉ là những phát biểu mù mờ theo kiểu cảm tính? Tại sao đa phần người đọc lại chỉ rung cảm với thơ có vần, và rất ít cảm tình với thơ tự do?

Chúng tôi nghĩ về những người cầm bút, trước hết! Quýt làm thì... quýt chịu trước! - Chỉ có những người cầm bút mới dễ dung hòa phần nào điều này. Tại sao chúng ta viết xong, chúng ta hài lòng ngay với bản thảo còn ấm ánh đèn bàn viết trong vòng mắt của đôi ba tri âm, mà không tự thả ra cùng chia sẻ với ánh nắng thiên địa? Chúng ta đã không công bằng cho chính mình và với ngay cả những độc giả biết thưởng ngoạn về văn, thơ. Dường như, lâu nay chúng ta - những người cầm viết - ít có sự CAN ĐẢM về vụ này: Tự mổ xẻ máu thịt mình bằng lưỡi dao phê bình của mình và văn hữu; Tự tung những đứa con còn nóng hơi mình ra gió nắng khắc nghiệt của đời; Và, đôi khi, bạo liệt hơn: tự ăn thịt mình khi nhận ra mình chưa đủ chín với đời, với người! Vì sao chúng tôi nghĩ chính người cầm bút cần làm những điều này? Chúng ta cần phê nhau, bình nhau - giữa một vành đai bạn viết thân thiết - trên chính tác phẩm của nhau, qua hình thức nửa trao đổi nửa thưởng ngoạn; xem như một thử thách ban đầu về việc cảm thụ thơ tự do, hay thi ca nói chung, hay văn xuôi, hay loại hình nghệ thuật nào đó, trong khi tận dụng phương tiện thông tin vừa nhanh vừa mạnh (có thể chưa được chắc chắn) là Thư điện tử - E-mail. Cảm thụ trước cảm thụ. Và rồi, hệ quả của phương cách trao đổi này còn xa hơn thế, quan trọng hơn thế: Theo các lời phê, lối bình cụ thể đó mà những người sáng tác, bằng cách đi riêng khác với các phương pháp phê bình chính thống, "lần mò" đến các vấn đề chung của phê bình trên phê bình và sáng tác trên sáng tác của văn học Việt Nam nói riêng, và của văn học thế giới nói chung.

Bằng cách như thế, chúng ta sẽ làm một công việc mà thực chất là hậu-sáng-tác. Không hơn không kém! Trang văn, dòng thơ của chúng ta sẽ có chiều kích riêng, ngoài những chiều kích nội tại của nó do ta vừa sinh ra bằng bản thảo và ngoài những chiều kích ngoại suy mà người đọc nói chung, và nhất là giới phê bình "nhà nghề" nói riêng, sắp tạo dựng ra. Những sáng-tạo-hậu-sáng-tạo này cũng có thể chưa, hoặc khó có thể, xem là chính xác về nội dung của những vấn đề liên đới; song hẳn đó sẽ là lượng thông tin lớn và tin cậy về những điều gọi là tâm lý sáng tác, lao động nhà văn, v.v...

Tinh thần nhà văn, nhà thơ còn quá nhiều chênh lệch về sự tích lũy. Cách đây không lâu lắm vấn đề thư giao, gặp gỡ giữa những người cầm viết còn bị tính thời gian giam cầm, nên thiếu sót này là khả dĩ. Hôm nay, nhờ hệ thống Internet trong tích tắc vài phút giây đồng hồ, mọi sự trao đổi theo kiểu "nhảy dù" đầy ngẫu hứng (nên ít nhiều vô tư) và mang tính phỏng vấn lẫn đối thoại về tất cả những gì xung quanh việc sáng tác, cũng như về phê bình, sẽ làm giảm thiểu khiếm khuyết nói trên.

Chúng tôi là hai người bạn văn quen nhau đủ lâu, và - như hai trong số ba vạn tám ngàn kẻ nòi tình văn chữ khác - từng thư giao dài dài năm này tháng nọ, trong đó chuyện bài vở được coi là trọng; dĩ nhiên, vì đã chịu nhau rồi thì sự phê cái bình cũng dễ mà thể tất cho nhau. Dẫu khen cũng chẳng làm kiêu, có chê nào đâu sinh nản. Nối tiếp cung cách cũ đó trong phương tiện mới, chúng tôi ngỡ ngàng mà nhận ra rằng "rượu cũ" đã có những hiệu quả bất ngờ trong "cái bình mới" - là Thư điện tử E-mail này! Bởi vậy, bằng thứ dũng cảm bản năng mà kẻ cầm bút nào cũng hân hưởng, hai chúng tôi xin liều mình quăng ra cái thử nghiệm nho nhỏ và chân chất này, mong mỏi gom vào nền văn học chung một lối-tiếp-cận-tác-phẩm-và-tác-giả giữa những người sáng tác với nhau và góp vào sinh hoạt văn nghệ một loại hình mới.

Hy vọng rằng cuộc thử nghiệm đầu tiên về việc phê và bình nhau trên chính tác phẩm của nhau sẽ gây hào hứng đến những người cầm bút cùng các độc giả yêu văn thơ. Chúng tôi xin phép được miễn làm các lời lý giải có tính thủ tục về nhiều sự khiếm khuyết, nhiều cái lạ lẫm thường có trong các thử nghiệm nghệ thuật, nhất là trong lãnh vực thử nghiệm thể loại. Hãy đọc chúng tôi trong một tình chữ nghĩa.

Và, cùng với một số sinh hoạt chữ nghĩa khác cũng đang có trên phương tiện thông tin này (các WebSite văn học, các tạp chí văn học nghệ trên liên mạng, các Mailing-List trao đổi về văn học; v.v...) chúng tôi đề nghị gọi đây là loại Văn Chương Internet!

 

Cảnh 2

Giới thiệu nhân vật, đề tài...

Lần đầu tiên, tôi biết đến nhà thơ Đỗ Quyên (ĐQ) cách nay bảy năm qua một đôi truyện ngắn đăng trên các báo ở Đông Âu và Bắc Mỹ; sau đó có nhận một số bài thơ ông gửi qua từ Đức quốc với lời đề tặng thân ái, qua sự giới thiệu của một bạn văn là Vũ Hoàng Anh Bốn Phương (VHABP). Tuy nhiên, sau này tôi vẫn không thích gọi ông là nhà văn, mặc dù về thể văn xuôi ông viết cũng rất đạt, mang nhiều trăn trở trong cuộc sống đời thường. Tôi thích gọi ông là nhà thơ hơn bởi nghĩ rằng ông đã ăn ở với những trang thơ, nặng nợ hơn mặt văn xuôi. Tất nhiên, tôi cũng biết ông từng viết các bài phỏng vấn về những người cầm bút, về người Việt, về chuyện nước non Việt nói chung ở mọi giới, khắp nơi, với tựa sách "Nhìn Cây Thấy Rừng" do Nhà Văn Nghệ xuất bản và phát hành. Tôi biết ông cùng ăn cùng ở với thơ hơn văn xuôi qua sự liên lạc mật thiết giữa hai chúng tôi. Đọc những trang thơ rải rác khắp nơi của ông, mỗi lúc một rõ rệt hơn, thấy ông như muốn tìm kiếm thêm gì đó để cách tân chữ vào những câu thơ, hình tượng... bóng bẩy và khó hiểu hơn! Chúng như một khát vọng làm mới mạnh mẽ nghệ thuật thơ mà một số người làm thơ đương đại từng phê phán: chữ nghĩa phù thủy, chữ nghĩa lập dị - điều mà không ít nhà thơ, như ông, đang cố công thử nghiệm, tạo lập ra một màu sắc riêng.

Tôi đọc thơ không nhiều; tôi cảm nhận về thơ thật khó, không như một số người thưởng ngoạn; và bởi nó tốn quá nhiều thời gian chiêm nghiệm, khi mà cuộc sống cơ cầu ở xã hội văn minh như một guồng đẩy buộc con người rượt đuổi thời gian.

Đã gần ba năm không đụng đến trang giấy, tôi hầu như quên mình đã trút bỏ được nghiệp dĩ. Nhưng cái chết của VHABP đã kéo, gọi chúng tôi gần nhau hơn trong sinh hoạt bút chữ. Chúng tôi cùng 3-4 văn hữu khác viết về một người bạn vừa ngã xuống. Và chúng tôi cùng làm việc. Khi những trang văn vừa hình thành, nhờ phương tiện viễn thông nhanh nhậy là E-mail này chúng tôi liên lạc, có ngày năm-sáu lần. Cũng vẫn chỉ là các trao đổi, những bài vở gợi ý nhau, tranh luận nhau như dạo viết thư qua bưu điện; nhưng nhờ cưỡi trên con sóng thời gian, các trao đổi của chúng tôi đã mang những linh hồn mới. Rất mới!

Đầu tiên, tôi là người khởi xướng ra việc này. Tôi gửi đến ĐQ những trang văn còn "trinh vết mực" nhờ ông xem, nhận xét. Ông cho tôi những ý kiến khá bổ ích, chỗ nào cần cắt bỏ, thêm vào. Sau đó, ông cũng chuyển đến tôi những trang thơ mà ông dang dở viết, để tôi đọc và gợi ý! Tới khi hoàn tất trường ca Đống Chữ, ĐQ bỗng nhiên nhờ tôi... phê bình thơ ông! Tôi có bảo: "Tôi đọc thơ còn chưa nên cơm cháo gì, thì làm sao dám phê bình thơ." Ông cứ bảo: "Kh. thử nói, ví dụ, ở bài này, có "dung tục" không khi đọc đến những câu, đoạn có các chữ như "condom", "tinh trùng"?" Tôi đáp cho qua rằng đây là trường ca, một thể loại thơ khó nhấm nhất, rằng tôi đã đọc hai lần với hai tâm trạng cảm nhận ở trường ca Đống Chữ vậy mà nhiều chỗ chưa nắm bắt hết những tư tưởng diễn đạt qua ngôn từ.

ĐQ liền gửi tiếp một lá thư dài hơn đến tôi, ngày 25/09/99:

"Đọc thơ là một cái thú, mà như chỉ có người Á Đông ta coi đó là cái thú chung của hết thảy mọi người. Hơi thế, là thú cao sang, nhã thiệp. Người phương Tây coi sự đọc, bình thơ như mọi "lao động nghệ thuật" nào khác của một giới nhất định. Đọc thơ chỉ thấy hay khi người đọc có Tâm Trạng khác biệt nào đó. Tất nhiên, cần có độ Thẩm Thơ. Kh. có điều kiện Cần, nhưng chắc ít có Tâm Trạng nên ít thấy thơ hay. Dạo này, sau vụ thằng Hồng (VHABP) tôi cảm thấy Kh. đang có tâm trạng, lại mới bị thất nghiệp: hãy đọc nhiều thơ vào! Với tôi, có khi đọc lại Xuân Diệu, Nguyễn Bính... thấy chán, sáo vô cùng; có khi thấy tuyệt, cao vô hạn. Lỗi không phải do thơ đâu, mà do tâm trạng thơ của người đọc thơ. Ông có cảm giác khó là chuyện thường. Trong Đống Chữ, tui vẫn tiếp tục cho ra một vài cách thể nghiệm. Tui cần biết phản ứng của bạn đọc. Những chỗ nào ông cảm khoái? Những chỗ nào ông thấy dở, chỗ nào khó hiểu đến mức không chịu nổi?"

Ông nhà thơ này đang dí thơ vào mũi tôi đây! Tôi trả lời:

"Trường ca của anh, bây giờ tôi chưa đọc lại. Đợi khi nào thật thanh thản và tuyệt đối yên tĩnh như hôm đầu tiên tôi đã đọc, mới thấm. Tôi không ngờ, đọc thơ không phải là dễ. Đọc mà muốn biết tác giả tâm sự gì còn khó hơn lên núi tìm trầm! Việc bình thơ càng không dễ, đôi khi đưa đến vấn đề thù hận nhau như chúng ta từng thấy trong văn học Việt Nam bấy lâu nay. Riêng về chuyện "tinh trùng" hay "condom" gì gì đó, tôi đọc chẳng thấy khó chịu tí nào cả! Tuy nhiên, đã lâu, tôi có nghe anh em văn nghệ sĩ ở địa phương cư ngụ phàn nàn những chuyện tương tự từ thơ Nguyễn Hoàng Nam, Đỗ Kh., ĐQ, v.v... Tôi chỉ cười và không trả lời!"

Cảnh 3

Các đối thoại mới

26/09/99

+ Đỗ Quyên (ĐQ): A ha! Tui vẫn thường chôn sống tui đây. Thằng Hồng cứ tưởng chỉ có thể chôn mình bằng họng súng lục. Còn có thể chôn mình bằng trang viết nữa: Đọc cái trường ca này đi thì biết!
 
- Vũ Đình Kh. (Kh.): Mà lão cứ dí thơ lão vào hết mặt người này đến mũi kẻ khác là làm sao?
 
+ ĐQ: Kệ! Thi sĩ thời phải lỳ! Cứ nhét thơ vào mắt thiên hạ, nếu chưa thổi vào tim họ được; Như nhà truyền đạo: Đạo Thơ. Chậc! Thì nói đại vậy, cũng phải chọn mặt mà gửi... thơ chớ!
 
- Kh.: Tôi chưa bao giờ đồng ý về vấn đề phê bình thơ! Thật ra chẳng mấy ai bình trúng thơ ai cả! Theo tôi, những người quen và rất thân với chính nhà thơ may ra có thể làm chuyện "bình thơ" do rành về cá tánh, thân mật nhau, và chẳng... care mất lòng nhau!
 
+ ĐQ: Vì ông chưa gặp những tay bình thơ "nhà nghề" đó thôi.
- Kh.: Vậy hãy chờ, tôi cố gắng trả lời sớm. Vì ở Đống Chữ, tôi đọc đoạn Thân 1 hai lần; còn những đoạn khác chỉ đọc qua có một lần, nên chưa bình bàn gì được.
 
+ ĐQ: Mỗi ngày ông cứ đọc một Thân cho tôi nhờ.
 
 
27-28/09/99
 
+ ĐQ: Một bất ngờ vui với tui: bằng cung cách "thầy cò" bất đắc dĩ này ông đã đi vào "ma trận thơ".
 
- Kh.: Đã đọc hết nó, thêm... hai lần nữa! Nói chung đây là một trường ca hay. Ở chỗ nhiều nơi có nhạc tính và ý thơ bộc thoát. Người đọc cần nhiều thời gian và kiên nhẫn mới hiểu hết toàn bài. Khó mà hiểu hết những gì anh bộc bạch trong từng câu.

+ ĐQ: Về nhạc tính trong thơ, nó "lớn chuyện" lắm ông ạ! Sẽ để dành cho các lần sau, khi nào cạn chuyện. Riêng với tôi, đó là tiêu chí đầu tiên và cuối cùng để đọc thơ và làm thơ. Ta rẽ ngang vào câu hỏi đầu tiên của Tạp chí "Thơ", "Những yếu tố căn bản phân biệt giữa thơ vần và thơ tự do?" - Tôi muốn nói ra một phản trả lời: Nhạc tính của toàn bài thơ là yếu tố để không phân biệt giữa thơ vần và thơ tự do.

Về sự kiên nhẫn, với một bài thơ bình thường (bình về thi pháp, thường về dung lượng), cũng cần. Kiên Nhẫn: hai chữ này ngó qua thấy sao mà nặng nề, với thơ. Mà, quả vậy: Hãy Kiên Nhẫn mà... thưởng thức Thi Ca! Chớ nghĩ rằng những bài thơ chỉ chiếm mặt bằng có một khoảnh bằng cái đít chai trên trang báo mà tiêu thụ nó theo trò "mì ăn liền". Riêng điều này tôi nghĩ cùng với ông.

Nhưng về mặt Thời Gian thì tôi không nghĩ thế. Đọc thơ, làm thơ cũng như yêu, như làm tình: Con người ta có thể yêu nhau, thực thi tình yêu qua mọi hình thức, ở bất kỳ không gian-thời gian nào một khi có sự đồng thuận của hai kẻ đang yêu. Với thơ cũng rứa! Và, đây là một cái khác giữa thơ với văn xuôi. Truyện ngắn, rồi tiểu thuyết, quả là cần lượng thời gian để đọc. Tất nhiên, riêng với trường ca, vì 2 lý do dung lượng và bố cục ý đồ, cũng có vấn đề của thời gian, nhưng đó không phải là Thời Gian về mặt nhiều-ít (số lượng của Thời Gian), mà là chất lượng của Thời Gian: Thời gian nào (của người đọc) thích hợp với việc đọc trường ca.

Người đời thường tham lam mà bê cả cái máu tham lam cố hữu của mình vào chuyện thơ. Không! Đọc thơ, cái quan trọng không ở Hiểu hết, mà ở Cảm một phần (còn nếu Cảm hết được thì... trúng mánh rồi!) Ngay cả các loại thơ mà bây giờ tạm gọi là "kinh điển" hay thơ vần (thơ niêm luật, lục bát; thơ Tiền chiến...) cũng chỉ là Hiểu hết theo nghĩa đen của từ ngữ. Thơ tự do đã sang một hình thức khác hẳn, đó là Cảm thơ và Nghe thơ. Tại sao ca dao Việt, thơ Đường Trung Hoa, thơ Haiku Nhật... sống mãi? Thực ra, vì sự tinh lọc cao cường tới mức giản hóa của ngôn từ ở ba loại thơ ca này, chúng làm ta tưởng bở là Hiểu, Hiểu hết. Ta chỉ có thể Cảm được các loại thi ca thượng thặng đó của văn hóa Đông phương. Thơ phương Tây thì khác; tính triết lý rõ rệt, sự mạnh và thẳng của tư duy, của hình ảnh làm cho ta có thể vừa Hiểu, vừa Cảm cùng lúc. Thơ hiện đại của tụi Tây bây giờ đã tước đi sự hiểu thơ với hình thức ngôn từ. Tiếc là bạn của ông chỉ đọc được thơ ngoại ngữ trong bản dịch, nên các so sánh nói trên đều dựa trên một cảm thụ thơ có lẽ còn chưa tới. Ông có tay bạn nào nhiều duyên sinh ngữ thì kích hắn trả lời câu hỏi này để hiểu rõ về thơ Việt Nam hiện nay: Sự khác biệt giữa thơ tự do phương Tây và thơ tự do Việt Nam?

- Kh.: Thơ, hay trường ca, cần được chắt lọc qua những người mộ thơ, qua một số độc giả "khó chịu" và không ngại tốn thời gian thẩm thơ. Thơ có một cái khó hơn văn xuôi là thế!

+ ĐQ: O. Paz vời vợi đến vậy mà cũng than rằng chỉ mong sau khi chết có vài ba người đọc ông như là đọc một nhà thơ. Tôi không cho đây là cách nói "làm khách" của một-người-lớn là Paz trong đại gia đình thi ca đương đại. Nhà thơ - trong ý nghĩa tột cùng của nó- là kẻ đơn lẻ tột cùng. Chữ "khó chịu" của ông có lẽ nên hiểu một cách thoải mái: đó là có tính thích đơn lẻ. Dù là đơn độc trong một khoảng khắc, để mà đọc thơ; rồi sau đó có thể liệng bài thơ ra, ôm đống những con cùng cái, chầm bập bà dzợ và rồi cả tá hệ lụy trần ai: Billlllll! Shoppppping! Jobbbbb!

- Kh.: Tôi cũng chưa đọc nhiều về chuyện làm thơ. Tôi nghĩ làm thơ tốn nhiều công phu và thời gian cùng tim máu của nhà thơ, so với người viết văn.

+ ĐQ: Không! Chưa hẳn vậy! Nếu nói về sự Nhiều thì "công phu và thời gian cùng tim máu" giữa nhà thơ và nhà văn không so sánh được đâu, ông à! Nhưng cái này thì có thể khác, có thể so sánh được: Công phu và thời gian cùng tim máu của nhà văn thì may ra (nhấn mạnh: may ra!) còn có thể nhìn thấy được, hiểu được; Song, của nhà thơ là không! Không bao giờ! Cảm được công phu và thời gian cùng tim máu của nhà thơ, thì là điều "may ra"!

- Kh.: Cho nên, phê bình thơ là một điều "tào lao" ngay cả đối với giới chuyên phê bình về thơ?

+ ĐQ: Trong nghĩa của người sáng tác thì ông có phần đúng. Nhưng với tư cách của giới độc giả, của một nền văn học thì phải có bộ môn phê bình thơ chớ! Không có phê và bình, không cái gì tiến triển được, kể cả Thơ! A, trừ với... nhà thơ. Tư chất, hắn chả cần ai phê, ai bình hắn cả!

- Kh.: Thơ - về mặt chữ nghĩa - ngày càng xúc tích hơn; không như văn xuôi, tôi nghĩ, vẫn còn đứng yên ở vị thế xưa. Vì bởi các nhà thơ ngày một chịu khó làm chữ nghĩa mỗi lúc mới hơn! Cũng với số lượng chữ đó, nhưng những nhà thơ cách tân đã biết cách hoán chuyển nó "khó hiểu" hơn. Nó chưa hẳn là khó hiểu! Chẳng qua chúng ta đọc những loại thơ cách tân này một cách hời hợt, rồi sẽ "lạng quạng" hiểu trật những gì nhà thơ muốn "nói".

+ ĐQ: Cho tui ký tên chung trong lời nhận xét... dễ ợt ấy! Tại sao thơ và văn xuôi có sự cách biệt ở việc làm mới chữ nghĩa? Trước tiên là vì lý do thể loại, một thứ lý do cố hữu và dễ hiểu mà mỗi loại hình nghệ thuật nào cũng phải ráng chịu như một số phận. Thể loại văn xuôi, fiction hay non-fiction gì thì gì, cũng là đời thường: nó cần độc giả, cần thị trường tiêu thụ, cần nhất là sự cộng hưởng của văn hóa-xã hội chung. Thi ca, cũng trong vị thế của một thể loại nghệ thuật, có thể "không care ba cái chuyện ruồi bu" đó! Nói riêng, với cách tân văn xuôi bao năm nay, phương Tây và Bắc Mỹ đã bàn chán chê, về lý luận. Với Việt Nam ta luận bàn khơi khơi thì có; trong khi mà bên sáng tác lại xảy ra không ít. Hồi 1965-75 Hoàng Ngọc Biên, Huỳnh Phan Anh... cùng nhóm "Tiểu thuyết mới" đã đưa một cách viết mới vào văn xuôi Việt Nam, đó là việc sử dụng hiệu quả chữ nghĩa như một kỹ thuật tạo vấn đề trong tương quan mới con người-đồ vật; nhưng - tui liều nghĩ - lối viết này chỉ thành công có tính giai đoạn: thành công trong một thời tiết văn chương dạo ấy. Bây giờ, đọc lại khuynh hướng văn chương đó cá nhân tui phải... chạy! Phạm Thị Hoài đang và có lẽ suốt đời văn của mình chỉ làm việc tạo dạng mới cho chữ và nghĩa trong văn Việt. Lúc này bà đang OK, dù tôi không khoái "chuyện" và cả "truyện" Phạm Thị Hoài (Bởi truyện Phạm Thị Hoài ăn đời không ở chuyện, mà ở văn pháp: lối kể, câu lời, từ chữ). Tui bái phục văn Phạm Thị Hoài cùng ý chí cao vọi của bà: cải và tạo chũ, nghĩa. Chỉ sợ 30 năm sau, một kẻ ĐQ phết nào đó lại vung phán về Phạm Thị Hoài như tên ĐQ này đang bàn loạn về Hoàng Ngọc Biên, Dương Nghiễm Mậu... Cơm muối, cầu cho đừng như vậy! Nhưng, thử hỏi, với tuổi đời 100 niên tính trong 2-3-4,000 niên hình thành và phát triển văn minh, chữ quốc ngữ- như là một phương tiện của xã hội, của văn hóa Việt Nam- đã đủ "cũ" để "làm mới" chưa nhỉ? Mà thôi, sang chuyện vá trời rồi.

- Kh.: Hồi xưa, Hoài Thanh-Hoài Chân, tôi nghĩ là họ chưa phê bình thơ thực sự, chưa phê bình thơ đến cùng; mà chỉ là việc bình thơ thông thường, trong những trang thơ cụ thể với cách dụng chữ biền ngẫu của thời chữ quốc ngữ thành hình chưa lâu lắm. Vả, hồi đó phong trào Thơ mới không mấy giống thơ bây giờ! Thành thử muốn bình thơ hiện nay, nhất là thơ cách tân chữ nghĩa, khó hơn nhiều. Thơ cách tân - với tôi - chữ nghĩa nó không có vẻ "mướt quá, xanh như ngọc" của Thơ Tiền chiến, hoặc thơ "Tự do... Mới". Thơ tự do bây giờ chuyên chở suy nghĩ nhiều hơn. Hình tượng nhiều hơn. Từ đó, tự độc giả đi tìm những gì nhà thơ diễn đạt.

 

29/09/99

- Kh.: Bản thảo của anh vẫn còn những lỗi chính tả, như tôi tìm thấy. Anh nên in ra giấy recheck lần nữa cho chắc chắn!

+ ĐQ: Tái đa tạ sự "nhẫn nại" của ông. Ối giời, còn những 15 lỗi lớn bé lận! Chỉ có bạn văn với nhau mới làm nổi việc cỡ "Ngu công chuyển núi... chữ" này. Vâng. Tui in ra giấy ba bản, thưa bạn; reeeeecheck, mà Đống Chữ, hơn 40 trang giấy khổ chữ 11, vẫn là đống... lỗi!

- Kh.: Câu: "Các anh buông chữ - chữ vốn dài và nặng". Chữ "buông" hay "buôn" ? Buông thả chữ nghĩa hay buôn bán chữ nghĩa? Chỉ có một "thằng" G làm câu thơ thành khác!

+ ĐQ: Ở đây là "buông", giời ạ!

- Kh.: Xuống đó 2 trang, câu: "Có còn nhớ không những ngày nao chúng mình duyên bút hẹn?" Chữ nào hay nao? Chỉ nhắc anh mà thôi!

+ ĐQ: Ông tinh đó. Nhưng chữ nó còn tinh hơn ông: "Nao" thì mới đã!

- Kh.: Về Thân ba Bi Ca Bình Minh, anh viết:

"Lần đầu tiên làm thơ giấy là màn hình, bút là con chuột
Thấy lùng bùng như trao duyên qua condom...
Và cũng xong!"

Đây là đoạn tôi thích! Khó có ai ví von trong thơ bằng màn hình và con chuột; và nhất là thấy lùng bùng như "xài" condom - "cũng xong" - như thế. Đây là sự thành công trong chuyển nghĩa về hình tượng. Nó không dung tục, mà đời thường. Nó chắt lọc qua sự thử thách cách dụng chữ. Nó "sâu sắc" ở chữ "lùng bùng". Tại sao làm thơ bằng màn hình và con chuột anh lại dùng chữ "lùng bùng", mà không chọn những chữ khác? Và tại sao khi trao duyên qua condom anh không dùng chữ khác mà lại dùng chữ "lùng bùng"? Và, tùy sự kinh nghiệm thơ và kinh nghiệm đời của người đọc. Nếu nghĩ thanh nó sẽ thanh, nếu nghĩ dung tục thì nó dung tục. Gợi một hình ảnh làm suy nghĩ ở người đọc đã là điều khó, mà gợi cho người đọc suy nghĩ về thanh- tục là điều khó hơn.

+ ĐQ: Tui cũng những muốn tin là vậy.

- Kh.: Chữ "collage" trong câu "Collage: Kỹ thuật" là sao? Nếu là dịch nghĩa chữ "kỹ thuật" thì có thể là "technique" hoặc "technical".

+ ĐQ: À, khi viết đến đó, tui tính làm cái giải thích ở cuối bài; nhưng lại... thôi. Nếu in ra thành bản văn, có thể đó là sẽ thiếu sót của tôi, mà cũng có thể không! "Collage" ở đây không phải dịch ra của từ "kỹ thuật", mà ý rằng đó chỉ là kỹ thuật làm thơ; Trên câu này có các câu:

"Mỗi bản tình ca có khuôn vàng thước ngọc riêng
Tứ bảo nào vĩnh tận
Thơ không cãi lại kỹ thuật
Giấy bút mực nghiên: kỹ thuật ".

Nếu phải chú thích thì nó dông dài lắm. Ví dụ: "Collage" là một kỹ thuật, một cách tạo dựng của nghệ thuật hội họa khi đem Dán, Ghép các miếng báo chí, mẩu tranh ảnh, vạt vải quần áo... lên bề mặt của tác phẩm hội họa. Từ 1915-16, trường phái Dada - Dadaism - (là một trường phái cách tân mang tính Hư Vô của nghệ thuật và của cả văn chương) đã đưa kỹ thuật collage vào phạm vi chữ nghĩa: dàn xếp, sắp đặt, dán ghép một cách ngẫu nhiên các từ ngữ, sự vật và hình ảnh không hề có quan hệ với nhau lại cùng nhau."

- Kh.: Cũng trong Thân 3, đoạn:

"Người kép chính không đòi lên tiếng
Bi kịch lạc quan sẽ của nắng trời
Ngày của những gió khàn
Ai chỉ biết ba bông hoa trà nở sớm
Lá nào loang loáng
cho mình tưởng bóng ngày vui
Lòng mẹ cưng hoa súng nở tranh hùng
Truyền thuyết cũ mới thành con nhái bé
Cả trận mưa máu và mưa chữ nghĩa
dai dẳng hiện về chuyển mình
mưa thế kỷ giành cơn"...

Đây là đoạn hay nhất của cả bài. Nhiều nhạc tính; nhưng khó nhận nếu sơ ý đọc thoáng qua. Tôi thích nhất đoạn ấy, thích hơn cả đoạn dưới đây mà trong lá thư trước tôi nói là thích sau khi đọc lần đầu:

"Bạn có trong đời ba nỗi đau
Để riêng tận góc một lòng sâu
Lâu lâu gặp lại cho tôi nhận
Chung đỡ phần đang ở trong nhau.
... Mớ chữ còn đây nỗi bòng bong
Mốt mai tái gặp chốn xa cùng
Cho tôi mượn lại nơi lòng bạn
Thảo một bài thơ của vạn dòng."
 
Đoạn:
 
"Cho lên theo một con buồm
biển cạn nhìn núi đáy
hoang vu nào
tranh người em gái
miệng trắng như áo che trinh
Bao giờ các tầng lục địa
chiếm diện tích thơ tình
Bao giờ em trắng
nhìn hết lòng tranh
Uyên nguyên của tình
em không thấy
màu sắc chỉ cho em"...

đọc nghe vui tai; diễn tả nó hay đến mức nào, ra làm sao thì tôi... chịu! Nó lục lặc như nhạc, đọc chói tai nhưng thấy thích!

+ ĐQ: Hai đoạn này được viết rất bốc, không hề cân nhắc trong đầu, trên tay có gì. Bàn phím chạy rào rào như trẻ ăn cỗ! Cả Thân ba Bi Ca Bình Minh nữa. Trong Đống Chữ có chừng ba thân như vậy. Có lẽ vì thế nó mang nhạc tính cao? Ông cảm thấy vậy tức là tui có thể hét lên "Bingo!" được rồi! Người đọc và người viết có nơi hội ngộ. Ngày trước viết bằng tay trần, khi mần trường ca những lúc sa vào các đoạn kiểu này tay tui phải bay. Mới viết chỉ 2-3 trang giấy mà cổ tay như bị sái vì nâng tạ quá cỡ. Xong cái Đống Chữ tui nhiều lần thốt ra bằng lời: "Mẹc-xì bố-cu mẹ đĩ Còm-piu-tờ! Chỉ riêng các đoạn bốc này là không thấy "lùng bùng" gì sất!"

- Kh.: Đoạn Mộ Văn, xuống một trang, ở câu: "Tôi nhớ Essenin ngồi bên ai vẫn mơ mòng..." Đây là "mơ mòng" hay "mơ màng"?

+ ĐQ: Chính tui cũng phải giở hai tập thơ ra tra lại. Ngày xưa tui nhớ là "màng"; vậy mà cả hai bản là "mòng"; "Lão" Xuân Diệu dịch đấy!

- Kh.: Xuống đó khoảng ba trang, các câu về Nguyễn Tất Nhiên:

"Tôi không cần mộ chí
Tôi
sống không có nhà
ăn mặc trang bản thảo
Trong các trạm điện thoại tôi trú thân
chờ nhà người bạn tiếp theo cửa mở"...

Tôi nghĩ, ở câu "ăn mặc trang bản thảo" dùng chữ "trong" hay hơn chữ "trang"; dù hai nghĩa rất khác nhau. Vả lại dùng chữ "trong"; câu thơ được tiếp nối câu kế "trong các trạm...." và sẽ làm sáng nghĩa hơn về sự sống chết cùng chữ nghĩa của ông người-thơ NTN.

+ ĐQ: Chữ này... Để tui nghĩ thêm.

- Kh.: Xuống đó hai trang, trong câu:

"Tôi đang chuẩn bị ẩm thực và dành máy điện toán với con
phòng khi ông già Daghestan theo tay ông
vớ súng"...

"Vớ súng" hay "với súng"? "Vớ" là tiếng miền Nam, "với" là tiếng miền Bắc. Hai chữ đều như nhau cả!

+ ĐQ: Ủa, Bắc hay Nam thì cũng có "vớ", có "với" chớ? Nè, bạn ta! "Vớ" khác "với" đấy nhé: "với" là đưa tay lên hay thẳng tay ra mà cố gắng cầm, níu vật gì ở cao, xa ngoài tầm tay; ví dụ: "Dang tay với thử trời cao thấp" (Hồ Xuân Hương). Còn "vớ" là cầm, nhận, níu, tóm... vật gì, điều gì một cách không lựa chọn, vô thức ngẫu nhiên; ví dụ: "Chết đuối vớ phải bọt" (Tục ngữ); Nói thêm: "Vớ" khác cả với "vơ"; ví dụ: "Tôi lấy vợ là vơ lấy tội!" Ha ha…

- Kh.: Xuống đó chín câu: "Cái phóng lãng cá nhân giơ ông lộ diện". Tôi không hiểu! Hay là "giờ ông lộ diện"?

+ ĐQ: Ý nói sự phóng lãng trong cách sống, trong sáng tạo thơ của Maia khiến ông ta lộ diện dễ dàng: "giơ" mặt ông ta ra với đời. Mà đời thì nó đểu, nó vả vô mặt ổng, như toàn thế giới từng thấy.

- Kh.: Thân 6, các câu:

"Ta qua những cánh đồng ngô
thẳng tắp sự nghiêm trang đồng phục
Một bắp, hai bắp, ba bắp
Bao nhiêu hạt trời cưu mang"...

Câu này sáng, gợi lên một không gian của những quân nhân đầy kỷ luật trước khi ra trận!

+ ĐQ: Lại vô tình thêm sự đồng điệu giữa người viết và người đọc. Đi chơi biển Wasaga, về qua một cánh đồng ngô, nhịp thơ trong tui bắt đầu sống lại, đẩy bài thơ đi tiếp. Trước đó tui còn mải chơi; bơi và ăn, uống, và ngắm người!

- Kh.: Câu:

"Hôm nay, chúng vùng dậy
đòi quyền nhường chỗ
cho một ai khúc về những người thơ trước sau cũng tự sát";

Nếu thay chữ "cùng" cho chữ "cũng" thì sẽ hay hơn; và ít trúc trắc hơn.

+ ĐQ: Yes Sir! OK ngay lập tức; chịu ông về chỗ sửa này.

- Kh.: Khoái quá! Lâu lâu đánh một cái cũng trúng!

+ ĐQ: Phê bình văn nghệ là vậy: y chang như... quét nhà! Thế nào cũng quét ra rác và ra... của nả!

- Kh.: Trong cả đoạn này và ngay sau đó có rất nhiều ý và lời của nhạc. Nếu anh có quen ông nhạc sĩ nào, chọn đoạn này phổ nhạc thì hết ý. Có rất nhiều cảm giác man man khi đọc. Chưa thử sao biết?

+ ĐQ: Nhưng chưa có cơ hội. Mình lại không quen thân tay làm nhạc nào. Thêm nữa, khi không bảo kẻ khác phổ nhạc cho thơ mình, cả với người thân thiết, thì vô duyên lắm! Mần thơ là vì thơ chớ đâu vì... nhạc! A, cũng đã tính khi nào sửa chỉnh xong xuôi sẽ gửi cho Phạm Duy đọc chơi; Gửi là để cám ơn lá thư chung của ổng gửi cho bạn bè khi Thái Hằng lên cung trăng vĩnh viễn. Tui có vài ý vài tứ dành cho cặp nghệ sĩ Việt Nam hiếm hoi ấy trong trường ca này, Kh. đọc có nhận ra không?

- Kh.: Thân 7, trong đoạn:

"Em
Thơ anh
là tiếng Yêu của em
cất lên buổi ấy
và ngân mãi theo gió
ca một niềm thương"...
"Ca" hay "cả" đây?

+ ĐQ: Ý của tui là "ca".

- Kh.: Rồi! Nợ anh tui trả! Như đã nói, từ trước đến giờ tôi ít để ý đến thơ. Nay đọc bản trường ca này rồi đàm luận cùng anh, tôi thấy ở thơ mang nhiều ý nghĩa hơn, thú vị hơn, dù rất mất thời gian đôi bên cùng tâm sự, cùng thẩm thơ.

Còn nữa, trong trường ca Đống Chữ có nhiều chỗ khô vì quá dài. Vấn đề này cần có thêm sự phê bình từ giới thưởng ngoạn thơ. Hai giờ khuya rồi! Thôi, tui thăng...

+ ĐQ: Thế là qua những ngày dzui của tui: Trao đổi xả láng, với ông, về thơ - một thứ (như tình yêu) không dễ trao đi và nhận lại.

À này, Kh. còn đó hông? Có "homework" cho ông bạn đây, tối mai chiều mốt "làm" dùm: Gửi ông coi trao đổi ngắn giữa tui và Thế Dũng (TD )- tay bạn thơ bên Đức.

- TD (với ĐQ): Đã đọc hai lượt Đống Chữ. Trường liên tưởng rộng rãi và cường tráng; nhưng Ý Cú và Pháp Cú thì chưa Thâm Hậu. Tại sao lại "Đống Chữ"? Thế đã. Xin ông nghĩ thêm và... giận tôi thì cứ giận.

+ ĐQ (với TD): Giận sao được? Mà lý ra phải bay đến thưởng rượu ngon cho các lời phê, bình, nhất là các lời chê, xác đáng! Quả là Pháp Cú chưa thâm hậu, tôi công nhận: đó là sở đoản của ĐQ. Hắn thiên về Hình tượng (Từ Cú chăng, nếu nói theo kiểu của TD?) Còn về Ý Cú: Trường ca Đống Chữ là sự dựng lại các vấn đề "kinh điển" trên một cơ thể mới. Ngay cái khái niệm "Đống" cho chuyện "Chữ Nghĩa" (vốn cũ) cũng có thể coi là mới! Nói vui, giang hồ, xét cho cùng, có lẽ chỉ có nửa tá Ý Tưởng là thâm hậu mà chúng lại chạy hết vô kinh vào kệ cả rồi! Này, mách người lâu nay vẫn hay đọc trường ca rằng, tôi luôn có ý khai khẩn cái vùng đang bị người ta bỏ hoang này.

- TD: Cảm ơn người biết dùng rượu! Tôi tặng ông một câu sau: Nhiều khi cái nhan đề phải là mũi tên dẫn người đọc tới ý tưởng đích thực của tác phẩm. Từ "đống chữ" chưa làm được chuyện ấy. Ông nên nghĩ tiếp...

- Kh. (với ĐQ): Ờ, tôi thiếu sót khi chưa nói ra những điều mình nghĩ mà quên viết, nhất là về từ "đống chữ"! Với ông TD thì sao tôi không biết, chứ với tôi, khi nhận bản thảo, đọc, chỗ tôi hiểu trước nhất của cả bài trường ca, đó là hai chữ: Đống Chữ. Có lẽ, tôi "cảm" hai chữ này nhanh hơn ông TD. Lí do? Ngoài tôi và ĐQ, tôi nghĩ khó có ai hiểu hết những gì mà bài trường ca Đống Chữ muốn nói. Vì đây là một bài ca về hồn vía VHABP và chỉ chúng ta mới hiểu nhanh đến như vậy, qua cái chết khó hiểu và thê thảm của hắn! Chẳng qua là vì cái Đống Chữ dung tục ở đời này, ta sử dụng nó mà không biết kiềm chế nó, thì dễ đi tàu suốt lắm. Và điều này đã xẩy tới VHABP! Hắn lụy vì chữ nghĩa, và chết vì chữ nghĩa. Tôi nghĩ, có lẽ, hắn chưa thấu hết cái trang trọng, cái sâu hiểm của đống chữ nghĩa vô thừa, vô vi đã khiến hắn tự vẫn?

Về sự phê phán "Ý Cú và Pháp Cú thì chưa Thâm Hậu" của ông TD, tôi cũng không đồng ý. Ông như mâu thuẫn trong những ý lời của nhau. Ông muốn nó thâm hậu đến mức độ nào, khi mà chưa cảm hết chỉ qua hai chữ "Đống Chữ"? Tôi cũng không mấy muốn diễn dịch thế nào là pháp cú, là ý cú trong thơ tự do, nhất là thơ cách tân qua hình thức diễn đạt bằng hình tượng ở thơ ĐQ. Hình tượng không cần pháp và lẫn ý cú, theo tôi.

Nè, ĐQ, ông hỏi dùm tui xem là TD đã từng nhìn ngắm ai kỹ khi họ khóc chưa? Chưa! Hãy thử xem nào? Khóc cũng giống như làm thơ! (Còn ông bạn già của tôi lại nói: Làm thơ cũng như làm tình!) Hãy nhìn ông nào hay bà nào đang khóc một người thân vừa nằm xuống... Họ khóc hu hu, hù hụ. Dài lê thê. Khi nhặt, khi khoan. Đến một lúc nào đó, trong khi đang "thi hành" việc khóc, họ chợt nhớ lại những kỷ niệm đẹp xấu, vui buồn với người quá vãng, tự dưng họ rống lên thảm thiết vô vàn. Làm thơ cũng vậy à! Khi khoan, khi nhặt. Lúc khô khốc, lúc tha thiết mẫn cảm. Vì vậy, giống như những cái khóc rống lên, trong suốt chiều dài của một bản trường ca nào đó người đọc sẽ gặp những điều khi thì bất chợt, lúc lại bàng bạc đâu đó, trước sau - Đấy là những chỗ nhà thơ muốn nói, mà vì chúng ta không trong cuộc khó thấy trong nhất thời. Ở Đống Chữ có lắm chỗ vậy.

Tôi không muốn bàn sâu nữa, vì nghĩ rằng nó không ích mấy, khi giữa tôi và TD chưa hề liên lạc nhau. Mang cái tình văn nghệ, nên dừng ở một chỗ nào đó; nó sẽ đẹp hơn.

+ ĐQ (với Kh.): Ô-kay! Tạm ngưng vụ này. Chúng ta còn những Cảnh 10, 100... trong tấn kịch "Văn chương Internet" mà... Nào, trong Cảnh 4 kế tiếp, tui tính chuyển sang nhân vật khác, đề tài khác: Bàn về những bài thơ tự do mà tay bạn viết "đồng hương Toronto" của tui - Nguyễn Đức Tùng (NĐT) - mới làm. Hắn vốn mê "mùa cổ điển" nhưng chả hiểu sao 2 tháng nay, lần đầu tiên, nhào như điên sang dòng thơ tự do (*). Là bác sĩ, hắn bèn gọi cách thức chúng ta đang trao đổi này giống như một phương pháp của y học Bắc Mỹ: khác với y học Âu châu truyền thống dạy học trò lý thuyết trước khi thực hành trên thân xác con bệnh, y học Bắc Mỹ có một phương pháp gọi là "Case Study" tìm hiểu trên chính bệnh nhân trước khi và cùng lúc với việc học lý thuyết. Tui và NĐT cũng đã có các trao đổi hòm hòm rồi, trên các bài thơ tự do của chính NĐT, như hai ta vừa làm về trường ca ĐQ. Ông theo dõi; và nhảy vào cùng làm "cuộc chơi thi ca tay ba, tay tư..." này chứ? Cám ơn!

Vì một nền Văn chương Internet lanh lẹ, trực ngôn và hào sảng!

Đỗ Quyên & Vũ Đình Kh. & v.v.

________

 

*) Sau khi đọc bài này, Nguyễn Đức Tùng viết tiếp:

"Ông có biết tại sao gần đây tui khoái viết thơ tự do không? Từ nửa năm nay, tui đọc Xuân Diệu, Huy Cận, Đinh Hùng... không còn thấy thích nữa. Vẫn thấy hay, vẫn phục, nhưng không thích. Đơn giản là không thích. Chúng ta đã đi quá xa, không còn trở lại được nữa. Đọc thơ tự do cần hai phía: Một bên là nhà thơ với tài năng và tấm lòng mình; Không ràng buộc vay mượn; Không làm dáng trí thức; Không tuyên ngôn; Không talky; Không sợ người khác không hiểu mình. Mặt khác, người đọc cần nâng mình lên; Không làm biếng, dễ dãi; Không ăn sẵn; Và trước hết cần có nhu cầu: Không có nhu cầu đọc thơ tự do, người ta không đọc; Lúc nào? Lúc họ tiếp xúc với ngoại ngữ và văn hóa nước ngoài, nhất là phương Tây.

Đoạn ông nói về tụi Tây: không đúng đâu! Tui đã từng suy nghĩ nhiều về chuyện này. Cũng như lắm người Việt Nam khác, tui cứ tưởng rằng người mình yêu thơ lắm. Thì hãy nhìn coi: tờ báo nào cũng có vài bài thơ. Còn ra sạp báo Tây, tìm mỏi mắt không thấy thơ đâu. Ấy vậy mà không phải vậy à nghen! Theo tui, cấu trúc ngoại ngữ, đặc biệt tiếng Anh và Pháp- máu thịt của thơ tự do- sẽ mang lại cuộc cách mạng trong thơ Việt Nam ở thế kỷ này đây. Nói cách khác, thơ tự do là máu thịt của người phương Tây; Còn ở người mình, nó là tâm hồn đau điếng được nâng cao lên (Xin đừng hiểu lầm, tui không có ý so thơ Việt chúng mình cao hơn tụi Tây, hay thơ tụi nó cao hơn thơ mình!)

Trước khi đọc Đống Chữ, tui đọc thơ ông mà không có nhiều ấn tượng mạnh. Duy có nó, đã làm tui mất ngủ. Ông đã kết tụ. Chính trong khi đọc ĐC mà tui viết bài Nhà Văn. Những nhà thơ khác, ví như Đỗ Kh., Nguyễn Hoàng Nam, Chân Phương, v.v... cần có "những ĐC" để họ đến với tui, cá nhân tui. Với những người đọc khác, như ông chẳng hạn, họ có thể đã có "những ĐC" rồi chăng?"